Tâm Hướng Phật
Kiến Thức

Chúng ta vốn dĩ đã là Phật

Chúng ta vốn dĩ đã là Phật, vì sao hiện tại không phải là Phật vậy? Chúng ta đã làm cho tâm tánh mê mất đi rồi. Việc này trên kinh nói mê mất, không phải thật đã mất đi…

Kinh Phật khi vừa mở đầu, luôn có bốn chữ “Như thị ngã văn”. Hàm nghĩa của bốn chữ này rất sâu, rất rộng, thực tế mà nói là sẽ nói không cùng tận.

Cái gì gọi là “Như Thị”? Đại đức xưa nói rõ cho chúng ta, cách nói đơn giản nhất là “như thị chi kinh”, ý nói là tôi đích thân nghe được Phật nói, đây là cách giảng nói đơn giản nhất. “Tôi’ là ai vậy? Là Tôn giả A Nan tự xưng. Năm xưa, khi Thế Tôn còn tại thế giảng kinh nói pháp tuyệt nhiên không có ghi chép. Khổng Lão Phu Tử năm xưa ở đời dạy học cũng là như vậy. Sau khi Phật diệt độ, các đệ tử, các học trò của Ngài cảm thấy những gì lão sư cả đời nói ra đối với tất cả chúng sanh thực tế rất là quan trọng, không thể để cho những gì đã nói ở ngay trong một thời đại này bị chìm mất, không thể truyền tiếp nữa thì thật là đáng tiếc, cho nên các học trò mở hội để thảo luận, làm thế nào đem tất cả kinh mà Phật đã nói lưu truyền được dài lâu, do đó mới có cuộc kết tập này. Khi kết tập kinh tạng hoàn toàn phải nhờ vào sức nhớ của người ngay lúc đó. Các vị nên biết, Phật nói pháp 49 năm, hiện tại có một người nào có thể ghi nhớ được những kinh đã giảng trong 49 năm, nhất là kinh đã giảng 49 năm trước? Bạn còn có thể nhớ được hay không? E rằng ở thế gian này của chúng ta không tìm ra được một người. Đừng nói 49 năm, những thứ đã giảng chín năm trước e rằng bạn cũng đã quên hết sạch trơn, đều không thể ghi nhớ. May mà ở ngay trong đệ tử Phật, năng lực ghi nhớ của Tôn giả A Nan đặc biệt mạnh, đích thực năng lực này của Ngài A Nan rất thù thắng, sau khi nghe qua một lần thì vĩnh viễn sẽ không hề quên đi, cho nên khi kết tập kinh tạng, mọi người tuyển cử A Nan ra để giảng lại, đem kinh mà Thế Tôn cả đời đã giảng trùng tuyên giảng lại một lần (cũng giống như hiện tại chúng ta tập giảng lại vậy). Thính chúng đều là những bậc đại A La Hán, đều là đệ tử lớn của Phật. Những vị này đều đến nghe Ngài A Nan thuyết, làm chứng cho Ngài A Nan.

Lần kết tập thứ nhất có 500 vị A La Hán đến nghe A Nan giảng lại. Ngay trong 500 người này, nếu có một người nêu ra ý kiến nói: “A Nan! Câu nói này dường như không phải Phật nói như vậy”, vậy thì phải bỏ đi, cần phải sửa đổi, không phải nói nhiều người tán thành thì thông qua, mà toàn thể 500 người thảy đều thông qua thì mới có thể ghi chép lại trở thành kinh điển, truyền lại cho đời sau, có một người phản đối cũng không được. Đó là lấy chữ tín đối với đời sau. Người đời sau có được kinh điển, khởi lòng tôn kính. A Nan giảng lại như Phật đã nói, không hề khác nhau, cho nên khi vừa mở đầu kinh là có câu “như thị ngã văn”. Ở trong đây còn có rất nhiều ý nghĩa, các vị có thể tham khảo chú giải của đại đức xưa. Ngày nay chúng ta phải học tập, lấy ngay bổn tông mà nói mật nghĩa của “Như thị”.

“Như” chính là chân như bổn tánh. Cả đời Thế Tôn đã nói chính là nói rõ Thể-Tướng-Tác dụng của tự tánh, đó chính là “thật tướng các pháp” mà trên kinh Bát Nhã đã nói. Phật chính là nói việc này, dùng chữ “Như” này để đại biểu “tánh như tướng này, tướng như tánh này, tánh – tướng không hai”. Tánh là từ trên lý mà nói, tướng là từ nơi sự mà nói, “lý như sự này, sự như lý này, lý – sự không hai”. Phật nói rõ cho chúng ta nghe đại đạo lý này, nói rõ cho chúng ta nghe chân tướng sự thật này, cho nên khi vừa mở kinh ra liền dùng hai chữ “Như thị”, chân thật là đã đem tổng cương lĩnh nói ra. Nếu như có người hỏi, kinh điển Phật giáo của các người nhiều như vậy, rốt cuộc thì Thích Ca Mâu Ni Phật đã nói ra những gì? Bạn liền nói cho họ “Như thị” mà thôi. Nếu bạn muốn hỏi hai chữ “Như thị” này, muốn giải thích một cách tỉ mỉ hai chữ “Như thị” này thì một bộ Đại Tạng kinh chính là giảng hai chữ này. Đích thực là không có một câu, không có một chữ nào siêu việt hơn hai chữ “Như thị”, cho nên ý nghĩa của hai chữ này sâu rộng vô tận. Theo bổn tông mà nói, cổ đức cũng có cách nói như vậy.

