Tâm Hướng Phật
Kiến Thức

Thiên Ma phá hoại định lực của người tu

Thiên ma phá hoại người tu ở cấp độ cực tinh vi, nên đa phần người bị rất khó nhận biết. Đặc biệt, loài này chỉ phá những người có định lực.

1. Thiên Ma là gì?

Thiên Ma hay còn gọi là Ma Vương hoặc vua ma, Thiên Ma Ba Tuần. Ma Ba Tuần trú ngụ trên cõi Trời thứ sáu, cõi Trời Lục Dục (hay còn gọi là Dục giới), là thiên chủ của cõi Trời Tha Hóa Tự Tại. Chúng được coi là thành phần chuyên cản phá thiện Pháp, làm cho thiện Pháp không thể tăng trưởng, dẫn dắt chúng sinh đi theo những ác pháp.

Trong 6 tầng trời Dục giới (Tứ thiên vương, Đao lợi, Dạ ma, Đâu suất, Hóa lạc, Tha hóa tự tại) thì Tha hóa tự tại là cõi trời cao nhất, chư thiên ở đây có phước báo về các phương diện như dung sắc, thọ mạng, sức mạnh lớn nhất.

Tha hóa tự tại thiên có nghĩa, chư vị thiên ở cõi này thọ hưởng dục lạc thắng diệu của cõi trời từ nơi các vị thiên khác, biết được ý muốn của vị trời ấy nên hóa hiện ra để dâng lên. Ba Tuần là vị vua trời cõi này, ngoài việc cai trị cõi trời của mình còn thống lĩnh các cõi trời thấp hơn.

Theo Từ điển Phật học Huệ Quang: Ba Tuần, Pāli là Pāpiya, Māra Pāpiya. Hán dịch nghĩa Ác giả là người ác, Sát giả là kẻ giết hại pháp thân huệ mạng của người thiện, lúc nào cũng theo phá những người tu tập Chánh pháp, nhất là những vị sắp chứng đạt Thánh quả. Ba Tuần còn gọi Ma vương, Thiên ma, kẻ phá Phật lúc sắp thành đạo.

Nói về nhân duyên phước nghiệp của các vị trời Dục giới: “Tất cả 6 cõi trời Dục giới, nguyên nhân hóa sinh lên đều do phước cả. Tùy thuộc cấp độ, toàn mãn hay không toàn mãn về tín (đức tin), giới (Ngũ giới, Bát quan trai giới), văn (nghe pháp), thí (bố thí, cúng dường), tuệ (biết nhân quả, thiện ác).

Phước báo này cũng có thể phát sinh từ 10 nguyên nhân sinh phước: Bố thí, trì giới, tham thiền, cung kính, phục vụ, hồi hướng công đức, tùy hỷ công đức, thuyết pháp, nghe pháp, chuyển tà kiến thành chánh kiến.

Cũng có thể do tu tập 10 nghiệp lành… Đúng là có vô vàn thiện sự để sinh lên các cõi trời nhưng quan trọng nhất là hai pháp tàm và quý, bỏ ác làm lành đã là điều kiện cần và đủ (HT.Giới Nghiêm, Giải về cõi trời).

Thiên ma Ba Tuần cũng vậy, được làm vua trời Tha hóa tự tại căn bản vẫn do phước quả dị thục thập thiện trong quá khứ tạo nên, chỉ trừ một việc là không tin vào Chánh pháp, chấp thủ tà kiến tự ngã và thường đoạn kiến sâu nặng, không muốn có người tu đắc đạo thoát khỏi luân hồi trong ba cõi.

Tương đồng với phước nghiệp của thiên ma Ba Tuần xét kỹ trong nhân gian cũng không phải là hiếm. Đây là những người có tu tạo thiện nghiệp mà không gieo duyên với Phật pháp. Vì không tin Phật pháp, thêm chấp thủ tà kiến, không muốn mất quyến thuộc nên thiên ma thường phá hoại thành quả tu hành của người sắp đắc đạo.

Không phải ngay lúc khởi lên niệm xấu liền bị đọa mà phải đợi đến khi hết phước trời, cộng thêm tội phá hoại Chánh pháp nên thiên ma Ba Tuần bị đọa vào cõi khổ. Thành ra, tu nhân tạo nhiều nghiệp lành ắt sẽ hưởng quả dục công đức tương ứng nơi các cõi trời.

