Tôi nghe như vầy: Một thuở nọ, Đức Phật ở tại vườn Kỳ Thụ Cấp Cô Độc trong thành Xá-vệ, cùng với 2.500 vị đại Tỳ-kheo và 38.000 vị Bồ-tát Ma-ha-tát.
Có một hôm, Thế Tôn dẫn đại chúng đi về hướng nam. Bỗng nhiên đại chúng nhìn thấy một đống xương ở ven đường. Lúc bấy giờ Đức Như Lai hướng về đống xương khô kia, rồi cúi đầu đảnh lễ sát đất và cung kính lễ bái.
Khi ấy ngài A-nan chắp tay và bạch rằng:
“Bạch Thế Tôn! Như Lai là bậc đại sư của Tam Giới, cha lành của bốn loại chúng sanh; mọi người đều quy y và cung kính. Vì nhân duyên gì mà Ngài lễ bái đống xương khô?”
Phật bảo ngài A-nan:
“Tuy các ông là những đệ tử lớn của Ta và đã xuất gia lâu rồi, nhưng sự hiểu biết vẫn chưa sâu rộng. Đống xương khô này có thể là tổ tiên hay cha mẹ của Ta trong nhiều đời trước. Bởi nhân duyên ấy mà Ta nay lễ bái họ.”
Phật bảo ngài A-nan:
“Bây giờ ông hãy phân đống xương khô này làm hai phần. Nếu là xương của người nam thì sẽ có màu trắng và nặng. Còn nếu là xương của người nữ thì sẽ có màu đen và nhẹ.”
Ngài A-nan bạch rằng:
“Bạch Thế Tôn! Người nam lúc còn sống, họ mặc áo, thắt nịt, mang giày, đội mũ, và trang nghiêm đẹp đẽ, khi nhìn thoáng qua thì biết đó là thân người nam. Người nữ lúc còn sống, họ bôi son thoa phấn và xức dầu thơm; với trang sức như thế, thì liền biết đó là thân người nữ. Thế nhưng sau khi chết, giờ họ chỉ còn lại một đống xương. Xin Phật dạy chúng con để nhận biết được sự khác biệt này?”
Phật bảo ngài A-nan:
“Người nam lúc sanh thời, nếu họ có vào chùa nghe giảng Kinh luật, lễ bái Tam Bảo, và niệm danh hiệu Phật, thì xương sẽ có màu trắng và nặng. Còn phần đông người nữ ở thế gian thì trí lực kém và dễ chìm đắm bởi tình cảm. Họ phải sanh đẻ, nuôi nấng con cái, và cho đó là bổn phận của mình.
Mỗi em bé khi lọt lòng đều nhờ vào sữa mẹ để nuôi sống. Sữa đó là do máu chuyển biến thành. Trung bình mỗi em bé uống khoảng 840 lít sữa mẹ. Bởi vậy mà người mẹ trở nên tiều tụy, xương chuyển sang màu đen và trọng lượng cũng nhẹ đi.”
Khi ngài A-nan nghe lời dạy của Phật, lòng đau như cắt, nước mắt đầm đìa. Ngài bạch rằng:
“Bạch Thế Tôn! Con phải làm sao để báo đáp ân đức của mẫu thân?”
Phật bảo ngài A-nan:
“Ông nay hãy lắng nghe, Ta sẽ vì ông phân biệt giảng giải.
Lúc có bầu, người mẹ phải mang thai suốt mười tháng. Đây thật khổ nhọc biết dường nào.
Khi người mẹ có mang ở tháng thứ nhất, mạng sống của thai nhi như giọt sương trên ngọn cỏ, từ lúc bình minh đến hoàng hôn có biết còn không, sáng sớm tụ đọng lại, giữa trưa tiêu tan đi.
Khi người mẹ mang thai ở tháng thứ nhì, thai nhi đọng lại như sữa đặc.
Khi người mẹ có mang ở tháng thứ ba, thai nhi đọng lại như cục máu.
Khi người mẹ có mang ở tháng thứ tư, thai nhi đã có chút hình người.
