Tâm Hướng Phật
Kiến Thức

Thập ác nghiệp trong Phật giáo: Quả báo của 10 ác nghiệp

Thập ác nghiệp do thân, khẩu và ý tạo tác, đó là: Giết hại, trộm cướp, tà dâm, nói dối, hai lưỡi, ác khẩu, nói thêu dệt, tham dục, sân khuể và tà kiến.

Thập thiện nghiệp cũng gọi Thập thiện nghiệp đạo, Thập thiện đạo, Thập thiện căn bản nghiệp đạo, Thập bạch nghiệp đạo, là hành vi thiện do 3 nghiệp thân, khẩu, ý tạo ra.

Trái lại, 10 hành vi ác do thân, khẩu, ý gây ra gọi là Thập ác, Thập ác nghiệp. Thập ác nghiệp cũng gọi Thập bất thiện nghiệp đạo, Thập ác nghiệp đạo, Thập bất thiện căn bản nghiệp đạo, Thập hắc nghiệp đạo. Đó là: Giết hại, trộm cướp, tà dâm, nói dối, hai lưỡi (tức nói lời li gián), ác khẩu (tức nói những lời độc ác, nguyền rủa…), nói thêu dệt, tham dục, sân khuể và tà kiến. Không làm 10 điều ác này thì tức là làm 10 việc thiện.

Theo thứ tự này thì 3 nghiệp đạo đầu thuộc về thân nghiệp, gọi là Thân tam, 4 nghiệp đạo kế thuộc về Khẩu nghiệp, gọi là Khẩu tứ và 3 nghiệp đạo cuối thuộc về ý nghiệp, gọi là Ý tam.

Quá trình tạo nghiệp được chia làm 3 giai đoạn là gia hành, căn bản và hậu khởi; 10 nghiệp đạo này thuộc về căn bản, cho nên được lập làm Căn bản nghiệp đạo.

Kinh A hàm cho rằng làm 10 việc thiện sẽ được sinh vào cõi người, cõi trời, còn làm 10 việc ác thì sẽ phải đọa vào 3 đường ác là địa ngục, ngã quỉ và súc sinh.

Các bộ phái như Thuyết nhất thiết hữu bộ… chia quả báo thập thiện, thập ác thành 3 loại là Dị thục quả, Đẳng lưu quả và Tăng thượng quả để giải thích. Nhân của việc làm 10 điều ác mà đọa vào 3 đường ác thành quả Dị thục, nhân của nghiệp giết hại phải chịu nhiều bệnh và chết non thành quả Đẳng lưu; nhân của nghiệp sát sinh bị mưa đá, bụi nhơ làm hại thành quả Tăng thượng.

Ngoài ra, Thập ác khởi lên từ Gia hành (hành vi dự bị) của bất cứ một bất thiện căn nào trong 3 bất thiện căn tham, sân, si thì ngay lúc hiển hiện liền thành nghiệp đạo. Tức nương vào một bất thiện căn đặc định hoặc bất cứ một bất thiện căn nào trong 3 bất thiện căn mà khởi.

Trong 10 việc ác thì sát sinh và tà kiến là nặng nhất. Cứ theo kinh Hoa Nghiêm quyển 35 (bản dịch mới) thì người làm 10 nghiệp thiện, tùy theo mức độ mạnh yếu của thiện mà người ấy được sinh làm người, làm trời, chứng quả Tam thừa, quả Phật; còn người làm ác thì tùy theo mức độ của điều ác mà đọa vào 3 đường ác, tức tính ác mạnh thì rơi vào địa ngục, vừa thì làm súc sinh, yếu thì làm ngã quỉ; hoặc được sinh làm người cũng bị chết yểu, nhiều bệnh và các bất hạnh khác.

1. Thập ác nghiệp trong Đạo Phật

Trong mười ác nghiệp, đức Phật đã chỉ rõ cho chúng ta thấy tất cả đều phát xuất từ thân nghiệp, khẩu nghiệp và ý nghiệp. Thân nghiệp có 3, khẩu nghiệp có 4 và ý nghiệp có 3.

