Tâm Hướng Phật
Kiến Thức

Sân hận là gì? Phương pháp chuyển hóa sân hận

Sân là nóng giận, Hận là sự oán trách bị chấp giữ. Sân hận nghĩa là Tâm tức giận đối với những hoàn cảnh không vừa ý hay do người khác làm trái ý mình.

1. Sân hận là gì?

“Sân” là nóng giận, “Hận” là sự oán trách bị chấp giữ. Sân hận nghĩa là Tâm tức giận đối với những hoàn cảnh không vừa ý hay do người khác làm trái ý mình. Người sân hận là người mang tâm trạng muốn chống đối, trừng phạt, gây gổ hay tàn phá.

Sân hận là trạng thái tiêu cực tiềm ẩn trong mỗi con người, nó sẽ bộc phát khi gặp điều kiện thích hợp tác động. Cảnh báo sự độc hại của sân hận, Đức Phật cho biết tham, sân, si là tam độc, nó có khả năng phá hoại tâm hồn và thể xác con người không chỉ đời này mà còn nhiều đời sau.

Trong kinh còn cho rằng sân hận tàn khốc và nguy hiểm hơn lửa dữ, nó như là giặc cướp, như là rắn độc, một niệm sân hận dễ dàng đốt cháy cả rừng công đức, cho nên phải tìm đủ mọi cách để ngăn chận loại trừ nó.

Sân hận có nhiều trạng thái, mức độ biểu hiện khác nhau ví dụ như: Chán ghét, buồn phiền, bực tức, giận hờn, nổi nóng, oán hận, căm thù. Sân hận biểu lộ qua hành vi nét mặt, lời nói và trong ý nghĩ.

Biểu lộ bằng thái độ như nhăn mặt, nhíu mày, trợn mắt, nghiến răng. Biểu lộ bằng lời nói như la hét, quát tháo, chửi bới. Biểu lộ qua cử chỉ hành động như quăng ném đồ đạc, đánh đập, hành hạ, đâm chém, giết người…

Có khi nỗi sân hận oán thù không biểu hiện ra ngoài mà giữ kín trong lòng theo kiểu “sống để dạ chết mang theo” đồng nghĩa “đây là mối thù truyền kiếp” từ đời này qua đời khác. Sân hận khiến người ta tạo nghiệp xấu qua lời nói, ý nghĩ và hành động. Nó là nguyên nhân bất thiện đưa tới quả luân hồi sinh tử.

Đối với người tu Thiền, sân hận là sự chán ghét vào chính đối tượng thiền quán trong lúc tọa Thiền. Nó khiến hành giả dễ dàng bỏ rơi đề mục đang tu tập, chuyển tâm qua những mục tiêu khác.

Như trong luận Trí Độ, Thích Đề Bà Na dùng kệ thưa hỏi Đức Phật rằng:

Vật gì giết chết sự an ổn,
Vật gì giết chết sự vô ưu,
Vật gì là gốc của độc hại,
Nuốt mất tất cả các điều thiện?

Đức Phật thuyết kệ trả lời rằng:

Giết chết sân hận thì an ổn,
Giết chết sân hận thì vô ưu,
Sân hận là gốc của độc hại,
Sân hận diệt đi mọi điều thiện”.

Biết như vậy rồi nên tu Từ Ba, lấy Nhẫn Nhục trừ diệt khiến cho tâm thanh tịnh, quán xét âm thanh trống rỗng không thật thì không nên dấy lên sân hận. Vì vậy luận Trí Độ nói: “Bồ tát biết các pháp bất sanh bất diệt, tánh ấy đều rỗng không. Nếu như người sân hận mắng nhiếc, hoặc đánh hoặc giết, thì giống như mộng ảo như huyễn hóa”. Quán xét âm thanh vốn không có, chỉ là tiếng gió thuận theo duyên mà có, đâu cần phải đáng sân hận? Do đó Luận nói: “Như lúc người sắp nói thì gió trong miệng gọi là Ưu Đà Na, vào lại đến rốn, chạm đến rốn phát ra tiếng vang, lúc tiếng vang phát ra tiếp xúc với bảy chỗ mà dấy lên, thì gọi là ngôn ngữ. Như kệ nói:

Hơi gió gọi là Ưu Đà Na,
Chạm đến rốn mà phát lên trên,
Hơi gió này tiếp xúc bảy chỗ,
Đỉnh đầu và lợi răng cùng môi,
Lưỡi yết hầu cho đến phần ngực,
Trong này ngôn ngữ phát sanh ra,
Người ngu si không hiểu như vậy,
Mê muội chấp trước nổi sân si”.