Khi người mẹ có mang ở tháng thứ năm, thai nhi ở trong bụng mẹ đã bắt đầu phát triển năm phần. Những gì là năm? Đó là đầu, hai khuỷu tay, và hai đầu gối.
Khi người mẹ có mang ở tháng thứ sáu, thai nhi ở trong bụng mẹ đã hoàn chỉnh sáu giác quan. Những gì là sáu? Mắt là một. Tai là hai. Mũi là ba. Lưỡi là bốn. Thân là năm. Ý là sáu.
Khi người mẹ có mang ở tháng thứ bảy, thai nhi ở trong bụng mẹ đã hình thành 360 đốt xương và 84.000 lỗ chân lông.
Khi người mẹ có mang ở tháng thứ tám, thai nhi đã sanh ý trí và đầy đủ chín lỗ.
Khi người mẹ có mang ở tháng thứ chín, thai nhi ở trong bụng mẹ đã có thể hấp thu dinh dưỡng từ các chất như trái đào, quả lê, rau quả, và ngũ cốc. Ở bên trong thân thể của người mẹ, các bộ phận dạ dày hướng xuống, còn các bộ phận đường ruột hướng lên, và được ví như trên mặt đất có ngọn núi cao vót chồi ra. Núi có ba tên: 1. Tu-di, 2. Nghiệp Sơn, 3. Huyết Sơn. Đây được dụ như khi núi sạt lở và kết làm một tuyến dài. Cũng tương tự như vậy, máu của mẹ ngưng đông lại để tạo thành thức ăn cho thai nhi.
Khi người mẹ có mang ở tháng thứ mười, toàn thân thể của thai nhi đã phát triển đầy đủ và sẵn sàng chào đời.
Nếu quả là đứa con hiếu thuận thì sẽ chắp tay và bình an sinh ra. Người mẹ sẽ không tổn thương và cũng chẳng đau đớn.
Còn nếu là đứa con ngỗ nghịch thì sẽ gây hại cho thai của người mẹ, kéo xé tim gan và đạp xương chậu của mẹ mình. Lúc sanh, người mẹ cảm thấy như bị cả ngàn con dao đâm vào, hoặc lại giống như bị hàng vạn lưỡi đao xuyên thủng thấu tim. Đây là những thống khổ mà người mẹ phải chịu khi sanh ra đứa con này.
Để phân tích cho cặn kẽ thì có mười ân huệ mà người mẹ đã dành cho con:
1. Ơn bảo hộ gìn giữ khi mang thai.
2. Ơn chịu đau đớn lúc sanh nở.
3. Ơn quên đi sầu muộn khi con chào đời.
4. Ơn nuốt đắng để mớm phần ngọt cho con.
5. Ơn nằm ướt để chừa chỗ khô cho con.
6. Ơn cho bú và nuôi dưỡng.
7. Ơn lau rửa đồ bất tịnh trên thân con.
8. Ơn nhớ nhung khi con đi xa.
9. Ơn hy sinh thân mình vì con.
10. Ơn hết mực thương yêu.