“Như” là nói “thị tâm thị Phật”, “Thị” là “thị tâm tác Phật”. Cách nói này cũng nói được rất hay, hoàn toàn là theo kinh Quán Vô Lượng Thọ Phật, đã nói rõ nguyên lý y cứ của Tịnh tông, đích thực nguyên lý cơ bản của Tịnh tông chính là hai câu “Thị tâm thị Phật, thị tâm tác Phật” này, hay nói cách khác, tâm chính là Phật, Phật chính là tâm, người nào mà không có tâm chứ? Bạn đã có tâm, cho nên Phật nói “tất cả chúng sanh vốn dĩ thành Phật”. Nghe lời nói này, chúng ta mới hoát nhiên đại ngộ. Tại vì sao nói vốn dĩ thành Phật? Thị tâm thị Phật đó mà, lời nói của tông môn là “minh tâm kiến tánh, kiến tánh thành Phật”. Minh tâm là chân tâm, chân tâm chính là bổn tánh. Minh tâm chính là kiến tánh. Kiến tánh, tâm – tánh chính là Phật, tâm chính là Phật, tánh chính là Phật. Vì sao tâm và tánh đều là Phật còn hà tất phải nói hai chữ? Hai chữ này đương nhiên có hai cách nói, thông thường nói tánh là bản thể của tâm, tâm là tác dụng của tánh, hay nói cách khác, tâm của chúng ta có thể, có dụng. Từ trên thể thì gọi nó là tánh, từ trên tác dụng thì gọi nó là tâm, cho nên có lúc cái Thể Dụng này, dùng một chữ để nói, nói tâm cũng được, nói tánh cũng được. Hai chữ này hợp lại với nhau, một cái gọi là Thể, một cái gọi là Dụng. Việc này chúng ta cần phải hiểu cho rõ ràng, hiểu cho tường tận.

Chúng ta vốn dĩ đã là Phật, vì sao hiện tại không phải là Phật vậy? Chúng ta đã làm cho tâm tánh mê mất đi rồi. Việc này trên kinh nói mê mất, không phải thật đã mất đi, quyết định không thể nào thật bị mất đi, cho dù bạn biến thành ngạ quỷ, súc sanh hay đọa A Tỳ địa ngục, tâm tánh của bạn vẫn không hề bị mất đi, vẫn tồn tại, chỉ là mê mất thôi. Chính mình có chân tâm, có bổn tánh mà không thể giác ngộ, không thể nào phát hiện ra là do sự việc như vậy. Sau khi mê rồi thì chúng ta không gọi là tâm nữa, cũng không gọi là tánh, vậy gọi là gì? Trong Phật pháp gọi là thức, gọi là tình, “tình thức”. Tình thức chính là tâm tánh. Tâm tánh mê rồi thì đổi một danh từ gọi nó là tình thức, giác ngộ rồi thì gọi nó là tâm tánh. Tâm tánh rốt cuộc là như thế nào vậy? Chúng ta làm thế nào mới có thể nhận biết nó? Phật nói với chúng ta, thể của tâm tánh là không tịch, nó không phải là vật chất, thế nhưng nó đích thực là đang tồn tại, bao gồm tất cả hiện tượng vật chất đều là từ nó biến hiện ra, nó là cội gốc của vũ trụ nhân sanh. Vũ trụ nhân sanh từ do đâu mà ra? Do tâm tánh biến hiện ra, cho nên ở trên kinh Hoa Nghiêm, Phật nói “mười pháp giới y chánh trang nghiêm do tâm hiện ra”, đó là do chân tâm chúng ta biến hiện ra. Cảnh giới hiện ra vì sao phức tạp đến như vậy, biến hóa nhiều đến như vậy? Sự biến hóa đó là do thức biến ra, mê rồi mới có biến hóa nhiều như vậy. Trong mười pháp giới, hướng lên trên là Phật, Bồ Tát, Thanh văn, Duyên giác, hướng xuống dưới là sáu đường, càng hướng xuống mê càng sâu, càng hướng lên trên thì mê sẽ càng ít đi, đều là mê mất đi tâm tánh. Nếu như không mê thì họ chính là Phật, thì họ không phải là phàm phu. Trong mười pháp giới cũng gọi là phàm phu, trong Phật kinh gọi là ngoại phàm, trong sáu cõi là nội phàm, phàm phu trong sáu cõi thông thường gọi là phàm phu, cũng không thêm vào trong. Thế nhưng ngoài sáu cõi thì pháp giới bốn thánh của mười pháp giới, chúng ta gọi là ngoại phàm, cũng vẫn là phàm phu, vì chưa kiến tánh, chưa hồi phục bổn tâm. Cho nên, thị tâm thị Phật là sự thật ngàn vạn lần chính xác. Tịnh Tông chúng ta tu hành thành Phật, lý luận ngay trong một đời này thành Phật là căn cứ chính ngay chỗ này. Bởi vì chúng ta vốn dĩ là Phật, hiện tại chúng ta mê rồi, làm thế nào phá mê khai ngộ? Hồi phục lại bản lai diện mục của chúng ta. Bản lai diện mục là Phật đó mà! Cho nên, phương pháp tu học của Tịnh Tông tuyệt diệu. Tám vạn bốn ngàn pháp môn, vô lượng pháp môn, lấy pháp môn này là cứu cánh nhất, viên mãn nhất, rất đặc thù, rất trực tiếp, rất ổn định, cũng rất là mau chóng. Phương pháp này là gì? Thị tâm tác Phật. Làm thế nào vậy? Niệm Phật chính là làm Phật, đúng như Bồ Tát Đại Thế Chí đã dạy cho chúng ta: “Nhớ Phật niệm Phật”, trong miệng niệm Phật, trong tâm tưởng Phật thì chính là bạn đang làm Phật.

