Là người đệ tử Phật, ngày đêm nên chí tâm, nhớ nghĩ và tư duy, về tám điều giác ngộ, của các bậc Đại nhân. Mời bạn đọc Kinh Bát Đại Nhân Giác và giảng giải dưới đây.
Đạo Phật là đạo giác ngộ, toàn bộ giáo lý của Phật dạy đều nhằm đánh thức con người sớm được giác ngộ. Mê lầm là cội nguồn đau khổ, chỉ có giác ngộ mới cứu được mọi khổ đau của chúng sanh. Để cứu khổ chúng sanh, ngài An Thế Cao người nước An Tức sang Trung Hoa vào đời Hán Hoàn Đế ở kinh đô Lạc Dương, trước tiên trích dịch tám điều giác ngộ biên thành quyển Kinh Bát Đại Nhân Giác này.
Chỉ cần tám điều giác ngộ ở đây, người Phật tử khéo ứng dụng tu hành sẽ tan biến hết mọi khổ đau và lần bước tiến lên cấp bậc Bồ-tát cho đến Phật quả. Hiệu dụng của tám điều giác ngộ quả thật không thể nghĩ bàn, nếu ai thực tập thực tu sẽ nhận được kết quả không nghi ngờ. Hàng Phật tử chúng ta chớ thấy quyển kinh mỏng mà xem thường, phải nghiền ngẫm cho tận tường, phải tu tập cho thuần thục sẽ đạt được bản nguyện thoát ly sanh tử.
Kinh Bát Đại Nhân Giác – Tám điều giác ngộ của bậc Đại nhân
Chánh Văn:
Vi Phật đệ tử,
Thường ư trú dạ,
Chí tâm tụng niệm,
Bát Đại Nhân Giác.
Dịch:
Chúng ta đã là hàng Phật tử,
Đêm lẫn ngày hằng giữ thọ trì.
Chí thành tụng niệm nhớ ghi,
Tám điều giác ngộ của vì Đại nhân.
Giảng:
Ngài An Thế Cao dạy: Nếu chúng ta đã là đệ tử Phật thì phải trì tụng nhớ nghĩ tám điều giác ngộ mà Phật và Bồ-tát đã dạy đã làm, để bắt chước tu theo và sau đó chúng ta cũng sẽ được giác ngộ thành Bồ-tát, thành Phật như các ngài.
1. Điều giác ngộ thứ nhất
Chánh văn:
Đệ nhất giác ngộ:
Thế gian vô thường,
Quốc độ nguy thúy.
Tứ đại khổ không,
Ngũ ấm vô ngã.
Sanh diệt biến dị,
Hư ngụy vô chủ.
Tâm thị ác nguyên,
Hình vi tội tẩu.
Như thị quán sát,
Tiệm ly sanh tử.
Dịch:
Điều giác ngộ thứ nhất: “Thế gian vốn vô thường, cõi nước rất mong manh, bốn đại lại khổ không, năm ấm là vô ngã, luôn sinh diệt biến đổi, giả dối không có chủ, tâm là nguồn việc ác, thân là rừng nghiệp tội, nếu quán sát như thế, dần dần lìa sinh tử.”
Giảng giải:
Cuộc sống trôi nhanh về cái chết, như điệu nhảy của vũ công, như tia chớp trên bầu trời, như dòng thác đổ – chúng liên tục chuyển động và biến đổi không ngừng dù chỉ trong giây lát. Bản chất của cuộc sống, của cõi luân hồi này vốn vô thường, sinh diệt biến đổi nhanh chóng. Con người chúng ta vốn không ý thức được điều đó nên luôn mải mê với tham vọng, ham muốn,… mà không ngừng tạo tác ra những ác nghiệp để rồi phải chịu những khổ đau trong cõi đời vô thường, tạm bợ. Nếu bạn sống chậm lại một giây trong kiếp người mong manh, tư duy và quán chiếu về sự vô thường, biến đổi liên tục của thời gian và không gian, bạn sẽ nhận ra vô vàn khổ đau, mà chỉ có giải thoát mới mang lại niềm an vui thực sự cho chính bạn.
2. Điều giác ngộ thứ hai
Chánh văn:
Đệ nhị giác tri
Đa dục vi khổ,
Sanh tử bì lao,
Tùng tham dục khởi,
Thiểu dục vô vi,
Thân tâm tự tại.
Dịch:
Điều giác ngộ thứ hai: “Tham muốn nhiều là khổ, bao sinh tử nhọc nhằn, đều từ tham dục khởi, nếu ít muốn biết đủ, thân tâm được tự tại.”