1. Ơn bảo hộ gìn giữ khi mang thai. Kệ rằng:
Nhiều kiếp nhân duyên dày
Nay thác vào thai mẹ
Tháng qua sanh ngũ tạng
Bảy tuần đủ sáu căn
Thân mẹ nặng như núi
Đi đứng như kiếp gió
Áo đẹp chẳng còn mặc
Gương soi dính đầy bụi
2. Ơn chịu đau đớn lúc sanh nở. Kệ rằng:
Mang thai dài mười tháng
Sinh khó sắp kề đến
Sáng sáng như bệnh nặng
Ngày ngày tựa hôn trầm
Sợ hãi khó diễn bày
Lệ sầu khắp tim đau
Ngậm ngùi bảo người thân
Cái chết đang tiến gần
3. Ơn quên đi sầu muộn khi con chào đời. Kệ rằng:
Ngày mẹ hiền sanh con
Ngũ tạng như mở tung
Thân tâm đều kiệt quệ
Máu chảy tựa mổ dê
Khi nghe con bình an
Vui mừng gấp bội thường
Hết vui sầu lại đến
Thống khổ quặn ruột tim
4. Ơn nuốt đắng để mớm phần ngọt cho con. Kệ rằng:
Ơn cha mẹ sâu nặng
Thương con không hề phai
Mớm ngọt chẳng chút nghỉ
Nuốt đắng không nhíu mày
Ái trọng tình bao la
Thâm ân thương vô bờ
Chỉ mong con no nê
Mẹ hiền đói chẳng màng
5. Ơn nằm ướt để chừa chỗ khô cho con. Kệ rằng:
Thân mẹ cam nằm ướt
Dời con đến nơi khô
Vú mẹ thỏa cơn khát
Vạt áo che gió lạnh
Thương lo đầu quên gối
Nuông chiều làm trò vui
Mong sao con an lành
Mẹ hiền chẳng cầu yên
6. Ơn cho bú và nuôi dưỡng. Kệ rằng:
Từ mẫu như đại địa
Nghiêm phụ như trời cao
Che chở đồng như nhau
Ân cha mẹ cũng vậy
Không ghét không giận hờn
Cưỡi leo chẳng than phiền
Con cái như mạng họ
Suốt ngày yêu thương nhớ
7. Ơn lau rửa đồ bất tịnh trên thân con. Kệ rằng:
Xưa như hoa phù dung
Tinh thần mạnh khỏe sung
Lông mi như liễu bích
Sắc mặt thẹn sen hồng
Ơn sâu quên mặt ngọc
Lau rửa tay mềm chai
Chỉ vì thương con cái
Dung nhan mẹ hiền phai
8. Ơn nhớ nhung khi con đi xa. Kệ rằng:
Tử biệt khó kham nhẫn
Sanh ly thật cảm thương
Con đi đến phương xa
Mẹ nhớ tại quê nhà
Ngày đêm mòn mỏi trông
Lệ chảy cả ngàn dòng
Như vượn khóc yêu con
Ruột gan đứt từng đoạn
9. Ơn hy sinh thân mình vì con. Kệ rằng:
Trọng ân của cha mẹ
Ơn sâu khó đáp đền
Con khổ nguyện chịu thế
Con nhọc mẹ chẳng an
Nghe con đến nơi xa
Thương con nằm đêm lạnh
Con cái gặp chút khổ
Lòng mẹ mãi lo sầu
10. Ơn hết mực thương yêu. Kệ rằng:
Ơn cha mẹ sâu nặng
Thương yêu không hề phai
Đứng ngồi nghĩ về con
Gần xa ý trông theo
Dẫu mẹ đã trăm tuổi
Vẫn nhớ con tám mươi
Khi nào tình thương hết?
Chỉ khi mạng chấm dứt”
Phật bảo ngài A-nan:
“Ta quán sát chúng sanh, tuy được sinh làm người, nhưng có kẻ thì tâm tánh ngu si. Họ không nhớ đại ân đức của cha mẹ, không có tâm cung kính, vong ân bội nghĩa, không có lòng nhân từ, và bất hiếu ngỗ nghịch. Suốt mười tháng cưu mang, người mẹ đứng ngồi không yên như là đang vác đồ nặng, ăn uống không tiêu như là người bệnh trường kỳ.
Khi đến thời điểm sanh nở, người mẹ phải chịu muôn vàn thống khổ. Đang lúc sanh con, tánh mạng của người mẹ rất nguy kịch, vì máu chảy lai láng trên đất như là mổ giết heo dê.
Sau khi đã chịu những sự thống khổ như thế và sanh được con ra, người mẹ nuốt đắng mớm ngọt và ôm ấp nuôi nấng, lau rửa đồ bất tịnh trên thân con mà không sợ cực khổ, chịu nóng chịu lạnh mà không sợ nhọc nhằn, chỗ ráo con nằm còn chỗ ướt mẹ ngủ. Ba năm liền, mẹ cho con bú sữa, mà sữa đó chính là từ máu của mẹ chuyển biến thành.
