Đây là phần chính của sách này. Mục đích nhằm giúp mọi hành giả biết tôn chỉ pháp môn niệm Phật và cách niệm Phật.
Đây là phần chính của sách này. Mục đích nhằm giúp mọi hành giả biết tôn chỉ pháp môn niệm Phật và cách niệm Phật. Một phương pháp thực hành cụ thể đảm bảo vãng sanh. Mục đích như đã trình bày ở phần ba, tiêu chuẩn vãng sanh rất dễ dàng. Trước giờ lâm chung, chỉ cần phát khởi ý muốn vãng sanh thì được Đức Phật A Di Đà tiếp dẫn vãng sanh ngay. Ý muốn mà chúng ta nói ở đây là sản phẩm của ý thức (thức thứ sáu). Ý thức phải thể hiện ý nguyện thiết tha muốn được vãng sanh.
Sát na cuối cùng trước giờ lâm chung:
– Nếu ý thức làm một việc khác như tham sống, sợ chết, luyến ái gia đình, tài sản hoặc bệnh hoạn bức bách mà bệnh nhân lúc đương thời có công phu niệm Phật (nghĩa là chủng tử Phật khá nhiều) thì việc trợ niệm nhằm niệm giúp, nhắc nhở ý thức của bệnh nhân quay về niệm Phật là vô cùng cần thiết. Khi đó, ý thức của bệnh nhân lãnh hội, chấp nhận thực hiện niệm Phật thì mới được vãng sanh. Bằng như ý thức bệnh nhân quá điên đảo, lãnh hội không nổi, không chấp nhận, không niệm Phật thì mất phần vãng sanh.
– Nếu ý thức bệnh nhân không hoạt động được nữa thì cho dầu có được trợ niệm vẫn không có kết quả. Thế thì, để bảo đảm vãng sanh, chúng ta phải trông cậy vào thức thứ tám (A Lại Da thức) hoạt động liên tục từ kiếp này qua kiếp khác, cũng gọi là tâm, là tự tánh, thực hiện việc niệm Phật thay cho thức thứ sáu (ý thức). Đây là chủ đích tối hậu của quyển sách này.
1. TIẾN TRÌNH TU TỊNH NGHIỆP
Tiến trình tu tịnh nghiệp như sau:
– Bất Niệm Tự Niệm.
– Sự Nhất Tâm Bất Loạn.
– Lý Nhất Tâm Bất Loạn.
a. Bất Niệm Tự Niệm: Sẽ trình bày chi tiết ở đoạn năm phần này.
b. Sự Nhất Tâm Bất Loạn: Niệm Phật cho đến khi đã phục trừ mọi phiền não: Tham, sân, si, mạn, nghi, tà kiến… cho đến ngày diệt được hết hẳn cả kiến hoặc và tư hoặc, nghĩa là không bị kiến tư hoặc làm loạn. Đây là Sự Nhất Tâm Bất Loạn. Ngôi vị này ngang hàng A La Hán của Thanh Văn và đắc định của Thiền Tông.
c. Lý Nhất Tâm Bất Loạn: Niệm Phật cho đến khi nào tâm mình mở ra, mình thấy được Phật của tâm tánh mình, thấy được chư Phật ở mười phương. Chứng được pháp môn Bất Nhị nghĩa là không bị tà thuyết nhị biên làm loạn. Đây là Lý Nhất Tâm Bất Loạn. Ngôi vị này ngang hàng thiền tông là minh tâm kiến tánh, đại triệt đại ngộ, là Đại Bồ Tát. Hòa thượng Trí Tịnh còn nói: “Người ấy còn ở Ta Bà cũng là vị Đại Bồ Tát”.
Trong suốt tiến trình từ khi bắt đầu thực tập đến khi đạt được bước thứ nhất (Bất Niệm Tự Niệm), dần dần đến Lý Nhất Tâm Bất Loạn cũng chỉ cần niệm một câu Phật hiệu duy nhất thôi. Đúng như kinh Lăng Nghiêm đã dạy:
“Không cần phương tiện gì khác, tự được khai tâm”. Như chư Tổ dạy: “Một câu A Di Đà Phật thành Phật còn có dư”.
2. NHỮNG YẾU QUYẾT NIỆM PHẬT ĐƯỢC NHẤT TÂM
Đại sư Hám Sơn dạy: Niệm Phật muốn được nhất tâm cần có năm yếu quyết sau đây:
– Phải có chí quyết định.
– Phải nhận rõ không mê lầm.
– Phải buông bỏ được.
– Phải tùy duyên.
– Phải có tâm chán khổ khẩn thiết.
Pháp sư Tịnh Không cũng dạy:
– Nhìn thấu.
– Buông xuống.
– Tự tại.
– Tùy duyên.
– Niệm Phật.
a. Phải có chí quyết định
Ngạn ngữ có câu: “Đường đi khó, không khó vì ngăn sông cách núi, mà khó vì lòng người ngại núi e sông” hoặc “Thành tâm sở chí, kim thạch vị khai” tạm dịch: “Lòng chí thành có thể chẻ đá, phá vàng”, hay như người đời thường nói: “Mọi thành tựu trên thế gian nầy dành cho kẻ có ý chí và nghị lực”.
