Muốn được vãng sinh thì cần phải niệm Phật cho được nhất tâm bất loạn, nhưng các hành giả đời nay có mấy ai đi đến trình độ ấy.
Muốn được vãng sinh thì cần phải niệm Phật cho được nhất tâm bất loạn, nhưng các hành giả đời nay có mấy ai đi đến trình độ ấy. Thế thì công phu trì niệm một đời không lẽ trở thành luống uổng hay sao?
Thật ra, niệm Phật đến trình độ nhất tâm bất loạn chỉ là sự khuyến tấn hay là mức kỳ vọng, mà các hành giả có thể đạt đến. Nhưng phải luôn ghi nhớ rằng, pháp môn niệm Phật có điểm đặc biệt là: bậc thượng căn thì đạt đến mức một lòng không loạn ngay trong đời sống; còn bậc hạ căn thì chỉ cần mười niệm cũng được vãng sinh.
Cho nên, vấn đề nhất tâm bất loạn được vãng sinh là nói ngay khi lâm chung, không phải là chỉ cho lúc hiện tiền.
Được mười niệm không loạn lúc sắp mãn phần, thật ra, không là chuyện dễ dàng. Vì khi sắp lâm chung có một sức nghiệp do từ đời này hoặc từ kiếp trước phát hiện, gọi là Cận tử nghiệp. Nếu lúc bình thường không cố gắng niệm Phật cho thuần thục thì khi sắp chết bị sức cận tử nghiệp lấn át, khiến chánh niệm không thể hiển lộ, do đó tâm thức tùy theo nghiệp lực mà rối loạn. Như thế thì làm sao mà vãng sinh Cực lạc thì đệ tử chúng con phải hành trì đúng theo Sự và Lý của pháp môn niệm Phật mới thực chứng nhiều kinh nghiệm tâm linh.
Thế nào gọi là Sự và Lý?
Lý là lẽ phải, là điều suy luận, là cảnh giải ngộ, thuộc về phần Tánh. Sự là phương tiện, là công hạnh, là hình thức thuộc về phần Tướng.
Tuy nhiên, đi đến chỗ cùng cực thì Sự tức là Lý, tánh tức là tướng, đồng một thể như thật tròn sáng, dung thông. Trên đường hành trì thì Lý và Sự làm trong ngoài cho nhau, phối hợp cho nhau, giúp đỡ lẫn nhau để thành tựu Phật đạo.
Có Lý thì việc mới có căn cứ cương lãnh, có mục tiêu để sinh khởi và tác dụng. Có Sự thì Lý mới thực hiện được điều suy luận, chứng minh được chỗ lý giải, đi đến mục tiêu và cuối cùng đạt lấy kết quả.
Lý như đôi mắt để nhìn đường đi, có Sự thì như đôi chân để tiến bước. Không có chân thì dù cặp mắt có sáng tỏ bao nhiêu đi nữa, cũng chẳng thể nào đi đến nơi đến chốn. Lại nữa, có Lý mà không có Sự thì như người có họa đồ biết đường lối mà chẳng chịu bước đi. Còn có Sự mà không có Lý thì như kẻ tuy bước đi nhưng thiếu hướng đạo cho nên lộ tuyến mê mờ.
Vừa có Lý vừa có Sự thì như đã thông suốt đường lối, lại vừa chịu khó cất bước hành trình, như vậy, chân thực là một kẻ hành trì hoàn toàn, chắc chắn sẽ về được nơi bảo sở.
Sự và Lý đã nương nhau như thế, cho nên nếu thiếu một thì ắt chẳng có hy vọng thành công, trên đường sống đạo. Người niệm Phật dù thiếu phần giải ngộ nhưng nếu chịu noi theo lộ trình của bậc tiên đức đã chỉ dạy mà thực hành, thì cũng sẽ thành công, cùng với cố nhân không khác.
Kinh điển của Phật để lại cũng như các lời khai thị của Thiện tri thức chính là lộ trình đích xác cho chúng con, chúng con chỉ nương theo đó mà tiến bước hành trì.
Có Sự nghĩa là có hành trì mà thiếu phần lý giải, thật ra chẳng đáng lo ngại, vì càng hành trì thì trí tuệ càng khai thông và để rồi đi đến chốn tỏ ngộ. Đáng thương thay cho những kẻ tuy hiểu lý, nhưng không chịu thực hành mà chỉ ngồi nói suông và chỉ trích suông. Dù có đàm huyền luận diệu thao thao bất tuyệt mà suốt đời vẫn chẳng tiến bộ nửa bước.
