Tâm Hướng Phật
Kiến Thức

Niệm Phật nhất định phải phát nguyện vãng sanh Cực Lạc

Yếu chỉ của pháp môn niệm Phật là Tín, Nguyện, Hạnh. Đây là ba món tư lương của người niệm Phật cầu vãng sanh Tây Phương Cực Lạc.

1. Niệm Phật là gì?

Chữ niệm có nghĩa là nhớ, suy nghĩ, chữ Phật lại có nghĩa là giác. Như vậy, niệm Phật tức là chúng ta luôn luôn nhớ, nghĩ đến Phật hay nói rộng hơn là chúng ta luôn sống trong tỉnh thức và có chánh niệm trong mọi hành động.

Khi tâm ta bị chi phối bởi những tạp niệm thì ta sẽ dùng tiếng niệm Phật để lấn áp đi những dòng suy nghĩ tạp niệm ở trong lòng và có thể đặt tâm mình vào trong xâu chuỗi mà khi ta đang hành trì.

Lúc này, tiếng niệm Phật sẽ dần dần đi vào nội tâm ta và bản thân mình cần phải xóa bỏ đi những uế trược, phiền não trong lòng, từ đó ta có thể gạn lọc và chuyển đổi tâm của ta từ cái ác trở thành thiện, từ tạp niệm chi phối đưa đến sự thanh tịnh và giống với cảnh giới của chư Phật.

2. Mục đích của việc niệm Phật

Niệm Phật để đưa đến sự nhất tâm

Làm sao để ta áp dụng niệm Phật trong các vấn đề sinh hoạt hằng ngày? Khi ta đang làm một việc gì đó, không thể nào chúng ta vừa làm rồi miệng lại niệm Phật cùng một lúc được, có khi lại gây ảnh hưởng xấu.

Do vậy, khi làm bất cứ việc gì, chúng ta tập trung nhìn nhận rõ, đâu là đúng, đâu là sai, đâu là cái cần phải gạt lọc, đó là ta đã sống trong giây phút của tỉnh thức rồi, việc này đồng nghĩa với việc chúng ta niệm Phật.

Niệm Phật để được giải thoát

Niệm Phật là để được giải thoát, vậy từ giải thoát là gì? Chữ giải có nghĩa là mở, thoát là ra, nhưng đôi khi chúng ta không hiểu rõ rồi lại nhìn chữ giải thoát này ở một mức độ cao siêu xa vời. Chúng sinh luôn bị Tam độc Tham – Sân – Si chi phối trong lòng, do đó việc niệm Phật là làm sao thoát khỏi sự ràng buộc của ba yếu tố này.

Ví như trong cuộc sống, ta làm ra đồng tiền, có nhiều thì tiêu nhiều, có ít thì tiêu ít, tùy vào khả năng có được mà chúng ta sử dụng hợp lý và không bị đòng tiền lôi cuốn bản thân mình vào những con đường tội lỗi khác. Ta sẽ không bị dính mắc và lệ thuôc vào nó, thì lúc này chúng ta đã thoát khỏi sự ràng buộc của tham và làm chủ bản thân mình, như vậy mới thật sự niệm Phật giải thoát ngay ở trong hiện tại này mà không tìm một sự giải thoát ở đâu xa vời.

Giải thoát nằm ngay ở trong tâm thanh tịnh của mỗi người. Tâm của ta có sự an lạc, giải thoát tâm hồn thì ngay đó ta sống với thế giới thanh tịnh của chư Phật. Chúng sinh ai cũng có Phật tính sáng suốt, nhưng bị vô minh che lấp, nên không nhận ra được tự tính sáng suốt của mình.

Vì vậy, việc niệm Phật giúp ta trở về bản thể thanh tịnh của chính mình. Có nhiều người cũng nghĩ rằng, niệm Phật để được đức Phật tiếp dẫn về một thế giới nào đó. Điều này vô tình lại làm chúng ta thiếu đi niềm tin vững chắc vào khả năng tu tập của chính mình.

Trong kinh Đức Phật dạy, ví như chúng ta trồng một cây nằm ở hướng tây thì khi gió đến, nó sẽ ngã theo chiều của hướng tây. Cũng thế, nếu như hằng ngày ta luôn vun bồi và tạo nhiều công đức lành thì kết quả an lạc sẽ đến với ta và khi mất thân này chúng ta sẽ được tái sinh vào một cảnh giới an lành. Cũng giống như người ăn cơm nếu ăn một bát thì no theo một bát, nếu ăn nhiều thì no nhiều, nhưng tự thân họ cũng có lương thực để an lòng. Do đó, tùy vào mức độ mà ta tu tập nhiều hay ít thì tự thân sẽ được sinh vào cảnh giới thích hợp với quá trình công phu tu tập của mình.

