Tâm Hướng Phật
Kiến Thức

Khuyên nên tại gia hoằng Pháp sống trong cõi trần học đạo

Niệm Phật dĩ nhiên quý tại chuyên nhất. Nhưng Cư Sĩ trên có cha mẹ, dưới có vợ con, ngoài lo toan tính mong cầu giàu sướng, thật chẳng thích hợp để xuất gia.

Đối với những việc bên trong cần nên làm thì hãy gắng sức làm, bất tất phải bỏ sạch hết thảy mới là tu hành. Nếu bỏ sạch hết thảy nhưng vẫn nuôi dưỡng cha mẹ, vợ con chẳng thiếu sót thì cũng được. Nếu không là trái với đạo hiếu, tuy bảo là tu hành nhưng lại trái nghịch với Phật Pháp. Điều này chẳng thể chẳng biết.

Lại phải nên dùng những lợi ích của pháp môn Tịnh Độ để khuyên lơn cha mẹ, khiến họ Niệm Phật cầu sanh Tây Phương. Nếu họ tin nhận phụng hành, lúc lâm chung nhất định được Vãng Sanh. Một phen được Vãng Sanh bèn siêu phàm nhập Thánh, liễu sanh thoát tử, cao dự Hải Hội, thân cận Di Đà thẳng cho đến khi thành Phật mới thôi.

Đạo hiếu thế gian sao sánh bằng được. Nếu lại còn có thể đem điều ấy bảo ban cho khắp mọi người biết khiến cho cha mẹ người nào cũng đều được Vãng Sanh thì công đức giáo hóa quy về mình, khiến cho phẩm vị liên đài của cha mẹ và của mình đều được tăng cao.

Kinh Thi chép: Hiếu Tử bất quỹ, vĩnh tứ nhĩ loại, con hiếu chẳng thiếu thốn, Trời luôn ban thưởng cho các ngươi. Muốn hiếu với cha mẹ, hãy nên suy nghĩ sâu xa rồi tận lực thực hành. Hoàn cảnh của mỗi người vạn phần chẳng giống nhau. Xét đến hoàn cảnh của ông, thật sự là ở tại gia có lợi ích lớn hơn, nếu xuất gia chỉ được lợi ích nhỏ. Ông nhờ tổ nghiệp tạm sanh sống được, trên còn mẹ già để thờ, giữa có anh em để nhờ cậy, trong nhà có vợ hiền, dưới gối chưa có con cái gì.

Bác cả nhà ông hơi tin Phật Pháp, chú ba, chú tư cũng chẳng chống đối đạo pháp chi lắm, ông ở nhà dốc sức tu tịnh nghiệp cũng có thể hướng dẫn bà cụ phát lòng tin Niệm Phật, cầu được liễu thoát, lại cũng có thể giúp anh em ở ngoài lo liệu việc nhà, cũng như xướng xuất vợ con, em dâu v.v… cùng tu tịnh nghiệp để làm kế sách cùng thoát luân hồi. Ngoài ra còn tùy duyên khai thị, hướng dẫn xóm giềng, thân thích.

Vậy thì nhà mình biến thành Đạo Tràng, mọi người: Thân mẫu, anh, em, vợ, con, cháu, xóm giềng, bằng hữu đều thành pháp quyến. Tùy sức tùy phần, thân làm, miệng khuyên, khiến cho cả miền Vĩnh Gia, những kẻ lạc đường, những người thuộc tà kiến chủng tánh đều được nạp vào lò luyện pháp môn Tịnh Độ viên đốn chí cực lớn lao, luyện thành pháp khí, cùng tu tịnh nghiệp, tương lai cùng ngự Liên Bang, cùng chứng Bồ Đề.

Lợi ích như thế vẫn thua việc ông xuất gia làm tăng, bỏ mẹ đi xa, khiến người nhà hờn oán thiếu người nương dựa, mẹ ôm lòng phiền con hay sao?

Vả nữa, tất cả những kẻ chẳng hiểu đạo lý đến nơi đến chốn ắt sẽ trở mặt chê Phật Pháp trái nghịch thế đạo, lầm lạc hủy báng, khiến cho bọn họ tạo khẩu nghiệp phải đọa ác đạo, chưa thấy ích gì mà trước đã tạo nên sự tổn hại lớn lao vậy. Huống chi mẹ ông đã chẳng bằng lòng, há chẳng nên tuân theo ý mẹ, vẫn cứ ôm ấp tấm lòng đó ư?

