Cuốn sách Tuyết Lư Lão Nhân Tịnh độ tuyển tập, là tuyển tập những bài viết về Tịnh Độ của lão cư sĩ Lý Bỉnh Nam.
Tiểu sử Lão Cư sĩ Lý Bỉnh Nam
Cư Sĩ Lý Bỉnh Nam thời Dân Quốc, hiệu Tuyết Lư hay Tuyết Tăng. Người thành phố Tế Nam tỉnh Sơn Đông. Tự bé, ông đã đỉnh ngộ, hiếu học.
Ông chuyên học về pháp luật, chính trị và học cả Trung y, nghiên cứu Phật Học: Giáo, Thiền, Tịnh, Mật, ông đều thường tu trì. Ông từng giữ chức giám ngục của huyện Lữ, nhưng nhân từ tột bậc, chung thân ăn chay.
Ông quy y với vị Tổ thứ mười ba của Tịnh Tông là Ấn Quang Đại Sư, được ban hiệu là Đức Minh. Ông gắng sức tự hành, dạy người chuyên tu tịnh nghiệp. Sau ông đáp lời mời, làm bí thư cho vị chủ nhiệm quản trị nhà thờ phụng Đại Thành Chí Thánh Tiên Sư Khổng Tử.
Ông theo chủ nhiệm Khổng Thượng Công Khổng Đức Thành thiên di theo chính phủ về Trùng Khánh, sống ở biệt thự Ỷ Lan thuộc núi Ca Nhạc.
Mỗi sáng sớm, ông lên Chùa Vân Đảnh để lễ tụng, niệm Phật. Ít lâu sau, ông lãnh trách nhiệm giảng dạy cho Phật Học Giảng Diễn Hội của Chùa mấy năm, người tin theo rất đông. Năm Dân Quốc bốn mươi tám 1946, theo Khổng Thượng Công trở về Nam Kinh, ông thường giảng Kinh tại Chùa Phổ Tế và Chánh Nhân Liên Xã.
Tháng Hai năm Dân Quốc 38 -1949, vào lúc sáu mươi tuổi, ông theo Khổng Thượng Công qua Đài Loan, ngụ tại Thành Phố Đài Trung. Vừa mới sắp xếp công vụ xong, ông đã tìm được Chùa Pháp Hoa để làm cơ sở Hoằng Pháp và lập phòng chẩn mạch Trung Y, lập Bồ Đề Y Viện và Thí Y Hội v.v… để chữa trị, hốt thuốc miễn phí. Ông khởi xướng những sự nghiệp hoằng hóa, từ thiện để tiếp dẫn quần cơ đồng Tu Tịnh Nghiệp.
Ông thường nhóm chúng Niệm Phật. Cử phái viên hoằng pháp đến thăm các nhà giam và những gia đình liên hữu. Do đó, pháp duyên ngày càng rộng rãi. Tòa giảng kinh của ông mở rộng đến các Chùa Linh Sơn, Bảo Giác, Bảo Thiện v.v… Ông còn khuếch trương những cơ sở truyền giáo khắp cả Tam Đài, Đài Bắc, Đài Trung và Đài Nam, chuyên Hoằng Dương Tịnh Độ phổ độ chúng sanh.
Mỗi năm, cử hành Phật Thất nhiều lần. Lần nào ông cũng đích thân chủ trì, ân cần, thiết tha huấn thị. Ông thường soạn các tài liệu Phật Học hàm thụ và vấn đáp, soạn các chương trình phát thanh miễn phí gởi tặng các đài phát thanh.
Về trước tác có: A Di Đà Kinh Trích Chú Tiếp Mông Kỵ Nghĩa Uẩn, lược chú Kinh Di Đà để những người kém hiểu biết lãnh hội được ý nghĩa sâu xa, Đại Chuyên Học Sinh Phật Học Giảng Tòa, tài liệu giảng dạy Phật Học cho sinh viên chuyên ngành Phật Học gồm sáu quyển:
Phật Học Vấn Đáp Loại Biên, Hoằng Hộ Tiểu Phẩm Vựng Tồn, v.v… hóa độ nhân gian. Nhân đó, ở các nơi gần hay xa, mọi người đều được bình đẳng hưởng thụ pháp ích. Sau ông nghỉ việc để tăng thời gian hoằng pháp. Luôn luôn khuyên người khác tin sâu nhân quả, già dặn, chắc thật niệm Phật.