Khi con cái đến tuổi trưởng thành, cha mẹ vẫn tiếp tục dạy dỗ lễ nghĩa, rồi giúp con dựng vợ gả chồng và mưu cầu sự nghiệp. Sinh con ra và nuôi con khôn lớn, cha mẹ phải chịu muôn bề cay đắng. Thế nhưng, họ không bao giờ kể công lao. Khi con cái có bệnh, cha mẹ lo sợ kinh hoàng. Thường là người mẹ do bởi quá lo âu nên sanh bệnh. Chỉ khi nào con cái lành bệnh thì mẹ mới bình phục.
Và như thế, cha mẹ nuôi dưỡng con cái và hy vọng rằng chúng sẽ sớm lớn khôn nên người. Nhưng sau khi con cái trưởng thành, thường là chúng bất hiếu trở lại. Khi nói năng với tôn trưởng và thân quyến, chúng chẳng biết vâng lời, hỗn xược vô lễ, và gườm gườm trợn mắt. Chúng lấn hiếp chú bác, đánh chửi anh em, gây bất hòa trong gia đình, và không có lễ nghĩa. Tuy cũng từng học hành, nhưng chúng không tuân theo lời giáo huấn. Nếu cha mẹ dạy bảo điều chi, thì chúng ít khi nào nghe theo. Còn đối với anh em thì tranh cãi không thôi.
Lúc đi lúc về chẳng hỏi han cha mẹ. Lời nói và hành vi cao ngạo. Chỉ làm theo sở thích mà không lường hậu quả. Những lúc cha mẹ khiển trách hay trừng phạt, hoặc chú bác chỉ ra điều không đúng, họ đều thương xót và che chở, vì nghĩ rằng chúng còn thơ dại.
Dần dần khi trưởng thành, chúng hung ác xảo trá, không chịu nhận lỗi mà còn sân hận ngược lại. Chúng từ bỏ bạn bè cùng người thân và kết giao bạn xấu. Lâu ngày tập khí đó trở thành bản tánh, rồi chúng cho điều sai là đúng.
Hoặc chúng bị người dụ dỗ và bỏ trốn tới tha phương, bỏ bê cha mẹ và biệt ly gia quyến. Thời gian thấm thoát trôi qua, chúng lập nghiệp và kết hôn. Do bận bịu việc làm ăn sinh sống, nên đã lâu rồi mà không trở về thăm quê nhà.
Hoặc ở tại tha phương, chúng không may bị người mưu hại. Việc xui xẻo ập đến, chúng bị hình phạt oan uổng và phải lao ngục xiềng xích.
Hoặc chúng mắc bệnh hoạn, ách nạn bủa vây, tù khổ đói gầy, không ai săn sóc. Rồi thì bị người khinh rẻ và ruồng bỏ ở ngã tư đường. Thế nên tánh mạng có thể sẽ kết thúc và chẳng ai thèm cứu chữa. Thân thể sưng lên, thối rữa mục nát, mặt trời thiêu cháy, và gió cuốn đi. Xương trắng rải rác nơi đất khách. Chúng sẽ không bao giờ được đoàn tụ an vui với gia đình hay có thể báo đáp ơn sâu nghĩa nặng của cha mẹ, và không bao giờ biết được cha mẹ già đang ở tại quê nhà luôn mãi nhớ mong. Cũng có thể do bởi cha mẹ chúng khóc than nên khiến mắt mù lòa. Cũng có thể do bởi cha mẹ chúng bi ai nên nghẹn ngào thành bệnh. Cũng có thể do bởi cha mẹ chúng quá nhớ con nên tiều tụy rồi chết đi. Dẫu đã biến làm quỷ nhưng hồn của họ vẫn không thể buông xả con cái.
Hoặc có con cái chẳng chịu lo học hành, mà lại gia nhập băng đảng và làm những việc bất chính. Chúng thành những côn đồ vô lại, thô cộc, ngoan cố, ưa làm điều vô ích, đánh lộn, trộm cắp, xúc phạm bà con làng xóm, cờ bạc rượu chè. Chẳng những thế mà còn lôi kéo anh em vào con đường xấu để não loạn cha mẹ. Từ sáng sớm đã bỏ đi, đến tận khuya lắc mới về, và chẳng hề hỏi han gì về sức khỏe của song thân. Từ đầu tháng cho đến cuối tháng, từ sáng đến tối, chúng không hề trông nom hay dọn dẹp giường gối. Lại cũng chẳng biết là cha mẹ có ngủ ngon giấc không. Thời gian trôi qua, tuổi cha mẹ càng cao và thân hình gầy yếu, chúng cảm thấy xấu hổ khi gặp người khác, rồi cố nhẫn chịu và đè nén.