Hoặc: “Niệm Phật không khó, khó ở bền lâu. Bền lâu không khó, khó ở nhất tâm. Nhất tâm không khó, khó ở quyết tâm”.
Vậy thì, hành giả Tịnh độ muốn thành tựu tầng công phu thấp nhất là Bất Niệm Tự Niệm phải có ý chí kiên cường là giữ vững lập trường, bền tâm quyết chí, không chùn chân, dừng bước, không thay đổi (quyết định), phải có nghị lực kiên cố, nhẫn nại sẵn sàng san bằng mọi nghịch cảnh, chướng duyên và một quyết tâm cao như leo núi cao, từng bước vững chắc nhất định lên đến đỉnh mới thôi.
b. Phải có tâm nhận rõ không mê lầm
Kinh dạy:
– “Nhất thiết hữu vi pháp như mộng, huyễn, bào, ảnh, như lộ, diệc như điện”. Tạm dịch: “Tất cả pháp hữu vi (pháp do tạo tác sinh ra hay do sai biệt sinh ra) như mộng mị (không thật), giả (huyễn ảo) như bọt nước trên biển cả, như bóng trong gương (không thật), như hạt sương trên đầu ngọn cỏ, ánh điện chớp trên bầu trời, có đó liền mất đó (biến dịch, vô thường, vô ngã).
– “Năng sở giai không, liễu bất khả đắc” Nghĩa là năng, sở đều là không, trọn chẳng thể lấy được, có được. Đây là chân tướng sự thật, nếu cứ tưởng tất cả có năng đắc, có sở đắc (có cái năng được, có cái để mình lấy được), đó là mê lầm, là vô minh.
Thiền sư Không Đàm nói: “Công danh cái thế, màn sương sớm. Phú quý kinh nhân, giấc mộng dài”. Tạm hiểu là công danh dù hơn đời cũng chỉ là hạt sương sớm mai trên đầu ngọn cỏ, mặt trời vừa ló dạng sương nọ tiêu tan ngay. Giàu có, rừng tiền, bạc biển, đến nỗi người phải kinh sợ cũng chỉ là giấc mộng dài mà thôi.
Chư Tổ dạy: “Bản lai vô nhất vật hay vạn pháp giai không”. Nghĩa là trong bản tánh chân tâm không có một vật gì cả, tất cả các pháp đều là không.
Còn về vợ chồng, con cháu thì sao? Chư Tổ dạy: “Vợ chồng là oan gia, con là đòi nợ, trả nợ, đền ơn hay báo oán mà thôi”. Nói như vậy không có nghĩa là vứt bỏ tình nghĩa vợ chồng, con cháu mà là phải và chỉ làm tròn bổn phận làm vợ, chồng, cha, mẹ chứ không luyến ái, dính mắc trước giờ phút lâm chung.
Tình ái là gốc sinh tử luân hồi, chướng nạn vãng sanh Cực Lạc. Phải nhận thức rõ như trên, mới gọi là nhìn thấu nhận rõ, không mê lầm.
c. Phải buông bỏ được (buông xuống, xả)
Đức Thế Tôn đã bỏ ngôi báu, cung vàng, điện ngọc, rời cha hiền, vợ đẹp, con ngoan, xuất gia tu đạo, sống cuộc đời đạm bạc ba y, một bát,… để rồi đắc đạo Giác Ngộ, trở thành bậc tôn quý nhất thế gian này, là bậc Thầy vĩ đại của người, trời, là Cha hiền của muôn loài. Đây là tấm gương sáng cho hàng Phật tử chúng ta.
Nhà Phật dạy: “Xả đắc” nghĩa là xả thì được. Xả một được một, xả mười được mười, xả tất cả được tất cả”. Vậy thì xả cái gì?
Pháp sư Tịnh Không dạy:
– “Xả: Ngũ dục, lục trần, danh văn, lợi dưỡng, tự tư, tự lợi, tham, sân, si, mạn” (mười sáu chữ).
– “Phóng hạ (vứt bỏ, xả) vọng tưởng (vô minh hoặc), phân biệt (trần sa hoặc), chấp trước (kiến tư hoặc)”.
Phương pháp ngộ nhập chẳng có gì khác ngoài buông xuống vọng tưởng, phân biệt, chấp trước.
Kinh Kim cang dạy: “Lìa (xả) tất cả tướng (tướng ngã, tướng nhân, tướng chúng sanh, tướng thọ giả), tu tất cả điều thiện”.
Lúc xử thế, đãi người, tiếp vật trong cuộc sống hằng ngày phải buông xuống ngã chấp. Chỉ cần buông xuống một tướng này thì sẽ hoàn toàn buông xuống hết.
Bốn tướng này có sự liên hệ mật thiết, có một tướng thì bốn tướng sẽ đều có, buông xuống một tướng thì sẽ buông xuống cả bốn. Chúng ta cần phải biết có đủ bốn tướng này là chướng ngại nghiêm trọng cho sự tu học Phật pháp. Sau đó đoạn hết thảy ác, tu hết thảy thiện tức là công đức chân thật.