Nhưng nếu chỉ làm lành, tạo nghiệp thiện to lớn mà không nương theo Chánh pháp, thậm chí không tin và phá hoại Phật pháp thì sẽ có phước quả cộng nghiệp với thiên ma Ba Tuần.

Người đệ tử Phật thì lại khác, song hành với tu tập thiện nghiệp là tin sâu, hộ trì và thực hành Phật pháp, hồi hướng công đức phước báo về sau thành tựu giải thoát luân hồi trong tam giới, lục đạo.

Nếu tái sinh làm trời (Dục giới hoặc Sắc giới) hưởng phước vẫn nương theo Chánh pháp tu học, cộng trú với các vị thiên tu hành tinh tấn đến ngày đắc đạo, giải thoát sinh tử luân hồi.

Trong Luận Khởi Tín, Mã Minh Bồ Tát từng khuyên dạy: “Trong khi hành giả tịnh tu, thường bị các Thiên ma, ngoại đạo, hoặc quỉ thần làm não loạn. Chúng hiện các hình tướng ghê rợn để khủng bố, hoặc tướng nam nữ xinh đẹp mong quyến rũ.

Có khi chúng hiện thân Phật, Bồ Tát hay chư Thiên đủ các tướng tốt trang nghiêm. Hoặc nói các môn Đà Ra Ni. Hoặc nói pháp bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn, thiền định, trí huệ. Hoặc nói các pháp bình đẳng, không, vô tướng, vô nguyện, khen ngợi cảnh không oán không thân. Hoặc dạy người bác nhân quả, cứu cánh rỗng không vắng lặng, bảo đó là chân Niết Bàn. Hoặc chúng làm cho hành giả biết đời trước của mình, suốt việc quá khứ vị lai. Hoặc làm cho thấu rõ tâm niệm mọi người, cho đến được biện tài vô ngại.

Thiên ma khiến người tu tham luyến danh lợi thế gian, tánh tình thất thường, hay giận, hay cười, ưa ngủ. Hoặc làm cho nhiều bịnh, dễ xót thương xúc cảm: Có khi rất tinh tấn, lắm lúc lại trễ nải biếng lười. Hoặc chúng xui hành giả sanh tâm nghi ngờ không tin, nhiều lo nghĩ. Bỏ pháp tu căn bản trở lại tu các tạp hạnh, đắm nhiễm những việc phiền trược ở thế gian.

2. Thiên Ma phá hoại định lực của người tu

Hoặc Thiên ma làm cho hành giả được một ít phần tương tợ như Tam Muội. Có thể ở trong định từ một ngày cho đến bảy ngày. Thân tâm an vui không biết đói khát. Song đó là do sức tà chứng của ngoại đạo gia bị, không phải thật Tam Muội. Hoặc chúng khiến cho hành giả ăn uống không chừng độ: Khi nhiều khi ít, sắc mặt biến đổi luôn.

Khi gặp những cảnh như trên, người tu phải dùng trí huệ quán sát, gắng giữ chánh niệm. Đừng sanh tâm chấp trước mà lạc vào lưới tà. Phải kiên trì như thế mới xa lìa được ma chướng.”

Thiên ma phá hoại người tu ở cấp độ cực tinh vi, nên đa phần người bị rất khó nhận biết. Đặc biệt, loài này chỉ phá những người có định lực. Hạng làng nhàng chúng không thèm ngó tới. Sức tu của người thời nay, phần nhiều bị Phiền não ma hoặc Ngoại ma phá hoại, chưa đủ để cho Thiên ma phải ra tay. Loại ma này chỉ đến với những vị tu cao. Nếu Thiên ma quyết phá, những vị sức tu tầm thường khó có hy vọng thoát khỏi.

Trong Kinh Lăng Nghiêm, vì thương đường tu nhiều hiểm nạn, Đức Phật khuyên các hành giả tham thiền nên kiêm trì mật chú, để được nhờ thần lực gia hộ, thoát khỏi nạn ma.

