Người được vãng sanh Cực lạc được Bất thoái, đắc Vô sanh pháp nhẫn, đều trụ trong Chánh định tụ là sao?
66- Hỏi: Cổ đức dạy: “Muốn được vãng sanh, niệm Phật phải chuyển được chỗ chín thành chỗ sống, chỗ sống thành chỗ chín” là như thế nào?
Đáp: Muốn được vãng sanh, hành giả Tịnh độ phải hành theo lời dạy của Nhị Tổ Thiện Đạo đại sư và Tổ sư Pháp Nhiên là bỏ tạp hạnh, kiên trì chuyên tu chánh hạnh (thâm nhập nhất môn, trường kỳ huân tu) nghĩa là Toàn thời gian lâu dài Niệm Phật không xen tạp không gián đoạn (không tụng kinh, bái sám… gì khác cả, chỉ độc nhất niệm Phật) mới có thể chuyển được chỗ chín (Ái nhiễm tham đắm ngũ dục lục trần) thành chỗ sống (Bồ đề chánh niệm, chân thành niệm Phật cầu vãng sanh), chỗ sống (Bồ đề chánh niệm) thành chỗ chín rục (Bồ đề chánh niệm thuần thục). Vì sao phải chuyển như vậy? Vì: Ngoài những vị có cực trọng nghiệp, còn lại chúng ta tái sanh đều do cận tử nghiệp quyết định.
Ngay giờ phút lâm chung nếu:
– Khởi niệm ái nhiễm ngũ dục lục trần thì sẽ sa vào ba đường ác (địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh).
– Khởi chánh niệm niệm Phật thì sẽ được Đức Phật Di Đà tiếp dẫn vãng sanh Cực Lạc.
67- Hỏi: Người được vãng sanh Cực lạc được Bất thoái là sao?
Đáp: Người được vãng sanh Cực Lạc dù Hạ phẩm Hạ sanh vẫn đạt Tam bất thoái, đó là Vị bất thoái, Hành bất thoái và Niệm Bất thoái.
1- Vị Bất thoái: Vị thứ đã tu được không bị thoái thất (tuột xuống) được quả vị nào thì trụ chắc quả vị đó để rồi tinh tấn tiến tu.
2- Hành Bất thoái: Chẳng bị thoái thất đối với các pháp đã tu hành, tức hạnh tu càng ngày càng tăng trưởng.
3- Niệm Bất thoái: Chẳng bị thoái chuyển về chánh niệm.
Ba Bất thoái này đem sánh với hạnh vị của Bồ Tát thì tùy theo các Tông có khác nhau.
Quán kinh Diệu Tông Sao, quyển hạ viết:
– “Nếu phá kiến tư hoặc được gọi là Vị Bất thoái, vĩnh viễn chẳng mất địa vị siêu phàm giả.
– Lại đoạn được trần sa hoặc được gọi là Hành Bất thoái vĩnh viễn chẳng mất hạnh Bồ Tát.
– Nếu đã phá vô minh được gọi là Niệm Bất thoái chẳng mất chánh niệm Trung Đạo”.
Nhị Tổ Thiện Đạo đại sư giải thích rộng hơn: Nếu được nghe danh hiệu, chỉ cần Tín, Nguyện, Trì danh thì ắt có thể ngay trong hiện đời chứng được Bất thoái.
68- Hỏi: Người vãng sanh Cực Lạc đắc Vô sanh pháp nhẫn là gì?
Đáp:
1- Kinh Quán Vô Lượng Thọ, Phép quán thứ mười bốn (Thượng Phẩm Thượng Sanh Quán) nói: Khi sanh về Thượng Phẩm Thượng sanh liền ngộ vô sanh pháp nhẫn. (Thượng Phẩm Trung Sanh chưa ngộ).
2- Kinh Vô Lượng Thọ, Phẩm mười lăm, Bồ Đề Đạo Tràng nói:
Người vãng sanh Cực Lạc thấy cây Bồ đề đạo tràng sẽ đắc ba thứ nhẫn: Một là Âm Hưởng Nhẫn, hai là Nhu Thuận Nhẫn, ba là Vô Sanh Pháp Nhẫn.
Tịnh Ảnh Sớ giảng như sau:
– Âm Hưởng Nhẫn là do nghe pháp ngộ đạo, biết hết thảy pháp giống như tiếng vọng, như mộng, huyễn, bọt nước, hình bóng. Bậc Bồ Tát Biệt Giáo từ Tam địa trở xuống đắc nhẫn này.
