Thích Ca Mâu Ni Phật đã nói ra vô lượng vô biên pháp môn, tám vạn bốn ngàn pháp môn, chỉ có pháp môn này là bình đẳng thành Phật.
Chư Phật Như Lai xuất hiện ở thế gian, nếu như không nói bộ Kinh này thì trái với bổn nguyện của Ngài. Các Kinh khác có thể không giảng, nhưng bộ Kinh này không thể không giảng. Vì sao vậy? Các Kinh khác, pháp môn Kinh luận đó mức độ ứng cơ không rộng, phải có một số đối tượng đặc thù.
Thí dụ như Thiền Tông, Đại Sư Huệ Năng đã nói ở trong “Đàn Kinh” là đối tượng của Ngài là người thượng thượng căn, hay nói cách khác, người trung hạ căn không có phần, chính là khi gặp được rồi y theo phương pháp này mà tu hành cũng không thể thành tựu, căn cơ của họ thích ứng với phạm vi rất nhỏ hẹp, không phải là pháp môn phổ độ, hơn nữa thành tựu cũng không phải là cứu cánh viên mãn.
Họ có thể giúp đỡ bạn, họ chân thật là pháp không sai, có thể giúp bạn “minh tâm kiến tánh, kiến tánh thành Phật” nhưng cao nhất cũng chẳng qua là Bồ Tát Thập Trụ, Thập Hạnh vị, chỉ cao đến như vậy, không viên mãn, không cứu cánh, không phải là bổn hoài của Phật độ chúng sanh. Tất cả chư Phật độ chúng sanh luôn hy vọng chúng sanh mau mau thành Phật giống y như các Ngài vậy, đó là bổn hoài của Phật, bổn nguyện của Phật.
Không như người thế gian, người thế gian thì tôi cũng hy vọng bạn thành tựu, nhưng thành tựu của bạn phải kém hơn tôi một chút, không thể nào vượt qua tôi. Đó là phàm phu, muốn giúp đỡ người luôn là không thể nào giúp cho người vượt qua hơn chính mình. Tâm luân hồi! Chư Phật Như Lai không phải như vậy, không những hy vọng bạn có thành tựu, mà chân thật hy vọng bạn vượt qua các Ngài. Vì sao vậy? Bạn vượt qua các Ngài thì các Ngài tự tại.
Tôi cũng là mong muốn học trò của chúng ta mau mau thành tựu, đều có thể vượt qua tôi, vậy thì tôi nghỉ hưu được rồi, ngày ngày du sơn ngoạn thủy. Bạn nói xem, tự tại dường nào! Thật an vui. Tôi hy vọng mọi người vượt qua tôi, đã nghĩ đến mười mấy năm rồi. Tôi biết được có người vượt qua hơn tôi, tôi liền được tự tại, tôi liền hưởng phước.
Cho nên chư Phật Bồ Tát hy vọng tất cả chúng sanh đều làm Phật, hơn nữa là bình đẳng làm Phật. Chỗ này thật là trác tuyệt. Bình đẳng làm Phật chỉ có pháp môn này. Thích Ca Mâu Ni Phật đã nói ra vô lượng vô biên pháp môn, tám vạn bốn ngàn pháp môn, chỉ có pháp môn này là bình đẳng thành Phật. Chỗ này các vị nhất định phải ghi nhớ. Cổ đức nói: “Có thể khiến cho người ngũ thừa vào báo độ”. Đây là tán thán cực độ đối với pháp môn này, hơn nữa tán thán không một chút khoa trương, tán thán rất hay.
“Ngũ thừa” là Nhân thừa, Thiên thừa, Thanh văn, Duyên Giác, Bồ Tát, nói rõ trình độ của chúng sanh khác biệt nhau rất lớn. Pháp môn này có thể dạy những người này bình đẳng khế nhập cõi Thật Báo Trang Nghiêm, hiển thị rõ pháp môn không thể nghĩ bàn. Thế Tôn ở trên Kinh này nói, A Di Đà Phật ở trên Kinh này cũng nói, chỉ cần sanh đến Thế giới Tây Phương Cực Lạc, không luận bạn là chúng sanh ở tầng lớp nào, đều hiểu rõ Thế giới Tây Phương Cực Lạc, đều là A Duy Việt Chí Bồ Tát. “A Duy Việt Chí”, đại đức xưa chú giải cho chúng ta được rất rõ ràng là Thất Địa trở lên. Cho nên, pháp môn này gọi là pháp môn khó tin.
Pháp môn này mới là lợi ích chân thật, sanh đến Tây Phương liền bằng với Bồ Tát Thất Địa. Bồ Tát Thất Địa thật khó được. Chúng ta chân thật là vô lượng kiếp tu hành, đời đời kiếp kiếp tu tập chuyên cần mới có thể chứng được vị Sơ Trụ. Từ Sơ Trụ đến Thất Địa phải đủ hai A Tăng Kỳ kiếp. Bạn thấy thông thường những người tu các pháp môn khác thật khó cỡ nào, khổ cực cỡ nào! Phải dùng thời gian không cách gì tính đếm được mới có thể tu đến Thất Địa.
Trong niệm Phật đường này của chúng ta, người căn tánh lanh lợi niệm mấy ngày thì liền thành tựu, người căn tánh chậm lụt niệm ba năm đến năm năm cũng quyết định thành tựu. Bạn thấy thời gian ba đến năm năm thì vượt qua Pháp Thân Đại Sĩ hai A Tăng Kỳ kiếp. Phật Bồ Tát, Thanh Văn, Duyên Giác trong mười pháp giới không nói đến, chúng ta siêu vượt Pháp Thân Đại Sĩ trong hội “Hoa Nghiêm” hai A Tăng Kỳ kiếp, đây mới gọi là chân thật chi lợi. Phật dùng phương pháp gì vậy? Phương pháp quá huyền diệu, hồng danh sáu chữ, dạy bảo bạn “Phát Tâm Bồ Đề, Một Lòng Chuyên Niệm” thì được rồi.
