Người học Phật phải có trí tuệ, nhìn sự việc cho thấu đáo, để khi hành động không bị sai tinh thần nhân quả, không bị mê tín.
Hôm trước có một Cô đi vào nghĩa trang thăm mộ người thân, trên tay Cô có cầm theo một cái nhà lầu, một chiếc xe xích lô và mấy bộ quần áo đều làm bằng giấy cả.
Tôi thấy vậy hỏi: Cô đem theo xe xích lô để làm gì?
Cô nói: Chồng con trước đây đạp xích lô, bây giờ ông chết con đốt xe xích lô để ông chạy.
Tôi nói: Trời ơi, ngày trước ông còn sống phải đạp xe xích lô nuôi vợ nuôi con khổ cực quá rồi, bây giờ ông chết để cho ông nghỉ tại sao lại mua xích lô cho ông chạy, làm như vậy tội cho ông quá!
Cô nói: Dạ con không biết nghe người ta chỉ vẽ sao thì làm vậy. Thôi lần này lỡ rồi lần sau con sẽ mua xe hơi đốt cho ông chạy.
Tôi cười nói: Cô không muốn cho chồng cô siêu thoát sao?
Cô nói:
– Dạ có- Vậy cô đốt xe hơi làm gì nữa.
– Cõi dương sao thì cõi âm vậy.
– Cô muốn ông ở mãi cõi âm hay sao?
Lúc này Cô mới ú ớ không trả lời được. Nhân đó tôi mới giải thích cho Cô hiểu. Muốn chồng cô được siêu thoát thay vì đem tiền mua những thứ đồ mã đốt để ông ở cõi âm xài mãi mãi, mình nên mua chim cá phóng sinh hoặc bố thí cúng dường, in kinh ấn tống hoặc giúp đỡ người nghèo đói hoạn nạn v.v… Làm các việc phước thiện này, trước hết mình được lợi lạc, người khác được lợi lạc và cả người chết cũng được lợi lạc nữa. Tôi kể cho Cô nghe một mẩu chuyện trong kinh Thí Dụ.
Một hôm, đức Phật cùng A-nan đi ở trên bờ sông, bỗng thấy năm trăm quỷ đói vừa đi vừa hát, đồng thời lại thấy năm trăm quỷ đói khóc lóc đi qua. Người học Phật phải có trí tuệ, nhìn sự việc cho thấu đáo, để khi hành động không bị sai tinh thần nhân quả, không bị mê tín.
A-nan thấy thế mới bạch hỏi đức Phật: Bạch Thế Tôn! Tại sao bọn quỷ kia vừa đi vừa hát, còn bọn quỷ này lại khóc như thế?
Đức Phật nói: Bọn quỷ ca hát ấy sắp sinh lên cõi trời, vì trong nhà con cháu biết tu phước trì trai lễ bái cúng dường bố thí, hồi hướng phước quả đến cho họ. Còn bọn quỷ khóc la kia không được siêu thoát, vì trong nhà người thân của họ vì họ sát sinh cúng tế, nên họ gánh lấy quả báo ác, vì vậy mà họ khóc.
Nghe tôi kể xong, Cô hứa là từ nay về sau không mua vàng mã đốt nữa. Đem tiền đó làm phước để hồi hướng cho chồng được siêu thoát.
Năm ngoái, tôi có đi Đài Loan dự lễ khai giảng lớp Phật học tại chùa Từ Ân, nhằm vào tháng Tám âm lịch. Sau đó, tôi được nhà trường cho đi tham quan một số nơi và họ có đưa đến xem một đàn tràng cầu siêu.
Tại đàn tràng, tôi thấy họ làm một chiếc xe Buýt gần bằng chiếc xe Buýt thật. Họ làm khung bằng tre, bên ngoài dán giấy, bên trong có tài xế hành khách ngồi đầy đủ hết. Nhìn chiếc xe làm rất công phu, tôi nghĩ là phải tốn kém rất nhiều thời gian và tiền bạc. Có lẽ chủ nhân của nó trước đây chạy xe buýt đã quá cố, cho nên người thân làm chiếc xe buýt này đốt cho họ xài.
Quý vị thử nghĩ xem, một chiếc xe làm tốn kém tiền bạc như vậy, rồi đem đốt có lãng phí không? Với số tiền đó, họ có thể làm được rất nhiều việc lợi ích cho mọi người, cho bản thân họ và cho cả người chết.
Cho nên, người học Phật phải có trí tuệ, nhìn sự việc cho thấu đáo, để khi hành động không bị sai tinh thần nhân quả, không bị mê tín.
Trích đoạn: Phật Pháp Cứu Đời Tôi!
Xin thường niệm Nam Mô A Di Đà Phật!
Tâm Hướng Phật/St!
Tục đốt vàng mã xuất phát từ đâu?
Thời vua chúa xa xưa, khi nhà vua sống thì có kẻ hầu, người hạ; đến lúc vua băng hà thì hoàng hậu, cung phi, mỹ nữ, cho đến tiền của, vàng bạc, châu báu cũng phải chôn theo. Vì họ quan niệm rằng: khi sang thế giới bên kia thì vẫn làm vua và sống một cuộc đời như trên trần thế.