3. Thiên Ma khó phá người tu Tịnh Độ

Ấn Quang đại sư đã bảo: “Mới xem qua, dường như Kinh Lăng Nghiêm khác quan điểm với Tịnh Độ. Nhưng xét nghĩ sâu mới thấy kinh này trong vô hình đã khen ngợi tuyên dương Tịnh Độ. Tại sao thế? Bởi bậc đã chứng đệ tam thánh quả A Na Hàm, còn có thể bị Thiên ma làm cho thối đọa thì sự niệm Phật cầu sanh Tịnh Độ càng nổi bật thêm tánh cách trọng yếu. Trong ánh sáng nhiếp hộ của đức A Di Đà không còn nạn ma, cũng không bị Thiên ma quấy phá.”

Cho nên xét luận trên đường hành đạo: Khi chưa được sanh về Cực Lạc, thì tu Tịnh Độ cũng có thể bị ma chướng. Song phần nhiều đó là do hành giả không hiểu giáo lý, chẳng khéo trị tâm để Nội ma phát khởi khiến chiêu cảm Ngoại ma đến phá hoại. Nếu giữ được tâm bình tĩnh thì với oai lực công đức của câu hồng danh, ngoại ma không làm chi được, và phiền não cũng lần lần tiêu trừ.

Vì thế người tu Tịnh Độ, ma cảnh nếu có cũng là phần ít. Trái lại, người tu thiền ma cảnh hiện nhiều, bởi chỉ nương vào tự lực.

4. Lời khuyên của Tổ Sư

Bậc Thiền Sĩ phải đủ năm điều kiện sau đây, mới mong đường tu được thành tựu:

  • Một là giới hạnh tinh nghiêm.
  • Hai là căn tánh lẹ làng suốt sáng.
  • Ba là phải hiểu rõ đạo lý, khéo phân biệt tướng chánh, tà, chân, vọng.
  • Bốn là ý chí mạnh mẽ vững bền.
  • Năm, là phải nương bậc thiện tri thức thông kinh điển, đã có kinh nghiệm tu thiền nhiều năm, để nhờ sự hướng dẫn.

Nếu thiếu năm điều kiện đó tất dễ bị Thiên ma quấy phá. Tiên đức đã bảo: “Khô mộc đường tiền thác lộ đa!” Câu này ý nói: trong cơ thiền có rất nhiều duyên lạc lối. Vì thế tu thiền muốn được thành tựu, phải là bậc lợi trí thượng căn.

Trong Luận Khởi Tín, sau khi kết hợp tổng quát về tinh yếu của pháp Đại Thừa và trình bày xong đường lối tu tập, Mã Minh Bồ Tát lại bảo: “Cõi Ta Bà phiền não cang cường, chánh tín khó vững, không thường được gặp Phật nghe pháp, đường tu nhiều hiểm nạn chướng duyên. Nên biết Như Lai có phương tiện thù thắng, dạy cầu sanh về cõi Tịnh Độ ở tha phương.

Như trong khế kinh nói: Nếu chuyên tâm niệm Phật A Di Đà rồi đem công đức ấy hồi hướng cầu sanh Tây Phương sẽ được về thế giới Cực Lạc, thường thấy Phật nghe pháp, không còn thối chuyển. Nếu hành giả y theo đường lối này tu tập, quyết định sẽ được vào chánh định tụ.”

Như trên, ta thấy chuyên tâm niệm Phật là phương tiện mầu nhiệm để thoát khỏi nạn ma, mau thành tựu chánh định.

Theo Niệm Phật Thập Yếu!

Bài viết cùng chuyên mục

Nguyên nhân Phật ra đời

Định Tuệ

Tịnh Độ Đại Kinh Giải Diễn Nghĩa tập 7 – Pháp Sư Tịnh Không

Định Tuệ

Cách thức quy y và phát nguyện với Địa Tạng Bồ Tát

Định Tuệ

Niệm Phật là nhân, thành Phật là quả

Định Tuệ

Học Phật không chịu thiệt thòi thì không học Phật được

Định Tuệ

Pháp ngữ của Hòa Thượng Tuyên Hóa

Định Tuệ

Phước báo niệm Phật có thể hồi hướng cho bất kỳ ai

Định Tuệ

Luân hồi là gì?

Định Tuệ

Kinh Vô Lượng Thọ là kinh đứng đầu, là kinh Tịnh Độ bậc nhất

Định Tuệ

Viết Bình Luận