Ma chướng trên đường tu – Ma tâm và ma sự của người tu trọn bộ 2 tập file PDF, tác giả Cư Sĩ Tịnh Liên Nghiêm Xuân Hồng.
Vài nét về Cư Sĩ Tịnh Liên Nghiêm Xuân Hồng (1920 -2000)
Cư Sĩ Tịnh Liên Nghiêm Xuân Hồng sinh năm 1920 tạI Hà Đông, Bắc Việt.
Năm 1953, hành nghề Luật Sư.
Năm 1954, đất nước chia đôi, di cư vào Nam.
Nguyên Luật Sư Tòa Thượng Thẩm Saigon, Cựu Bộ Trưởng Phủ Thủ Tướng năm 1965, thời Nguyễn Khánh.
Sáng lập viên nhóm Quan Điểm, Saigon.
Năm 1975, miền Nam Việt Nam mất, di cư sang Hoa Kỳ.
Trước năm 1975, viết sách về Chính Trị, Triết Học và Văn Chương.
Sau năm 1975, chuyên đọc Kinh Đại Thừa, tịnh tu, viết sách Phật và giảng dạy Phật Pháp tại chùa Trúc Lâm Yên Tử, Santa Ana và chùa Liên Hoa, Garden Grove, bang California.
Những Tác Phẩm của ông viết về Phật Học sau năm 1975 tại Hoa Kỳ, đã phản ảnh đầy đủ một ngã rẽ đổi thay quan trọng trong tư tưởng của ông.
Đời người là Vô Thường, ông đã bình thản ra đi ngày 07 tháng 05 năm 2000, nhằm ngày 04 tháng 04 năm Canh Thìn tại Orange County, California, Hoa Kỳ.
Tinh thành trong Lịch Sử chuyển mình của Quốc Gia, cư sĩ Tịnh Liên Nghiêm Xuân Hồng, ngoài “Một nhà văn luôn luôn thiết tha với đất nước. Một nhà tư tưởng luôn luôn thiết tha với đại thể. Một hồn thơ luôn luôn thiết tha với cái “MỸ” và cái “HẢO”, ông còn là “Một Thiền gia luôn luôn thiết tha với thế nhân.” Cư sĩ quả là bậc tiền bối hữu công sang chói, ông đã “khước từ những quyền uy, những hạnh phúc, những danh vọng, những phú quý, những sang giầu” để tựu thành đạo nghiệp cao quý cho hàng hậu tấn ngưỡng vọng.
Lời dẫn
Chúng ta sanh nhằm thời mạt pháp nên phần lớn đều căn cơ cạn mỏng, phiền não sâu dày, ngã chấp cũng nặng như núi. Nên kẻ thế nhân hay người mới tu học thường dễ nghĩ rằng Ma Chướng là một thứ gì rất xa lạ đối với mình, và ít khi lưu tâm đến. Không hiểu rằng, Ma Chướng rất gần mình, nó chính là Ngã chấp cùng những tâm niệm tham, sân, si, mạn, nghi của mình.
Kinh Hoa Nghiêm dạy: “Tu hành mà không có Bồ Đề Tâm thì chỉ là Ma Nghiệp”.
Cần nhớ rằng: Chúng ta hiện mang thân người, sống trong Dục Giới. Và Ma Vương hiện đang ngự trị trên đảnh trời Dục Giới, tức trời Tha Hóa Tự Tại. Tức là chúng ta đang sống trong lãnh vực của Ma Vương.
Những tâm niệm chấp ngã, tham, sân, si, mạn, nghi đều là những mầm mống Ma trong tâm ta. Nếu chúng chỉ lờ mờ yếu ớt trong tàng thức và ý thức của ta thì chúng chưa chiêu cảm sự chú ý của ngoại ma. Nếu chúng bừng nở lớn, thì các loại thiên ma cùng ngoại ma sẽ chiếu cố.
Thế giới vô hình cũng mênh mang phức tạp gấp trăm ngàn vạn lần thế giới hữu hình. Cũng như trái đất chỉ lớn vài ngàn dặm, trong khi hư không thì mênh mang. Nên loài quỷ thần hết sức đông đảo hơn loài người rất nhiều.
Kinh dạy, có ba mươi sáu loài Quỷ, Thần, từ những loài quỷ nhỏ đến loài tinh mỵ, đến những loài quỷ dữ. Những loài quỷ thần có oai lực trung bình đến những bậc có oai đức lớn, rồi đến những loại Thiên Ma thường ngụ nơi cung trời Tha Hóa, thường hay xuống nhân gian.
Các vị quỷ thần nhỏ hay trung bình thường hay lượn lờ chung quanh nhân thế. Nhìn ngẫm suy xét, bàn tán về loài người, đôi khi phát tâm giúp đôi chút cho người tu hành. Nhưng thường khi hay gây trở ngại, phá hoại. Vì họ không muốn cho người tu hành ra khỏi trần lao, tức phạm vi của ma nghiệp.
Trên bình diện tuyệt vời, thiền nhà Phật là hơi thở của Bát Nhã và Đại Bi cùng tâm vô sở cầu hạnh. Thở ra là Đại Bi, thở vào là Bát Nhã, và tâm không mong cầu một điều gì hữu ngã.
Nếu hành giả trên đường tu còn lết bết chưa tiến được gì, thì ngoại ma chưa thèm chiếu cố. Nếu đã tiến được vài bước, mà khởi tâm tham cầu kiêu mạn, như cho rằng mình đã chứng đắc, tham cầu danh tiếng, tham cầu nhiều đệ tử lễ bái tôn sùng, tham cầu thần thông, tham cầu tiên tri, tham cầu lợi dưỡng, ngay cả đến việc tham cầu cái Rỗng Không, vân vân, thì ngoại ma sẽ chiếu cố, lợi dụng kẽ hở ấy để xâm nhập vào tâm thức hành giả, dùng ma lực khiến hành giả mất chánh niệm, sanh các tà lự và rơi vào đọa lạc.
Trong giai đoạn vượt thọ ấm và tưởng ấm, tức vọng tình và vọng tưởng, ngoại ma tác hại rất nhiều, nên hay có những trường hợp Quỷ Nhập xảy ra rồi cuối cùng len lén hành chuyện tham dục.
Vượt lên đến hành ấm vào thức ấm, ngoại ma hầu như không còn can thiệp được nữa. Lúc đó hành giả lại thường lạc vào những Ý Ma của chính mình. Trở thành tự mãn, tưởng mình đã tới bến rồi, nên dừng chân quá sớm, lạc mất nẻo Niết Bàn.
Sau đây là những lời Kinh Thủ Lăng Nghiêm Vương phẩm Ma Chướng, cùng ít lời bình giải. Lời bình giải tuy gượng gạo thô thiển, cũng mong góp ý và kết duyên với bạn đọc.
Nam Mô Liên Hoa Minh Vương Bồ Tát
Cung kính đề
Tịnh Liên Nghiêm Xuân Hồng!
Mời quý bạn đọc trọn bộ sách Ma chướng trên đường tu: Ma tâm và ma sự của người tu – Cư Sĩ Tịnh Liên Nghiêm Xuân Hồng tại file PDF dưới đây. (File với dung lượng khá lớn nên các bạn hãy tải về để đọc, nguồn sách: Pháp Âm Sư Khang)/Tâm Hướng Phật/St!