Còn trong Kinh Ưu Bà Tắc nói: “Người có trí, nếu gặp mắng chửi tệ hại nên dấy lên nghĩ rằng: Chữ mắng chửi này không cùng lúc phát sinh, chữ đầu phát sinh thì chữ sau chưa có, chữ sau sanh rồi thì chữ đầu lại diệt đi. Nếu không cùng lúc thì thế nào là mắng, dứt khoát là tiếng gió thì tại sao mình sân hận”? Vì vậy trong luận Trí Độ nói: “Bồ tát quán xét chúng sanh, tuy rằng trăm ngàn kiếp mắng chửi mà không sanh tâm sân hận, nếu trăm ngàn kiếp ca ngợi thì cũng không vui sướng, bởi vì biết rõ âm thanh sanh biệt như mộng ảo như tiếng vang”.

2. Phương pháp chuyển hóa sân hận

Trong Tương Ưng Kinh (Samyutta Nikaya) Đức Phật đưa ra một hình ảnh để minh họa sân hận như sau:

Nếu có một bình nước đun nóng trên lửa, nước sẽ sủi bọt và sôi lên, một người với thị lực bình thường, nhìn vào bình nước ấy, không thể nhận ra và thấy được hình ảnh của khuôn mặt mình một cách đúng đắn. Cũng tương tự như vậy, khi tâm một người bị sân hận ám ảnh, bị sân hận áp đảo, họ không thể thấy được lối thoát khỏi sân hận đã khởi lên một cách đúng đắn; từ đó họ cũng không thể hiểu và thấy một cách đúng đắn lợi ích của mình, không thể hiểu và thấy một cách đúng đắn lợi ích của người, không thể hiểu và thấy một cách đúng đắn lợi ích của cả hai; những bài pháp đã học thuộc lòng trước đây không đi vào tâm họ (không nhớ được), nói gì đến những bài pháp không thuộc.

Trong Eka-Nipāta của Tăng Chi Kinh (Anguttara Nikaya) Đức Phật nói như sau:

Này các Tỳ-kheo, Ta không thấy một pháp nào khác có sức mạnh như vậy khiến cho sân chưa sanh, sanh khởi, hay, sân đã sanh khiến cho mãnh liệt, tăng trưởng, như nét đáng chán (đối ngại tướng).

Nơi người nào phi lý tác ý đến nét đáng chán, sân hận chưa sanh sẽ sanh khởi, hay, sân hận đã sảnh trở nên mãnh liệt, tăng trưởng.

Này các Tỳ-kheo, Ta không thấy một pháp nào khác có sức mạnh ngăn được sự sanh khởi của sân, nếu chưa sanh, hay, nếu sân đã sanh, khiến cho được đoạn trừ, như từ tâm giải thoát như vậy.

Nơi người nào như lý tác ý đến từ tâm giải thoát thì sân, nếu chưa sanh, không sanh, hay, sân nếu đã sanh, khiến cho được đoạn trừ.

Cũng trong Tăng Chi Kinh (Anguttara Nikaya) bài pháp Vượt Qua Sân Hân được Đức Phật dạy như sau:

Này các Tỳ-kheo, có năm cách vượt qua sân hận. Bất luận khi nào sân hận khởi lên nơi một vị Tỳ-kheo nó cần phải được vượt qua một cách hoàn toàn. Thế nào là năm?

Nếu lúc nào sân hận khởi sanh nơi một người, trong người ấy từ phải được tu tập…trong người ấy bi phải được tu tập…trong người ấy xả phải được tu tập…trong người ấy trạng thái không nhớ (vô niệm) không tác ý đến đối tượng tạo ra sân hận cần phải được tu tập… trong người ấy ý thức về sự kiện nghiệp (kamma) của một người là tài sản riêng của người ấy phải được tu tập… Như vậy sân sẽ được vượt qua nơi người ấy. Quả thực, đây là năm cách vượt qua sân hận. Ở đâu sân hận khởi lên nơi một vị Tỳ-kheo, nó sẽ được vượt qua một cách hoàn toàn.

