Với người mới bắt đầu tìm hiểu Phật Pháp muốn tụng kinh nhưng chưa biết chọn kinh nào để khởi đầu, có thể bắt đầu với những kinh Phật dễ hiểu như Kinh Địa Tạng, Phổ Môn, Phổ Hiền Hạnh Nguyện, kinh Nhân Quả Ba Đời, kinh A Di Đà, kinh Dược Sư, kinh Vô Lượng Thọ…
1. Ý nghĩa của việc tụng Kinh
Kinh Phật là lời Phật dạy về đạo đức, phương thức tu tập, cải hóa thân tâm, đem lại hạnh phúc cho mình và người ở đời này và đời sau, do đó, sự tụng kinh có ý nghĩa đạo đức rất lớn. Tụng kinh trước nhất và quan trọng hơn hết là để “hiểu chính xác lời Phật dạy, ứng dụng vào cuộc sống hằng ngày, đem lại lợi lạc cho bản thân và tha nhân.”
Tụng kinh là dịp tốt nhất để chúng ta có thể học hỏi, tư duy về lời Phật dạy rồi áp dụng chúng vào đời sống hằng ngày của chúng ta. Chính sự áp dụng lời Phật dạy, sau quá trình tư duy và thể nghiệm, giúp chúng ta gặt hái những điều chúng ta mong muốn trong cuộc sống, như sự an lạc và hạnh phúc.
Kinh điển của Phật là tấm bản đồ, là kim chỉ nam hướng dẫn chúng ta sống đời chân chánh, để gặt hái kết quả hạnh phúc ở đời này và đời sau. Đọc tấm bản đồ để biết được con đường, để đi đúng đường, để đến đúng đích.
Con đường đó là con đường thánh gồm tám yếu tố: quan điểm chân chánh, tư duy chân chánh, lời nói chân chánh, hành vi chân chánh, nghề nghiệp chân chánh, nỗ lực chân chánh, chánh niệm và thiền định chân chánh.
Đây là con đường mà ba đời chư Phật đã đi qua, diệt trừ tận gốc rễ của khổ đau, đạt được an lạc và giải thoát. Người Phật tử cần phải siêng năng nhớ nghĩ, ứng dụng con đường trung đạo đó để tự cứu độ chính mình, thông qua sự hướng đạo của Phật trong kinh điển.
Nói cách khác, tụng kinh là cách học hỏi chánh pháp của Phật để ứng dụng chánh pháp vào đời sống, đem lại an lạc và hạnh phúc cho tự thân.
Tụng kinh trong Phật giáo còn là một dịp tốt giúp chúng ta trau dồi và phát triển ba nghiệp trong sạch và an tịnh. Trong giờ phút tụng kinh, nhờ sự chú tâm chuyên nhất vào lời kinh, tâm ý của chúng ta chấm dứt sự bám víu vào các duyên thế sự. Tâm ý của chúng ta nhờ đó trở nên thanh tịnh và thuần khiết.
Tâm của chúng ta xa lìa các tâm lý tham lam, sân hận, si mê và các tâm lý âm tính khác, có hại cho tâm tư, tình cảm, nhân cách và đạo đức của bản thân. Trong tư thế ngồi bất động để tụng kinh, thân thể chúng ta đang từng bước trở nên an tịnh, thuần khiết, nhờ đó chúng ta tránh được tất cả các hành vi xấu ác của thân như giết chóc, trộm cướp, quan hệ tình dục bất chánh.
Ngoài ra, do miệng đọc tụng lời kinh, các lời nói mang tính chất sai sự thật, ác độc, thêm bớt và nói lời vô nghĩa không có cơ hội để phát triển. Khi đọc kinh thì miệng của chúng ta xướng lên những lời lẽ đạo đức, trí tuệ, nhờ đó chúng ta có cơ hội vun trồng các hạt giống thiện.
