Dưới đây là nội dung Kinh Lăng Nghiêm quyển 9, Hòa Thượng Tuyên Hóa lược giảng giải, TT Thích Nhuận Châu việt dịch, sách file PDF.
KINH ĐẠI PHẬT ĐẢNH NHƯ LAI MẬT NHƠN TU CHỨNG LIỄU NGHĨA CHƯ BỒ TÁT VẠN HẠNH THỦ LĂNG NGHIÊM QUYỂN 9
Sa-môn Bát-thích Mật-đế người Trung Thiên Trúc dịch vào đời Đường.
Sa-môn Di-già Thích-ca, người nước Ô Trành dịch ngữ.
Sa-môn Hoài Địch, chùa Nam Lâu, núi La Phù, chứng minh bản dịch.
Đệ tử Phòng Dung, thọ Bồ-tát giới, hiệu Thanh Hà, chức Tiền Chánh Nghị
Đại Phu đồng Trung Thư Môn Hạ Bình Chương Sự bút thọ (nhuận bút)
Tuyên Hóa Thượng Nhân,
Vạn Phật Thánh Thành, Bắc Mỹ châu (Hoa Kỳ) lược giảng.
Đệ tử thọ Bồ-tát giới Phương Quả Ngộ ghi chép.
Thích Nhuận Châu, Tịnh Thất Từ Nghiêm Đại Tòng Lâm dịch
KHAI KINH KỆ
Vô thượng thậm thâm vi diệu pháp
Bách thiên vạn kiếp nan tao ngộ
Ngã kim kiến văn đắc thọ trì
Nguyện giải Như Lai chân thật nghĩa
Phật pháp rộng sâu rất nhiệm mầu
Trăm ngàn muôn kiếp khó tìm cầu
Con nay nghe được chuyên trì tụng
Nguyện rõ Như Lai nghĩa nhiệm mầu.
Trích đoạn đầu Quyển 9
KINH VĂN:
Lúc bấy giờ Đức Như Lai sắp rời pháp tòa. Từ tòa sư tử, ngài vin chiếc ghế bảy báu, xoay thân hình như sắc núi vàng tía, rồi lại tựa lưng vào ghế, bảo đại chúng cùng A-nan rằng: Các ông là hàng Thanh văn, Duyên giác hữu học, ngày nay hồi tâm hướng về Vô thượng bồ-đề. Như Lai đã dạy pháp tu chơn chánh cho các ông rồi.
GIẢNG:
Lúc bấy giờ Đức Như Lai sắp rời pháp tòa: là khi Đức Phật giảng gần xong hội Kinh Thủ-lăng-nghiêm. Từ tòa sư tử, ngài vin ghế bảy báu. Đức Phật đang ngồi trên pháp tòa, tức tòa sư tử. Pháp âm của Như Lai ví như tiếng gầm của sư tử. Khi sư tử gầm lên, tất cả các loài thú đều sợ hãi. Nên chỗ Như Lai ngồi giảng pháp được gọi là tòa sư tử. Chiếc ghế mà Như Lai ngồi được làm bằng bảy thứ báu để trang nghiêm.
Như Lai xoay thân hình như sắc núi vàng tía, rồi lại tựa lưng vào ghế. Thân của Đức Phật như núi bằng vàng tía, ánh sáng rực chiếu khắp mọi nơi, bảo khắp đại chúng cùng A-nan rằng: các ông là hăng Thanh văn, Duyên giác hữu học. Trước khi đạt được bốn quả vị dành cho hàng A-la hán, họ vẫn được coi là hàng hữu học.
Thanh văn là những vị được giác ngộ do tu tập pháp “Tứ diệu đế.” Duyên giác là những vị được giác ngộ do tu tập pháp “mười hai nhân duyên.” Nay hồi tâm hướng về Vô thượng bồ-đề. A-nan và hàng Thanh văn bây giờ đã hồi tâm, từ quả vị Tiểu thừa hướng về Đại thừa. A-nan cùng hàng Nhị thừa đã phát tâm cầu Vô thượng bồ-đề, không có gì để sánh với sự giác ngộ nhiệm mầu này.
Mời quý bạn đọc Kinh Lăng Nghiêm quyển 9 – Hòa Thượng Tuyên Hóa lược giảng tại file PDF dưới đây. Đọc và tải trọn bộ Kinh Lăng Nghiêm HT Tuyên Hóa giảng giải tại: Kinh Lăng Nghiêm giảng giải – Hòa Thượng Tuyên Hóa