Thế gian tất cả mọi thứ đều là phiền toái, đến cuối cùng bạn nghĩ và nhận ra, ngay cả cái thân thể này cũng là sự phiền toái.
Phật dạy chúng ta phải cầu điều gì vậy? Chúng ta phải cầu giác ngộ, đây là sự thật. Chư Phật Bồ Tát ở trong mỗi niệm đều cầu giác ngộ, cầu sáng tỏ chân tướng vũ trụ nhân sinh; tuyệt đối không cầu danh vọng lợi dưỡng, tuyệt đối không cầu sự hưởng thụ ngũ dục lục trần, đời sống luôn luôn ở mức thấp nhất.
Đời sống ở mức thấp nhất, thật không ngờ là đời sống hạnh phúc nhất, mỹ mãn nhất, cứu cánh nhất của đời người. Đạo lý này không có người biết, ngày nay nói ra cũng không có người tin. Nhưng mà nếu tư duy thật sâu, bình tĩnh mà quan sát, bạn có thể nhìn thấy.
Thế gian tất cả mọi thứ đều là phiền toái, đến cuối cùng bạn nghĩ và nhận ra, ngay cả cái thân thể này cũng là sự phiền toái. Vật ngoài thân càng nhiều, gánh nặng của bạn càng nặng, cuộc sống của bạn càng vất vả.
Những điều mà Phật Bồ Tát, tổ sư thị hiện, thử nghĩ thật kỹ, bình tĩnh mà quan sát, chúng ta sẽ giác ngộ, sẽ hiểu rõ thôi. Mọi thứ đều phải buông xả, nhất tâm chỉ cầu chánh giác; cả đời vì người khác không vì bản thân, đây là người vui sướng nhất.
Tiên hiền Trung Quốc thường nói: “Giúp người là gốc của niềm vui”. Khi học tiểu học, thầy cô thường hay nói với chúng tôi như vậy. Hiện nay chúng tôi tự mình thể hội được rồi, giúp đỡ người là niềm vui chân thật.
Bản thân ham muốn tất cả danh lợi, hưởng thụ ngũ dục lục trần, đó là đau khổ đích thực. Khổ – lạc không có tiêu chuẩn nhất định. Cái gì là khổ thật sự? Cái gì là lạc thật sự? Người hiểu được không nhiều. Thật sự hiểu được, thông đạt sáng tỏ, mới có thể thể hội được tinh nghĩa trong kinh Phật thường hay nói: “Lìa khổ, được vui”..
Chúng ta hiện tại đang tu học Phật pháp, có rất nhiều thứ cần thiết chúng ta vẫn phải sưu tập để làm tham khảo, còn đời sống vật chất thì chúng ta nhất định phải thỏa mãn, vì giáo hóa chúng sanh có rất nhiều phương tiện huyền xảo không thể không biết.
Phật dạy chúng ta “Tứ nhiếp pháp”, ở phần trước tôi đã giảng rồi. Tứ nhiếp pháp là nguyên lý, nguyên tắc tiếp dẫn chúng sanh, cho nên Phật pháp là vô cùng linh hoạt.
Ngày nay tuy chúng ta có một số thọ dụng hoặc là vật chất, hoặc là về mặt tinh thần, trên hình tướng thì có nhưng trong tâm lý không được có. Có trên hình tướng là để làm gì vậy? Là tiếp dẫn chúng sanh.
Nếu như người học Phật chúng ta ngày nay ai nấy đều giống như Phật Thích Ca Mâu Ni, mỗi ngày đi ra ngoài khất thực, không có gì cả, thì thế gian không có người nào dám học Phật, vừa nhìn thấy, “Học Phật nguy quá! Anh xem, đáng thương đến mức như vậy đấy, hằng ngày ra đường ăn xin. Thôi, không nên học Phật nữa”.
Cho nên vì tiếp dẫn chúng sanh, chúng ta cũng phải làm đẹp mẫu mã của mình, để chúng sanh thế gian nhìn thấy mà sanh tâm hoan hỷ. Nhưng mẫu mã này, bản thân bạn không được phép bị mẫu mã làm mê mờ, vậy là hỏng rồi. Bản thân phải giác ngộ, cái mẫu mã bề ngoài này là để cho người khác xem, tuyệt đối không phải tự thọ dụng. Bản thân tâm địa thanh tịnh, chẳng có gì cả, thân tâm thế gian tất cả buông xả, bạn mới được như ý, vậy mới gọi là “thần túc”.
Trích: Phật Thuyết Thập Thiện Nghiệp Đạo – tập 56!
Hòa Thượng Tịnh Không!