Tâm Hướng Phật
Kiến Thức

Người thọ ngũ giới nên vui mừng vì mình có ngọc báu trong tâm

Những ai đã thọ năm giới nên vui mừng, tự biết mình có ngọc báu trong tâm. Cẩn thận, cẩn thận lắm mới được! Sơ ý một chút, một lời nói lỗi lầm cũng đủ vĩnh kiếp khốn khổ.

Sư Bà Hải Triều Âm dạy:

Thân chúng ta là một bao máu mủ tanh hôi. Hàng ngày hai mắt ra ghèn, hai tai ra ráy, hai lỗ chảy mũi, miệng ra đờm dãi, chân lông ra cáu ghét mồ hôi, hai đường dưới ra phân tiểu. Thân đã nhơ nhớp lại vô thường. Sanh già bệnh chết đau khổ. Sáu căn lãnh thọ cảnh trần, vinh nhục buồn vui nhọc nhằn cay đẳng. Nhưng tương đối với địa ngục, ngã quỷ, bàng sanh thì thân người là cõi thiện, là quý báu vô ngần. Nương thân người, chúng ta có thể tiến tu quả Thánh, vĩnh viễn thoát khổ.

Đọa lạc rồi cầu trở lên khó vô cùng. Phật ví như rùa mù trong biển cả mong gặp bọng cây. Thân người khó được như thế mà lại không bền. Bất chợt một cơn gió độc, một bệnh hoạn, một sẩy chân vấp ngã… thế là vong mạng. Vậy nay đang được thân người, biết dùng nó làm bàn đạp tiến lên quả vị Thánh Hiền là có trí tuệ sáng suốt. Ngược lại thì khác gì kẻ đang ôm cái phao nổi ở giữa biển mà không cố gắng bơi vào bờ. Hẳn chỉ có nguy hiểm đợi chờ. Phật dạy đây là việc cần gấp như cứu đầu mình đang bị cháy. Không thể đội lửa mà đi, đợi có thời giờ thong thả sẽ dập tắt.

Không giết hại, đời sau được quả báo sống lâu khỏe mạnh; không trộm cắp, đời sau giàu có, của cải không bị xâm hại; không tà dâm, đời sau thân tướng đoan chính; không nói càn, mọi người kính tin; không uống rượu, trí tuệ thông minh. Tròn năm giới, chẳng những lai sinh được thân người mà còn đủ 5 điều kiện hạnh phúc an vui. Nếu có khả năng tu lên, càng tiến càng hay. Ngũ giới là căn bản, là thềm bực thiết yếu của tất cả an ninh thế gian và xuất thế gian. Các Phật tử cần tự kiểm điểm. Nếu còn khiếm khuyết phần nào hãy lập tức tu sửa kịp thời. Mất thân người rồi, bao giờ lại có dịp tu hành. Liệt vị Tăng Ni có trách nhiệm chỉ bảo, nhắc nhở, khuyến tiến, để các Phật tử sống đúng chánh pháp.

Tạo nghiệp ác, rơi xuống ba đường dưới là điều đáng tiếc vô cùng, đáng thương lắm lắm. Phật Bồ-tát đành không phương cứu vớt.

Hòa thượng Thanh Từ dạy: “Đạo Phật cứu người ngay từ lúc gieo nhân khổ chớ không phải chỉ cứu quả khổ. Song khi cứu quả khổ ta được mang ơn còn khi cứu nhân khổ ta thường bị người đời oán ghét”.

Hòa thượng Quảng Bá dạy: “Phật đặt ra giới luật vì thương các con. Như đứa trẻ mù lại hay nghịch đại, ra đường chơi sẽ bị xe chẹt. Mẹ đặt chấn song ngăn cửa, khiến con an ổn trong nhà, đợi có thuốc hiệu nghiệm sẽ giải bệnh cho con, khiến được vĩnh viễn an vui.

Tất cả sáu đạo chúng sanh đều được thọ tam quy. Các Bồ-tát lăn lộn kết duyên với các nẻo luân hồi, đưa kẻ lạc hướng trở về chánh đạo. Địa ngục khổ suốt đêm ngày, đau đớn bức bách liên miên, khó khăn có được một tưởng niệm Thánh đức. Nếu có thể quy y Phật liền được hào quang tiếp dẫn. Súc sanh cũng như quỷ thần, tình nhiều tưởng ít, hoàn toàn chịu nghiệp thức kích thích, đắm đuối ăn ngủ, chơi giỡn, dâm dục, sân nộ, không thể lóe một ánh sáng thiện từ, huống còn nói đến năng lực tự biết tự trị. Ngưỡng cửa sa đọa dễ vào bao nhiêu thì đi ra cũng khó bấy nhiều.

Duy chỉ loài người trở lên mới có trí tuệ thọ trì giới luật. Những ai đã thọ năm giới nên vui mừng, tự biết mình có ngọc báu trong tâm. Cẩn thận, cẩn thận lắm mới được! Sơ ý một chút, một lời nói lỗi lầm cũng đủ vĩnh kiếp khốn khổ.

Ngũ giới là gì?