Trong pháp môn niệm Phật có hai công phu để hành trì:
1. Tu Phật Thất, dành cho người căn cơ bình thường.
2. Ban Châu Tam Muội, dành cho người siêu việt xuất chúng, có sức khỏe dẻo dai.
Hành giả thực hành Ban Châu Tam Muội phải đứng hay đi kinh hành trong thời gian chín mươi ngày không hề nằm, thường xuyên đắp y hoặc mặc áo tràng.
Theo lời kể lại, Cư Sĩ Lý Bỉnh Nam đã hai lần đạt được Ban Châu Tam Muội. Ngài đã được định rất sâu. Như vậy, có thể Ngài Lý Bỉnh Nam đã đạt được lý nhất tâm bất loạn hoặc sự nhất tâm bất loạn.
Ngày mười hai tháng Tư năm Dân Quốc 75 – 1986, ông bảo đệ tử hầu cận: Ta sắp đi đây. Đến sáng hôm sau, ông niệm Phật đến nhất tâm bất loạn, dặn dò đệ tử rồi nằm yên lành mà tịch. Thọ chín mươi bảy tuổi. Sau khi trà tỳ, thu được hơn cả ngàn viên Xá Lợi ngũ sắc.
Ngài Lý Bỉnh Nam là vị Thầy vĩ đại của hơn 200 ngàn đệ tử nói chung và của Hòa Thượng Tịnh Không nói riêng. Sau khi Ngài tịch, thiên hạ mến mộ công đức của Ngài nên mỗi ngày có khoảng 600 người đến hộ niệm. Tất cả đều tự động đến, không phải để chia buồn, nói lời rỗng tuếch mà đi xung quanh quan tài hộ niệm. Tiếng niệm Phật không ngừng nghỉ trong suốt 49 ngày.
Trích đoạn trong Tuyết Lư Lão Nhân Tịnh độ tuyển tập
1. Ðời người nhiều nghịch cảnh
Có ai là không bị bệnh hoạn, già suy, thân thuộc sanh ly tử biệt, của cải mất mát, oán thù gia hại? Lại còn kẻ nghèo mong cầu tiền của, người không con cầu con, kẻ vô nghề nghiệp, chức vụ mong có nghề nghiệp, chức vụ; nhưng rốt cuộc rồi mấy ai được như ý? Những điều bất như ý ấy làm cách nào để giải quyết đây?
2. Cõi đời này lắm tai nạn
Gió bão nổi dậy, địa chấn phát sanh, tường đổ nhà sập khiến lắm người bị tử thương. Lại còn không mưa thành đại hạn, mưa quá thành lụt, mất mùa khiến lắm người bị chết đói. Nước lớn tràn dâng, chìm ngập thôn trang. Lửa to bốc cháy, thiêu tan thành thị khiến lắm người bị tử thương. Những chuyện như vậy gần như năm nào cũng có. Lại còn có năm chẳng thái bình, có những quốc gia trên thế giới chẳng nghĩ gì đến lẽ nhân đạo luôn gây vạ chiến tranh. Lại còn phát minh những vũ khí giết người tối tân, nào là bom nguyên tử, nào là bom khinh khí, chỉ sợ là chẳng giết được thật nhiều người mà thôi. Còn bảo như vậy mới là thế giới tiến hóa, chứ nói trắng ra chỉ là một lò sát sanh lớn! Thử hỏi ai có biện pháp nào tránh khỏi những tai nạn như thế hay không?
3. Nỗi khổ luân hồi của thân sau
Rất đáng thương thay! Người chết chẳng phải là hết vì thân tuy chết đi, thần thức chẳng diệt. Có sáu cảnh giới là thiên, nhân, a tu la, súc sanh, địa ngục, ngạ quỷ. Thần thức hoàn toàn chẳng thể vượt ra khỏi phạm vi của sáu cõi này. So trong lục đạo, cõi trời, cõi người còn khá, nhưng vẫn có sanh tử, xoay vần qua qua, lại lại; hốt nhiên mang thân trời, người, hốt nhiên sanh trong địa ngục, súc sanh. Ngàn lần sống, vạn lần chết, luân chuyển như thế; xương vùi cao như núi, lệ trào nhiều như biển, thật quá cực khổ! Thử hỏi ai có phương pháp nào trốn tránh sự luân hồi ấy ngõ hầu được trường sanh an tịnh chăng?
Mời quý bạn đọc sách Tuyết Lư Lão Nhân Tịnh độ tuyển tập – Lão Cư sĩ Lý Bỉnh Nam tại file PDF dưới đây.
[pvfw-embed viewer_id=”4859″ width=”100%” height=”600″ iframe_title=”Tâm Hướng Phật” zoom=”auto” pagemode=”none”]