Cứ sự thực mà nói, thì người thiếu Sự cũng quyết định không có Lý. Vì sao như vậy? Vì như kẻ đã biết nhà cháy mà không chịu chạy thoát cứ vẫn mãi ngồi yên thì nào có khác chi kẻ không biết gì cả! Do vậy mà có thể nghĩ rằng: “Phật pháp có thể cứu độ hạng người mà thế gian cho là ngu dốt, chẳng thông một chữ, nhưng không thể có cách thức để cứu độ những kẻ tự hào là thế trí biện thông mà lại không chịu hành trì”.
Dù kẻ làu thông Tam tạng song chẳng thực hành, thì chắc chắn nghiệp hoặc từ vô thủy vẫn còn y nguyên, cho nên sự tri giải ấy vẫn là vô dụng. Sao cho bằng một bà lão dốt nát nơi nhà bếp, mặt mày lem lọ nhưng thường luôn chuyên cần niệm Phật–thì ngày kia, tâm yên không loạn, ngồi ngự đài sen? Do vậy, kẻ suốt đời chỉ cầu sự thông hiểu trên danh tướng lý luận để mong trở thành một vị bác học về Phật pháp, mà không thiết thực tu hành, tất phải lâm vào cảnh kể thức ăn ngon mà mình chịu đói, đếm tiền của kẻ khác mà mình vẫn nghèo nàn, kết cuộc vẫn hoàn toàn vô bổ. Nhà Phật đã ví những kẻ ấy như là người điếc khảy đàn cho đại chúng nghe, như là kẻ quảy gánh đi khắp nơi rao bán đủ thứ thuốc hay, nhưng quên hẳn mình đang mang nhiều chứng bệnh.
Thế nào gọi là Sự trì và Lý trì?
Ngài Ngẫu Ích đại sư dạy rằng: “Sự Trì là tin có cõi Cực lạc và Phật A-di-đà mà chưa thông đạt cái “tâm này làm Phật tâm này là Phật” mà chỉ quyết định cầu sinh Cực lạc tha thiết ức niệm như con nhớ mẹ không lúc nào tạm quên”.
Lý Trì là tin hiểu Phật A-di-đà ở Tây phương do tâm ta sẵn đủ, do tâm ta tạo nên đem câu hồng danh sẵn đủ và tạo nên của tâm mình làm cảnh buộc niệm, chẳng giây phút nào xao lãng”.
Đối với môn niệm Phật thì duy bậc thượng căn trí tuệ mới dung thông tánh tướng, hiểu đến chỗ tận cùng. Bằng không được thế thì thà chấp tướng mà tu hành, càng chấp lại càng mầu nhiệm. Bởi vì càng chấp sự tướng thì chí nguyện cầu vãng sinh lại càng thiết tha và khi đã về Tây phương lo gì mà không chứng ngộ Thật tướng?
Vấn đề sự và lý tánh và tướng nói ra vẫn không cùng tận, nhưng nếu hiểu được một thì sẽ hiểu tất cả.
Thế nào là Sự nhất tâm?
Người niệm Phật phải thiết thực dụng công, trong thì tuyệt hẳn các tướng thị phi nhân ngã, không thấy có thân tâm ngoài thì dứt bặt các tướng sắc không, lục trần, chẳng còn thấy có cảnh giới, duy chỉ có một câu Phật hiệu rành rọt hiện tiền mà thôi. Khi hành giả chỉ chuyên tâm chú ý vào sáu chữ hồng danh thì lâu ngày tất cả các tạp niệm đều dứt bặt, trong tất cả các cử động đi đứng nằm ngồi duy chỉ có một câu Phật hiệu hiện tiền, đây gọi là cảnh giới Sự nhất tâm, được Nhất Biến thượng nhân khai thị như sau:
“Khi xưng niệm danh hiệu
Không Phật cũng không Ta.
Chỉ có: Nam mô A-di-đà Phật
Nam mô A-di-đà Phật”.
Đây là cảnh giới Định, Tuệ của người niệm Phật, tương tự với trạng thái nhập thiền của người hành thiền.