– Nhu Thuận Nhẫn là không dùng ngôn ngữ văn tự để diễn đạt nghĩa lý, mà hướng đến Thật Tướng. Bồ Tát từ tứ, ngũ, lục địa đắc nhẫn này.
– Vô Sanh Pháp Nhẫn là chứng nhập Thật Tướng, lìa hết thảy tướng. Bồ Tát từ thất địa trở lên đắc nhẫn này.
Nói cách khác giản dị, an trụ trong lý Chơn Như Thật Tướng bất sanh bất diệt thì gọi là Vô Sanh Pháp Nhẫn.
69- Hỏi: Người vãng sanh Cực Lạc đều trụ trong Chánh định tụ là sao?
Đáp: Chánh định tụ là một trong ba tụ. Cả Đại thừa và Tiểu thừa đều nói đến ba tụ, nhưng có nhiều thuyết như sau:
a. Thuyết thứ nhất, ba tụ là:
– Chánh định tụ: Những người nhất định chứng ngộ.
– Tà định tụ: Hoàn toàn chẳng chứng ngộ.
– Bất định tu: Ở giữa hai hạng trên, hữu duyên thì chứng ngộ, vô duyên ắt chẳng chứng ngộ.
b. Thuyết thứ hai là của Khởi Tín Luận:
– Từ phàm phu đến hạng chưa đạt bậc Thập Tín, chẳng tin nhân quả là Tà định.
– Hạng Thập Tín là Bất định tánh.
– Từ Thập Trụ trở lên là Chánh định.
Thuyết này là thuyết của Đại thừa Thật giáo.
c- Thuyết thứ ba như sách Hội sớ nói: “Định tụ nói đầy đủ là Chánh định tụ, cũng gọi là Bất thoái chuyển, tức là Bồ Tát A Bệ Bạt Trí.. Vì sao gọi là Chánh định? Phàm hết thảy chúng sanh tuy căn tánh muôn phần sai khác nhưng nếu phân loại thì chẳng ngoài ba thứ:
– Ắt đọa trong sáu đường là Tà định.
– Nếu thăng trầm tùy duyên thì là Bất định.
– Quyết định đạt đến Bồ đề thì gọi là Chánh định.
Mặt khác hiển thị sâu sắc sự sâu rộng của Di Đà đại nguyện thì chẳng những người đã vãng sanh Cực Lạc trụ trong chánh định, quyết chứng Vô Thượng Đạo mà hết thảy những người cầu sanh Cực Lạc trong hiện tại hoặc tương lai chỉ cần phát Bồ Đề tâm nhất hướng chuyên niệm thì sẽ tương ứng với bổn nguyện của Phật A Di Đà, dẫu trong uế độ vẫn còn là phàm phu đầy dẫy, nhưng hễ vãng sanh thì ắt trụ trong Chánh định, quyết chứng Bồ đề.
Đây thật là điều siêu tình ly kiến chẳng thể nghĩ bàn, dứt bặt đối đãi một cách viên dung, phương tiện rốt ráo.
Sách Bình giải đã cực lực tán dương thuyết của Thiện Đạo đại sư: Người sẽ được vãng sanh tuy thân còn đang ở Ta Bà đã được hưởng lợi ích bí mật là nhập vào Chánh định tụ.
70- Hỏi: Liên Tông thập tam Tổ Ấn Quang đại sư dạy:
“Hành giả tu Tịnh nghiệp luôn luôn phải giữ câu Phật hiệu hiện tiền. Nên dù ở đâu, bất cứ lúc nào cũng phải niệm Phật, nhưng nơi phòng vệ sinh, nhà tắm, nơi này bất tịnh niệm ra tiếng sẽ mang lỗi bất kính, phải niệm thầm”, “Sản phụ, đang lúc thập tử nhất sanh này, phải niệm Phật lớn tiếng để dễ được Chư Phật gia bị”. Phòng sanh đẻ cũng bất tịnh vậy, sao lại không sợ mang lỗi bất kính như trên. Vậy hai lời dạy này có mâu thuẩn, trái chóng nhau không?
Đáp: Cả hai đều đúng, không mâu thuẩn, trái chóng gì cả.
Lời Chư Tổ dạy không bao giờ sai. Tại sao? Vì: Câu đầu đứng trên sự tướng mà nói thì có tịnh, bất tịnh. Câu sau đứng trên lý tánh mà nói thì “Vạn pháp nhất như, bất cấu bất tịnh”. Chúng ta phải y giáo phụng hành, để thật sự có nhiều lợi ích.
Trích: Niệm Phật đạt bất niệm tự niệm bảo đảm Vãng Sanh – Phần VII: Tổng Kết!