Giảng giải:
Người tham dục ở thế gian: ham muốn tiền của, đắm mê sắc đẹp, tham danh vọng, thích ăn ngon, ưa ngủ kỹ. Đa phần, để phục vụ cho những điều đó, họ thường phải chạy ngược chạy xuôi, tìm đủ mọi cách, lao tâm khổ cực,… cho đến khi sức lực hao mòn, tiền của tiêu tán, tạo nhiều tội ác, chịu nhiều đau khổ cho chính mình và người. Thực chất, tham dục là gốc của sinh tử luân hồi. Người nào còn ham muốn dục lạc là còn khổ, ham muốn nhiều thì khổ nhiều, ham muốn ít thì khổ ít. Bởi vậy, Đức Phật dạy chúng ta phá mê, mê được phá thì tham dục không còn, người hết tham dục thì được an vui tự tại, chẳng những trong đời hiện tại và còn mãi mãi về sau, chẳng những cho bản thân mình mà còn lợi ích cho người xung quanh nữa.
3. Điều giác ngộ thứ ba
Chánh văn:
Đệ tam giác tri:
Tâm vô yểm túc,
Duy đắc đa cầu,
Tăng trưởng tội ác.
Bồ-tát bất nhĩ,
Thường niệm tri túc,
An bần thủ đạo,
Duy tuệ thị nghiệp.
Dịch:
Điều giác ngộ thứ ba: “Tâm nếu không biết đủ, chỉ lo việc tham cầu, sẽ tăng thêm tội ác, Bồ Tát không như vậy, thường nhớ đến tri túc, vui cảnh nghèo giữ đạo, lấy tuệ làm sự nghiệp.”
Giảng giải:
Cõi Ta-bà mà chúng ta đang sống đây chính là cõi dục, bởi lòng tham của con người quá nặng sâu. Ham mê sự giàu sang, hạnh phúc, sắc dục,…mà không bao giờ biết đủ. Không biết đủ lại càng đau khổ. Ví như Đức Phật dạy: “Người đam mê đắm say chạy theo ngũ dục quá đáng thì chẳng khác gì người khát nước mà uống nước muối, càng uống càng thêm khát”. Khi chưa có thì mong muốn tham cầu cho có đã khổ; khi đã có rồi thì sợ mất, nên phải tìm cách bảo vệ gìn giữ cũng khổ; khi bị mất lại càng khổ hơn, buồn rầu mất ăn mất ngủ, có khi không muốn sống nữa. Người nghèo thiếu thốn vật chất, tham cầu cho có để mưu sinh cuộc sống đã đành, người giàu có bao nhiêu cũng không thấy đủ, phải tìm đủ mọi cách, lao tâm khổ tứ để khiến mình giàu hơn, mà không biết rằng đó chỉ là những thứ tạm bợ, khiến mình sung mãn chỉ trong một khoảnh khắc.
Trong kinh Pháp Cú, Đức Phật dạy:
“Dầu mưa bằng tiền vàng
Các dục khó thỏa mãn
Dục đắng nhiều ngọt ít
Biết vậy là bậc trí.”
4. Điều giác ngộ thứ tư
Chánh văn:
Đệ tứ giác tri:
Giải đãi trụy lạc,
Thường hành tinh tấn,
Phá phiền não ác,
Tồi phục tứ ma,
Xuất ấm giới ngục.
Điều giác ngộ thứ tư: “Lười biếng phải sa đọa, nên thường hành tinh tấn, để phá phiền não ác, chiết phục cả bốn ma, ra khỏi ngục ấm giới. “
Giảng giải:
“Trên bước đường thành công, không có dấu chân của những kẻ lười biếng”. Và trong tu đạo cũng vậy, lười biếng chính là một con sâu phá hoại đường tu của những người tu Phật. Nếu bị lười biếng chỉ huy, không tinh tấn tu hành, chúng ta sẽ mải mê đắm say những dục lạc, quanh quẩn trong tam giới như nhà tù lửa, không tìm thấy con đường giải thoát cho chính bản thân mình. Bởi vậy, Đức Phật dạy, trên con đường tu hành, chúng ta phải nỗ lực tinh tấn để phá phiền não ác nghiệp, hàng phục ma chướng. Nếu muốn thành ma thì trưởng dưỡng sân si, nuôi dưỡng tâm lười biếng. Nếu muốn thành Phật thì nuôi lớn tính Phật ngày càng tỏ sáng và viên mãn bằng việc tinh tiến tu hành.
