Tập truyện này trước do ngài Văn Xương Đế Quân đời nhà Tấn sưu tập những truyện nói về nhân quả và sự báo ứng qua nhiều triều đại ở Trung Quốc.
LỜI NÓI ĐẦU
Nhân quả báo ứng là một tập truyện của Trung Quốc, có vẽ tranh minh họa rất sinh động. Tập truyện này trước do ngài Văn Xương Đế Quân đời nhà Tấn sưu tập những truyện nói về nhân quả và sự báo ứng qua nhiều triều đại ở Trung Quốc.
Tập truyện này kể lại nhiều câu chuyện mang tính giáo dục cao, có thể giúp dạy bảo, khuyên răn nhằm bồi dưỡng nhân cách, đưa con người hướng đến Chân, Thiện, Mỹ, trở thành một thành viên hữu ích cho gia đình và xã hội. Qua một thời gian dài được lưu hành rộng rãi tại Trung Quốc, tập truyện này rất được sự hưởng ứng và tán dương của hầu hết mọi tầng lớp nhân dân. Vì thế, cho dù đã ra đời cách đây hơn 1700 năm nhưng hiện nay nó vẫn tạo ra được những ảnh hưởng quan trọng trong đời sống tinh thần của mỗi chúng ta, thông qua việc truyền bá giáo lý nhân quả, một niềm tin hầu như phổ biến ở mọi người trong các xã hội phương Đông.
Mặc dù tự biết mình sức học non kém, nhưng xét thấy đây là một tập truyện hay và thích hợp với nhiều người nên tôi đã cố gắng trích dịch một số truyện sang Việt ngữ, mong rằng có thể giúp cho những ai không biết chữ Hán cũng có thể ít nhiều thưởng thức được tập truyện này. Trong công việc dịch thuật, chắc chắn không tránh khỏi sự sai sót, rất mong được sự góp ý và thông cảm của quý độc giả.
Nha Trang, ngày 14 tháng 6
Tân Tỵ – 2001
QUẢNG TRÁNG
Xin được trích dẫn ba câu chuyện ngắn:
1. Làm quan thương dân, công đức rất lớn
Triều đại nhà Tần có một vị quan tên là Lâm Hạo, người tỉnh Phúc Kiến. Lần nọ, ông ta phụng mệnh vua đến tỉnh Thiểm Tây để xem xét công trình nạo vét lòng sông và ông đã tận mắt chứng kiến mấy vạn dân phu ngày đêm bị cưỡng bức nạo vét. Vì làm việc quá sức, một số dân phu phải bỏ mạng tại công trường, còn số người bị thương thì nhiều không kể xiết.
Tần Thuỷ Hoàng là một bạo chúa thời bấy giờ, nhưng Lâm Hạo không hề sợ hãi. Vì quan tâm đến những người dân lành, ông đã dũng cảm lên kinh đô để tường trình với hy vọng vua có thể cho phép các dân phu thay phiên nhau nghỉ ngơi và mời thầy thuốc đến chữa trị bệnh tật cho họ. Song Tần Thuỷ Hoàng ngu muội, không những không phê chuẩn mà còn định xử trị Lâm Hạo.
Lâm Hạo tuy là vị quan tốt thương dân như con đẻ nhưng cũng đành phải bó tay ngồi nhìn dân chịu khổ. Vì thế, lòng ông sinh ra phiền muộn, lâu ngày thành bệnh rồi chết.
Sau khi chết, hồn ông được đưa đến âm phủ. Vua Diêm La bảo ông rằng: “Nhờ sự cầu xin cứu mạng cho hàng vạn dân phu của ngươi nên ta cho ngươi được thọ thêm 50 tuổi.”
Nói xong liền ra lệnh bọn tiểu quỷ dẫn hồn ông trở lại dương thế. Lâm Hạo nhờ vậy mà được sống lại. Sau đó ông xin nghỉ hưu về quê sống ẩn dật cho đến lúc mất.
