Tâm Hướng Phật
Kiến Thức

Pháp môn Niệm Phật phải như thế nào mới là đắc lực?

Nếu có thể thật sự trong mười hai thời chỉ có một câu Phật hiệu, những ý niệm khác đều chẳng có, thưa quý vị, đó là “nhất tâm”.

Lương dĩ đơn đề thánh hiệu, trực hạ nhất tâm, hữu hà thứ đệ, chánh Tam Quán viên tu chi nghĩa dã. (Ấy là vì chỉ giữ một thánh hiệu mà chứng nhập thẳng vào nhất tâm, đâu có thứ tự gì, đấy chính là ý nghĩa chánh yếu của tu trọn vẹn Tam Quán).

Pháp môn Niệm Phật phải như thế nào mới là đắc lực? Đoạn này nhằm thuyết minh về chuyện này. Quý vị phải đặc biệt ghi nhớ câu này: “Đơn đề thánh hiệu, trực hạ nhất tâm”, tám chữ này phải ghi nhớ. Trừ một câu Phật hiệu ra, bất cứ vọng niệm gì cũng chẳng có, đó gọi là Đơn Đề! Niệm một tiếng Phật hiệu mà vẫn còn nghĩ đến chuyện gì khác, đấy chẳng phải là Đơn Đề!

Nếu có thể thật sự trong mười hai thời chỉ có một câu Phật hiệu, những ý niệm khác đều chẳng có, thưa quý vị, đó là “nhất tâm”. Đây chẳng phải là Thứ Đệ Nhất Tâm mà là “đương hạ nhất tâm” (đạt nhất tâm ngay khi ấy, không cần theo thứ tự tu tập dần dần nào), nhất tâm bất loạn bèn hiện tiền.

Vẫn còn hoài nghi cái này, hoài nghi cái nọ, nghĩ cái này, tưởng cái nọ, chính là phá hoại nhất tâm của chính mình! Cách tu này chính là giáo nghĩa viên tu Tam Quán chánh yếu trong tông Thiên Thai, tức là Nhất Tâm Tam Quán của tông Thiên Thai. Cách tu Nhất Tâm Tam Quán của họ quả thật rất rắc rối, chúng ta dùng một câu Phật hiệu tu Nhất Tâm Tam Quán dễ dàng hơn rất nhiều.

Ngẫu Ích đại sư nói pháp môn này đơn giản nhất, dễ dàng nhất, ổn thỏa, thích đáng nhất, nhanh chóng nhất. Trong vô lượng pháp môn, không có pháp nào lý tưởng bằng, không có pháp môn nào thù thắng bằng. Quý vị được nghe pháp môn này, phước báo rất lớn; người thiếu phước báo sẽ chẳng được nghe!

Quý vị thật sự hiểu rõ pháp môn này, chiếu theo pháp môn này để tu học, sẽ thành Phật trong một đời này. Tu học những pháp môn khác, chẳng dễ gì mong được thành Phật trong một đời! Pháp môn này thành Phật trong một đời. Không chỉ thành Phật, mà còn thành một vị Phật trong Viên Giáo, đúng là chẳng thể nghĩ bàn!

Thị tắc bỉ kinh dĩ tâm quán vi Tông. (Kinh ấy lấy tâm quán làm tông).
Thập Lục Quán Kinh lấy nhất tâm quán tưởng làm tông chỉ.
Thử kinh dĩ tâm niệm vi Tông. (Kinh này lấy tâm niệm làm tông).
Lấy nhất tâm niệm danh hiệu Phật làm tông chỉ.

Quán tức niệm dã, niệm tức quán dã, lưỡng kinh sở thuyết, ký đồng nhất tâm, hà độc thử kinh ức chi vi tán. (Quán chính là niệm, niệm chính là quán, hai kinh cùng nói về nhất tâm, cớ sao chỉ dè bỉu một mình kinh này là Tán Thiện).

Ý nghĩa này hết sức rõ ràng. “Quán” là dốc hết tinh thần vào một cảnh giới, lại còn nhận biết cảnh giới ấy rõ ràng, rành rẽ, rành mạch, phân minh. “Niệm” là trong tâm nghĩ tới, Quán là tưởng, tâm tưởng đến; niệm và tưởng là một chuyện. Quán Kinh dùng cái tâm pháp giới để quán cảnh pháp giới, kinh này dùng cái tâm pháp giới để niệm pháp giới Phật, cùng là một chuyện! Trên thực tế, chẳng có sai biệt nào cả! Làm sao có thể nói kinh này là Tán Thiện cho được?

Cố thử pháp môn danh Niệm Phật tam-muội. (Vì thế, pháp môn này được gọi là Niệm Phật tam-muội).

