Người sống ở đời, nói chuyện thì dễ, nhưng làm sao để lời nói có giá trị, mới là điều khác biệt. Bất luận ở độ tuổi nào cũng cần tích “khẩu đức”. Những lời không nên nói thì đừng bao giờ thốt ra, những chuyện không được kể thì một chữ cũng đừng nhắc đến.
Nói chuyện là một nghệ thuật, dù là lời hay ý đẹp cũng phải đắn đo. Nói điều không tốt khiến đôi bên nghe xong đều mất hứng thì đương nhiên là không nên nói. Vậy những lời thế nào là không tốt và không nên nói ra?
1. Lời nói chán nản, thối chí
Có người bình thường thích nói những lời chán nản làm người khác nhụt chí. Thật ra cuộc sống rất cần những lời cổ vũ động viên từ người khác, cho dù không có ai khích lệ thì cũng phải tự khích lệ chính mình.
Bản thân không cổ vũ chí hướng của mình, trái lại còn nói ra những lời thoái chí thì đương nhiên sẽ rơi vào vực sâu suy sụp.
2. Lời nói tức giận
Con người đang lúc tức giận thường không tự chủ được mà nói ra những lời giận dữ, có lúc làm tổn thương người khác, có khi lại làm tổn thương chính mình.
Người ta khi bị xúc phạm thì cần nhất là giữ được tỉnh táo, không nên tùy tiện phát ngôn, vì lời nói lúc nóng giận thường rất khó nghe, vì vậy nhất định đừng nên nói.
3. Lời nói bộc trực
Lời nói bộc trực là những lời chưa kịp suy xét, vừa nhìn thấy, đã thuận miệng thốt ra. Không quan tâm cảm nhận của người khác, không đoái hoài sĩ diện của người nghe, chỉ nói cho đã miệng mà không cần biết mình có đang tổn thương ai hay không.
Những lời nói bộc trực dễ dẫn đến kết cục không vui, nếu cẩn ngôn một chút, thì người nghe sẽ dễ chịu mà người nói cũng an toàn hơn.
4. Lời nói oán trách
Lời nói tổn thương người khác có thể chỉ là nhất thời, nhưng nhân cách của mình đã bị người ta xem thường rồi đó, tổn thương ấy là vĩnh viễn!
Khi không hài lòng, người ta thường nói ra những lời bất mãn, oán giận ông chủ, oán giận bạn bè, thậm chí oán giận cả người nhà.
Nếu bạn thường xuyên nói những lời oán trách, người khác nghe được sau này sẽ mượn đó làm đề tài để nói về bạn, gây ra bất hòa thị phi, khiến bạn phải đối phó với người này, đối phó với người kia, cuối cùng tự mình làm khổ mình, bạn việc gì phải khổ như vậy?
5. Lời nói nhảm nhí
Trước mặt người đừng bàn chuyện phiếm, sau lưng người đừng luận thị phi. Những lời nói nhảm không những lãng phí thời gian chính mình, ảnh hưởng cuộc sống người khác, mà còn hạ thấp giá trị bản thân, hủy hoại thanh danh người bị đề cập. Nên khi nói chuyện, đừng quên tôn trọng người cũng là tự trọng cho mình. Rất nhiều mối họa từ miệng mà ra, kẻ nói quá nhiều ắt sẽ có sơ suất.
6. Lời nói khoe khoang
Có người khi nói chuyện thường thích tuyên truyền về bản thân, tự mình quảng cáo rùm beng, tự mình thổi phồng chính mình, người khác nghe xong nhất định không đồng tình. Cho nên khoe khoang thực tế cũng chẳng được lợi ích gì, trái lại còn làm mình bị tổn thương.
Con người muốn vĩ đại thì phải làm những việc vĩ đại, vĩ đại ấy là phải để người khác nói, không thể tự nhận được đâu, bản thân mình khiêm tốn là tốt hơn cả.
7. Lời nói dối trá
Phật giáo giảng “Ngũ giới”, “cấm nói dối” là một trong năm giới cấm này. Nói dối tức là “thấy mà nói không thấy, không thấy mà nói thấy, đúng mà nói là sai, sai mà nói là đúng”, nói một cách đơn giản thì đó là những lời không thật. Thận trọng với những lời nói của mình cũng chính là đang “tu khẩu”.
Truyện ngụ ngôn “Sói đến rồi” (hay “Chú bé chăn cừu”) từng nói về hậu quả nghiêm trọng của việc nói dối. Một ví dụ khác, ban đầu có 1 chiếc máy bay, qua tai người khác nói thành 11 chiếc, cuối cùng biến thành 91 chiếc, đây chính là những tin đồn thất thiệt, chuyện bé xé ra to, cũng tương tự như là nói dối.
8. Lời nói độc địa
Những lời độc địa luôn khiến người buồn, gây nên sự tổn thương sâu sắc. Trên đời này, một câu nói ấm áp có thể sưởi ấm suốt ba đông, một lời rủa độc địa khiến lòng người lạnh lẽo ngay giữa những ngày hè.
Vết thương của dao, dù sâu cũng có ngày liền thịt, sự tổn thương từ những lời độc địa nhiều lúc như vĩnh viễn không thể tiêu tan. Cho nên trong bất kỳ hoàn cảnh nào cũng xin nhớ cẩn trọng ngôn từ, vì lời một khi đã thốt ra, không cách gì thu lại được.
Giữ mồm giữ miệng thì không phạm lỗi, cẩn thận ăn nói thì không gieo họa. Với người là thiện ý, với mình chính là phúc khí (may mắn), cần hết sức giữ gìn!
Tâm Hướng Phật!