Thường thường sân có hai loại, đó là, sân hung hăng và sân trầm uất. Để chế ngự hay vượt qua loại sân thứ nhất, tu tập tâm từ là pháp môn tốt nhất, bởi vì sân và từ là hai thái cực và không thể cùng hiện hữu. Bởi lẽ trong một sát-na tâm chỉ một tâm duy nhât có thể khởi lên, nên khi từ tâm có mặt sân tâm không thể khởi lên, và ngược lại. Như vậy, khi quý vị có tâm từ, sân sẽ không thể nào sanh khởi. Nếu quý vị thường xuyên trau dồi tâm từ, dần dần nó sẽ trở thành một phần nhân cách của quý vị, và quý vị sẽ không thể nổi sân dễ dàng như trước nữa.

Ở đây tôi sẽ đưa ra một thí dụ để giải thích pháp môn – trong người ấy trạng thái không nhớ nghĩ (vô niệm) và không tác ý đến đối tượng tạo ra sân hận phải được tu tập. Giả sử, trong lúc đi trên đường quý vị nhìn thấy một đống phân hôi thối. Liệu quý vị có cần phải hốt nó lên và bỏ vào túi, rồi nổi giận với mùi hôi thối của nó và trách cứ tại sao nó lại làm bẩn áo quần của quý vị không? Tất nhiên điều đó không cần. Quý vị chỉ việc đi ngang qua và hoàn toàn không cần phải để ý gì đến nó. Tương tự, một ác nhân ngu si cũng giống như một đống phân hôi thối. Quý vị không cần phải bận tâm đến anh ta để chuốc lấy phiền phức vốn không đem lại tốt lành gì cho cả hai đàng. Quý vị nên tự hỏi mình như vầy: nổi giận có giúp ích gì cho việc hành thiền không? Nếu có thì quý vị nên nổi giận. Song đó là chuyện không thể. Vì thế cớ sao lại phải nổi giận?

Đối với loại sân trầm uất vốn bao gồm tất cả các loại ưu sầu, buồn bã, than khóc, tuyệt vọng (sầu, bi, khổ, ưu, não) v.v… quý vị cũng nên tác ý theo cách như trên. Tức là, nếu sân này có lợi cho việc hành thiền, thời quý vị nên tu tập nó. Thực sự, nó không lợi ích cho thiền mà chỉ có hại mà thôi. Như vậy, sao chúng ta lại ngu ngốc đến độ để rơi vào tình trạng sân đã hoàn toàn không có lợi mà còn có hại này chứ? Đức Phật, Tôn-giả Xá-lợi-phất, Tôn-giả Mục-kiền-liên, tất cả các vị Thánh Alahán và Thánh Bất-lai không bao giờ ưu sầu, buồn bã, than khóc và tuyệt vọng. Tại sao chúng ta không học những con người thánh thiện, trí tuệ ấy? Tóm lại, ưu sầu, buồn bã, than khóc và tuyệt vọng thuộc về những kẻ yếu đuối, và nó không đáng cho chúng ta tu tập vậy.

Tâm Hướng Phật/TH!

Bài viết cùng chuyên mục

Người niệm Phật là người có phước

Định Tuệ

Thiền là gì? Là khi tâm lặng, tinh thần tươi sáng, trí tuệ phát huy

Định Tuệ

Đạo con người là đạo ngũ luân, chúng ta có làm được chăng?

Định Tuệ

Tâm chính là Phật thì cần gì niệm Phật nào khác?

Định Tuệ

Tu hành cuối cùng đạt được điều gì? Làm sao để được nhiều vui hơn khổ?

Định Tuệ

Tin là mẹ đẻ của công đức

Định Tuệ

Nếu bạn muốn thân thể khỏe mạnh thì không nên nổi giận

Định Tuệ

Chùa Phật là cơ cấu giáo dục để giáo dục giáo hóa chúng sanh

Định Tuệ

Vì sao phải siêu độ vong nhân? Phương pháp siêu độ vong nhân

Định Tuệ

Viết Bình Luận