Nếu mẹ ông chẳng chấp thuận cho ông tu hành thì xuất gia còn chấp nhận được, nay mẹ ông hoan hỷ cho ông tu hành, sao lại muốn bỏ mẹ để tu hành?

Trong Phật Pháp, Lục Độ vạn hạnh, các thứ công nghiệp đều vì lợi ích chúng sanh. Ông không xuất gia ắt sẽ lợi ích rất lớn cho mẹ.

Chỉ riêng một lẽ đó đã rất nên thuận theo lòng mẹ, cứ ở nhà học đạo khiến mẹ quen thấy, chẳng mong mẹ tin tưởng mà tự nhiên mẹ tin tưởng, không công đức nào lớn hơn. Huống hồ nào phải chỉ lợi ích riêng cho một mình mẹ ông thôi đâu.

Thêm nữa, mẹ không bằng lòng cho xuất gia thì đừng nghĩ tới chuyện ấy nữa. Bởi lẽ trong giới luật Nhà Phật, cha mẹ chẳng cho phép xuất gia, cứ tự ý mình đi xuất gia, nhà Chùa sẽ chẳng cho phép xuống tóc và thọ giới v.v… Không vậy, cả thầy lẫn trò đều mắc tội.

Hiện tại mọi ngăn cấm đều rỡ bỏ cả, người tại gia nghiên cứu, tu tập nhiều như rừng, người được lợi ích sanh Tây Phương cũng thường thấy, cần gì phải xuất gia bỏ cha mẹ?

Chuyện ấy Quang tôi tuyệt đối chẳng tán thành. Căn cứ trên thực tế mà nói, trong hiện tại tu tại gia tốt hơn. Vì sao vậy?

Vì đối với hết thảy đều vô ngại. So với người tại gia, người xuất gia bị chướng ngại nhiều hơn. Bởi thế, nếu không phải là người phát tâm chân thật, ắt sẽ thành phường hạ lưu, vô ích đối với Phật Pháp, nhục lây đến Phật.

Nếu muốn xuất thế thì chẳng cần gì phải tách ra ở riêng, chỉ y theo ngôn giáo của Phật, đối trị phiền não tập khí sao cho hết sạch mới thôi. Tuy thân trong cảnh tục, chẳng ngại gì đoạn hoặc chứng chân, liễu sanh thoát tử tiến đến Phật Quả.

Như Cư Sĩ Duy Ma bên Tây Thiên và các vị Phó Đại Sĩ, Lý Trưởng Giả, Bàng Cư Sĩ v.v… trong cõi này. Nếu tự lực chẳng đủ, đã có pháp cậy nhờ Phật từ lực Vãng Sanh Tây Phương để nương tựa. Há phải đâu ai nấy đều phải bỏ tục xuất gia mới đúng là đệ tử Phật ư?

Cư trần học đạo, tu chân ngay trong cõi tục thì bậc đạt nhân danh sĩ hay kẻ ngu phu, ngu phụ đều làm được cả. Gắng sức tu trì, với những thứ hệ lụy của đời tại gia hãy tưởng như bóng gậy, tiếng hét phải đương đầu, hằng sanh tâm nhàm lìa, luôn sanh chí vui thích, lấy bệnh làm thuốc, biến tắc thành thông, trên chẳng khiến cao đường buồn bã, dưới là vợ con chẳng mất nơi nhờ cậy, lại còn khiến cho hết thảy những ai thấy biết nhờ đó sẽ tăng trưởng lòng tin trong sạch, còn gì vui hơn.

Người sống trong thế gian chẳng thể không làm gì cả, chỉ nên trọn hết bổn phận, chẳng dòm dõi chi đến chuyện ngoài bổn phận. Sĩ, nông, công, thương, ai nấy chăm lo nghề mình làm cái gốc để nuôi thân, nuôi gia đình, tùy phận, tùy lực, quyết chí cầu sanh Tây Phương.