Ba ác nghiệp của thân:

1. Có người sát sanh, tàn nhẫn, tay lấm máu, tâm chuyên sát hại đả thương, tâm không từ bi đối với các loài hữu tình.

2. Người này lấy của không cho, bất cứ tài vật gì của người khác, hoặc tại thôn làng hoặc tại rừng núi, không cho người ấy, người ấy lấy trộm tài vật ấy.

3. Người ấy sống tà hạnh với các dục lạc, liên hệ đến dục tình với các hạng nữ nhân có mẹ che chở, có cha che chở, có mẹ cha che chở, có anh che chở, có chị che chở, có bà con che chở, đã có chồng, được hình phạt gậy gộc bảo vệ, cho đến những nữ nhân được trang sức bằng vòng hoa.

Bốn ác nghiệp của khẩu:

1. Có người vọng ngữ đến chỗ tập hội, chỗ chúng hội, hay đến giữa các thân tộc, các tổ hợp, hay đến giữa vương tộc, khi được dẫn ra làm chứng và được hỏi: “Này người kia, hãy nói những gì Ông biết”. Dầu cho người ấy không biết, người ấy vẫn nói: “Tôi biết”; dầu cho người ấy biết, người ấy vẫn nói: “Tôi không biết”; hay dầu cho người ấy không thấy , người ấy vẫn nói: “Tôi thấy”; hay dầu cho người ấy thấy , người ấy vẫn nói: “Tôi không thấy”. Như vậy, lời nói của người ấy trở thành cố ý vọng ngữ, hoặc vì nguyên nhân tự kỷ, hoặc vì nguyên nhân tha nhân, hoặc vì nguyên nhân một vài quyền lợi gì.

2. Và người ấy là người nói “hai lưỡi”. Nghe điều gì ở chỗ này, đi đến chỗ kia nói để sanh chia rẽ ở những người này; nghe điều gì ở chỗ kia, đi nói với những người này, để sanh chia rẽ ở những người kia. Như vậy, người ấy ly gián những kẻ hòa hợp, hay xúi giục những kẻ ly gián, ưa thích phá hoại, vui thích phá hoại, thích thú phá hoại,nói những lời đưa đến phá hoại.

3. Và người ấy là người nói lời thô ác. Bất cứ lời gì thô ác, tàn ác, khiến người đau khổ, khiến người tức giận, liên hệ đến phẫn nộ, không đưa đến Thiền định, người ấy nói những lời như vậy.

4. Và người ấy nói những lời phù phiếm, nói phi thời, nói những lời phi chơn, nói những lời không lợi ích, nói những lời phi pháp, nói những lời phi luật, nói những lời không đáng gìn giữ. Vì nói phi thời, nên lời nói không có thuận lý, không có mạch lạc, hệ thống, không có lợi ích.

Ba ác nghiệp của ý:

1. Có người có tham ái, tham lam tài vật kẻ khác, nghĩ rằng: “Ôi, mong rằng mọi tài vật của người khác trở thành của mình!”.

2. Lại có người có tâm sân, khởi lên hại ý, hại niệm như sau: “Mong rằng những loài hữu tình này bị giết, hay bị tàn sát, hay bị tiêu diệt, hay bị tàn hại, hay mong chúng không còn tồn tại”.

3. Lại có người có tà kiến, có tưởng điên đảo như: “Không có bố thí,không có kết quả của bố thí, không có tế lễ, không có cúng dường, các hành vi thiện ác không có kết quả dị thục,không có đời này, không có đời sau, không có mẹ, không có cha, không có các loại hóa sanh, trong đời không có các Sa-môn, Bà-la-môn chân chính hành trì, chân chánh thành tựu, sau khi tự tri, tự chứng lại tuyên bố cho đời này và cho đời sau”.

Ðấy là mười ác nghiệp do thân, khẩu và ý tạo tác nếu không đoạn trừ mười ác nghiệp này thì sẽ đem lại khổ đau ngay trong đời sống hiện tại và sau khi thân này kết thúc phải đọa vào trong cõi dữ, ác thú, đọa xứ,địa ngục.

Như đức Thế Tôn đã khẳng định: “Do nhân hành phi pháp, phi chánh đạo, có một số lớn loài hữu tình sau khi thân hoại mạng chung phải đọa vào trong cõi dữ, ác thú, đọa xứ, địa ngục.”