Vì sao gọi là Niệm Phật tam-muội? Tam-muội là Chánh Định, dùng phương pháp Niệm Phật để thành tựu tam-muội. Vì thế, gọi là Niệm Phật tam-muội. Niệm Phật tam-muội nói nghiêm ngặt sẽ là Sự nhất tâm bất loạn. Công phu thành phiến là Tương Tự Niệm Phật tam-muội.

Diệc danh Nhất Hạnh tam-muội. (Còn gọi là Nhất Hạnh tam-muội). Nhất Hạnh là chẳng có hai hạnh, Nhất Hạnh là chuyên niệm danh hiệu. Suốt ngày từ sáng đến tối những điều ta nghĩ tưởng đều là một câu A Di Đà Phật. Trừ một câu A Di Đà Phật ra, chuyện gì cũng không tưởng tới, chuyện gì cũng chẳng nghĩ tới. Đó gọi là Nhất Hạnh tam-muội.

Diệc danh Chư Phật Hiện Tiền tam-muội. (Còn gọi là Chư Phật Hiện Tiền tam-muội). “Chư Phật Hiện Tiền tam-muội”: Chư Phật là A Di Đà Phật.

Như đã nói “ức Phật, niệm Phật, hiện tiền, đương lai, tất định kiến Phật” (nhớ Phật, niệm Phật, hiện tiền, tương lai, nhất định thấy Phật). Niệm đến khi tâm thanh tịnh, cảm ứng Phật hiện ra trước mặt, quý vị trông thấy. Phật hiện ra trước mặt nhằm chứng minh cho quý vị, quý vị đã thấy A Di Đà Phật.

Thế nhưng người niệm Phật chúng ta đọc đến đoạn Sớ Sao này, trong tâm dấy lên vọng tưởng: Ta hằng ngày niệm Phật, cớ sao A Di Đà Phật vẫn chẳng hiện ra cho ta thấy?

Quý vị hãy suy nghĩ: A Di Đà Phật có hiện ra hay chăng? Chắc chắn không hiện! Vì sao chẳng hiện? Trong Phật hiệu của quý vị có xen tạp vọng tưởng, chẳng chuyên! Một mặt niệm Phật, một mặt vẫn mong A Di Đà Phật hiện hình tượng cho quý vị thấy; niệm Phật như thế chẳng thể đắc nhất tâm. Đấy chẳng phải là Nhất Hạnh, mà là Nhị Hạnh.

Thật sự niệm đến nhất tâm, hình tượng Phật tự nhiên hiện trước mặt. Khi ấy, tuy quý vị thấy, nhưng thấy mà như chẳng thấy, quý vị chẳng hiếu kỳ, cũng chẳng sanh lòng hoan hỷ. Tuy thấy hình tượng Phật, tâm chính mình thanh tịnh, như như bất động, vẫn là một câu Phật hiệu niệm đến cùng; cảnh giới ấy sẽ là cảnh giới tốt đẹp.

Nếu Phật vừa hiện ra trước mặt, chính mình bèn hoan hỷ, hoan hỷ là phiền não, nhất tâm bị phá hoại. Nay vì sao Phật chẳng thể hiện ra trước mặt? Quý vị công phu chưa đến mức, hễ Phật hiện ra, công phu của quý vị liền bị phá hoại. Khi nào quý vị như như bất động, Phật bèn hiện ra.

Giống như chúng ta đi học, thấy quý vị đã học khá rồi mới có thể khảo nghiệm. Thứ gì cũng chẳng biết, thầy sẽ chẳng khảo nghiệm được! Vì sao? Quý vị còn chưa đạt đến trình độ.

Phật hiện ra trước mắt nhằm khảo nghiệm chúng ta, hiện thời công phu của chúng ta chưa đạt trình độ. Trình độ chưa tới mà Phật cũng hiện ra, quý vị phải nhớ kỹ, đó chẳng phải là Phật, mà chắc chắn là ma đến nhiễu loạn.

Vì thế, người niệm Phật tâm phải thanh tịnh, phải chuyên nghĩ đến Phật hiệu, niệm Phật hiệu, những thứ khác đều chẳng nghĩ đến, cũng đừng cầu nhất tâm: “Ta niệm lâu ngày như thế, cớ sao vẫn chưa đắc nhất tâm?” Như vậy là không được, nhất định chẳng đạt được! Vì trong cái tâm niệm Phật của quý vị đã có suy nghĩ lung tung, nghĩ đến nhất tâm cũng sẽ suy nghĩ lung tung. Mong Phật hiện ra trước mặt cũng là suy nghĩ lung tung, đừng nên như vậy!