Nếu có sức thì với việc lành sẽ bỏ của, hoặc giúp lời nói để tán trợ. Nếu không, phát tâm tùy hỷ cũng thành công đức, dùng đấy để vun bồi ruộng phước làm trợ hạnh Vãng Sanh. Như thuận nước căng buồm, lại thêm chèo lái đến được bến bờ, chẳng sướng lắm ư?

Nếu là bậc đại thông gia thì Thiền Tịnh song tu, nhưng phải lấy Tịnh Độ làm chủ. Nếu là người căn cơ trung bình thì cũng chẳng cần phải xem khắp Kinh sâu luận rộng, chỉ cốt sao chẳng làm các điều ác, vâng làm các điều thiện, nhất tâm Niệm Phật cầu sanh Tây Phương là được. Người ấy chẳng buông bỏ gia nghiệp mà vẫn kiêm tu pháp xuất thế.

Tuy tựa hồ là cách tu tầm thường không gì lạ lùng cả, nhưng lợi ích chẳng thể nghĩ bàn. Bởi lẽ, ngu phu, ngu phụ cắm cúi Niệm Phật là đã ngầm thông Phật trí, thầm hợp diệu đạo.

So ra, lợi ích nhiều hơn hẳn bậc đại thông gia suy lường, phỏng đoán, cứ suốt ngày vắt óc phân biệt. Bởi thế, ngu phu, ngu phụ Niệm Phật dễ được lợi ích, bậc đại thông gia nếu toàn thân buông xuống được hết sẽ dễ được lợi ích, chứ nếu cứ suy dò nghĩa lý sẽ chẳng được lợi ích. Trái lại còn thành bệnh, chưa đắc bảo là đắc, có kẻ trở thành cuồng dại nữa.

Một pháp Tham Thiền, con người hiện tại chẳng nên học. Dù có học cũng chỉ thành văn tự tri kiến, quyết chẳng thể đốn minh tự tâm, tự thấy tự tánh. Vì sao vậy?

Một là thiếu thiện tri thức chỉ dạy, quyết trạch. Hai là người học chẳng hiểu căn cội của Thiền. Mang tiếng tham thiền nhưng thật ra là hiểu lầm. Đối với việc thọ giới, nếu Thiện Nam Tử xuất gia làm tăng thì phải vào Chùa tập tành oai nghi mới biết quy củ chốn tùng lâm. Giữ đúng oai nghi của Tăng thì du phương hành cước trọn chẳng trở ngại gì. Nếu không, Mười Phương tùng lâm không trụ nơi nào được cả.

Nếu người nữ Tại Gia, cửa nhà khá giả, thân có thể tự làm chủ, đến Chùa thọ giới cũng chẳng phải là không được. Còn nếu như gia cảnh cùng quẫn, cần gì phải làm vậy. Chỉ cần đối trước Phật, khẩn thiết chí thành sám hối tội nghiệp trong vòng bảy ngày, tự thệ thọ giới.

Đến ngày thứ bảy, đối trước Phật xướng rằng: Đệ tử con tên là… thề thọ năm giới, làm mãn phần Ưu Bà Di (Ưu Bà Di Hán dịch là Cận Sự Nữ, hàm nghĩa đã thọ năm giới, kham phụng sự Phật). Mãn Phần nghĩa là thọ trì trọn vẹn năm giới. Đến hết cuộc đời chẳng sát sanh, đến hết cuộc đời chẳng trộm cắp, đến hết cuộc đời chẳng dâm dục, nếu là gái có chồng thì nói chẳng tà dâm, đến hết cuộc đời chẳng nói dối, đến hết cuộc đời chẳng uống rượu. Nói như vậy ba lần liền được đắc giới.

Nếu chí tâm thọ trì thì công đức chẳng hơn kém, đừng bảo tự thệ thọ trì là chẳng đúng pháp. Đấy là Thánh huấn của Đức Như Lai đã dạy trong Kinh Phạm Võng. Tam quy ngũ giới là cửa ngõ ban đầu để vào Phật Pháp.

Tu các pháp môn khác đều nương theo đây mà vào, huống hồ là pháp môn Tịnh Độ liễu sanh thoát tử giản dị nhất, chí viên, chí đốn chẳng thể nghĩ bàn ư?

Chẳng cảnh tỉnh tam nghiệp, chẳng trì năm giới, còn chẳng có phần lại được thân người, huống chi là muốn được Liên Hoa hóa sanh, thân đầy đủ quang minh tướng hảo ư?