Cách tưởng Phật như thế nào vậy? Tưởng tướng hảo của Phật, tưởng trang nghiêm của Phật, tưởng công đức của Phật, tưởng Phật tu hành ngay lúc còn phàm phu, tưởng Phật thành tựu ngay trên quả địa, tưởng Phật độ hóa tất cả chúng sanh, vô lượng vô biên công đức thù thắng. Thường nghĩ đến những cái tốt này, tâm của bạn chính là làm Phật. Do đó kinh Vô Lượng Thọ nhất định phải thuộc. Tôi dạy cho các vị phương pháp, khi vừa bắt đầu, chúng ta liền đem kinh này, dùng thời gian một năm tụng ba ngàn biến. Nếu như thời gian một năm không đủ thì hai năm, ba năm là đủ rồi. Thời gian ba năm là đủ để tụng thuộc lòng ba ngàn biến. Sau khi tụng thuộc, bạn liền có thể làm đến nhớ Phật, bạn mới chân thật có thể làm Phật. Một ngày từ sớm đến tối 24 giờ đồng hồ không nên nghĩ thứ khác, hoàn toàn nghĩ đến y chánh trang nghiêm của Thế giới Tây Phương Cực Lạc. Cách nghĩ thế nào vậy? Trong kinh điển đã nói, thường hay ghi nhớ ở trong tâm, thường nghĩ đến cảnh giới trong kinh điển, đó chính là bạn đang chân thật tu hành. Bạn đem “lý, sự, tánh, tướng, nhân, quả, y, chánh” của bộ kinh này, công đức trùng trùng, toàn bộ thực tiễn ngay trong cuộc sống thường ngày của bạn, bạn đều làm đến được, vậy thì làm sao mà bạn không phải là Phật? Đó là “Thị”, hoàn toàn tương ưng với “Như”, cũng chính là hoàn toàn tương ưng với nguyên lý “thị tâm tác Phật” này. Bạn xem, pháp môn này thù thắng biết bao. Niệm Phật thành Phật là có căn cứ lý luận, không phải tùy tiện mà nói. Pháp môn thù thắng như vậy, tôn giả A Nan đích thân nghe được Thích Ca Mâu Ni Phật đã nói. Hai chữ “Như thị” này, chúng ta phải học tập như vậy, phải đem đạo lý, phương pháp, cảnh giới của toàn kinh thực tiễn ngay trong tâm tưởng của chúng ta. Đây chính là tổng cương lĩnh, tổng nguyên tắc của Tín-giải-Hành-Chứng trong thiên kinh vạn luận, cho nên khi vừa mở kinh văn thì đã nêu ra.

Trích trong:
PHẬT THUYẾT ĐẠI THỪA VÔ LƯỢNG THỌ
TRANG NGHIÊM THANH TỊNH BÌNH ĐẲNG GIÁC KINH
Người giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không
Tập 3
Tâm Hướng Phật/St!

Bài viết cùng chuyên mục

Làm gì khi người thân lúc lâm chung bị oan gia trái chủ đến dụ dỗ?

Định Tuệ

Ăn thịt chúng sinh chính là ăn thịt người thân mình?

Định Tuệ

Thần chú Phật Đảnh Tôn Thắng Đà Ra Ni tiếng Phạn và tiếng Việt

Định Tuệ

Người niệm Phật lúc lâm chung được vãng sanh hay không?

Định Tuệ

Mười niệm quyết định khi lâm chung

Định Tuệ

Tại sao ta lại phải tôn kính các hình tượng của Đức Phật?

Định Tuệ

Linh Văn Của Trời Đất Cứu Thế Giới – Hòa Thượng Tuyên Hóa

Định Tuệ

Những thói quen tạo thành ác nghiệp trên Facebook

Định Tuệ

Phải đóng Lục Căn, phải diệt đi Lục Trần

Định Tuệ

Viết Bình Luận