Xả tức là không nên chấp trước. Phật pháp cũng không được chấp trước, huống chi là pháp thế gian. Cổ đức dạy: “Hạnh khởi giải tuyệt” nghĩa là bắt đầu công phu thì phải buông bỏ mọi kiến giải, dù là kiến giải tịnh độ.
Về tình ái cũng không dính mắc. Tất cả chúng ta, ai ai mới sinh ra đều là Trần Văn Trụi để rồi ra đi là Trần Trắng Tay. Đến chẳng mang lại gì (không), đi cũng chẳng mang gì theo (không, có chăng là nghiệp đã tạo). Thế mà chấp thủ làm chi? Quý vị hãy thử nghĩ coi, quý vị đã trân quý, bằng mọi cách chất chứa, cố gìn giữ tiền của, danh vọng, sắc đẹp,… thế mà nó cũng đã từng bỏ quý vị rồi. Những thứ hiện còn giữ, rồi một ngày nào đó, vô thường đến quý vị ra đi, dù quý vị luyến tiếc, quyết giữ nó, thử hỏi có giữ được không, hay là bắt buộc xuôi tay mà ra đi. Tóm lại, trước sau gì cũng phải buông bỏ mà thôi.
Nếu để chết mới buông bỏ, ôi thôi! Cả đời đã gây quá nhiều ác nghiệp, quyết định bị đọa vào ba đường ác là địa ngục, ngạ quỷ và súc sanh. Chi bằng bây giờ buông bỏ, quyết chí niệm Phật A Di Đà, đạt Bất Niệm Tự Niệm, vãng sanh Cực Lạc, thành Phật độ sanh (trong đó dĩ nhiên có ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con cháu nhiều đời nhiều kiếp của mình) theo gương sáng của Đức Bổn Sư Thế Tôn có tốt hơn không?
Nếu như thấu hiểu tất cả pháp là giả, không thật, đều không, đều không thể có được, (năng và sở không thể đạt được) tâm lý hành giả mới giải thoát nghĩa là không dính mắc các pháp, không còn bị ràng buộc, lo lắng, bận bịu mọi sự, mọi việc, được tự tại, tự do buông bỏ vạn pháp (Vạn duyên).
Lại nữa, kinh Niệm Phật Ba La Mật dạy: “Người niệm Phật trong khi xưng niệm danh hiệu Nam mô A Di Đà Phật, phải phát khởi cái tâm lìa bỏ tất cả”.
Phàm phu chúng ta thường hay hẹn, hẹn ngày mai. Cái ngày mai đó không bao giờ có, như “Ngày mai ăn bánh khỏi trả tiền”. Người xưa dạy: “Ngay giờ, quyết dứt, liền thôi dứt, chờ đợi cho xong, chẳng lúc xong”.
d. Phải tùy duyên
Tùy duyên thì an mệnh. Hãy an phận thủ thường, ít muốn biết đủ, giàu sống theo giàu, nghèo sống theo nghèo, sang sống theo sang, hèn sống theo hèn, vinh sống theo vinh, nhục sống theo nhục.
Thích nghi với mọi hoàn cảnh, mọi tình huống. Giữ vững lập trường, bền lòng vững chí, không chùn chân, dừng bước. Đó gọi là tùy duyên nhưng bất biến.
Về hành trì cũng phải tùy duyên.
– Tùy theo nhà lớn nhỏ, có bàn thờ Phật hay không, chớ nên chấp chặt vào nghi thức.
– Về thời khóa cũng vậy, phải tùy theo thời gian rảnh rỗi hay bận rộn, sức khỏe và căn cơ của mình, phải biết uyển chuyển như ngạn ngữ dạy: “Trúc kín đâu ngăn dòng nước chảy” hay “Núi cao chẳng ngại án mây bay”.
Điều quan trọng là phải biết uyển chuyển tận dụng thời gian và sức lực, chớ buông trôi, giải đãi. Tóm lại, hành giả phải tùy duyên nhưng bất biến.
Bất biến nhưng tùy duyên, phải làm chủ lấy mình, không để bị cảnh chuyển, linh động, uyển chuyển, tận dụng thời gian, sức lực, phải hạ quyết tâm cao, kiên nhẫn tinh tấn niệm Phật đó mới thật là người trí chân tu. Tùy duyên nhưng không phan duyên.
e. Phải có tâm chán khổ khẩn thiết
Phật dạy rằng Ta Bà là cõi khổ, như đã đề cập ở trang 15, 16, 17,18.
3. CHUYÊN TU CHÁNH HẠNH
Thế nào là Bất Niệm Tự Niệm? Bất Niệm Tự Niệm là không cần phải dụng công, không cần phải tác ý (không cần ra sức) mà cái tâm nó tự niệm liên tục không gián đoạn cho đến giờ phút cuối cuộc đời.
