Kinh Ưu Bà Tắc Giới nhấn mạnh hai phương diện học Phật và tu Phật của người tại gia, khích lệ người tại gia siêng tu giới pháp…
XUẤT XỨ CỦA GIỚI BỒ-TÁT TẠI GIA
Giới Bồ-tát tại gia được đức Phật quy định trong “Kinh Ưu-bà- tắc giới” đang khi giới Bồ-tát xuất gia được ghi chép trong “Kinh Phạm võng Bồ-tát giới”. Đây là hai bản kinh quan trọng về quy phạm hành vi của người tu học theo Phật giáo Đại thừa nhằm hoàn thiện đạo đức trọn vẹn, một trong ba trụ cột tâm linh cốt lõi của Phật giáo. Hai trụ cột tâm linh còn lại là trí tuệ và thiền định.
“Kinh Ưu-bà-tắc giới” còn gọi là “Giới bổn Ưu-bà-tắc”, hay “Kinh Bồ-tát tại gia”, hay “Kinh Bồ-tát cư sĩ tại gia” do Tam tạng Pháp Sư Đàm-vô- sấm dịch năm 426, gồm 7 quyển, 28 chương, nằm trong quyển 24 của Đại Chánh tân tu Đại tạng kinh với mã số T.1488.
Kinh Ưu-bà-tắc giới chia làm 3 phần: (i) Phần tập hội chỉ có 1 phẩm, (ii) Phẩm Tự pháp tâm đến Phẩm Bát-nhã gồm 27 phẩm, (iii) Phần kết thành.
Đức Phật giảng Kinh Ưu-bà-tắc giới cho trưởng giả Thiện Sanh về giới Ưu-bà-tắc Đại thừa, còn gọi là giới tại gia. Kinh này được phát triển từ nền tảng đạo đức trong các Kinh Thiện Sanh thuộc Kinh Trung A-hàm và Kinh Thiện Sanh tử hoặc Kinh Thi-ca-la-việt lục phương lễ trong Kinh Trường A-hàm.
Về quan hệ nội dung, Kinh Ưu-bà-tắc giới phát triển từ “tám giới xuất gia trong một ngày”, mười điều thiện và Kinh Thiện Sanh trong Kinh Trung A-hàm.
Kinh Ưu-bà-tắc giới nhấn mạnh đến việc lập nguyện, tu học, giữ giới, tinh tấn, thiền định, trí tuệ, đồng thời, đề cao việc phát tâm bồ-đề, nuôi lớn tâm đại bi và hướng đến giải thoát.
KHÁI QUÁT NỘI DUNG KINH GIỚI ƯU-BÀ-TẮC
Theo Kinh Ưu-bà-tắc giới, bên cạnh việc giữ gìn năm điều đạo đức, các Phật tử tại gia trong truyền thống Đại thừa có cơ hội giữ giới Bồ-tát tại gia gồm 6 giới quan trọng và 28 giới nhẹ hay giới không cố ý.
Kinh Ưu-bà-tắc giới nhấn mạnh hai phương diện học Phật và tu Phật của người tại gia, tán thán giá trị của hạnh xuất gia với lý tưởng cao quý, khích lệ người tại gia siêng tu giới pháp, giải thích rõ các nghi vấn trong tu học và cảnh giới đạt được.
Một trong giá trị cốt lõi của giới Bồ-tát là nhấn mạnh tâm từ bi trong hành động thực tiễn. Giới cấm ăn thịt giúp người thọ giới Bồ-tát không làm đứt mất hạt giống Phật tính và đại từ bi. Giới cấm dùng 5 loại thực vật cay nồng nhằm giúp người thọ giới Bồ-tát giảm tối đa các thức ăn tạo ra phản ứng hormone tính dục, vốn rất cần thiết cho người xuất gia tu hạnh thánh thanh tịnh. Hai giới này tóm lược tư tưởng của các Kinh Lăng-già, Kinh Thủ-lăng-nghiêm và Kinh Đại-bát niết-bàn.
Để phát triển tâm từ bi, nhằm nhập thế năng động hơn, độ sinh hiệu quả hơn, giới Bồ-tát khuyên chúng ta quán niệm: “Tất cả người nam đã từng là cha ta. Tất cả người nữ đã từng là mẹ ta”. Do vậy, giết chúng sanh được xem là giết cha mẹ trong các đời trước; ăn thịt chúng sanh là ăn thịt cha mẹ trong các kiếp trước. Đồng thời, khích lệ mọi người phóng sanh, làm thiện, cúng dường, làm phúc song song với việc tu trí tuệ, vốn là đặc sắc của giới luật Đại thừa.
Ngoài việc đề cao tâm từ bi, giới Bồ-tát nhấn mạnh “tâm hiếu thuận”, vì hiếu thảo được xem là đạo đức nhằm khích lệ sự hiếu thuận đối với cha mẹ, Tam bảo, Tăng đoàn, hoặc gọn hơn là hiếu thuận với cha mẹ và Tăng đoàn.
Ngoài ra, giới Bồ-tát còn khuyến khích gieo trồng ruộng phước, cứu độ chúng sanh, kêu gọi mọi người cúng dường xây tăng phòng, vườn tược cung cấp nơi tu tập cho mọi người, xây tháp thờ Phật giúp nhiều người quy ngưỡng, chiêm bái.
Về việc chia sẻ chân lý Phật, giới Bồ-tát kêu gọi đệ tử Phật siêng học Phật pháp, năng động trong việc giáo hóa chúng sanh, nhấn mạnh truyền bá kinh luật Đại thừa, khai mở từ bi và trí tuệ, giúp mọi người vượt qua nỗi khổ, niềm đau.
Mời quý bạn đọc tụng Kinh Ưu Bà Tắc Giới – Giới Bồ Tát cho người tại gia tại file PDF dưới đây.
Kinh Ưu Bà Tắc Giới - TT Thích Nhật Từ dịch và chú thíchKinh Ưu Bà Tắc Giới - HT Tịnh Nghiêm việt dịch