Diệc danh Bát Nhã tam-muội. (Cũng gọi là Bát Nhã tam-muội). Nhất tâm bất loạn là đại trí huệ. Nên biết nhất tâm là Thể, trí huệ là Dụng. Nhất tâm khởi dụng là Bát Nhã. Bát Nhã và Thiền Định có thể làm Thể và Dụng lẫn cho nhau, Thiền Định là Thể, Bát Nhã là Dụng; mà Bát Nhã là Thể, Thiền Định cũng có thể là Dụng. Do vậy, Niệm Phật tam-muội cũng gọi là Bát Nhã tam-muội.

Diệc danh Phổ Đẳng tam-muội. (Cũng gọi là Phổ Đẳng tam-muội). “Phổ” là phổ biến. Quý vị chỉ cần nhất tâm niệm thành công, tám vạn bốn ngàn pháp môn, giáo lý trong Tam Tạng quý vị đều quán thông, giống như quý vị đã đọc hết toàn bộ Đại Tạng Kinh, toàn bộ tất cả pháp môn đều tu viên mãn; cho nên một pháp môn thành tựu thì hết thảy pháp môn đều thành tựu, đó gọi là Phổ Đẳng tam-muội. Nếu quý vị hiểu rõ đạo lý này, chết sạch lòng so đo, khăng khăng niệm danh hiệu Phật này, chẳng còn khởi tâm động niệm học cái này, học cái nọ, hình như môn này hay lắm, môn kia cũng tuyệt, chẳng tu rất đáng tiếc! Đúng vậy, rất đáng tiếc, quý vị tu suốt cả đời vẫn chẳng thành công!

Quý vị chẳng hiểu đường lối này. Nếu quý vị hiểu biết đường lối này: Quý vị nắm chắc một điều, thì điều gì cũng sẽ đạt được, chẳng sót một điều nào! Quả thật là như thế.

Nếu đọc thông suốt bộ Sớ Sao này, sẽ thông hiểu Đại Tạng Kinh, đối với bất luận kinh điển nào, chắc chắn quý vị có năng lực đọc tụng, có năng lực thông đạt, đó là Phổ Đẳng tam-muội. Chúng ta thấy nhiều danh từ như vậy, mới biết pháp môn Niệm Phật thật sự chẳng thể nghĩ bàn!

Tam-muội chi ngôn Định dã. (Tam-muội là Định). Tam-muội (Samādhi) là tiếng Ấn Độ, dịch sang nghĩa tiếng Hán là Chánh Định.

Ký thông đa chủng tam-muội, hà đắc vi Tán? (Đã bao gồm nhiều loại tam-muội, lẽ nào là Tán Thiện?)

Pháp môn Niệm Phật đã có tên gọi nhiều ngần ấy, đều gọi là tam-muội; nếu quý vị nói Niệm Phật là Tán Thiện, lời ấy quả thật nói không xuôi được!

Đại yếu, quán tưởng nhược phi nhất tâm, quán diệc thành tán. Trì danh nhược đắc nhất tâm, trì tức thành định, bất tại quán tưởng, trì danh, nhi tại nhất tâm dữ bất nhất tâm dã! (Nói chung, nếu quán tưởng mà chẳng nhất tâm thì quán cũng trở thành Tán Thiện. Nếu trì danh đắc nhất tâm thì trì danh trở thành Định Thiện. Chẳng do quán tưởng hay trì danh, mà là do nhất tâm hay không).

Cách nói này của Liên Trì đại sư hết sức hợp lý, hết sức viên mãn. Tu Quán cũng thế, mà trì danh cũng thế, vấn đề là quý vị có sử dụng nhất tâm hay không? Tán tâm quán tưởng, quán tưởng cũng trở thành Tán Thiện. Nhất tâm quán tưởng, quán tưởng sẽ thành Định Thiện. Nói cách khác, tán tâm trì danh thì trì danh là Tán Thiện; nhất tâm trì danh, lẽ nào trì danh chẳng là Định Thiện? Cách nói này quả thật hợp tình, hợp lý!

Như Tịnh Giác sớ giả, Sớ vân: “Trí Giả đại sư ư Quán Kinh, dĩ tam chủng Tịnh nghiệp thuộc Tán, thập lục diệu Quán thuộc Định”, vị văn dĩ trì danh vi Tán dã. (“Như Tịnh Giác sớ” là trong lời Sớ có viết: “Đối với Quán Kinh, Trí Giả đại sư coi ba thứ Tịnh nghiệp là Tán Thiện, mười sáu phép Quán mầu nhiệm là Định Thiện”. Chưa hề nghe nói Ngài phán định trì danh là Tán Thiện!)