Hòa thượng Thiền Tâm đã dạy: “Khi ta niệm Phật, danh hiệu Phật là hạt giống (chủng tử) gieo (huân tập) vào tạng thức, khi sức dồn chứa, huân tập đã nhiều, chủng tử tự khởi hiện hành. Đó là không niệm tự niệm. Muốn được huân tập nhiều là phải niệm Phật nhiều. Muốn niệm Phật được nhiều không cách nào hơn chuyên tu”.
Quán Kinh Sớ quyển bốn nói: “Từ công hạnh mà thiết lập tín tâm. Nhưng công hạnh có hai loại, một là chánh hạnh, hai là tạp hạnh. Chánh hạnh tức là chỉ y tựa vào các kinh vãng sanh mà tu tập. Chánh hạnh là như thế nào?
– Một là, nhất tâm chuyên tụng Quán Kinh, A Di Đà Kinh, Vô Lượng Thọ Kinh,v.v…
– Hai là, nhất tâm chuyên chú, suy gẫm, quán sát, ức niệm sự trang nghiêm của chánh báo và y báo của cõi Cực Lạc.
– Ba là, nếu như lễ lạy, thì chỉ chuyên tâm lễ lạy Đức Phật A Di Đà.
– Bốn là, nếu xưng danh, thì chỉ nên xưng tán danh hiệu của Đức Phật A Di Đà.
– Năm là, nếu như tán thán cúng dường, thì chỉ nên nhất tâm tán thán cúng dường Đức Phật A Di Đà.
Đây gọi là Chánh hạnh.
Lại nữa trong phần chánh hạnh, có hai loại: Nhất tâm chuyên niệm danh hiệu Đức Phật A Di Đà, đi, đứng, nằm, ngồi bất luận thời gian dài ngắn, niệm niệm không quên, đây gọi là nghiệp chánh định, thuận theo bổn nguyện của Đức Phật A Di Đà. Còn các nghiệp: Lạy Phật, tụng kinh, tán thán Phật A Di Đà, quán sát cõi Cực Lạc đều gọi là nghiệp phụ.
Ngoại trừ hai hạnh chánh và phụ nầy ra, các hạnh khác đều gọi là tạp hạnh.
Câu trên ý muốn nói tạp hạnh nhiều vô lượng không thể nói hết được, thế nhưng ở đây nêu lên năm loại chánh hạnh làm chuẩn, ngoài ra đều là tạp hạnh.
Pháp sư Tịnh Không dạy: “Then chốt của tu học Phật pháp ở chổ “Chuyên tinh”, không thể xen tạp, vừa xen tạp thì đã hư rồi”.
Tổ sư dạy: “Thâm nhập một môn, tu tập lâu dài” “Và theo học một thầy, chuyên tu một pháp môn, như vậy mới mong thành tựu”.
Nên nhớ: Người xưa nói “Bắt cá hai tay rốt cuộc chẳng được gì” và “Đa sư hư bệnh” lắm thầy bệnh chết.
Hành giả muốn thành tựu phải chuyên tu duy nhất một pháp môn.
Nhị Tổ Thiện Đạo đại sư dạy: “Chuyên tu, trăm người tu trăm người vãng sanh, vạn người tu vạn người vãng sanh, còn tạp tu thì ngàn người tu hiếm có một người vãng sanh”.
4. NHẬP TÂM
a. Chuyên cần niệm Phật
Đức Phật dạy: “Không một thành tựu nào mà thiếu sự tinh tấn. Nếu không tinh tấn thì không có một công đức nào thành tựu cả”. Tinh tấn là thế nào? Tinh là tinh chuyên. Tấn là tấn tới, tiến bộ. Tinh tấn niệm Phật là phải chuyên niệm (chánh hạnh) mỗi mỗi ngày càng nhiều hơn (tiến bộ). Niệm không xen tạp, không gián đoạn.
Cố Hòa thượng Đức Niệm khai thị: “Niệm Phật như nấu nước sôi. Nước sắp sôi, tắt lửa để nguội, rồi nấu lại, nước sắp sôi lại tắt lửa… Nấu mãi như vậy, nấu suốt đời nước cũng không sôi”. Nghĩa là niệm Phật gián đoạn thời không thể thành tựu.
Cố Hòa thượng Tuyên Hóa cũng khai thị: “Niệm Phật cũng giống như gọi điện thoại. Điện thoại có mười số thì phải quay (bấm) đủ mười số và phải đúng số”.
Nghĩa là niệm Phật phải niệm nhiều, đúng cách (như pháp) mới có kết quả. Nên nhớ, giọt nước nhỏ dần dần đầy lu lớn. Nước đầy rồi, tiếp tục nhỏ, chừng ấy không muốn tràn, nó vẫn cứ tràn một cách tự nhiên, không ai ngăn cấm nó được. Niệm Phật và nhập tâm cũng thế.
Tôi còn nhớ rõ, năm 1999, lúc đang thỉnh đại hồng chung, bỗng nhiên tự nghe thấy câu A Di Đà Phật vang dội trong tâm. Mừng quá, tôi tiếp tục niệm liên tục không xen tạp, không gián đoạn, định trưa không ăn quá đường với quý Thầy, ở trong cốc niệm Phật, thế mà “Phật hiệu” không khởi lên nữa lại chìm mất luôn.