Một lòng chuyên niệm thì đồng tu có, phát tâm Bồ Đề thì đồng tu không nhiều. Thế nhưng các vị phải nên ghi nhớ, cần phải phát tâm Bồ Đề, một lòng chuyên niệm mới có thể thành công. Nếu như bạn một lòng chuyên niệm mà không phát tâm Bồ Đề thì ngay trong một đời này không thể thành tựu, chỉ là kết thiện duyên với Phật A Di Đà mà thôi. Nếu như phát tâm Bồ Đề, niệm Phật ít cũng có thể vãng sanh.
Đây là đúng như Đại Sư Ngẫu Ích ở trong “Kinh A Di Đà Yếu Giải” nói với chúng ta: “Người niệm Phật có thể vãng sanh hay không quyết định ở có tín – nguyện hay không (tín – nguyện là tâm Bồ Đề), sanh đến Thế giới Tây Phương Cực Lạc phẩm vị cao thấp quyết định ở công phu niệm Phật sâu cạn”. Công phu niệm Phật của bạn cạn thì phẩm vị vãng sanh thấp, công phu niệm Phật sâu thì phẩm vị vãng sanh cao. Đại Sư Ngẫu Ích nói rất hay.
Lời của Đại Sư Ngài đã nói chính là ý của Phật A Di Đà. Chúng ta làm sao biết được là ý của Phật A Di Đà? Ấn Tổ nói với chúng ta, “Kinh A Di Đà” mà Đại Sư Ngẫu Ích chú giải đích thực là bổn ý của Phật A Di Đà. Cho nên, tâm Bồ Đề phải phát.
Làm thế nào phát tâm Bồ Đề? Trước tiên phải biết cái gì gọi là tâm Bồ Đề. Đại Sư Ngẫu Ích đã nói trong “Yếu Giải” rất hay: “Một lòng chuyên chú cầu sanh Tịnh Độ”, tâm này chính là tâm vô thượng Bồ Đề. Lời nói này dễ hiểu. Chúng ta chỉ một lòng một dạ cầu sanh Thế giới Tây Phương Cực Lạc, chỉ cầu thấy Phật A Di Đà, tất cả các thứ khác thảy đều buông bỏ, quyết định không còn để ở trong lòng nữa, thì chúng ta đầy đủ viên mãn tâm Bồ Đề.
Nếu như đối với thế gian này còn có những việc vướng mắc bận lòng thì tâm Bồ Đề của bạn chưa phát, bạn chưa triệt để buông bỏ đối với thế gian này. Cho nên người phát tâm Bồ Đề thì thế xuất thế gian pháp thảy đều buông bỏ, tâm địa thanh tịnh một trần không nhiễm, sau đó một lòng chuyên niệm, trong lòng chỉ có một câu A Di Đà Phật, rõ ràng tường tận, thông suốt thấu đáo. Như vậy mà niệm Phật liền quyết định vãng sanh. Đó là lợi ích chân thật cụ thể áp dụng ở tất cả chúng sanh, chỉ có phương pháp này mới chân thật mãn hoằng nguyện của tất cả chư Phật cứu độ chúng sanh, bổn hoài phổ độ chúng sanh.
Chúng ta học Phật, chân thật phát nguyện làm đệ tử Như Lai, chúng ta phải hướng theo Phật học tập. Học cái gì? Chỉ học ba câu này. Ba câu này quy nạp lại chính là bốn chữ “hoằng pháp lợi sanh” Này. “Quang xiển đạo giáo” là hoằng pháp, “dục chửng quần minh” và “huệ dĩ chân thật chi lợi” là lợi sanh, quyết định không vì chính mình.
Chính mình tất nhiên được lợi ích lớn. Lợi ích lớn này cũng chính là chỗ này nói lợi ích chân thật. Có thể lợi ích tất cả chúng sanh mới là chân thật lợi ích chính mình. Mỗi niệm vì quang đại Phật pháp. Chúng ta biết được chỉ có Phật pháp mới có thể cứu độ tất cả chúng sanh mười pháp giới. Đây là nói rõ chúng ta phải làm thế nào quang đại Phật pháp.
Tại vì sao phải hoằng dương Phật pháp? Chỉ có Phật pháp mới có thể độ chính mình, mới có thể độ chúng sanh. Chúng ta phát tâm xuất gia chính là vì sự việc này. Nhất định phải làm tốt sự việc này. Làm thế nào mới có thể làm được tốt? Nhất định phải “y giáo phụng hành”.
Nói cụ thể một chút, “năng tín, năng giải, năng nguyện, năng hành”, bạn liền có thể làm được rất tốt. Trên Kinh Phật dạy chúng ta làm, chúng ta nhất định phải cố gắng nỗ lực làm; Phật dạy chúng ta không nên làm, chúng ta nhất định phải nên nghe lời, không những thân không thể làm, mà ngay đến ý niệm cũng không thể có, vậy mới gọi là học Phật. Học Phật chính là học tập với Phật.
Trích đoạn trong:
PHẬT THUYẾT ĐẠI THỪA VÔ LƯỢNG THỌ
TRANG NGHIÊM THANH TỊNH BÌNH ĐẲNG GIÁC KINH
Người giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không
Tập 56
Tâm Hướng Phật/St!