Ở đây trích dẫn lời chú giải của cổ đức. Trí Giả đại sư là một vị tổ sư phi phàm của tông Thiên Thai. Ngài đã bỏ rất nhiều công sức nơi Quán Vô Lượng Thọ Phật Kinh, viết chú giải, học trò của Ngài lại soạn chú giải cho bộ chú giải ấy, tức bộ Quán Vô Lượng Thọ Phật Kinh Diệu Tông Sao. Bộ chú giải ấy có thể nói là một tác phẩm đầy thẩm quyền về lý luận của Tịnh Độ Tông, Liên Trì đại sư trích dẫn rất nhiều. Muốn hiểu rõ hơn lý luận của Tịnh Độ Tông thì bộ sách ấy rất đáng để nghiên cứu; nhưng nếu luận về phương pháp, nhất định phải tu trì danh niệm Phật!

Trong Quán Vô Lượng Thọ Phật Kinh có nói phu nhân Vy Đề Hy gặp phải đứa con chẳng hiếu thuận, oán ghét mà phải gặp gỡ, oan gia đối đầu đưa đến, cảm thấy đời người vô cùng đau khổ, cầu Thích Ca Mâu Ni Phật dạy bà cách tư duy và chánh thọ: “Con nên nghĩ như thế nào, nhìn như thế nào”. Đức Phật liền đem ba thứ tịnh nghiệp để trả lời. [Đối với câu hỏi] làm thế nào để đắc Chánh Thọ (Chánh Thọ là sự hưởng thụ chính đáng, cũng gọi là tâm thanh tịnh), đức Phật dùng mười sáu phép Quán để trả lời. Trong bản chú giải, [Trí Giả đại sư] lão nhân gia đã nói rất rõ ràng: Ba thứ Tịnh nghiệp tán tâm suy lường thì gọi là “tư duy”, đó là Tán Thiện. Mười sáu phép Quán thuộc về Chánh Thọ, là Định Thiện. Tán Thiện và Định Thiện được giảng như vậy.

Ba thứ Tịnh nghiệp là gì? Chính là ba phước trong Quán Kinh. Đối với người tu hành chúng ta mà nói, ba phước này rất quan trọng. Chúng ta chẳng dùng phương pháp trong mười sáu phép Quán, mà dùng trì danh niệm Phật, nhưng ba thứ Tịnh nghiệp này rất khẩn yếu, ắt phải tu tập. Loại thứ nhất là “hiếu dưỡng cha mẹ, phụng sự sư trưởng, từ tâm chẳng giết, tu Thập Thiện nghiệp”. Nhất định phải hiếu thuận với cha mẹ, phải tôn trọng sư trưởng, phải nuôi dưỡng tâm từ bi, từ tâm chẳng giết. Hiện thời, Phật giáo đồ Trung Quốc đều có thể ăn chay trường, điều này rất tốt, nhưng chẳng có mấy ai tu Thập Thiện nghiệp. Chúng ta phải tu Thập Thiện nghiệp. Thập Thiện nghiệp là: Thân chẳng giết, chẳng trộm, chẳng dâm; miệng chẳng nói dối, chẳng nói đôi chiều, chẳng ác khẩu, chẳng nói thêu dệt; ý chẳng tham, chẳng sân, chẳng si. Tu thành tựu loại Tịnh nghiệp này, sẽ hưởng phước báo nhân thiên, chẳng đọa trong ba ác đạo.

Ba thứ Tịnh nghiệp là ba tầng cấp. Loại thứ hai là “thọ trì Tam Quy, đầy đủ các giới, chẳng phạm oai nghi”. Cao hơn loại trước, đây là pháp Tiểu Thừa, vượt thoát thế gian. Thọ trì Tam Quy, “thọ” là quý vị phải tiếp nhận, “trì” là giữ gìn. Tam Quy là giác chứ không mê, chánh chứ không tà, tịnh chứ không nhiễm. Phải trì giới, đó là cảnh giới của Thanh Văn và Duyên Giác. Loại Tịnh nghiệp thứ ba là Đại Thừa, “phát Bồ Đề tâm, tin sâu nhân quả, đọc tụng Đại Thừa, khuyến tấn hành giả”. Chẳng phát Bồ Đề tâm, sẽ chẳng tương ứng với Tây Phương Tịnh Độ, vì Tây Phương Tịnh Độ là Đại Thừa Phật pháp. Đại Thừa Phật pháp kiến lập trên cơ sở Bồ Đề tâm. Bồ Đề tâm là chân thành; đãi người, tiếp vật phải dùng cái tâm chân thành, đấy là Bồ Đề tâm, quyết định chẳng có hư vọng, chẳng thể có hư ngụy. Phải dùng cái tâm chân thành để đãi người, tiếp vật thì chúng ta mới có thể nhập môn Phật pháp.

