Tâm Hướng Phật
Kiến Thức

Bồ Tát sợ nhân, chúng sinh sợ quả nên hiểu thế nào?

Trong kinh Phật có nói: “Bồ Tát sợ nhân, chúng sinh sợ quả”, tại sao vậy? Bồ-tát là người giác ngộ, là người đã thấy tận cái manh nha, đầu mối của sự khổ đau và an lạc.

Trong kinh Phật có nói: “Bồ Tát sợ nhân, chúng sinh sợ quả”, tại sao vậy? Bồ-tát (Bodhisavattu) là người giác ngộ, là người đã thấy tận cái manh nha, đầu mối của sự khổ đau và an lạc. Muốn hết khổ được vui, không gì hơn là mỗi người chớ gieo cái mầm đau khổ và ngược lại, biết cần mẫn gieo trồng cái mầm an vui. Không gieo nhân khổ thì không gặp quả khổ; luôn gieo trồng “nhân” vui thì “quả” vui không vời cũng đến. Đây là sự hiểu biết và hành động của người giác ngộ.

Bởi giác ngộ nên thấy rõ cái gì là “nhân” đau khổ liền sợ hãi, tìm mọi cách để diệt trừ. Thấy tham lam và keo kiệt là “nhân” đau khổ, Bồ-tát tu hạnh bố thí để tiêu diệt. Thấy buông lung ngạo mạn là “nhân” phá hoại đức hạnh, Bồ-tát tu trì giới để khử dẹp. Thấy nóng giận là “nhân” gây nhiều tội lỗi, Bồ-tát tu hạnh nhẫn nhục để dẹp. Thấy lười biếng bê tha là “nhân” hư thân mất công đức, Bồ-tát tu hạnh tinh tấn để đánh đuổi. Thấy tâm tán loạn là “nhân” điên đảo tối tăm, Bồ-tát tu thiền định để thu nhiếp. Thấy ngu si là “nhân” trầm luân sinh tử, Bồ-tát tu trí tuệ để chiếu phá.

Bồ-tát tu hạnh để diệt trừ sáu cái “nhân” xấu xa, tội lỗi, mù tối ,hiểm nguy vốn dẫn con người đi mãi trong trầm luân đau khổ. Khi sáu cái “nhân” ấy bị tiêu diệt hoàn toàn là giác ngộ giải thoát. Đó chính là tu Lục độ, đang hành hạnh Bồ-tát và đến khi giác ngộ thì là Bồ-tát thật sự.

Kẻ trí sợ “nhân”, người ngu thì sợ “quả”. Chúng sinh là những kẻ mê, chỉ nhìn trên cái “quả” mà sợ mà cầu. Luôn luôn sợ khổ cầu vui mà “nhân” đau khổ không tránh, nhân an vui không tạo thì một khi “quả” đau khổ đến dẫu cầu khẩn van xin cũng vô ích. Cầu mong, mơ ước “quả” an vui, nhưng “nhân” không chịu gieo, không chăm chút thì “quả” từ đâu mà đến? Đây là sự khác biệt giữa kẻ mê và người giác; tuy nhiên, cái mê này ai cũng có thể trừ bỏ, cái giác này ai cũng có thể làm. Chỉ là nhắm vào “nhân” là giác, không ai là không thể làm được việc đó.

Từ “nhân” đến “quả” còn cần có những sự kiện trợ giúp đầy đủ mới được viên mãn. Không có thể có nhận định tất nhiên rằng có “nhân” là có “quả” bởi vì thời gian từ “nhân” đến “quả” là giai đoạn biến động, hoặc được tăng trưởng, hoặc bị tiêu mòn, tùy theo những sự kiện trợ giúp. Biết rõ như thế, mỗi chúng ta có thể chuyển “nhân” xấu thành tốt, hoặc “nhân” tốt trở ra xấu.