Lâm Hạo thương lo cho dân, việc dầu khó khăn đến đâu ông cũng cố gắng làm cho được, khiến cho hàng quỷ thần cũng phải kính phục. Nhân đó mà ông được tăng thêm tuổi thọ.
Cho dù mạng sống đã hết nhưng nhờ làm thiện có thể được sống lâu hơn, có thể chuyển nghèo thành giàu, mạng yểu thành trường thọ chỉ trong nháy mắt. Mới biết tất cả sự thưởng phạt của tạo hoá thật ra cũng đều do việc làm thiện ác của ta mà ra cả!
2. Ngược đãi công dịch, ác báo nhãn tiền
Vào đời Lương Vũ Đế, ở huyện Vũ Xướng tỉnh Hồ Bắc có một vị quan huyện tên là Trương Huyền. Thường ngày ông ta rất ưa tác oai tác quái, mặc ý đánh đập, giết hại những người phu dịch. Chẳng hạn, ông ta thường đi thuyền tuần tra trên sông. Trong mỗi lần ấy, nếu chẳng may gặp phải sóng lớn thuyền bị chao đảo hoặc đi chậm lại, ông ta liền mắng những người phu thuyền là lơ đễnh, biếng nhác. Số người bị ông ta nhẫn tâm giết hại rồi quẳng xác xuống sông chỉ vì một chuyện nhỏ như vậy thật không sao tính hết.
Về sau, có một lần đang đi trên thuyền, sự cố tương tự lại xảy ra và ông ta lại giết thêm một số phu thuyền nữa. Trong lúc chuẩn bị rượu thịt để ăn uống, bỗng nhiên ông nhìn thấy một con quỷ dữ, tóc tai bê bết máu me nổi lên từ giữa sông rồi lao tới chộp lấy ông ta, kéo ra giữa dòng sông và dìm chết. Mọi người trên thuyền cũng đều nhìn thấy cảnh tượng ấy, bảo nhau rằng: “Đây quả là sự báo ứng về tội ngang ngược giết hại những người phu dịch hằng ngày của ông ta.”
Không có gió làm sao có sóng?
Không gieo nhân làm sao gặt quả?
Thân làm quan phụ mẫu, đã không nghĩ đến sự khổ cực của người dân, lại còn bạo ngược gây nhiều oán hận thì tránh sao được ác báo nhãn tiền?
3. Thông cảm, tha thứ ắt được phước báo
Vào thời nhà Minh, có vị đại thần tên là Hạ Nguyên Cát. Hôm nọ, ông ta thấy một viên quan do bất cẩn làm mực bắn vào tờ thánh chỉ của vua. Hạ Nguyên Cát biết anh ta quá sợ tội nên có thể tự sát, liền vội an ủi: “Anh đừng quá sợ hãi, tôi sẽ nghĩ cách giúp anh.”
Hôm sau, Hạ Nguyên Cát vào triều tâu rằng: “Muôn tâu Thánh thượng, hạ thần sơ ý đã làm bẩn thánh chỉ, tội thần thật đáng chết.”
Hoàng thượng cười và nói: “Vậy ta phạt khanh chép lại một lần.”
Về sau, Hoàng thượng biết được sự tình, khen ông ta là người biết thông cảm, tha thứ cho thuộc hạ. Không bao lâu, Hạ Nguyên Cát lại được thăng làm Hữu thừa tướng. Thật là có lòng tốt cứu người ắt được phước báo.
Làm một người chủ, một người có quyền, nếu thường xuyên quan tâm giúp đỡ những kẻ thuộc hạ, biết dùng các phương tiện để khoan dung và tha thứ cho những lỗi lầm của họ thì vị ấy tất sẽ được mọi người kính mến, dầu có gặp việc xấu cũng sẽ được hoá giải trở nên an lành. Đó chính là nhờ phước đức mà họ đã tạo vậy.
Mời quý bạn đọc trọn bộ Nhân Quả Báo Ứng – Văn Xương Đế Quân – Quảng Tráng dịch tại file PDF dưới đây.