Chúng ta đối với việc niệm Phật của chính mình cần phải đặt lên hàng đầu, đừng chạy theo thị phi nhân ngã, đừng lo nghĩ tưởng những chuyện không đâu để rồi tiêu phí mất thời gian của chính mình nữa.
Muốn biết công phu của chính mình được đắc lực, có một bí quyết quý vị có muốn biết không? Đó là đừng đi lo nghĩ tưởng vu vơ, nếu quý vị thích đi lo chuyện bao đồng, thích đi tìm hiểu thị phi (đúng sai, tốt xấu) ở khắp mọi nơi, rồi đem những chuyện thị phi này để ở trong lòng, ngày ngày khởi dậy các thứ vọng tưởng (khởi tâm động niệm), phân biệt, chấp trước (dính mắc), thì một đời niệm Phật này xem như uổng công. Vì sao?
Vì tâm chẳng thanh tịnh, khi niệm Phật chỉ được miệng niệm còn tâm thì không có niệm, cái tâm này là đang bận lo nghĩ tưởng về các chuyện thị phi của thế gian. Niệm Phật như vậy thì làm sao có thể thành tựu được chứ? Có thể nói đây chính là thất bại lớn nhất của người tu Tịnh Độ (pháp môn Niệm Phật).
Chúng ta phải biết rằng hai chữ “Tịnh Độ”, chữ “Tịnh” có nghĩa là thanh tịnh, chữ “Độ” có nghĩa là quốc độ, cho nên Tịnh Độ tức là quốc độ thanh tịnh.
Chúng ta niệm Phật muốn vãng sanh về Tịnh Độ (Cực Lạc) thì tâm cần phải tương ưng với Tịnh Độ, đó là tâm thanh tịnh. Nay đối với những thị phi của thế gian ta cứ luôn ôm đồm trong tâm mình thì tâm làm sao có thể thanh tịnh?
Cho nên, chúng ta nếu muốn cho công phu niệm Phật của mình đột phi mãnh tiến thì cần phải buông bỏ tất cả mọi thị phi nhân ngã (ta người), không nên đi lo chuyện bao đồng, cũng đừng nên chấp trước nữa.
Trong cuộc sống hằng ngày đối với công việc và trách nhiệm của mình thì cố gắng làm cho thật tốt, thật chu đáo, ngoài ra bất cứ chuyện gì cũng đừng lo nghĩ, đừng thăm hỏi đến, luôn giữ cho tâm ý của mình thanh tịnh mà niệm Phật. Được như vậy thì chỉ trong thời gian ngắn công phu nhất định sẽ được đắc lực.
Có người khi nghe đến đây sẽ không chấp nhận, họ cho rằng trong cuộc sống có biết bao nhiêu việc cần phải lo toan, nay buông xuống hết chuyện gì cũng chẳng lo đến thì làm sao được?
Nên biết rằng vận mạng của mỗi người đều đã được định sẵn rồi, nếu trong số mạng là có thì dù không lo đến nó vẫn có, còn nếu trong mạng là không có thì dẫu có lo lắng đi nữa cũng chẳng có.
Con người nói thật ra chẳng có cách chi vượt khỏi số mạng của chính mình, cho nên mọi suy tưởng đều chỉ là vọng tưởng mà thôi, vậy thì hà cớ gì phải lo nghĩ làm chi cho mệt, sao không giữ cho tâm ý mình thanh tịnh mà niệm Phật để đi đến chỗ công phu đắc lực?
Khi công phu thật sự đắc lực thì vọng tưởng, chấp trước sẽ giảm dần đi, sẽ chẳng còn lẫy lừng như trước nữa. Lúc này nếu cố gắng dõng mãnh dụng công tinh tấn thì rất dễ dàng đi đến Bất Niệm Tự Niệm, cũng tức là công phu thành phiến. Khi đạt đến tầng công phu này thì xem như việc niệm Phật của quý vị đã thành công rồi đó, quyết định được vãng sanh, nắm chắc vãng sanh vào Thượng Phẩm của Phàm Thánh Đồng Cư Độ (ở cõi Cực Lạc).
Do đó chúng ta đối với việc niệm Phật của chính mình cần phải đặt lên hàng đầu, và quyết tâm phải hành trì cho được. Đừng chạy theo thị phi nhân ngã, đừng lo nghĩ tưởng những chuyện không đâu để rồi tiêu phí mất thời gian của chính mình nữa. Đức Phật dạy rằng:
“Mạng sống của con người chỉ ngắn ngủi trong một hơi thở, một hơi thở ra mà không tiếp tục hít vào nữa thì đã bước qua một kiếp khác”.
Vì thế chúng ta cần phải tranh thủ từng giây từng phút để cứu lấy chính mình, để tự thành tựu cho chính mình.
Trích Từ Bài Giảng Của Hòa Thượng Tịnh Không!
Hoan Nghênh Chia Sẽ, Công Đức Vô Lượng!
Nam Mô A Di Đà Phật!