Niệm Phật để được vãng sinh

Vãng sinh là sự kết thúc của cuộc đời này để sinh qua một thế giới khác, hay nói nghĩa rộng hơn, đó là cách chuyển hướng thay đổi từ cách sống này sang một lối sống mới. Ví như trước giờ ta sống trong sự giận hờn, buồn phiền và không làm chủ được tâm hồn. Nhưng khi hiểu được sân là nguyên nhân đưa đến sự đau khổ, lúc này chúng ta liền khắc phục sai lầm và thay đổi tích cực mạnh mẽ, đó là chúng ta đã chuyển đổi từ một cuộc sống sân hận thành một cuộc sống bao dung tha thứ, và đó cũng chính là vãng sinh. Cũng giống như một người ham hút thuốc nhưng khi phát hiện mình bị bệnh nên lập tức bỏ ngay sự ham muốn ấy, có nghĩa là người này đã thay đổi từ một thói xấu chuyển thành một đức tính tốt thì đó cũng gọi là vãng sinh.

Như vậy, không cần phải chết mới được vãng sinh mà ngay trong đời sống hiện tại ta cũng đã được vãng sinh rồi. Vì vậy, vãng sinh là sự thay đổi từ những đức tính xấu ác của con người để trở về con đường thánh thiện, từ một người với thói quen đầy sự ích kỷ, nhỏ nhen trở thành một người có tấm lòng bao dung, độ lượng và cao hơn nữa đó là từ phàm phu bước lên một bậc của thánh hiền.

Hành giả tu tập, niệm Phật cần phải thực tập và áp dụng việc niệm Phật vào trong đời sống hằng ngày để chúng ta tìm được nguồn an lạc hiện thực và luôn luôn trong thế giới của Đức Phật, đoạn dứt những phiền não để trở về bản thể thanh tịnh vốn có của mình, và đó mới là mục đích cao cả của việc niệm Phật.

Niệm Phật nhất định phải phát nguyện vãng sanh Cực Lạc

3. Niệm Phật nhất định phải phát nguyện vãng sanh Cực Lạc

Tín, Nguyện, Hạnh là ba món tư lương của người niệm Phật cầu vãng sanh Cực Lạc. Đây cũng là nền tảng trọng yếu của Pháp môn Tịnh Độ:

Tín là tin cõi Cực Lạc có thật và đức A Di Đà luôn luôn hộ niệm. Ngài sẵn sàng tiếp dẫn chúng sanh nào quy kính, niệm sáu chữ hồng danh kêu gọi đến Ngài.

Nguyện là sau khi đã tin đức Phật Thích Ca không nói dối, đức A Di Đà không nguyện dối. Hành giả phải phát tâm chơn thiết cầu thoát ly cõi Ta Bà đầy khổ lụy chướng duyên; Mong muốn sanh về miền Cực Lạc an vui. Và nương nơi sự thanh tịnh trang nghiêm vô lượng, để tu tiến hoàn thành mục đích tự độ độ tha.

Hạnh là sau khi đã phát nguyện như thế, lại cần phải thiết thật xưng niệm danh hiệu đức Phật A Di Đà. Một lòng tin Phật mà niệm Phật, rồi nương nơi bản nguyện của Phật A Di Đà để được tiếp dẫn về Tây Phương Tịnh Độ.

Ngẫu Ích đại sư dạy rằng: “Được vãng sinh hay chăng, toàn bộ Tín Nguyện có hay không, phẩm vị thấp hay cao, đều bởi hành trì sâu hoặc cạn. Nếu không Tín Nguyện, thì dù trì niệm câu hồng danh cho đến gió thổi không vào, mưa sa chẳng lọt, vững chắc như tường đồng vách sắt, cũng không được vãng sinh”.

Nếu Tín Nguyện bền chắc, thì khi lâm chung chỉ xưng danh hiệu mười niệm hay một niệm cũng được vãng sinh. Trái lại, việc hành trì tuy vững như vách sắt tường đồng mà Tín Nguyện yếu kém, thì kết quả chỉ hưởng được phước báo nhơn thiên mà thôi.

