Ngũ giới trong đạo Phật là gì? Đó là 5 điều ngăn cấm mà đức Phật chế ra để ngăn những tưởng niệm ác, nói năng chẳng lành, hành động bất chính.
1. Ngũ giới là gì?
Ngũ giới là 5 điều ngăn cấm mà Phật đã chế ra, để ngăn những tưởng niệm ác, nói năng chẳng lành, hành động bất chính. 5 giới ấy là: Không sát sanh ; Không trộm cướp; Không tà dâm; Không nói dối; Không uống ruợu. Năm điều này y cứ trên tâm từ bi, bình đẳng trên phương diện dứt trừ tội lỗi cá nhân và đem lại trật tự, an vui cho xã hội mà thành lập.
Đức Phật không bắt buộc chúng ta phải triệt để tuân theo và cũng không hăm dọa nếu chúng ta không tuân theo thì phải bị Ngài trừng phạt. Sự giữ hay không giữ giới là do chúng ta hoàn toàn tự liệu lấy.
Đạo Phật khác với các Tôn giáo khác chính là ở điểm Đức Phật không phải là một quan tòa tối cao giữ quyền thưởng phạt. Một ý nghĩ, một lời nói, một hành động tốt hay xấu chính đã mang theo nó một mầm thưởng phạt rồi. Đức Phật chỉ là một vị dẫn đường rất từ bi và rất sáng suốt. Ngài chỉ cho chúng ta con đường nào là con đường sáng và con đường nào là con đường nguy hiểm không nên đi. Nhưng nếu chúng ta không theo con đường sáng mà lại muốn đi vào con đường nguy hiểm thì tất nhiên chúng ta sẽ gặp tai họa tự nhiên, chứ Phật không tạo ra tai họa để trừng phạt chúng ta. Tòa án chính là luật nhân quả. Ta làm ác thì ta chịu quả xấu; ta làm thiện thì ta được quả tốt. Năm giới chính là năm thành trì ngăn chặn cho ta đừng đi lạc vào đường ác, là năm hàng rào ngăn chặn cho ta khỏi rơi xuống vực sâu, trong khi ta đi trên con đường giải thoát.
Không sát sanh: là không đoạn mạng các chúng sinh. Nếu từ bé đến lớn, chúng ta quen giết các con vật nhỏ như gián, kiến, mối… đến khi trưởng thành lại giết heo, gà, bò… Khi ấy, lòng từ trong ta sẽ giảm đi, ác tâm lớn dần. Mai này, khi xảy ra những mâu thuẫn, bất hoà với người khác, chúng ta có thể sẵn sàng hãm hại họ. Bên cạnh đó, ăn chay là một cách tốt để chúng ta trưởng dưỡng lòng từ bi, giảm được vay trả nợ chúng sinh.
Không trộm cướp: không lấy vật của người khác cho dù là cây kim, ngọn cỏ. Cướp là dùng sức mạnh dẻ cưỡng chế tài sản người khác, trộm là hành động lén lút lấy của người khác khi không được sự đồng ý của chủ tài sản. Đức Phật dạy ai đã từng có lòng tham, trộm cắp thì đời đời sinh ra nghèo khổ.
Không tà dâm: Ngoài đời sống tình dục một vợ một chồng thì tất cả những mối quan hệ khác đều gọi là tà dâm. Việc giữ giới này còn giúp cho các cặp vợ chồng giảm nguy cơ ngoại tình.
Không nói dối: nói dối bao gồm: nói lời hung ác, nói lưỡi đôi chiều, nói lời thêu dệt, nói vọng ngôn. Trong gia đình, ngoài xã hội, dù ở vai trò nào, chúng ta cũng phải luôn tự trọng về lời nói của mình và phải có trách nhiệm với lời nói của mình.
Không uống rượu: trên nguyên tắc rượu làm từ ngũ cốc và trái cây, không phải là thực phẩm mặn nhưng Đức Phật vẫn khuyên chúng ta không nên dùng. Rượu làm cho tâm người mê loạn, hoại giống trí huệ. Uống vào sẽ bị điên đảo, hôn cuồng, làm chuyện càn quấy, nên Phật chế định người tu hành trọn chẳng được uống rượu. Lại như hành, hẹ, kiệu, tỏi, nén, năm thứ thực vật nồng gắt, mùi vị hôi hám, bản chất chẳng thanh khiết, ăn chín sanh dâm, ăn sống tăng lòng nóng giận, người tu hành đều chẳng được ăn.
