Tâm Hướng Phật
Kiến Thức

Thế giới Cực Lạc trang nghiêm thù thắng không gì bằng

Pháp môn này rất tuyệt vời, không có bài xích, huống hồ chúng ta tu học tông phái khác nhau, vậy mới gọi là thật trang nghiêm.

“Trang Nghiêm”, dùng lời hiện tại của chúng ta mà nói là tốt đẹp, tốt đẹp đến cùng tột. Bổn kinh chúng ta đọc đến “Nhất hướng chuyên chí, trang nghiêm Diệu Độ”. Diệu Độ là chỉ gì vậy? Người thông thường nghe rồi liền nghĩ, đây nhất định là chỉ thế giới Tây Phương Cực Lạc. Bạn chỉ nói đúng một nửa, còn một nửa ở đâu vậy? Hoàn cảnh cư trú hiện tại của chúng ta chính là Diệu Độ, khi vừa chuyển đổi cảnh giới của bạn thì nơi này chính là Diệu Độ. Tuy không phải là Diệu Độ chân thật, nhưng gần giống Diệu Độ. Đại sư Thiên Thai nói Lục tức, Tương tợ tức, Phần chứng tức, đến thế giới Tây Phương Cực Lạc là Diệu Độ cứu cánh.

“Nhất hướng chuyên chí”, câu này là có thể trang nghiêm. Chỉ cần bạn có thể làm đến được “nhất hướng chuyên chí”, thì cõi hiện tại của chúng ta liền biến thành tương tợ Tịnh Độ, liền biến thành Diệu Độ, “Cảnh tùy tâm chuyển”. Nếu các vị có thể thể hội được ý này thì các vị liền có thể tưởng tượng ra được. Vào thời đại Đông Tấn, Đại sư Viễn Công ở Lô Sơn – Giang Tây xây dựng Niệm Phật đường Đông Lâm, ngay lúc họ ở nơi đó niệm Phật tu hành thì nơi đó của họ chính là Diệu Độ. Vì sao vậy? Mỗi một người bước vào đều là “nhất hướng chuyên chí”.

Quyển kinh này của chúng ta dạy phương pháp tu hành. Cương lĩnh tu hành là “phát tâm Bồ Đề, một lòng chuyên niệm A Di Đà Phật”. Hoàn cảnh của họ ở chính là Diệu Độ, chính là Tịnh Độ, chân thật là đại đức xưa đã nói “Tâm tịnh thời cõi nước tịnh”. Đạo tràng này người người đều là tâm thanh tịnh, người người đều là nhớ Phật, niệm Phật thì đạo tràng của họ làm sao mà không biến thành Tịnh Độ chứ? Trang nghiêm thù thắng trùng trùng, nghìn trùng tướng lạ tự nhiên hiện tiền. Cảm ứng không thể nghĩ bàn!

Lại nói đến “cõi Cực Lạc kia công đức vô lượng, đầy đủ trang nghiêm”. Câu nói này hiển nhiên là tán thán thế giới Tây Phương Cực Lạc. Vì sao vậy? Mười phương bao gồm tất cả cõi nước, những chúng sanh trong đó niệm Phật vãng sanh đến thế giới Tây Phương Cực Lạc, mỗi người đều là tâm thanh tịnh, mỗi người đều là nhớ Phật, niệm Phật. Thế giới Tây Phương Cực Lạc là một đạo tràng lớn, chúng ta liền có thể nghĩ đến vì sao tất cả Chư Phật đều tán thán? Ở trên kinh này, Thích Ca Mâu Ni Phật tán thán A Di Đà Phật là “Quang trung cực tôn, Phật trung chi vương”. Thích Ca Mâu Ni Phật một mình tán thán là đại biểu hết thảy tất cả chư Phật đều tán thán như vậy. Không có một vị Phật nào mà không tán thán A Di Đà Phật là “Quang trung cực tôn, Phật trung chi vương”. Dựa vào đâu để tán thán? Dựa vào thế giới của Ngài, tất cả những người vãng sanh đến thế giới Tây Phương Cực Lạc không có một người nào là tâm địa ô nhiễm, mỗi mỗi đều là tâm thanh tịnh. Việc này là ở trong mười phương tất cả cõi nước chư Phật không tìm ra được.