Ngũ giới là 5 điều ngăn cấm mà Phật đã chế ra, để ngăn những tưởng niệm ác, nói năng chẳng lành, hành động bất chính. 5 giới ấy là: Không sát sanh ; Không trộm cướp; Không tà dâm; Không nói dối; Không uống ruợu. Năm điều này y cứ trên tâm từ bi, bình đẳng trên phương diện dứt trừ tội lỗi cá nhân và đem lại trật tự, an vui cho xã hội mà thành lập.

Đức Phật không bắt buộc chúng ta phải triệt để tuân theo và cũng không hăm dọa nếu chúng ta không tuân theo thì phải bị Ngài trừng phạt. Sự giữ hay không giữ giới là do chúng ta hoàn toàn tự liệu lấy.

Đạo Phật khác với các Tôn giáo khác chính là ở điểm Đức Phật không phải là một quan tòa tối cao giữ quyền thưởng phạt. Một ý nghĩ, một lời nói, một hành động tốt hay xấu chính đã mang theo nó một mầm thưởng phạt rồi. Đức Phật chỉ là một vị dẫn đường rất từ bi và rất sáng suốt. Ngài chỉ cho chúng ta con đường nào là con đường sáng và con đường nào là con đường nguy hiểm không nên đi. Nhưng nếu chúng ta không theo con đường sáng mà lại muốn đi vào con đường nguy hiểm thì tất nhiên chúng ta sẽ gặp tai họa tự nhiên, chứ Phật không tạo ra tai họa để trừng phạt chúng ta. Tòa án chính là luật nhân quả. Ta làm ác thì ta chịu quả xấu; ta làm thiện thì ta được quả tốt. Năm giới chính là năm thành trì ngăn chặn cho ta đừng đi lạc vào đường ác, là năm hàng rào ngăn chặn cho ta khỏi rơi xuống vực sâu, trong khi ta đi trên con đường giải thoát.

Không sát sanh: là không đoạn mạng các chúng sinh. Nếu từ bé đến lớn, chúng ta quen giết các con vật nhỏ như gián, kiến, mối… đến khi trưởng thành lại giết heo, gà, bò… Khi ấy, lòng từ trong ta sẽ giảm đi, ác tâm lớn dần. Mai này, khi xảy ra những mâu thuẫn, bất hoà với người khác, chúng ta có thể sẵn sàng hãm hại họ. Bên cạnh đó, ăn chay là một cách tốt để chúng ta trưởng dưỡng lòng từ bi, giảm được vay trả nợ chúng sinh.

Không trộm cướp: không lấy vật của người khác cho dù là cây kim, ngọn cỏ. Cướp là dùng sức mạnh dẻ cưỡng chế tài sản người khác, trộm là hành động lén lút lấy của người khác khi không được sự đồng ý của chủ tài sản. Đức Phật dạy ai đã từng có lòng tham, trộm cắp thì đời đời sinh ra nghèo khổ.

Không tà dâm: Ngoài đời sống tình dục một vợ một chồng thì tất cả những mối quan hệ khác đều gọi là tà dâm. Việc giữ giới này còn giúp cho các cặp vợ chồng giảm nguy cơ ngoại tình.

Không nói dối: nói dối bao gồm: nói lời hung ác, nói lưỡi đôi chiều, nói lời thêu dệt, nói vọng ngôn. Trong gia đình, ngoài xã hội, dù ở vai trò nào, chúng ta cũng phải luôn tự trọng về lời nói của mình và phải có trách nhiệm với lời nói của mình.

Không uống rượu: trên nguyên tắc rượu làm từ ngũ cốc và trái cây, không phải là thực phẩm mặn nhưng Đức Phật vẫn khuyên chúng ta không nên dùng. Rượu làm cho tâm người mê loạn, hoại giống trí huệ. Uống vào sẽ bị điên đảo, hôn cuồng, làm chuyện càn quấy, nên Phật chế định người tu hành trọn chẳng được uống rượu. Lại như hành, hẹ, kiệu, tỏi, nén, năm thứ thực vật nồng gắt, mùi vị hôi hám, bản chất chẳng thanh khiết, ăn chín sanh dâm, ăn sống tăng lòng nóng giận, người tu hành đều chẳng được ăn.

Tâm Hướng Phật!

Bài viết cùng chuyên mục

Sám hối là gì? Những tội gì cần phải sám hối?

Định Tuệ

Hầu hết mọi người đều có tập khí nghiệp chướng sâu nặng

Định Tuệ

Lợi ích của Lạy Phật hàng ngày không thể nghĩ bàn

Định Tuệ

Một vọng niệm chính là một nghiệp nhân

Định Tuệ

Những ai muốn thay đổi cuộc đời của mình, hãy học Kinh Địa Tạng

Định Tuệ

Pháp thập niệm ký số, niệm lâu dần sẽ được nhất tâm bất loạn

Định Tuệ

Thiền là gì? Là khi tâm lặng, tinh thần tươi sáng, trí tuệ phát huy

Định Tuệ

Giáo dục tôn giáo nên bắt đầu từ lúc mẫu giáo, từ tiểu học

Định Tuệ

Đọc tụng Kinh trong phòng ngủ có được hay không?

Định Tuệ

Viết Bình Luận