Theo tông Hoa Nghiêm, chư Bồ Tát vì thương sót chúng sanh mà hiện ra thân cảm thụ hay nghiệp báo thân, giống như thân của chúng sanh để cứu độ họ. Những hệ quả của tiền kiếp. Những vui sướng hay đau khổ trong kiếp nầy là ảnh hưởng hay quả báo của tiền kiếp. Thế cho nên để giảm thiểu gây thêm tội tạo thêm nghiệp, Phật tử chân thuần nên luôn nhớ lời cổ đức nói: “Dục tri tiền thế nhân, kim sanh thọ giả thị. Dục tri lai thế quả, kim sanh tác giả thị.” Có nghĩa là muốn biết nhân kiếp trước của ta như thế nào, thì hãy nhìn xem quả báo mà chúng ta đang thọ lãnh trong kiếp nầy. Muốn biết quả báo kế tiếp của ta ra sao, thì hãy nhìn vào những nhân mà chúng ta đã và đang gây tạo ra trong kiếp hiện tại. Một khi hiểu rõ được nguyên lý nầy rồi, thì trong cuộc sống hằng ngày của người con Phật chơn thuần, chúng ta sẽ luôn có khả năng tránh các điều dữ, làm các điều lành. Quả báo của một hay nhiều đời sau tạo nên bởi cái nghiệp thiện ác của đời nầy. Đời nay làm lành ác, mà qua đến đời thứ hai, thứ ba, hay lâu hơn nữa mới được hưởng phước lành, hay thọ lãnh quả báo ác. Hậu báo sớm muộn không nhứt định, nhưng chắc chắn là không thể nào tránh khỏi. Hễ tạo nghiệp, dù thiện hay dù ác, chắc chắn sớm muộn gì sẽ phải thọ lãnh quả báo.

Chính vì thế mà cổ đức dạy: “Thiên võng khôi khôi, sơ nhi bất lậu,” và “Giả sử bá thiên kiếp, sở tác nghiệp bất vong; nhân duyên hội ngộ thời, quả báo hoàn tự thọ,” có nghĩa là lưới trời tuy thưa lồng lộng, nhưng một mảy lông cũng không lọt khỏi, và giả sử như trăm ngàn kiếp đi nữa thì nghiệp gây tạo vẫn còn, khi nhơn duyên đầy đủ thì báo ứng sẽ đến không sai. Có những trường hợp đáng chú ý mà người Phật tử phải hiểu rõ để tránh không bị hiểu lầm về luật nhân quả: làm dữ ở kiếp nầy mà vẫn được giàu sang, là vì kiếp trước đã từng làm phước, cúng dường, bố thí. Cái nhân dữ ở kiếp nầy vì mới gieo nên chưa thành ra quả ác; trong khi cái nhơn lành trong kiếp trước hay nhiều kiếp trước, vì đã gieo lâu, nên đã chín mùi, nên quả giàu sang phải trổ.

Cũng như vậy, ăn ở hiền lành mà vẫn cứ nghèo cùng, hoặc luôn bị các điều khổ sở, hoạn nạn, vân vân, ấy là vì nhơn lành mới gieo trong kiếp nầy mà thôi, nên quả lành chưa trổ; còn bao nhiêu nhân ác kiếp trước, đã gieo lâu rồi nên quả dữ đã đến thời điểm chín mùi. Đây là một trong ba quả báo và bốn nhân khiến cho đứa trẻ sanh vào một gia đình nào đó. Hậu báo là những tạo tác thiện ác đời nầy sẽ có quả báo lành dữ, không phải ngay đời sau, mà có thể là hai, ba, hoặc bốn, hoặc trăm ngàn hay vô lượng kiếp đời sau. Chẳng những phàm nhân không thể thoát khỏi nhân quả, mà ngay cả chư Bồ Tát cũng chẳng thể tránh được. Hành giả tu Phật nên luôn nhớ rằng hễ trồng nhiều nhân tốt thì chắc chắn sau này mình sẽ có được quả tốt. Ngược lại, nếu chúng ta chỉ nhìn vào những việc trước mắt, làm những việc bất nhân bất nghĩa, không chịu vun trồng thiện căn, không chịu tích tụ công đức, thì chắc chắn sẽ gánh lấy hậu quả tệ hại, không có ngoại lệ.

Nguồn: Phatgiao.org.vn!

Bài viết cùng chuyên mục

Khi có thời giờ rảnh rỗi, bạn hãy coi kinh điển

Định Tuệ

Táo thần là thật có, quyết không phải là giả

Định Tuệ

Niệm Phật cầu cho cha mẹ vãng sanh Tây Phương Cực Lạc

Định Tuệ

Cảnh giới phát hiện – Nội cảnh, ngoại cảnh, biện ma cảnh

Định Tuệ

Tin là mẹ đẻ của công đức

Định Tuệ

Tâm địa thanh tịnh, trí tuệ hiện tiền

Định Tuệ

Đại nguyện của Địa Tạng Bồ Tát

Định Tuệ

Pháp môn Tịnh độ ở Việt Nam

Định Tuệ

Khái luận về các phương pháp niệm Phật

Định Tuệ

Viết Bình Luận