Đầu năm 2001, tôi nhập thất, sau hơn năm tháng, ngày đêm miên mật niệm Phật, trưa nọ vừa đặt lưng xuống giường, tự dưng “Tiếng trong tâm” khởi dậy. Tôi nghe đủ thứ, ban đầu nguyên bài chú Đại Bi, sau là Nam mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật. Trưa hôm sau lại tự nghe lời ca cải lương và tiếng nói của người thân đã chết năm năm rồi. Tôi tự nghĩ, người chết đã quên hẳn trong quá khứ, cải lương thì từ nhỏ mình không ưa thích, tại sao bây giờ nó lại khởi dậy?
Trong lúc đó, đầu tôi thường nghe nổ bốc, bốc, bốc…, thân đi đứng tựa hồ không vững, xửng vững, xơ vơ. Thân tâm như vậy nên hoang mang lo sợ, tôi hỏi sư huynh, huynh bảo: “Vì đệ dụng công quá mức, đủ can đảm tiếp tục hành trì như vậy thì một đắc hai điên” và khuyên tôi trì chú Lăng Nghiêm. Tôi tự nghĩ, đắc thì từ từ, tội gì phải liều mạng như vậy chứ? Trì chú Lăng Nghiêm là trị ma, như vậy là tôi bị tẩu hỏa nhập ma hay là bị ma phá chứ gì? Từ đó, tôi lấy trì chú làm chánh, niệm Phật là phụ. Muốn được vãng sanh, tôi trì thêm chú vãng sanh (Bạt Nhất Thiết Nghiệp Chướng, Căn Bản Đắc Sanh Tịnh Độ Đa Ra Ni) và chú Vô Lượng Thọ. Hai năm rưỡi sau, đủ ba năm, tôi ra thất trắng tay.
Đầu năm 2005, tôi vô thất trở lại và tìm đọc sách khai thị Tịnh Độ, đọc đến câu nhà thiền nói: “Đầu sào trăm trượng phải biết bước thêm một bước nữa”. Câu này tôi đã biết từ năm 1980 (lúc đó tôi tu thiền), ở đây có thêm bốn chữ “Tịnh Độ cũng vậy”. Chỉ vỏn vẹn bốn chữ, nó đánh thức tôi. Dẹp hết sách vở, ngày đêm miên mật niệm bốn chữ A Di Đà Phật. Mười hai ngày sau nhập tâm. Bây giờ ngồi nghĩ lại, nếu hồi đó mình gặp “Minh Tuệ” thì đâu phải hoang phí sáu năm trời. Tuổi trên bảy mươi, thời gian quý từng ngày, sáu năm quá dài, quá dài.
Do vậy, tôi tự phát tâm chia sẻ kinh nghiệm cho bất cứ ai có duyên. Đây là lý do chánh khiến tôi tự thuật trong đoạn văn này. Trình bày dài dòng như vậy, không ngoài mục đích giúp quý vị rút kinh nghiệm, có bài học thực tiễn hơn.
Bao nỗi lo âu sợ hãi trước đây chỉ cần năm chữ “Chủng tử khởi hiện hành” là hóa giải ngay, thế mà không biết, quả thật đại ngu, trả cái giá hoang phí sáu năm trời. Ôi, quá đắt, quá đắt!!!
Qua một quá trình huân tập như pháp (đúng cách) hạt giống danh hiệu Phật A Di Đà dồn chứa đầy đủ ở tạng thức (thức thứ tám), nó (hạt giống Phật) tự khởi hiện hành. Tiếng niệm Phật bấy giờ không phải phát ra từ miệng như mọi khi mà phát ra từ tạng thức hay nói là tâm, là Tự Tánh nó Tự niệm.
Tiếng niệm Phật phát ra từ miệng là do ý thức (thức thứ sáu) chỉ đạo. Nếu vì lý do gì đó, ý thức ngưng hoạt động, như đã nói ở trên thì không niệm Phật được nên mất phần vãng sanh.
Bất niệm tự niệm là tự động tạng thức nó tự niệm (mình không dụng công tác ý để niệm bằng miệng hay bằng ý). Thức này hoạt động không ngừng nghỉ, hoạt động toàn thời gian (thường còn), nên lúc nào cũng niệm Phật được, vì vậy nói là bảo đảm vãng sanh trong mọi tình huống.
b. Trạng thái nhập tâm
Khi ta không dụng công niệm Phật mà vẫn nghe (phải nghe chứ không phải nghĩ, không phải tưởng tiếng niệm Phật, cũng không phải biết). Cái nghe này có hai trường hợp:
– Nghe bằng lỗ tai, nhĩ căn, nhĩ thức dư âm niệm Phật của mình hay của người khác. Khi nghe tiếng, thử bịt lỗ tai lại, nếu không còn nghe thì cái nghe này thuộc trường hợp trên (dư âm). Bằng như còn nghe, chứng tỏ rằng tiếng niệm Phật này không phải ở ngoài không gian, mà là ở trong nội tâm mình phát ra. Lúc này mình không nghe bằng lỗ tai, nhĩ căn, nhĩ thức nữa, mà nghe bằng tánh nghe, nhà thiền gọi là tánh trong căn. Trường hợp này mới đúng là phản văn, văn tự tánh, nghĩa là quay cái nghe lại, nghe tự tánh mình niệm. Đây tạm gọi là nhập tâm.
