Học vi nhân sư hành vi thế phạm, là những bài khai thị buổi sáng của hòa thượng Tịnh Không cho đồng tu tại Hoa Tạng Ðồ Thư Quán.
HỌC VI NHÂN SƯ HÀNH VI THẾ PHẠM
Những Bài Khai Thị Buổi Sáng của Hòa Thượng Tịnh Không
Chuyển ngữ: Một nhóm Diệu Âm cư sĩ
Giảo chánh: Bửu Quang tự đệ tử Như Hòa
學為人師 行為世範
淨空老法師講述
早餐開示
越語譯本
Ðây là những bài khai thị buổi sáng của hòa thượng Tịnh Không cho đồng tu tại Hoa Tạng Ðồ Thư Quán, chưa được hòa thượng giám định. Ðây chỉ là những bài ghi chép tóm tắt của đệ tử Ngộ Hữu, chỉnh lý cho gọn rồi viết thành bài nháp này để cúng dường độc giả.
“Học vi nhân sư, hành vi thế phạm” nghĩa là gì?
Nếu nói theo cách bây giờ, Thích Ca Mâu Ni Phật mang thân phận gì? Ngài là một nhà giáo dục văn hóa xã hội đa nguyên, Ngài mang thân phận của một người làm nghĩa vụ giáo dục văn hóa xã hội đa nguyên, dạy học chẳng lấy học phí, vô cùng nhiệt tâm dạy dỗ quý vị, chẳng lấy tiền công.
Khổng lão phu tử dạy học còn nhận một chút tiền công, còn có một chút học phí tượng trưng, đức Phật không cần, Ngài làm công tác thiện nguyện. Khởi tâm động niệm, ngôn ngữ, tạo tác đều nhằm nêu gương cho học trò đời sau, chứ chẳng có gì khác!
“Học vi nhân sư, hành vi thế phạm” (học làm thầy người, hành làm khuôn mẫu cho đời), Ngài đã làm được. Đối với Tứ Đức được giảng trong Tu Hoa Nghiêm Áo Chỉ, tức bài luận văn của Hiền Thủ quốc sư, tức là tác phẩm Vọng Tận Hoàn Nguyên Quán, Ngài thật sự làm được.
“Tùy duyên diệu dụng, oai nghi hữu tắc, nhu hòa chất trực, đại chúng sanh khổ” (tùy duyên diệu dụng, oai nghi có chừng mực, nhu hòa, ngay thẳng, chịu khổ thay cho chúng sanh).
Trong kinh Phật, chẳng có một câu nào là lời giả, thật sự làm được, lại còn làm viên mãn ngần ấy. Chúng ta học Phật phải học tập những chỗ này, chẳng có chính mình, chính mình ở chỗ nào? Vũ trụ là chính mình, hết thảy chúng sanh là chính mình.
Chúng ta thấy vũ trụ có cùng một thân thể với chúng ta, thấy hết thảy chúng sanh đều là những tế bào trên thân chúng ta, đó là đúng! Thích Ca Mâu Ni Phật xác thực là thấy như thế. Chúng ta không có cách nào tưởng tượng cách nhìn ấy, khi nào quý vị thật sự buông vọng tưởng, phân biệt, chấp trước xuống, minh tâm kiến tánh, quý vị sẽ có cách nhìn giống như Phật, hoàn toàn tương đồng, chân thật, chẳng dối. Vì thế, khẳng định Phật giáo là giáo dục, giáo dục mới là Phật giáo do Thích Ca Mâu Ni Phật truyền lại, là sự giáo dục của Phật Đà.