Như vậy, sự phát nguyện thật vô cùng cần thiết và quan trọng. Cho nên, đức Bổn sư cứ nhắc đi nhắc lại nhiều lần trong kinh A-di-đà: “Lại nữa Xá-lợi-phất, chúng sinh được về cõi Cực lạc đều là hàng A-bệ Bạt-trí, trong ấy có rất nhiều bậc nhất sinh bổ xứ, số lượng rất đông, không thể dùng toán số mà tính biết được, chỉ có thể lấy số “vô lượng vô biên tăng kỳ” để nói mà thôi. “Xá-lợi-phất! Chúng sinh nghe rồi phải nên phát nguyện cầu sinh về cõi nước kia. Bởi tại sao? Vì được cùng các bậc thượng thiện nhân như thế, đồng họp một chỗ.”

“…Xá-lợi-phất! Ta thấy sự lợi ích đó, nên nói lời nầy: Nếu có chúng sinh nào nghe lời nói đây phải nên phát nguyện cầu sinh về quốc độ ấy”.

“…Xá-lợi-phất! Nếu có người đã phát nguyện, đang phát nguyện, sẽ phát nguyện muốn sinh về nước Phật A-di-đà, thì những người đó hoặc đã sinh, hoặc đang sinh, hoặc sẽ sinh, đều được không thối chuyển nơi quả vị vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, ở cõi nước kia. Cho nên, Xá-lợi-phất các thiện nam tử, thiện nữ nhân nếu có lòng tin thì phải nên phát nguyện cầu sinh về cõi nước kia…”.

Như trên đây, chúng con thấy đức Thích Ca mãi nhắc đi nhắc lại hai chữ “phát nguyện” lời và ý đều khẩn thiết. Cho đến phần kết thúc kinh A-di-đà, Ngài cũng vẫn đôi ba phen bảo chúng con phải phát nguyện cầu vãng sinh Cực lạc.

Tại sao như vậy? Vì nếu được về cõi Cực lạc sẽ được ở cảnh giới vô cùng mầu nhiệm trang nghiêm, được thân hình kim cương, đủ ba mươi hai tướng tốt, dứt hẳn nỗi khổ sinh già bịnh chết, được gần gũi chư Phật và chư đại Bồ-tát, được hội họp với các bậc thượng thiện nhân, được thần thông tam muội, không còn thoái chuyển nơi quả vị Vô thượng Bồ-đề.

Bởi trí tuệ của Phật nhìn thấy rất nhiều sự lợi ích như thế, nên Ngài mới vận lòng từ bi, vì cứu độ mọi loài hữu tình mà khuyên nên phát nguyện vãng sinh Cực lạc. Lòng bi mẫn của đức Thích Ca Thế Tôn thật là vô lượng, khiến chúng con hôm nay đọc lại lời giáo huấn tha thiết của Ngài, mà tâm tư không khỏi xúc động. Và y theo lời dạy của đức Bổn sư, đệ tử chúng con từ nay nhận thức rõ ràng rằng: “Niệm Phật thì phải phát nguyện, cầu vãng sinh thế giới Cực lạc”.

Chúng con cùng nhau chấp tay, quỳ xuống, một lòng cầu vãng sinh.

“Cúi lạy phương Tây, nơi cõi An lạc.
Tiếp dẫn chúng sinh Đại đạo sư.
Nay con phát nguyện nguyện vãng sinh.
Nhờ lượng từ bi thương nhiếp thọ”.

Đệ tử chúng con khắp vì bốn ơn ba cõi pháp giới chúng sinh cầu đạo Bồ-đề nhất thừa của Phật, chuyên tâm trì niệm, hồng danh đức Phật A-di-đà, nguyện sinh Tịnh độ.

Lại bởi chúng con, nghiệp nặng phước khinh, chướng sâu huệ cạn, nhiễm tâm dễ động, tịnh đức khó thành. Nay đối Từ Tôn, kính gieo năm vóc, bày tỏ một lòng, chí thành sám hối.

Con và chúng sinh, khoáng kiếp đến nay, mê bản tịnh tâm, buông tham sân si, nhiễm dơ ba nghiệp, vô lượng vô biên, tội cấu đã gây vô lượng vô biên, nghiệp oan đã kết nguyện đều tiêu diệt.