Vì hàng tại gia đệ tử lược giảng ý nghĩa của tam quy, ngũ giới, thập thiện: Thương thay, từ vô thỉ đến nay chúng sanh luân hồi sáu nẻo, không được cứu, không chỗ về nương, không nơi gởi gắm, như con côi mất cha, dường kẻ cùng quẫn nhà tan cửa nát, toàn là do phiền não ác nghiệp cảm thành quả khổ sanh tử ấy, mù lòa không huệ nhật, chẳng thể tự thoát khỏi.

Đại Giác Thế Tôn thương xót, thị hiện sanh trong thế gian, vì chúng sanh thuyết pháp, dạy họ thọ Tam Quy để làm cái gốc bỏ tà về chánh, dạy họ trì ngũ giới hòng làm cái gốc đoạn ác tu thiện, dạy họ hành thập thiện để làm gốc rễ thanh tịnh ba nghiệp thân khẩu ý.

Từ đấy, chẳng làm các điều ác, vâng làm các điều thiện. Tam nghiệp đã được tịnh rồi mới hòng tuân tu đạo phẩm, ngõ hầu trái giác hợp trần, chuyển phàm thành Thánh, đoạn gốc tham sân si, thành đại đạo Bồ Đề giới định huệ.

Bởi thế, Đức Phật giảng Tứ Đế, Thập Nhị Nhân Duyên, Lục Độ, ba mươi bảy phẩm trợ đạo v.v… vô lượng pháp môn. Lại muốn cho chúng sanh mau thoát sanh tử, chóng thành Phật Đạo, Đức Phật bèn dạy pháp môn Niệm Phật cầu sanh Tịnh Độ, khiến họ chẳng phí nhiều sức, hoàn tất được ngay trong đời này.

Ôi! Ơn Đức Thế Tôn thật là cùng cực, dù là cha mẹ hay Trời Đất cũng chẳng thể sánh ví được. Bất Huệ Tổ Ấn Quang tự xưng thọ ân thật sâu, nhưng không cách nào báo được ân sâu. Nay các vị lầm nghe lời người, chẳng ngại xa xôi ngàn dặm đến đây, toan bái tôi làm thầy, nhưng tôi tự xét mình vô đức, ba bốn lượt khước từ, quý vị vẫn chẳng chịu nghe.

Nay bất đắc dĩ, đem ý xuất thế Thuyết Pháp độ sanh của Đức Như Lai bàn đại khái cùng quý vị, cũng như giải thích sơ lược về ý nghĩa của Tam Quy, ngũ giới, thập thiện và pháp môn Tịnh Độ ngõ hầu tất cả quý vị lãnh hội được, tất cả quý vị tuân thủ được, còn như từ Tứ Đế cho đến ba mươi bảy phẩm trợ đạo v.v… chẳng phải là những điều quý vị có thể hiểu thấu nên tôi lược đi không nhắc đến.

Nếu quý vị y giáo phụng hành, chính là thờ Phật làm thầy, sá gì Bất Huệ. Nếu chẳng y giáo phụng hành là đã phụ ân Bất Huệ, huống chi là Phật Ân.

Tam quy là:

Một là quy y Phật.
Hai là quy y Pháp.
Ba là quy y Tăng.

Quy là quay theo, Y là nương tựa. Như người rớt xuống biển, chợt có thuyền đi đến, liền hướng về đó. Đấy là ý nghĩa quay theo. Ngồi yên ổn trên thuyền là ý nghĩa nương tựa. Sanh tử là biển, Tam Bảo là thuyền. Chúng sanh quy y liền lên bờ kia.

Đã quy y Phật bèn thờ Phật làm thầy, từ nay trở đi cho đến khi mạng chung, chẳng được quy y Thiên Ma, ngoại đạo, tà quỷ, tà thần.

Đã quy y Pháp bèn thờ Pháp làm thầy, từ nay trở đi cho đến khi mạng chung, chẳng được quy y Kinh Sách ngoại đạo.

Đã quy y Tăng bèn thờ Tăng làm thầy, từ nay trở đi cho đến khi mạng chung, chẳng được quy y đồ chúng ngoại đạo.