Nhân đây, tôi muốn nhấn mạnh với tất cả hành giả hai điều trọng yếu nhất:
– Tổ thứ hai Thiện Đạo đại sư dạy: “Người đã được, nói là được để khoe khoang, khoác lác là nuôi lớn cái ta, từ đó sanh ra cống cao ngã mạn thì bao nhiêu công đức tu hành tự thiêu hủy hết”.
– Tổ thứ mười ba Ấn Quang đại sư dạy: “Chưa được mà nói là được, hoặc được mười mà nói mười một là đại vọng ngữ, sẽ sa A Tỳ Địa Ngục”.
c. Huân trưởng mức nhập tâm
Nhập tâm là chỉ trạng thái ban đầu của Bất Niệm Tự Niệm. Bao giờ dù mình không niệm mà vẫn nghe tiếng niệm Phật liên tục không gián đoạn, suốt thời gian từ sáng đến tối, đến khi ngủ quên, như vậy mới đúng nghĩa Bất Niệm Tự Niệm. Còn như mỗi ngày chỉ nghe được năm, mười câu hay năm mười tiếng đồng hồ thì chưa đúng là Bất Niệm Tự Niệm, chỉ gọi là nhập tâm (dấu hiệu ban đầu của Bất Niệm Tự Niệm) mà thôi.
Có nhiều vị nhập tâm năm, ba năm rồi mà không biết cách nuôi lớn, nên nó vẫn y như cũ, tệ hại hơn có vị bị mất hẳn không còn nghe nữa. Mất hẳn ở đây có nghĩa là không còn nghe, chứ thật ra chủng tử niệm Phật vẫn còn tích chứa trong tạng thức, chẳng qua là bị những chủng tử hữu lậu che lấp, nên tạm gọi là bị chìm thì đúng hơn.
Vậy thì phải nuôi lớn (huân trưởng) bằng cách nào? Tức huân trưởng mức nhập tâm (huân là huân tập, trưởng là trưởng dưỡng) như thế nào để trở thành Bất Niệm Tự Niệm?
Tùy theo túc căn và công phu sâu cạn của mỗi người mà sự nghe ban đầu số câu nhiều, ít, thời gian dài, ngắn, tiếng lớn nhỏ, khác nhau. Nghe tiếng của mình hay của người khác, tùy thuộc vào sự huân tập tiếng của ai nhiều, thì nghe tiếng của người đó trước (của mình hay của máy niệm Phật).
– Khi nghe niệm câu Phật hiệu (tự niệm) thì mình niệm theo cách nào cũng được, ra tiếng là tốt nhất, nếu có sức.
Bằng không, lắng lòng nghe tự niệm câu Phật hiệu thôi. Khi ngưng tự niệm câu Phật hiệu thì mình niệm mồi ra tiếng tốt nhất, thời gian dài, ngắn tùy mỗi người.
* Thí dụ: Tự niệm mười (10) câu Phật hiệu, mình niệm mồi ba mươi (30) phút, ngưng coi có tự niệm lại không. Nếu chưa chịu niệm thì mình niệm mồi thêm mười (10) phút nữa. Nếu có tự niệm thì mình ngưng. Đếm coi tự niệm mấy câu, khi câu Phật hiệu ngưng, mình niệm mồi.
Ví như lần đầu niệm mồi bốn mươi (40) phút, lần thứ hai mình phải niệm mồi đủ bốn mươi (40) phút mới có tự niệm. Nhiều lần như vậy, nếu tự niệm tăng số câu, thì mình giảm số phút niệm mồi. Khi tự niệm tăng, mình giảm niệm mồi. Cho đến khi nào luôn luôn có tự niệm mình khỏi niệm mồi, mà mình nghe tiếng niệm Phật liên tục không gián đoạn suốt thời gian còn thức, như vậy mới đúng nghĩa Bất Niệm Tự Niệm.
Khi niệm lực còn yếu, đọc sách vài hàng, vài trang, không còn nghe nữa. Huân tập nhiều cho đến khi nào đọc sách cả ngày vẫn nghe liên tục không gián đoạn. Tiến sâu hơn, lấy động tu tịnh, giữa đại chúng cả trăm người cùng quý Thầy tụng kinh, cả đạo tràng, tràn ngập lời kinh, cùng tiếng chuông, mõ mà ta nhiếp được nhĩ căn không cho nó phan duyên theo ngoại thinh, lắng lòng nghe được tiếng niệm Phật của tự tâm một cách liên tục không gián đoạn. Được vậy mới gọi là không bị cảnh chuyển, làm chủ được mình, bảo đảm vãng sanh.