Như vậy, trong hành động tụng kinh, chúng ta xa lìa được mười nghiệp ác, ba của ý, ba của thân và bốn của lời. Nói cách khác, trong khi tụng kinh chúng ta đã huấn luyện 3 nghiệp của mình về con đường lương thiện và đạo đức. Sự huấn luyện đó giúp chúng ta xa lìa các nghiệp ác, huân tập các điều thiện. Sự tụng kinh do đó đã trở thành một sự tu tập thân, khẩu và ý trong đạo Phật.
2. Người mới bắt đầu tụng kinh nên đọc tụng những kinh gì?
Đạo Phật có rất nhiều kinh điển, độ sâu cạn, cao thấp khác nhau. Mỗi người tùy theo căn cơ của mình mà phù hợp với những kinh điển khác nhau, không ai giống ai. Người nào phù hợp với kinh điển nào thì khi tụng kinh đó sẽ thấy rất hứng thú, sinh tâm tín kính và có thể duy trì tụng niệm lâu dài.
Ngược lại, nếu không có duyên với một bộ kinh nào đó, khi cố ép mình tụng sẽ sinh tâm chán nản, khó hiểu, cảm thấy nghi ngờ, không thể duy trì đọc tụng thường xuyên, và bỏ tụng.
Và bộ tụng kinh tốt nhất chính là kinh phù hợp với mình nhất, riêng mỗi người một khác, chứ không có cứng ngắc là tất cả ai cũng đều nên đọc kinh này hay kinh kia.
Với người mới bắt đầu tìm hiểu Phật Pháp muốn tụng kinh nhưng chưa biết chọn kinh nào để khởi đầu, có thể bắt đầu với những kinh Phật dễ hiểu như Kinh Địa Tạng, phẩm Phổ Môn, phẩm Phổ Hiền Hạnh Nguyện, kinh Nhân Quả Ba Đời, kinh A Di Đà, kinh Dược Sư, kinh Vô Lượng Thọ… Khi đã nắm được phần cơ bản rồi thì tìm hiểu qua những kinh điển khác, thấy kinh nào hợp với mình thì có thể chọn để thường xuyên tụng đọc.
Đối với người muốn bắt đầu tụng đọc thần chú, có thể chọn Chú Đại Bi của Quán Thế Âm Bồ Tát , thần chú Diệt Định Nghiệp của Địa Tạng Vương Bồ Tát, Chú Dược Sư, Chú Vãng Sanh.v.v… rồi dần dần tìm hiểu đến các thần chú khác.
Khi tụng kinh, nếu có thể giữ tâm thanh tịnh, quỳ tụng lớn tiếng trước bàn thờ Phật là tốt nhất. Xong hoàn cảnh mỗi người một khác, không thể chọn được cách tốt nhất thì chọn cách tốt nhì, tốt ba… dù sao có vẫn còn hơn không.
Nếu hoàn cảnh không cho phép, thì không có bàn thờ Phật, thậm chí ở nơi công sở, ở ngoài đường, hay bất kì nơi nào cũng có thể tụng đọc kinh chú.
Không thể đọc thành tiếng, thì có thể đọc lầm rầm hoặc đọc thầm bằng mắt, cũng không cần ngân nga như các thầy trong chùa, đọc rõ ràng câu từ là được rồi.
Không quỳ được thì mình ngồi, đứng, đi … miễn đừng nằm, trừ khi mình bị bệnh tật, hay người già đuối sức thì nằm cũng được.
Không có chuông, mõ, nhang, đèn, áo tràng… thì ta vẫn cứ tụng bình thường, miễn là trang phục chỉnh tề, không mặc quần đùi, áo sát nách, áo ba lỗ hay cởi trần với nam giới là được.
Không có quyển kinh, thì ta dùng điện thoại, lên Google, tìm kiếm bằng tên của kinh rồi nhìn điện thoại đọc tụng. Một số kinh chú ngắn, dễ thuộc, ta nên học thuộc sẽ dễ dàng tụng đọc trong mọi hoàn cảnh.
Tâm Hướng Phật!