Ngũ Giới:

Một là chẳng sát sanh.
Hai là chẳng trộm cắp.
Ba là chẳng tà dâm.
Bốn là chẳng nói dối.
Năm là chẳng uống rượu.

1. Sát sanh

Loài vật cũng giống như ta, ham sống sợ chết. Ta đã ưa sống, há vật lại muốn chết. Do đó hãy nghĩ: Có nên giết hại loài vật chăng?

Hết thảy chúng sanh luân hồi sáu nẻo, tùy nghiệp thiện ác, thăng giáng, siêu trầm, ta cùng bọn chúng trong nhiều kiếp lần lượt làm cha mẹ nhau, lần lượt làm con cái nhau, phải nghĩ cách cứu vớt, nỡ nào giết hại?

Hết thảy chúng sanh đều có Phật Tánh, trong đời tương lai sẽ đều thành Phật. Nếu ta đọa lạc còn mong được cứu vớt. Thêm nữa, ta đã tạo sát nghiệp, ắt phải đọa ác đạo đền bồi nợ cũ, xoay vần giết hại lẫn nhau chẳng khi nào xong. Suy nghĩ như thế nào còn dám giết?

Nhưng nguyên nhân sát sanh là do ăn thịt. Nếu biết được những nhân duyên như trên vừa nói sẽ tự chẳng dám ăn thịt nữa. Kẻ ngu lại cho thịt là ngon, chẳng biết thịt vốn do tinh huyết tạo thành.

Trong chứa phân tiểu, ngoài lẫn bẩn thỉu, tanh tưởi, hôi thối, ngon lành chỗ nào? Thường quán bất tịnh, ắt ăn vào sẽ ói ra. Thêm nữa, sanh vật là người, cầm thú, giòi, bọ, cá, tép, muỗi, mòng, rận, rệp, tất cả những loài có sanh mạng. Đừng bảo con vật lớn chẳng được giết, con vật nhỏ thì giết được.

Trong Kinh Phật có rộng nói công đức kiêng giết, phóng sanh. Tục nhân chẳng thể đọc đến thì hãy xem sách Vạn Thiện Tiên Tư (An Sĩ Toàn Thư – Khuyên người bỏ sự giết hại)của An Sĩ Tiên Sinh ắt sẽ biết được đại khái.

2. Chẳng trộm cắp

Thấy nghĩ được cái gì, chẳng cho bèn chẳng lấy. Người biết liêm sỉ chẳng phạm lỗi này, nhưng nếu luận tỉ mỉ thì chẳng phải là bậc Đại Thánh Đại Hiền sẽ rất khó chẳng phạm. Vì sao?

Lấy công giúp tư, tổn người lợi mình, cậy thế lấy của, dùng mưu kế đoạt vật, ghen ghét vì người khác phú quý, mong họ bần tiện. Làm lành để phô trương. Đối với các việc lành tâm chẳng hiểu đúng, chẳng hạn như lập trường miễn phí, chẳng chọn thầy nghiêm, khiến con em người khác bị lầm lạc.

Thí thuốc chữa bệnh chẳng phân biệt thật giả khiến người dùng bị nguy tánh mạng. Thấy người bị tai nạn gấp vẫn xem thường chẳng cứu, lề mề hờ hững đến nỗi lỡ việc. Làm tắc trách cho xong việc, mặc kệ tiền tài người khác bị lãng phí, trong lòng không coi đó là chuyện khẩn yếu.

Những điều như thế đều gọi là trộm cắp. Vì các vị đều ở chốn tốt lành nên tôi chỉ chọn ra những điều tệ hại nhất để nói đại lược mà thôi.

3. Chẳng tà dâm

Tục nhân nam nữ lập gia đình sanh con đẻ cái, trên là liên quan đến phong hóa, dưới là liên quan đến việc cúng giỗ. Dù vợ chồng ăn nằm với nhau chẳng bị cấm, nhưng phải kính nhau như khách, cốt để có con cháu giỗ quải Tổ Tiên, chẳng được lấy đó làm điều khoái lạc, ham dục đến nỗi mất mạng. Dù là vợ mình, tham vui quá cũng là phạm tội, nhưng tội ấy còn nhỏ nhặt.