Hoặc có người cha góa vợ, người mẹ góa chồng. Họ đơn độc ở trong căn nhà trống rỗng và cảm thấy như là khách ở nhờ nhà người khác–rét lạnh đói khát, chẳng ai quan tâm. Ngày đêm họ thường khóc và than thở với mình. Nếu đứa con nào có hiếu thì sẽ phụng dưỡng ngọt bùi và cúng dường song thân. Còn nếu là đứa bất hiếu thì sẽ không hề biết việc này. Trái lại, chúng cảm thấy xấu hổ và sợ người chê cười nếu bắt gặp cha mẹ chúng.
Hoặc có đứa phung phí gia tài nuôi vợ nuôi con mà chẳng than khổ nhọc. Không chút hổ thẹn, chúng phục tùng làm theo mọi điều ước muốn của thê thiếp. Nhưng khi tôn trưởng quở trách, chúng hoàn toàn chẳng chút kiêng sợ.
Hoặc lại có đứa con gái chỉ quý trọng gia đình phía chồng. Khi chưa xuất giá, chúng hết mực hiếu thuận với cha mẹ mình. Nhưng sau khi đã kết hôn thì bất hiếu một cách nhanh chóng. Dẫu cha mẹ ruột chỉ biểu hiện một chút giận dữ thì liền sanh oán hận. Thế nhưng bị chồng đánh đập chửi mắng thì nguyện cam lòng nhẫn chịu. Tuy là khác dòng khác họ, nhưng tình thâm kết chặt. Còn gia quyến cốt nhục thì phớt lờ cách xa.
Hoặc là theo chồng dời đến nơi khác, ly biệt cha mẹ mà lòng không chút quyến luyến.
Chúng biệt tăm biệt tích và cắt đứt mọi thông tin liên lạc, khiến lòng cha mẹ quặn đau như bị treo ngược và không một thời khắc nào được bình an. Trong mỗi niệm, họ ước ao muốn thấy mặt con mình, như người khát thèm nước uống; nỗi lo nhớ về con cái không bao giờ thôi nghỉ.
Ân đức của cha mẹ là vô lượng vô biên. Nếu ai trót phạm bất hiếu thì báo ứng thật khó diễn bày.”
Khi đại chúng nghe Phật nói về trọng ân của cha mẹ, có vị lăn lộn trên đất, có vị đánh ngực, có vị tự đánh mình, có vị thì trong những lỗ chân lông nơi thân đều ứa ra máu, có vị té xỉu trên đất đến một hồi lâu sau thì mới tỉnh dậy. Họ kêu gào rằng:
“Thật thống khổ quá đi! Thật đau đớn quá đi! Giờ đây chúng con mới thấy rằng mình thật sự là tội nhân. Từ hồi nào đến giờ đã không biết rằng, mình như kẻ mù đi giữa đêm tối. Nay chúng con mới tỏ ngộ và cõi lòng đều tan nát. Kính mong Thế Tôn hãy xót thương cứu giúp. Xin nói cho chúng con biết để làm sao báo đáp được ân tình sâu dày của cha mẹ?”
Lúc bấy giờ Đức Như Lai liền dùng tám loại Phạm âm thâm sâu mà bảo các đại chúng:
“Các ông phải biết những điều sau đây. Ta nay sẽ phân biệt và giảng giải cho các ông.
Giả sử có người, vai trái vác cha, vai phải vác mẹ, rồi đi vòng quanh núi Tu-di suốt trăm ngàn kiếp cho đến chỉ còn da bọc xương, rồi xuyên thấu xương đến tủy và máu chảy ngập cả đôi mắt cá chân, thì cũng không thể báo đáp hết thâm ân của cha mẹ.