5. BẤT NIỆM TỰ NIỆM
Bất Niệm Tự Niệm là bước đầu để bảo đảm được vãng sanh. Trong Kệ Niệm Phật, Hòa thượng Trí Tịnh nói: “Niệm Phật đến Niệm lực được tương tục mới đúng nghĩa chấp trì danh mà Đức Thế Tôn dạy trong kinh A Di Đà”.
Lời này không phải của Ngài tự nói, mà là lời của Nhị tổ Thiện Đạo(12) và Bát tổ Liên Trì đại sư nói từ ngàn xưa. Niệm Phật khi tâm được thuần thục rồi thì nó có cái trớn niệm Phật nơi tâm. Lúc đó không cần phải tác ý, không cần phải dụng công, nhưng nơi tâm vẫn cứ tiếp tục nổi lên tiếng niệm Phật. Không dụng công tác ý mà nó niệm không gián đoạn gọi là được niệm lực tương tục. Dù không niệm cái tâm nó vẫn tự niệm nên gọi là Bất Niệm Tự Niệm.
Hòa thượng Thiền Tâm dạy: “Nên biết lúc hành giả khởi niệm, thì mỗi câu Phật hiệu đều đi sâu vào tạng thức. Khi sức dồn chứa huân tập đã nhiều, tức câu niệm Phật từ nơi tạng thức tự phát ra trong khi thức hay lúc ngủ. Đây gọi là cảnh giới Bất Niệm Tự Niệm”.
Nhị vị hòa thượng Trí Tịnh và Thiền Tâm dựa vào ý của chư Tổ, hai Ngài đã từ bi giảng dạy trạng thái Bất Niệm Tự Niệm quá rõ ràng như vậy mà có người không tin, còn hồ nghi, thật là lạ!!! Xin được nhấn mạnh một lần nữa: Đây là lời của Nhị Tổ Thiện Đạo và các vị Tổ khác.
Huân trưởng Bất Niệm Tự Niệm. Muốn huân trưởng Bất Niệm Tự Niệm, hành giả phải: Tịnh tọa, lắng lòng, chú ý, lắng nghe tiếng niệm Phật của tự tánh.
Tịnh tọa: Là ngồi yên lặng (xin đọc tịnh tọa niệm Phật nói ở phần bốn: Thời khóa công phu).
Lắng lòng: Lắng lòng cũng gọi là nhiếp tâm, định tâm nghĩa là lúc ấy buông xả vạn duyên, không nghĩ thiện, không nghĩ ác, không tính toán lợi hại, được mất, hơn thua, vinh nhục, không dính mắc sáu trần, không nhớ nghĩ thế sự, quá khứ, hiện tại, vị lai. Lúc này tâm không hướng ngoại mà quay hẳn vào trong, rỗng rang, vô sự. Y như Lục Tổ Huệ Năng bảo Thượng tọa Huệ Minh:
“Thượng tọa hãy lắng lòng nghe ta nói, trong lúc không nghĩ thiện, không nghĩ ác, cái gì là Bản lai diện mục của Thượng tọa Huệ Minh?”. Ngắn gọn, giản dị như thế mà Thượng tọa Huệ Minh tự khai ngộ, nhận ra bản lai diện mục (Phật tánh) của chính mình. Nhờ đâu? Nhờ lắng lòng.
Kế đến là chú ý (tác ý) lắng lòng rồi chăm chỉ chú ý, vì tâm vô nhị dụng, tâm không thể làm một lúc hai việc, chú ý nghe là cột tâm vào câu Phật hiệu, thì tâm không có niệm gì khác được (không vọng niệm). Lắng lòng, chú ý rồi lắng nghe, nghĩa là dùng cái tâm rỗng rang vô sự lắng nghe (bằng tánh nghe) rành rẽ, rõ ràng, từng tiếng, từng câu niệm Phật của tự tánh. Đây mới thật sự là nhiếp trọn sáu căn, tịnh niệm nối tiếp mà kinh Lăng Nghiêm, Phẩm Đại Thế Chí Bồ Tát Niệm Phật Viên Thông Chương đã dạy.
Làm được bốn điều này trong thời gian ngắn, hành giả sẽ đạt niệm Phật thành một khối. Tiếp tục hành trì như thế sẽ tiến đến nhất tâm bất loạn (sự rồi lý, cũng gọi là Niệm Phật Tam Muội) không cần phương tiện gì khác, như Kinh Lăng Nghiêm đã dạy.
Trong lúc lắng nghe, câu Phật hiệu dù có nhanh, nuốt chữ hay nhỏ, cũng mặc kệ cứ một lòng lắng nghe từng tiếng, từng câu một. Thậm chí tiếng niệm Phật bị mất hẳn, cũng mặc kệ (không niệm mồi như huân trưởng mức nhập tâm nói trên) cứ một lòng lắng nghe tự nhiên tiếng niệm Phật sẽ nổi lên lại.
Lặp đi lặp lại nhiều lần như vậy. Kiên tâm bền chí hành trì như thế lâu ngày sẽ không còn bị gián đoạn mà nối tiếp liên tục và thành một khối, bước đầu của nhất tâm bất loạn.