Nếu chẳng phải là vợ mình mà ăn nằm bừa bãi thì gọi là tà dâm, tội ấy cực nặng. Hành tà dâm là đem thân người làm chuyện súc sanh, khi báo hết mạng tận trước là đọa vào địa ngục, ngạ quỷ, sau là đọa trong đường súc sanh ngàn vạn ức kiếp chẳng thể thoát khỏi. Hết thảy chúng sanh từ dâm dục sanh nên giới này khó giữ, dễ phạm.

Dẫu là Bậc Hiền đạt, cũng có lúc còn vi phạm, huống chi kẻ ngu? Nếu lập chí tu trì thì trước hết phải biết rõ lợi hại lợi là chẳng phạm giới này sẽ được lợi lạc gì. Hại là những họa hại do phạm giới này cũng như phương pháp đối trị thời sẽ như thấy rắn độc, như gặp oán tặc, kinh sợ, hoảng hốt, dục tâm sẽ tự dứt.

Cách đối trị chép rộng trong Kinh Phật. Tục nhân không duyên xem đến hãy đọc sách Dục Hải Hồi Cuồng (An Sĩ Toàn Thư – Khuyên người bỏ sự tham dục) của An Sĩ Tiên Sinh sẽ biết được đại khái.

4. Chẳng Vọng Ngữ

Lời nói đáng tin, chẳng thốt lời hư dối. Nếu thấy nói chẳng thấy, chẳng thấy nói thấy, lấy hư làm thật, biến có thành không, phàm điều gì tâm chẳng xứng với miệng, toan khinh dối người khác đều là vọng ngữ cả. Lại nếu như chưa đoạn hoặc bảo là đã đoạn hoặc, chưa đắc đạo bảo là đắc đạo thì gọi là đại vọng ngữ.

Tội ấy rất nặng, sau khi mạng chung nhất định đọa thẳng vào A Tỳ địa ngục, vĩnh viễn không có lúc thoát ra. Nay người tu hành chẳng biết giáo lý Phật Pháp, đa phần như thế cả, cho nên phải đau đáu răn đe. Điều này thật thiết yếu.

Bốn điều trên chẳng luận là xuất gia hay tại gia, thọ giới hay không thọ giới hễ phạm liền vướng tội lỗi, bởi thể tánh của chúng là ác. Nhưng người chưa thọ giới thì mắc tội một tầng. Người đã thọ giới mắc tội gấp đôi bởi ngoài chuyện làm điều ác ra, còn thêm cái tội phạm giới. Nếu giữ được chẳng phạm thì công đức vô biên. Hết thảy phải nên gắng sức.

5. Chẳng uống rượu

Rượu làm cho tâm người mê loạn, hoại giống trí huệ. Uống vào sẽ bị điên đảo, hôn cuồng, làm chuyện càn quấy, nên Phật chế định người tu hành trọn chẳng được uống rượu.

Lại như hành, hẹ, kiệu, tỏi, nén, năm thứ thực vật nồng gắt, mùi vị hôi hám, bản chất chẳng thanh khiết, ăn chín sanh dâm, ăn sống tăng lòng nóng giận, người tu hành đều chẳng được ăn.

Với giới này, người chưa thọ giới ăn uống chúng chẳng bị tội gì. Người thọ giới mà dùng hay ăn chúng liền phạm một tầng giới của Phật. Phật đã cấm chế, các vị vẫn phạm nên mắc tội vậy.

Thập thiện là:

Một là chẳng sát sanh.
Hai là chẳng trộm cắp.
Ba là chẳng tà dâm.
Bốn là chẳng nói dối.
Năm là chẳng nói thêu dệt.
Sáu là chẳng nói đôi chiều.
Bảy là chẳng ác khẩu.
Tám là chẳng tham.
Chín là chẳng sân.
Mười là chẳng si.

Ba điều đầu gọi là thân nghiệp, bốn điều giữa là khẩu nghiệp, ba điều cuối là ý nghiệp. Nghiệp nghĩa là sự. Nếu trì chẳng phạm thì gọi là thập thiện, nếu phạm chẳng trì thì gọi là thập ác.

Thập ác chia làm Thượng, Trung, Hạ, cảm ba đường ác địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh. Thập thiện chia thành thượng, trung, hạ cảm ba thiện đạo Trời, người, A Tu La. Nhân lành cảm quả lành, nhân ác cảm quả ác, quyết định chẳng nghi, chẳng sai mảy may. Trong phần nói về Ngũ Giới đã giảng giết trộm dâm dối rồi.