2. Quả báo của 10 ác nghiệp

(Trích Kinh Hoa Nghiêm, Phẩm Thập Địa thứ Hai mươi sáu)

Chúng sinh tạo 10 nghiệp ác ở đời trước phải chịu quả báo trong 3 đường địa ngục, ngã quỉ, súc sinh, sau nếu được sinh làm người thì còn phải chịu 10 loại dư báo vì nghiệp đời trước còn lưu lại, gọi là Thập ác quả báo.

Bấy giờ đức Thế Tôn ngự ở điện Ma Ni Bửu Tạng trong cung của Tha Hoá Tự Tại Thiên Vương câu hội với chư đại Bồ Tát từ phương khác đến. Đức Phật dạy rằng:

Chư Phật tử! Đại Bồ tát hộ trì mười nghiệp đạo lành như vậy không hề gián đoạn. Lại tự nghĩ rằng: tất cả chúng sinh sa đọa nơi ác đạo đều do mười nghiệp ác. Vì thế nên tôi phải tự tu chính hạnh, cũng khuyên người khác tự tu chính hạnh. Vì mình không tự tu thời không thể bảo kẻ khác tu.

Chư Phật tử ! Đại Bồ tát này lại nghĩ rằng: Mười nghiệp đạo ác là nhân thọ sinh nơi địa ngục, súc sinh và ngạ quỷ. Mười nghiệp đạo lành là nhân thọ sinh nơi loài người, cõi Trời. Lại thượng phẩm mười nghiệp đạo lành này dùng trí huệ để tu tập, vì tâm hẹp kém, vì sợ sinh tử, vì thiếu đại bị, vì theo người Thanh Văn khác mà tỏ ngộ thời thành Thanh Văn thừa. Lại thượng phẩm mười nghiệp đạo lành này tu tập thanh tịnh, chẳng do người khác dạy mà tự giác ngộ, vì chẳng đủ đại bi phương tiện, mà tỏ ngộ pháp nhân duyên thậm thâm thời thành Độc Giác thừa. Lại thượng phẩm mười nghiệp đạo lành này tu tập thanh tịnh, vì tâm rộng vô lượng, vì đầy đủ bi mẫn, vì phương tiện nhiếp thọ, vì phát sinh đại nguyện, vì chẳng bỏ chúng sinh, vì mong cầu Phật trí, vì tu tập trí địa của Bồ Tát, vì tịnh tu tất cả Ba la mật, mà thành hạnh quảng đại của Bồ Tát. Lại thượng thượng phẩm mười nghiệp đạo lành này, vì Nhất thiết chủng thanh tịnh nhẫn đến chứng Thập lực, Tứ vô úy nên tất cả Phật pháp đều được thành tựu. Vì những lẽ trên đây nên tôi bình đẳng thực hành mười nghiệp lành làm cho tất cả đều thanh tịnh đầy đủ.

Những phương tiện như vậy Bồ Tát phải học.

Chư Phật tử! Mười nghiệp đạo ác: Thượng phẩm là nhân địa ngục, trung phẩm là nhân súc sinh, hạ phẩm là nhân ngạ quỷ.

Trong đây về tội sát sinh có thể làm cho chúng sinh đọa địa ngục, súc sinh, ngạ quỷ. Nếu sinh trong loài người thời mắc hai quả báo: Mạng vắn và nhiều bệnh.

Kinh Trì Địa viết: “Tội sát sinh có thể khiến chúng sinh sa vào ba nẻo ác. Nếu sinh trong loài người thì bị hai loại quả báo: một là chết yểu, hai là lâm bệnh, như vậy mười điều ác thảy đều đủ cả thì phải chịu năm loại quả báo.

Vì sao sát sinh phải chịu nỗi khổ ở địa ngục? Bởi lẽ sát sinh, làm khổ chúng sinh cho nên khi thân hoại, mệnh hết, mọi nỗi khổ ở địa ngục đều đến giày vò mình.