Phàm làm việc gì, khi mình nhận thức được lợi ích của việc làm đó, mình mới hăng say, thích thú mà làm.
Niệm Phật hay huân trưởng cũng không ngoài nguyên tắc này. Vậy hành giả nên tự tạo cho mình động cơ, thúc đẩy ta dũng mãnh tinh tấn hành trì miên mật, bằng cách tu tập cho ta có những khái niệm sau đây:
– Khái niệm rằng: Bốn chữ A Di Đà Phật không phải là danh tự rỗng mà là biểu tượng Pháp Thân Phật A Di Đà (Kinh Niệm Phật Ba La Mật). Niệm A Di Đà Phật là niệm Pháp Thân của Ngài, nhớ nghĩ cầu cứu Ngài tiếp dẫn vãng sanh Cực Lạc quốc. Chắc chắn ta được vãng sanh, nếu không thì Ngài trái với bổn nguyện (trái lời thề). Ngài đâu còn là Phật. Vả lại kinh dạy: “Mặt trời, mặt trăng có thể rơi rụng, núi Tu Di có thể tiêu tan nhưng lời nói của Phật không bao giờ hư dối”, huống hồ đây là lời thề.
– Khái niệm rằng: Bốn chữ A Di Đà Phật là vạn đức hồng danh. Thánh hiệu này được tạo thành bởi vô lượng công đức mà Tỳ kheo Pháp Tạng (tiền thân của Đức Phật A Di Đà) tu tập trong vô lượng kiếp, nên nói Thánh hiệu này tích tụ bao hàm vô lượng công đức. Liên tông cửu Tổ Ngẫu Ích đại sư nói: “Niệm A Di Đà Phật để vời công đức đến với mình, thì công đức nào cũng phải đến hết”.
– Khái niệm rằng: “Niệm Phật thành Phật”. (Nhân nào quả nấy). Khi hành giả niệm Phật là một mặt cầu cứu Phật A Di Đà tiếp dẫn vãng sanh, mặt khác đánh thức ông Phật của tự tánh mình. Cổ Đức nói: “Nhất niệm tương ứng, nhất niệm Phật. Niệm niệm tương ứng niệm niệm Phật. Ngẫu Ích đại sư cũng nói: “Mỗi tiếng niệm Phật, tiếng nào mình cũng đã là Phật rồi”.
– Khái niệm rằng: Tiếng niệm Phật siêu việt hơn hết mọi âm thanh, vì bản thể của nó là toàn bộ công đức, trí tuệ, hạnh nguyện của Phật, có công năng thỏa mãn mọi nhu cầu của mình (tội diệt, phước sanh), có công năng tuyệt vời là chuyển hóa hết những chủng tử hữu lậu như tham, sân, si… bạch tịnh hóa tạng thức, chuyển tám thức thành bốn trí(13). Ngắn gọn là chuyển đổi thân tâm dần dần thanh tịnh mà mình không hề hay biết (Kinh Niệm Phật Ba La Mật).
Hành giả kiên tâm, bền chí hành trì sẽ cảm nhận sự vi diệu không thể nghĩ bàn.
* Lưu ý: Hành giả đạt Bất Niệm Tự Niệm rồi, phải duy trì tình trạng này suốt đời để được bảo đảm vãng sanh.
6. BẢO ĐẢM VÃNG SANH
Hòa thượng Trí Tịnh dạy: “Người tu Tịnh Độ phải đạt được tầng công phu thấp nhất là Bất Niệm Tự Niệm mới bảo đảm vãng sanh”. Bảo đảm vãng sanh không phải là ý riêng của Ngài mà là ý của Tổ (như đã trình bày ở trên).
Liên tông cửu Tổ Ngẫu Ích đại sư dạy: “Cốt sao tin cho đến nơi, giữ cho ổn, thẳng một bề mà niệm. Hoặc là suốt ngày đêm niệm mười vạn, hoặc năm vạn, ba vạn, lấy số câu quyết định chẳng thiếu làm chuẩn. Trọn cả đời này, thề chẳng biến cải. Nếu chẳng được vãng sanh thì tam thế chư Phật đều nói dối”.
Một Đức Phật nói dối còn chưa từng có, huống hồ ba đời tất cả chư Phật nói dối, tuyệt đối không bao giờ có việc này.
Điều đáng bàn ở đây là làm sao một ngày đêm niệm được tối thiểu ba vạn (30.000) câu Phật hiệu và niệm suốt đời. Như hiện nay chúng ta niệm Phật bằng miệng hay bằng ý, đều phải dụng công tác ý, hao hơi tổn khí lực rất nhiều nên không tài nào niệm được nhiều và lâu, suốt đời như đã ấn định trên.
Muốn đạt được tiêu chuẩn nói trên hầu bảo đảm vãng sanh, nhất là trong trường hợp ý thức không có khả năng giúp hành giả niệm Phật thì chỉ có một cách duy nhất là phải đạt được Bất Niệm Tự Niệm.
Trích: Niệm Phật đạt bất niệm tự niệm bảo đảm Vãng Sanh – Phần V: Niệm Phật Thế Nào Để Bảo Đảm Vãng Sanh!