Giả sử có người gặp kiếp đói khát, họ vì cha mẹ mà lóc hết thịt trên thân của mình thành những miếng nhỏ như các hạt vi trần, và họ làm như thế suốt trăm ngàn kiếp thì cũng không thể báo đáp hết thâm ân của cha mẹ.
Giả sử có người vì cha mẹ, tay cầm dao bén mà khoét mắt của mình để phụng hiến cho Như Lai, và họ làm như thế suốt trăm ngàn kiếp thì cũng không thể báo đáp hết thâm ân của cha mẹ.
Giả sử có người vì cha mẹ, họ cũng dùng dao bén mà mổ tim gan, máu chảy lai láng trên đất, chẳng sợ đau đớn, và họ làm như thế suốt trăm ngàn kiếp thì cũng không thể báo đáp hết thâm ân của cha mẹ.
Giả sử có người vì cha mẹ, họ chịu bị trăm ngàn cây đao đồng thời đâm vào thân, xuyên thủng từ bên này sang bên kia, và họ phải chịu như thế suốt trăm ngàn kiếp thì cũng không thể báo đáp hết thâm ân của cha mẹ.
Giả sử có người vì cha mẹ, họ chịu bị đánh lồi xương, đến nỗi tủy văng ra ngoài, và họ phải chịu như thế suốt trăm ngàn kiếp thì cũng không thể báo đáp hết thâm ân của cha mẹ.
Giả sử có người vì cha mẹ, họ chịu nuốt những viên sắt nóng, toàn thân cháy chín, và họ phải chịu như thế suốt trăm ngàn kiếp thì cũng không thể báo đáp hết thâm ân của cha mẹ.”
Khi đại chúng nghe Phật nói về ân đức của cha mẹ, ai nấy đều rơi lệ khóc thương và lòng đau như cắt. Họ cùng ngẫm nghĩ nhưng đều chẳng biết phải làm gì. Với lòng hổ thẹn sâu xa, đại chúng đồng thanh bạch với Đức Phật rằng:
“Bạch Thế Tôn! Giờ đây chúng con mới thấy rằng mình thật sự là tội nhân. Chúng con phải làm thế nào để báo đáp thâm ân của cha mẹ?”
Phật bảo chúng đệ tử:
“Nếu muốn báo ơn cha mẹ thì hãy biên chép Kinh này. Hãy vì cha mẹ mà đọc tụng Kinh này. Hãy vì cha mẹ mà sám hối tội lỗi. Hãy vì cha mẹ mà cúng dường Tam Bảo. Hãy vì cha mẹ mà ăn chay trì giới. Hãy vì cha mẹ mà bố thí tu phước. Nếu ai có thể làm những việc như vậy thì mới được gọi là người con hiếu thảo. Còn nếu không làm những việc này thì là người của địa ngục.”
Phật bảo ngài A-nan:
“Sau khi mạng chung, những kẻ bất hiếu sẽ đọa vào Địa Ngục Vô Gián. Chu vi của đại địa ngục này là 80.000 do-tuần. Bốn phía của ngục thành làm bằng sắt và có lưới bao phủ. Đất của ngục này cũng làm bằng sắt và có lửa bốc cháy phừng phực. Người tội bị lửa dữ hừng hực thiêu đốt, điện chớp sáng cùng sấm sét rượt đánh, và bị nước sắt nước đồng tạt vào. Chó đồng với rắn sắt luôn phun ra khói lửa để thiêu đốt và chiên nướng phần thịt mỡ của tội nhân. Thống khổ thương lắm thay! Thật khó kham khó nhẫn! Lại có móc câu, giáo mác, thương sắt, xiềng sắt, chùy sắt, dùi sắt, cây cối treo kiếm, và bánh xe bằng đao, chúng từ trên không rơi xuống như mây như mưa.