Thế nào là Lý nhất tâm?
Vượt qua mức độ Sự nhất tâm, nếu tiến thêm một bước, dụng công đến chỗ chí cực thì ngày kia tâm địa rỗng suốt, thoát hẳn căn và trần mà ngộ vào Thật tướng. Khi ấy hiện tại tức là Tây phương mà chẳng ngại gì riêng có cõi Cực lạc, khi ấy tự tánh mình chính là A-di-đà mà cũng chẳng ngại gì riêng có đức Phật A-di-đà. Đây là cảnh giới Lý nhất tâm của người niệm Phật, địa vị này là Định, Tuệ nhất như, tương tự trình độ khai ngộ của người hành Thiền Quán.
Ngài Ngẫu Ích dạy rằng: “Không luận sự trì hay lý trì, nếu cứ niệm Phật sao cho đến chỗ hàng phục phiền não để kiến hoặc và tư hoặc không khởi hiện, đó là cảnh giới Sự nhất tâm. Không luận sự trì hay lý trì, nếu cứ niệm Phật đến chỗ tâm khai và thấy rõ bản tánh Phật của mình, đó là cảnh giới Lý nhất tâm”.
Sự nhất tâm thì không bị kiến hoặc, tư hoặc làm loạn, còn Lý nhất tâm thì không bị nhị biên làm loạn.
Chẳng nói chi đến Lý nhất tâm, với trình độ Sự nhất tâm thì người đời nay phải thâm tín lời Phật dạy và nỗ lực hành trì, mới mong thấu đạt được. Tuy nhiên, với công đức của câu niệm Phật cộng thêm tấm lòng cung kính chí thành, thì trong mỗi niệm sẽ diệt được một phần vô minh, tăng thêm một phần phước tuệ, lần lần đi tới cảnh giới thanh tịnh. Và cứ hành trì lâu ngày như thế, lo gì không tiến đến chỗ mỗi niệm khai ngộ, mỗi niệm thâm nhập cảnh giới Định, Tuệ nhiệm mầu.
Trong bộ luận Đại Thừa Khởi Tín, sau khi kết hợp tinh yếu của pháp Đại thừa và trình bày xong các đường lối tu tập, ngài Mã Minh Bồ-tát dạy rằng: “Cõi Ta bà phiền não cang cường, nên chánh tín khó vững, lại không được thường xuyên gặp Phật nghe Pháp, mà đường tu lại nhiều hiểm nạn chướng duyên. Nên biết rằng, đức Như Lai có phương tiện thù thắng dạy cầu sinh về cõi Cực lạc ở Tây phương, nếu chuyên tâm niệm Phật A-di-đà rồi đem công đức hồi hướng, thì sẽ được Phật đón rước về thế giới Cực lạc, được luôn luôn gặp Phật nghe Pháp và chẳng còn bị thoái chuyển. Nếu hành giả y theo đường lối nầy mà tu tập thì quyết định sẽ vào Chánh Định Tụ. Như vậy, chuyên tâm niệm Phật là phương tiện nhiệm mầu để thoát khỏi ma chướng và mau thành tựu định tuệ”.
Chỉ có sự chuyên tâm là cách thức duy nhất để thực chứng pháp môn niệm Phật bằng kinh nghiệm tâm linh của bản thân. Vì sao vậy? Bởi vì đối với người khát khao giải thoát thì chỉ có kinh nghiệm tâm linh mới là đáng quý nhất mà không có một thứ gì có thể đánh đổi được.
Đệ tử chúng con nhờ sự dẫn dắt của đức Bổn sư, nhờ sự nhiếp thọ âm thầm của đức Từ phụ, nhờ sự hộ niệm của sáu phương chư Phật, mà hôm nay mới biết rõ rằng niệm Phật thì phải thực chứng bằng kinh nghiệm bản thân, cho nên chúng con xin đem cả tấm lòng tri ân tha thiết chân thật, mà quy y và đảnh lễ:
Nam mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật
Nam mô A-di-đà Phật,
Nam mô Quan Thế Âm Bồ-tát
Nam mô Đại Thế Chí Bồ-tát
Nam mô Thanh Tịnh Đại Hải Chúng Bồ-tát.
Trích: Niệm Phật Sám Pháp – Phẩm thứ bảy: Niệm Phật phải thực chứng bằng kinh nghiệm của bản thân!