Mười phương cõi Phật đương nhiên rất là trang nghiêm, rất là thanh tịnh, trong đó vẫn còn một số ít người khởi vọng tưởng. Thế giới Ta Bà này của chúng ta, chúng sanh phiền não chiếm đa số, có thể nói là ngay trong một vạn người thì có chín ngàn chín trăm chín mươi chín người đều đang khởi vọng tưởng. Sai biệt lớn đến như vậy là uế độ. Có những thế giới mà những chúng sanh ở đó có được phân nửa là tâm địa thanh tịnh, tâm không thanh tịnh cũng có phân nửa, vậy chúng ta xem ra chính là Tịnh Độ. Vẫn có thế giới tâm địa thanh tịnh, lấy phần trăm mà so thì chiếm đa số (80% – 90%), vẫn còn 10% – 20 %, chúng sanh tâm địa không thanh tịnh, làm gì giống như thế giới Tây Phương Cực Lạc 100% thanh tịnh, không có người nào không thanh tịnh. Vì sao vậy? Tâm không thanh tịnh thì không thể sanh Tịnh Độ. Việc này các vị đồng tu phải ghi nhớ, không phải nói “tôi niệm Phật thì quyết định sanh Tịnh Độ”, không thể có việc đó! Cho dù một ngày bạn niệm mười vạn danh Phật hiệu, mà trong lòng vọng tưởng không ngừng, người xưa nói “đau mồm rát họng cũng chỉ uổng công!”. Quả nhiên tâm địa thanh tịnh, một ngày niệm mười danh hiệu, hai mươi danh hiệu cũng được. Bạn thấy người xưa đề xướng “pháp mười niệm”. Tôi dạy cho các vị đồng tu pháp mười niệm còn đơn giản hơn, một lần niệm mười câu “A Di Đà Phật”, A Di Đà Phật, A Di Đà Phật, A Di Đà Phật… liên tục niệm mười danh hiệu. Niệm mười danh hiệu thời gian rất ngắn, ngay trong thời gian ngắn ngủi này, một vọng niệm cũng không thể xen lọt vào thì cái niệm này gọi là “tịnh niệm”, không xen tạp. Khi niệm nhiều thì sẽ khởi vọng tưởng, trong mười câu niệm không khởi vọng tưởng, đó chính là tịnh niệm. Mỗi ngày niệm chín lần, không thiếu một ngày nào, đó gọi là “liên tục”, phù hợp với trên kinh đã nói “tịnh niệm tương tục”. Có rất nhiều đồng tu dùng phương pháp tôi dạy, đến nói với tôi là rất có hiệu quả. Hy vọng một ngày niệm chín lần là ít nhất, số lần càng nhiều đương nhiên sẽ càng tốt. Dùng phương pháp này dễ dàng nhiếp tâm.

Sự thù thắng của Tây Phương Cực Lạc ở ngay chỗ này. Cũng chính là A Di Đà Phật tiếp dẫn người, dùng lời hiện tại này của chúng ta mà nói, thế giới A Di Đà Phật rất hoan nghênh mọi người di dân đến bên đó định cư, thế nhưng điều kiện để di dân là tâm phải thanh tịnh. Dùng phương pháp gì để đạt đến tâm thanh tịnh đều được cả, niệm Phật cũng được, tham Thiền cũng được, học Giáo cũng được, trì chú cũng được. Bạn xem, phía sau ba bậc vãng sanh của chúng ta, thượng – trung – hạ ba phẩm là nói người niệm Phật, phía sau còn có một đoạn nói người tu học các pháp môn Đại thừa khác, chỉ cần tu đến tâm địa thanh tịnh, phát nguyện vãng sanh, tất cả đều có thể đi. A Di Đà Phật mở rộng cửa này, Ngài tuyệt nhiên không có nói “ngươi không niệm A Di Đà Phật thì ta không có rước ngươi”, không hề có đạo lý này. Chỉ cần tâm địa thanh tịnh, tùy tiện tu một pháp môn nào thảy đều được cả, đều có thể vãng sanh.

Tôi đã từng diễn giảng trong luận đàn ở Úc châu. Đại chúng trong luận đàn tổng cộng có 14 đoàn thể tôn giáo, có Phật giáo, Đạo giáo, Ki Tô giáo, Thiên Chúa giáo, Hồi giáo, Do Thái giáo, tất cả đều có. Tôi liền nói với họ, không luận các vị tu học một tôn giáo nào, chỉ cần tu đến tâm thanh tịnh, phát nguyện vãng sanh thì A Di Đà Phật thảy đều tiếp dẫn bạn. Pháp của chúng ta là pháp bình đẳng, không có kỳ thị chủng tộc, không thể nói bạn tin theo Giê Su giáo thì A Di Đà Phật không hoan nghênh, không có đạo lý này. A Di Đà Phật rất là hoan nghênh, không luận là bạn tu pháp môn nào, không luận bạn tín ngưỡng tôn giáo nào, chỉ cần tu được tâm thanh tịnh, phát nguyện cầu vãng sanh, A Di Đà Phật đều sẽ đến tiếp dẫn. Pháp môn này rất tuyệt vời, không có bài xích, huống hồ chúng ta tu học tông phái khác nhau, vậy mới gọi là thật trang nghiêm. Cho nên, thế giới Tây Phương Cực Lạc trang nghiêm thù thắng không gì bằng.

Trích trong:
PHẬT THUYẾT ĐẠI THỪA VÔ LƯỢNG THỌ
TRANG NGHIÊM THANH TỊNH BÌNH ĐẲNG GIÁC KINH
Người giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không
Tập 2

Bài viết cùng chuyên mục

Vũ trụ quan: Sự tiến hóa của nhân loại trên quả địa cầu

Định Tuệ

Mỗi câu Niệm A Di Đà Phật đều sám trừ tội chướng từ vô thủy kiếp

Định Tuệ

Tổn người lợi mình chính là ác

Định Tuệ

Niệm Phật phải dự bị lúc lâm chung

Định Tuệ

Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát khuyên chúng hội nên thường niệm Phật

Định Tuệ

Học Phật pháp mình cần phải có tâm chân thật

Định Tuệ

Người thọ trì Tam Quy được 36 vị Thần Hộ Pháp ngày đêm bảo hộ

Định Tuệ

Ân đức của Phật Di Đà rộng lớn sâu xa, ngôn ngữ nói không hết

Định Tuệ

6 hành vi làm hao tổn phước báo về sau mà bạn cần tránh

Định Tuệ

Viết Bình Luận