Ỷ ngữ nói thêu dệt là những lời lẽ phù phiếm, vô ích, chải chuốt, bóng bảy bàn nói chuyện dâm dục khiến người khác nghĩ bậy. Lưỡng thiệt nói đôi chiều là đến người này nói người kia, đến người kia nói người này, đâm thọc thị phi, đòn xóc hai đầu v.v…

Ác khẩu là ngôn ngữ thô ác như dao, như kiếm, vạch trần lỗi kín của người, chẳng kiêng dè. Nếu lại còn khiến cho cha mẹ người bị xấu lây, thì gọi là đại ác khẩu, tương lai mắc phải quả báo Súc Sanh. Đã thọ giới Nhà Phật, chớ nên phạm giới này.

Tham keo là tiền tài của mình chẳng chịu thí cho người thì gọi là keo, chỉ mong vơ của cải của người về mình thì gọi là tham.

Sân khuể là giận dữ, thấy người được gì bèn sầu lo, phẫn nộ, thấy người bị mất gì bèn mừng rỡ, sung sướng, lại còn cậy thế, cậy oai khinh người rẻ vật.

Tà kiến là chẳng tin làm lành được phước, làm ác mắc tội, nói không nhân quả, chẳng có đời sau, khinh chê Thánh ngôn, hủy báng Kinh Giáo của Phật…

Mười điều thiện này bao hàm hết thảy. Nếu có thể tuân hành thì không điều ác nào chẳng đoạn, không điều thiện nào chẳng tu.

Chỉ sợ quý vị chẳng thể lãnh hội nên tôi nay chỉ nêu đại lược một hai việc: Hiếu thuận cha mẹ, chẳng trái, chẳng nghịch, khúc nhôi uyển chuyển khuyên cha mẹ nhập đạo, dứt mặn ăn chay, trì giới Niệm Phật, cầu sanh Tây Phương, liễu sanh thoát tử. Nếu cha mẹ tin theo thì chẳng còn gì tốt hơn.

Với anh em liền tận sức nhường nhịn, với vợ chồng thời hết sức kính trọng, với con cái thời tận sức giáo huấn khiến chúng trở thành người tốt, người hiền, chớ để chúng mặc tình quen thói kiêu căng, đến nỗi thành hạng người chẳng ra gì.

Với xóm giềng làng nước, phải hòa mục, nhường nhịn, giảng cho họ nghe nhân quả thiện ác, khiến họ sửa lỗi hướng thiện. Với bằng hữu tận lực giữ chữ tín. Với tôi tớ phải từ ái. Với việc công bèn tận tâm kiệt lực như khi làm chuyện tư.

Hễ gặp người quen biết, họ hàng, gặp cha nói từ, gặp con nói hiếu. Còn như kinh doanh cố nhiên là để kiếm lời, nhưng chẳng được bán hàng giả, lừa dối người khác. Nếu như đem phong tục này giáo hóa cho cả một ấp, một làng thì sẽ khiến cho họa loạn chưa nảy mầm đã tiêu, các hình phạt trở thành vô dụng. Có thể nói là ra ngoài tận trung, trong nhà tận chính vậy.

Giảng giải: Đại Sư Ấn Quang!

Bài viết cùng chuyên mục

Niệm Phật nhất định phải phát nguyện vãng sanh Cực Lạc

Định Tuệ

Niệm Phật tự nhiên có phước báo, thậm chí còn rất dồi dào

Định Tuệ

Đọc tụng Kinh Địa Tạng cho thai nhi và người mẹ khi mang thai

Định Tuệ

Nhiều đời tu phước, tu huệ mới có cơ hội nghe pháp môn này

Định Tuệ

Chỉ niệm A Di Đà Phật có bị Phật và Bồ Tát khác giáng tội không?

Định Tuệ

Người thật sự tu hành không thấy lỗi thế gian

Định Tuệ

Việc bố thí không quan trọng ở tiền nhiều hay ít

Định Tuệ

Tu chuyển ba nghiệp là căn bản Phật Pháp

Định Tuệ

Hòa Thượng Tịnh Không niệm Phật như thế nào?

Định Tuệ

Viết Bình Luận