2. Lợi ích cho những ai giữ giới, sống theo giới luật
Người có đạo đức, sống giữ giới thì mọi người đều yêu thương, tôn trọng và kính nể. Không chỉ có uy tín trong cộng đồng, tiếng tốt đồn xa, người sống có giới đức luôn thanh thản, tự tin với chính mình và mọi người.
Một thời Thế Tôn trú ở Pàtaligàma, dạy các cư sĩ:
Này các gia chủ có năm sự lợi ích cho những ai giữ giới, sống theo giới luật. Thế nào là năm?
Ở đây, này các gia chủ, người giữ giới, sống theo giới luật sẽ có tiền của dồi dào vì sống không phóng dật. Ðó là sự lợi ích thứ nhất cho những ai giữ giới, sống theo giới luật.
Lại nữa, này các gia chủ, người giữ giới, sống theo giới luật được tiếng tốt đồn xa. Ðó là sự lợi ích thứ hai cho những ai giữ giới, sống theo giới luật.
Lại nữa, này các gia chủ, người giữ giới, sống theo giới luật khi đi vào hội chúng nào, hoặc Sát đế lỵ, hoặc Bà la môn, hoặc gia chủ, hoặc Sa môn, người ấy đi vào với tâm thần không sợ hãi, không bối rối. Ðó là sự lợi ích thứ ba cho những ai giữ giới, sống theo giới luật.
Lại nữa, này các gia chủ, người giữ giới, sống theo giới luật sẽ chết với tâm hồn không rối loạn. Ðó là sự lợi ích thứ tư cho những ai giữ giới, sống theo giới luật.
Lại nữa, này các gia chủ, người giữ giới, sống theo giới luật sau khi thân hoại mạng chung, sẽ được sanh vào thiện thú, thiên giới. Ðó là sự lợi ích thứ năm cho những ai giữ giới, sống theo giới luật.
(ĐTKVN, Trường Bộ I, kinh Đại Bát Niết Bàn, VNCPHVN ấn hành, 1991, tr.562)
Lời bàn:
Năm giới mà hàng Phật tử tại gia phát nguyện vâng giữ, thọ trì là nền tảng đạo đức căn bản để kiện toàn nhân cách của người con Phật. Sau khi quy y Tam bảo, người Phật tử được khuyến tấn thọ trì năm giới: Không giết hại, không trộm cướp, không tà hạnh, không nói dối và không uống rượu nhằm trau dồi đạo đức, trưởng dưỡng đạo tâm, xây dựng cuộc sống bình an và hạnh phúc.
Theo tuệ giác của Thế Tôn, người nào tuân thủ trọn vẹn năm nguyên tắc đạo đức này thì luôn gặt hái nhiều lợi ích và thành công trong cuộc sống. Trước hết là giữ gìn được tiền bạc, tài sản do công khó làm ra. Tiền bạc tuy không phải là yếu tố chính quyết định hạnh phúc nhưng thiếu hụt cũng gây ra khốn đốn nhiều bề. Thế nhưng, do tập khí phóng dật, người ta thường để hao tán của cải vì đam mê rượu chè, cờ bạc và chi tiêu vô bổ.
Người có đạo đức, sống giữ giới thì mọi người đều yêu thương, tôn trọng và kính nễ. Không chỉ có uy tín trong cộng đồng, tiếng tốt đồn xa, người sống có giới đức luôn thanh thản, tự tin với chính mình và mọi người. Họ không hề phân vân, hỗ thẹn hay sợ hãi khi gặp gỡ bà con, bè bạn hay đi vào những chốn đông người. Quan trọng hơn, người một đời sống đạo đức khi lâm chung sẽ ra đi trong tỉnh giác, không mê loạn, không hối hận ăn năn về những việc ác đã gây tạo trong đời. Nhờ tâm thanh thản và thanh tịnh nên họ sẽ tái sanh vào cõi lành.
Vì vậy, sống đạo đức, có giới hạnh để mang lại lợi ích cho tự thân và xã hội trong hiện tại và cả tương lai, luôn là nếp sống của những người con Phật.
Tâm Hướng Phật!