Sau này, khi xã hội tiến bộ, văn minh hơn người ta đã nghĩ ra người giả gọi là hình nhân làm bằng giấy, đất sét, các chất bồi lên và ghi tên lên người hình nhân này để thay thế cho người sống. Họ lấy tre, nứa đan thành thỏi vàng, làm vàng bạc châu báu rồi dán giấy vàng lên. Sau đó chôn số vàng bạc giả cùng người hình nhân này theo người chết.
Một thời gian sau, họ thấy chôn như vậy không phù hợp thì lại nghĩ ra cách đốt, hóa những hình ảnh tượng trưng được làm bằng giấy. Từ đó tập tục đốt hóa vàng mã đã ra đời.
Đốt vàng mã có lợi ích gì cho người chết không?
Hiện nay, trong việc cúng lễ của nhiều gia đình, chúng ta thấy vừa có hình nhân thế mạng, vừa có vàng mã. Số tiền mua sắm vàng mã để đốt hóa có thể lên đến hàng trăm triệu và đa dạng các sản phẩm như: ô tô, nhà cửa, máy bay, điện thoại,…
Chúng ta sống hiếu thảo với tiên tổ, với ông bà cha mẹ là tốt. Nhưng đã là Phật tử thì chúng ta biết đốt vàng, đốt mã thực sự không có lợi ích! Chúng ta biết nó không có lợi ích nhưng do tập tục, ta đốt một tí cũng không sao. Đừng lạm dụng nó, đừng hiểu sai về nó là được. Cách để người mất nhận được hưởng lợi ích là mỗi thành viên trong gia đình nên thực hành theo lời Phật dạy trong kinh Địa Tạng: không sát sinh cúng tế sẽ được lợi ích. Trong ngày cúng Tất niên, cúng giao thừa, cúng trong 3 ngày Tết, cúng rằm tháng bảy…, mỗi nhà nên làm mâm cơm cúng chay, làm phước, cúng dường Tam Bảo và hồi hướng cho ông bà tiên tổ thì các cụ được phước báu từ những việc làm lành thiện ấy.
Như vậy chúng ta thấy rõ mỗi cõi có một cảnh giới riêng, không phải như suy nghĩ của chúng ta là “Trần sao âm vậy”. Chúng ta muốn cúng thí cho thân nhân đã khuất của mình thì nên theo lời Phật dạy, cúng tế đồ chay tịnh, cúng dường Tam Bảo, làm các việc thiện lành, rồi nương nhờ sức từ Tam Bảo hồi hướng cho họ được thọ hưởng. Đây là việc làm lợi ích cho người mất kẻ còn sống được phúc lạc.
Thay vì đốt vàng mã cho người âm ta hãy làm phước và hồi hướng cho họ
Đốt vàng mã là một phong tục cổ truyền của người Việt, được xem như cách ứng xử của “người trần” đối với “người âm”. Theo thời gian, tục đốt vàng mã đã đi xa khỏi mục đích ban đầu và ngày càng trở nên thái quá.
Có người ngủ mơ thấy người thân đã mất về báo là bị lạnh, nên họ đã mua bộ quần áo bằng giấy để đốt cho người âm. Có người tháng nào cũng đốt tiền đô la âm phủ để ông bà có tiền tiêu xài. Lại có người đốt cả tivi, nhà lầu, xe hơi, iPad… bằng giấy để “gửi” cho người đã khuất. Bởi vì niềm tin đơn giản rằng “trần sao, âm vậy” nên nhiều người đã có những hành động mê tín và không thực tế.
Tục đốt vàng mã không có trong đạo Phật. Công văn số 31 của Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam gửi Ban Thường trực Ban Trị sự Phật giáo các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, nêu rõ: “Đề nghị chư tôn đức Tăng Ni nêu cao tinh thần Bồ tát đạo, hướng dẫn đồng bào Phật tử và bà con loại bỏ mê tín dị đoan, đốt vàng mã tại các cơ sở thờ tự Phật giáo và các hình thức khác trái với thuần phong mỹ tục, văn hóa dân tộc và văn hóa Phật giáo Việt Nam”. Việc làm này giúp con người xóa bỏ mê tín dị đoan và cũng có ý nghĩa rất lớn trong việc bảo vệ môi trường.
Nếu mơ thấy người thân bị lạnh, thay vì đốt quần áo giấy hay tiền giấy, ta hãy đem quần áo đi bố thí những người nghèo và đứng trước Phật phát nguyện: “Con nguyện đem công đức bố thí này cho thân nhân con được quần áo nghiêm trang đầy đủ” thì tự nhiên người thân ở cõi âm sẽ nhận được. Người trong cõi âm đầy đủ ấm no hay không là do phước tạo ra. Việc chúng ta làm phước và hồi hướng cho họ mới là điều hợp lý và đúng với nhân quả.
Nguồn: Phatgiao.org.vn!