Vì sao sát sinh lại làm súc sinh? Bởi vì sát sinh chẳng có lòng thương xót, làm trái với luân lý con người cho nên bị tội ở địa ngục xong, phải thụ báo làm thân súc vật.

Vì sao sát sinh lại thành ngã quỷ? Bởi vì sát sinh ắt do lòng keo bẩn, tham lam, hám vị ngon, nên lại thành ngã quỷ.

Vì sao sát sinh nếu có được sinh làm người thì cũng đoản mệnh? Bởi vì kẻ sát sinh tàn hại sinh mệnh các vật nên bị đoản thọ.

Vì sao sát sinh lại bị thêm quả báo là lâm bệnh? Vì sát sinh trái đạo, nhiều mối lo đua nhau nhau kéo đến, cho nên bị lâm bệnh. Nên biết rằng sát sinh có những nỗi khổ như vật, thế thì giết người khác tức là tự giết mình. Lẽ nào bậc trí giả lại tự giết mình?

Tội trộm cắp cũng làm cho chúng sinh đọa ba ác đạo. Nếu sinh trong loài người thời mắc hai quả báo: Nghèo cùng và tài sản chung không được tự do dùng.

Tội tà dâm cũng làm cho chúng sinh đọa ba ác đạo. Nếu sinh trong loài người thời mắc hai quả báo: Vợ không trinh lương và quyến thuộc không được tùy ý.

Tội vọng ngữ cũng làm cho chúng sinh đọa ba ác đạo. Nếu sinh trong loài người thời mắc hai quả báo: Bị phỉ báng và bị khi dối.

Tội lưỡng thiệt cũng làm cho chúng sinh đọa ba ác đạo. Nếu sinh trong loài người thời mắc hai quả báo: Quyến thuộc trái lìa và thân tộc tệ ác.

Tội ác khẩu cũng làm cho chúng sinh đọa ba ác đạo. Nếu sinh trong loài người thời mắc hai quả báo: Thường nghe tiếng ác và lời nói nhiều tranh cãi.

Tội ỷ ngữ cũng làm cho chúng sinh đọa ba ác đạo. Nếu sinh trong loài người thời mắc hai quả báo: Lời nói người không lãnh thọ và lời không rõ ràng.

Tội tham dục cũng làm cho chúng sinh đọa ba ác đạo. Nếu sinh trong loài người thời mắc hai quả báo: Lòng không biết đủ và quá tham muốn không nhàm.

Tội sân hận cũng làm cho chúng sinh đọa ba ác đạo. Nếu sinh trong loài người thời mắc hai quả báo: Thường bị người khác tìm chỗ hay dở và luôn bị người khác não hại.

Tội tà kiến cũng làm cho chúng sinh đọa ba ác đạo. Nếu sinh trong loài người thời mắc hai quả báo: sinh nhà tà kiến và tâm dua vạy.

Chư Phật tử! Mười nghiệp đạo ác có thể sinh vô lượng vô biên những quả khổ. Do vậy chúng ta dũng mạnh phát tâm xa rời mười nghiệp ác, làm vườn pháp an ổn thích thú ở trong đó, cũng khuyên người khác cùng ở trong đó.

Tâm Hướng Phật/St!

Bài viết cùng chuyên mục

Tại sao nơi A Di Đà Phật trụ được gọi là thế giới Cực Lạc?

Định Tuệ

Tịnh Độ Đại Kinh Giải Diễn Nghĩa tập 14 – Pháp Sư Tịnh Không

Định Tuệ

Thiên Ma phá hoại định lực của người tu

Định Tuệ

Chư Thiên Thần là ai? Sắc thân và tuổi thọ của chư Thiên ra sao?

Định Tuệ

Là người học trò nhất định phải tôn sư trọng đạo, nghe lời thầy dạy

Định Tuệ

10 công đức lạy Phật, dễ dàng thực hành mỗi ngày tại nhà

Định Tuệ

Thiên ma Ba Tuần là ai? Tại sao Ma vương muốn phá Phật thành đạo?

Định Tuệ

Niệm Phật thành Phật là thật, còn lại đều là giả

Định Tuệ

Làm thế nào để tạo ra phước đức, sanh phước báu?

Định Tuệ

Viết Bình Luận