Nguyện từ hôm nay, lập thệ nguyện sâu, xa lìa pháp ác, thề không còn tạo, siêng tu đạo thánh, thề chẳng biếng lui, thề thành Chánh giác, thề độ chúng sinh. Xin đức Từ Tôn, dùng nguyện từ bi, chứng biết lòng con, thương xót đến con, gia bị cho con. Nguyện khi thiền quán, hoặc lúc mộng mơ, được thấy thân vàng A-di-đà Phật, được chơi cõi Tịnh, của đấng Đạo sư, được nhờ Từ Tôn, cam lộ rưới đầu, quang minh chiếu thể, tay xoa đảnh con, áo đắp thân con, khiến cho chúng con chướng cũ tự trừ, căn lành thêm lớn, mau tiêu phiền não, chóng phá vô minh, viên giác diệu tâm, sáng bừng mở rộng, tịch quang cảnh thật, thường được hiện tiền. Đến lúc lâm chung, biết ngày giờ trước, thân không tất cả bệnh khổ ách nạn, tâm dứt tất cả tham luyến mê hoặc, các căn vui đẹp, chánh niệm phân minh, xả báo an lành, như vào thiền định, Phật A-di-đà và Quán Thế Âm cùng Đại Thế Chí cùng chư Hiền Thánh, ánh lành tiếp dẫn, tay báu dắt dìu, lầu các tràng phan, nhạc trời hương lạ, Tây phương cảnh thật, bày hiện rõ ràng, khiến cho chúng sinh, kẻ thấy người nghe, mừng vui khen cảm, phát Bồ-đề tâm.

Bấy giờ thân con, ngồi đài kim cang, bay theo sau Phật, khoảng khảy ngón tay, sinh vào sen báu, nơi ao thất bảo, ở cõi Tây phương. Rồi khi hoa nở, thấy Phật Bồ-tát, nghe tiếng pháp mầu, chứng vô sinh Nhẫn, giây phút lại đi, thừa sự chư Phật. Nhờ ân thọ ký, được thọ ký xong, năm nhãn sáu thông, vô lượng trăm ngàn, môn đà ra ni, tất cả công đức, thảy đều thành tựu. Từ đó về sau, không rời Cực lạc, trở lại Ta-bà, phân thân vô số, khắp cả mười phương, dùng sức thần thông, tự tại khó nghĩ, và các phương tiện, độ thoát chúng sinh, đều khiến lìa nhiễm, chứng được tịnh tâm, đồng sinh Tây phương, lên ngôi bất thoái.

Nguyện lớn như vậy, thế giới vô tận, chúng sinh vô tận, nghiệp và phiền não, thảy đều vô tận. Đại nguyện chúng con, cũng không cùng tận. Nay con lạy Phật phát nguyện tu trì, xin đem công đức, hồi thí hữu tình, bốn ơn khắp báo, ba cõi đều nhờ, pháp giới chúng sinh, đồng thành chủng trí.

Phát nguyện xong rồi, đệ tử chúng con xin đem cả tánh mạng mà quy y và đảnh lễ chư Phật:

Nam mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật.
Nam mô Đại Từ Bi Phụ A-di-đà Phật, vị Đạo sư tiếp dẫn vãng sinh Cực lạc.
Nam mô Quán Thế Âm Bồ-tát.
Nam mô Đại Thế Chí Bồ-tát.
Nam mô Thanh Tịnh Đại Hải chúng Bồ-tát.

HT. Thích Thiền Tâm!

Tâm Hướng Phật/TH!

Bài viết cùng chuyên mục

Nghĩa của chữ Phật là gì? Đức Phật giác ngộ điều gì?

Định Tuệ

Phát nguyện cầu vãng sanh cần phải khẩn thiết từ trong tâm

Định Tuệ

Một câu danh hiệu A Di Đà Phật chính là thâm diệu thiền

Định Tuệ

Phật duyên là gì? Tại sao nói Phật độ người hữu duyên?

Định Tuệ

A Di Đà Phật chỉ có bốn chữ, nhưng bao quát tất cả Phật pháp

Định Tuệ

Niệm nam mô A Di Đà Phật và niệm A Di Đà Phật cách nào tốt hơn?

Định Tuệ

Giữ gìn 5 giới là gì? Lợi ích của việc giữ giới cấm trong đạo Phật

Định Tuệ

Kiết sử là gì? 10 kiết sử trong đạo Phật gồm những gì?

Định Tuệ

Vì sao ngài Địa Tạng Bồ Tát vĩnh viễn thị hiện ở quả vị Bồ Tát?

Định Tuệ

Viết Bình Luận