Quý vị phải hiểu: Bao nhiêu người học Phật, thậm chí người xuất gia cho đến bảy mươi, tám mươi, chín mươi tuổi vẫn chưa thể tiến nhập Phật pháp, nguyên nhân là ở chỗ nào? Là do không có Bồ Đề tâm. Bồ Đề tâm là chân tâm, thành tâm, đó là bản thể của Bồ Đề tâm. Chân thành khởi tác dụng, đối với chính mình là tâm thanh tịnh, tự thụ dụng, thanh lương, tự tại; đối với người khác là đại từ đại bi. Tâm chí thành khởi lên tác dụng ấy, điều này chẳng cần phải học, đó là Tánh Đức sẵn có trong Chân Như bổn tánh. Chính mình nhất định thanh tịnh, đối với người khác nhất định từ bi. Tâm địa của chính mình chẳng thanh tịnh, sẽ chẳng đối xử từ bi đối với người khác. Chính quý vị phải giác ngộ: Tâm Bồ Đề [của chính mình] chưa nẩy sanh. Tâm Bồ Đề chưa nẩy sanh thì là tâm gì vậy? Tâm phàm phu! Tâm phàm phu thì quý vị chẳng thể ra khỏi lục đạo; tâm Bồ Đề mới có thể vượt thoát lục đạo, mới có thể minh tâm kiến tánh, mới có thể vãng sanh Tây Phương.

Ba thứ tịnh nghiệp trong Quán Kinh này hết sức quan trọng. Phải tin sâu nhân quả, như thường nói “chúng sanh sợ quả, Bồ Tát sợ nhân”, người học Phật chẳng dám tạo nhân ác, tạo nhân ác thì về sau sẽ bị ác báo. Quả báo ác xảy đến đừng sợ, nghịch cảnh xảy đến bèn vâng chịu, đó là Báo, báo hết sẽ xong! Trong khi thọ báo, nhất định đừng tạo nhân ác. Phải đọc tụng Đại Thừa, kinh Di Đà, kinh Vô Lượng Thọ, kinh Quán Vô Lượng Thọ Phật đều là kinh Đại Thừa. Chúng ta là người tu Tịnh Độ đọc những kinh điển ấy là đủ rồi, chẳng cần phải tự mình chuốc thêm phiền! Tịnh Độ tam kinh nhất luận, hoặc bộ Tịnh Độ Thập Yếu do Ngẫu Ích đại sư biên soạn, bộ Văn Sao của Ấn Quang đại sư đều nhằm giảng rõ ba kinh, nêu tỏ những tông chỉ và giáo nghĩa Tịnh Độ. Chúng ta có thể đọc tụng những tác phẩm ấy. Tuy Văn Sao của Ấn Quang đại sư không phải là kinh điển, nhưng những điều được nói trong ấy hoàn toàn là giáo nghĩa Đại Thừa. “Khuyến tấn hành giả”: Tự mình tu, còn phải khuyên người khác; đem những lý luận, phương pháp, công đức, lợi ích ấy nói cho người khác nghe.

Trí Giả đại sư chẳng hề nói trì danh niệm Phật là Tán Thiện, chỉ nói “ba thứ Tịnh nghiệp là Tán Thiện, mười sáu phép Quán là Định Thiện”, cách nói này rất có lý!

Pháp Sư Tịnh Không!

Bài viết cùng chuyên mục

Người gieo nhân lãng phí nước uống sẽ bị quả báo gì?

Định Tuệ

Tịnh Độ Đại Kinh Giải Diễn Nghĩa tập 10 – Pháp Sư Tịnh Không

Định Tuệ

Sinh tử đại sự – Thệ nguyện giải quyết cho xong việc sinh tử

Định Tuệ

Mỗi ngày mười niệm hay một niệm đều có thể vãng sanh là người như thế nào?

Định Tuệ

Những bộ Kinh Phật thường đọc tụng, người tại gia nên biết

Định Tuệ

Hiện tượng duyên âm là gì? Quan điểm của đạo Phật về duyên âm

Định Tuệ

Tại sao người niệm Phật vẫn còn bị đọa địa ngục?

Định Tuệ

Kinh Lăng Nghiêm là cốt tủy của các bộ kinh

Định Tuệ

Giác ngộ pháp gì ứng dụng tu Ngũ thừa Phật giáo?

Định Tuệ

Viết Bình Luận