Hoặc tội nhân bị chém, bị đâm, và phải chịu trừng phạt thống khổ đến suốt nhiều kiếp mà không chút tạm ngưng. Sau đó lại phải vào các địa ngục còn lại. Trên đầu đội chậu lửa; xe sắt cán dọc cán ngang qua thân thể, làm bụng và ruột xé toẹt ra, xương nghiền nát và thịt cháy chín. Trong một ngày, họ phải chịu hàng ngàn vạn lần chết đi sống lại. Kẻ thọ tội khổ như thế đều là do gây tạo ngỗ nghịch và bất hiếu với cha mẹ ở đời trước.”
Khi đại chúng nghe Phật nói về ân đức của cha mẹ, ai nấy đều rơi lệ khóc thương và bạch với Đức Như Lai rằng:
“Bạch Thế Tôn! Giờ đây chúng con phải làm thế nào để báo đáp thâm ân của cha mẹ?”
Phật bảo chúng đệ tử:
“Nếu muốn báo ơn cha mẹ thì hãy biên chép và lưu truyền Kinh điển này. Đó mới thật sự là báo ơn cha mẹ.
– Nếu in một quyển thì sẽ thấy một Đức Phật.
– Nếu in mười quyển thì sẽ thấy mười Đức Phật.
– Nếu in trăm quyển thì sẽ thấy trăm Đức Phật.
– Nếu in ngàn quyển thì sẽ thấy ngàn Đức Phật.
– Nếu in vạn quyển thì sẽ thấy vạn Đức Phật.
Do bởi năng lực từ sự ấn tống Kinh điển nên những người lương thiện này sẽ được chư Phật từ bi thường đến gia hộ. Lại nữa, năng lực ấy có thể lập tức khiến cha mẹ của họ sanh lên cõi trời để thọ hưởng vui sướng và xa rời khổ ách của địa ngục.”
Lúc bấy giờ ngài A-nan và hàng đại chúng, gồm có trời, rồng, dạ-xoa, càn-thát-bà, a-tu-la, ca-lâu-la, khẩn-na-la, ma-hầu-la-già, người và phi nhân, cùng Chuyển Luân Thánh Vương và các tiểu vương, khi nghe Phật nói thì tất cả lông trên thân đều dựng đứng. Họ nghẹn ngào khóc thương và không thể tự kềm chế bản thân. Sau đó, mỗi vị phát nguyện rằng:
“Kể từ bây giờ cho đến tận vị lai, chúng con thà cho thân này bị nghiền nát như vi trần đến suốt trăm ngàn kiếp, chứ thề không vi phạm thánh giáo của Như Lai.
Chúng con thà bị móc câu sắt kéo lưỡi dài ra một do-tuần, rồi đến suốt trăm ngàn kiếp bị cày sắt bừa trên đó và máu chảy thành sông, chứ thề không vi phạm thánh giáo của Như Lai.
Chúng con thà bị trăm ngàn bánh xe bằng đao tự do xuyên vào lăn ra, chứ thề không vi phạm thánh giáo của Như Lai.
Chúng con thà bị lưới sắt quấn siết vào thân suốt trăm ngàn kiếp, chứ thề không vi phạm thánh giáo của Như Lai.
Chúng con thà suốt trăm ngàn kiếp bị chặt, bị giã, bị chém, và nghiền nát thân này thành trăm ngàn vạn đoạn–thịt, da, gân, và xương thảy đều tan rã–chứ thề không vi phạm thánh giáo của Như Lai.”
Lúc bấy giờ ngài A-nan từ chỗ ngồi an tường đứng dậy và bạch Phật rằng:
“Bạch Thế Tôn! Kinh này tên là gì, và chúng con phụng trì như thế nào?”
Phật bảo ngài A-nan:
“Kinh này tên là Cha Mẹ Ân Trọng Khó Báo Đáp. Với danh tự này, ông hãy theo đó mà phụng trì.”
Lúc bấy giờ hàng trời, người, a-tu-la, và các đại chúng, khi nghe Phật nói, họ đều rất vui mừng, tín thọ phụng hành, đảnh lễ, rồi cáo lui.
Hán dịch: Tam Tạng Pháp Sư Cưu-Ma-La-Thập đời Diêu Tần
Việt dịch: Tại gia Bồ-tát giới Ưu-bà-tắc Nguyên Thuận