“Hãy tinh tấn để giải thoát!”
5. Điều giác ngộ thứ năm
Chánh văn:
Đệ ngũ giác ngộ:
Ngu si sanh tử.
Bồ-tát thường niệm,
Quảng học đa văn,
Tăng trưởng trí tuệ,
Thành tựu biện tài,
Giáo hóa nhất thiết,
Tất dĩ đại lạc.
Dịch:
Điều giác ngộ thứ năm: “Ngu si phải sinh tử, nên Bồ Tát thường nhớ, luôn học rộng nghe nhiều, để tăng trưởng trí tuệ, và thành tựu biện tài, rồi đem niềm vui lớn, giáo hóa cho tất cả. “
Giảng giải:
“Tu mà không học là tu mù
Học mà không tu là đãy đựng sách.”
Đức Phật dạy, vô minh và ái dục chính là gốc đưa chúng ta lang thang trong luân hồi sinh tử. Vì vô minh, không phân biệt được tà chính, đúng sai, khiến chúng ta ngu si, mê mờ tối tăm, không thấy được chính Pháp để rồi phải trầm luân muôn nẻo hết kiếp này đến kiếp khác. Vì thế, để phá trừ vô minh, những người tu đạo phải tinh tấn tu học, hiểu giáo lý Phật dạy một cách sâu rộng, khiến mình tăng trưởng trí tuệ, tự mình thực hành rồi giác ngộ, lại hướng dẫn cho người khác giác ngộ và làm lợi ích cho muôn loài chúng hữu tình.
6. Điều giác ngộ thứ sáu
Chánh văn:
Đệ lục giác tri:
Bần khổ đa oán,
Hoạnh kết ác duyên,
Bồ-tát bố thí,
Đẳng niệm oán thân,
Bất niệm cựu ác,
Bất tắng ác nhân.
Dịch:
Điều giác ngộ thứ sáu: “Nghèo khổ hay oán hờn, thường kết nhiều duyên ác, Bồ Tát hành bố thí, bình đẳng với oán thân, không nhớ đến lỗi cũ, không ghét bỏ người ác. “
Giảng giải:
Trong cuộc sống, có những người sinh ra đã nghèo khổ cố gắng tìm cách vươn lên. Lại có những người nghèo khổ nhưng chỉ biết oán trời trách đất, đổ lỗi cho số phận đã nhấn chìm họ vào hoàn cảnh éo le như thế. Rơi vào tình huống ấy, ôm tâm sầu bi oán, họ lại làm ra những hành động, những tạo tác xấu xa để giải quyết nhu cầu của mình, rồi lại gánh chịu vô số quả báo khổ đau. Nghèo khổ về vật chất đã đành, đến phước duyên, công đức cũng ngày càng hiếm hoi. Trái lại, bậc tu hành biết quán sát nhân quả, thực hành pháp bố thí để tăng trưởng phước duyên. Dù nghèo, cũng không oán trách số phận, không ghi nhớ những chuyện đã qua, những chuyện tốt xấu, đời sống luôn được an vui, tự tại.
7. Điều giác ngộ thứ bảy
Chánh văn:
Đệ thất giác ngộ:
Ngũ dục quá hoạn.
Tuy vi tục nhân,
Bất nhiễm thế lạc,
Thường niệm tam y,
Ngõa bát pháp khí,
Chí nguyện xuất gia,
Thủ đạo thanh bạch,
Phạm hạnh cao viễn,
Từ bi nhất thiết.
Dịch:
Điều giác ngộ thứ bảy: “Năm dục là tai họa, thân dẫu ở cõi tục, nhưng không nhiễm dục lạc, thường nhớ nghĩ ba y, bình bát và pháp khí, chí nguyện người xuất gia, luôn giữ đạo trong sạch, thực hành hạnh thanh tịnh, từ bi với tất cả.”
Giảng giải:
Ngũ dục là họa hoạn, là đau khổ, là gốc đưa con người trầm luân sinh tử không lối thoát. Người tu hành muốn thành tựu sự nghiệp của mình thì trước hết phải làm chủ được ngũ dục, tức là không bị ngũ dục lôi kéo. Dù cả thế gian bị đắm chìm trong dục lạc, nhưng bậc xuất gia phạm hạnh không bao giờ để mình bị nhiễm khiến mất đi huệ mạng. Bởi vậy, người xuất gia chính là bậc Thầy của trời người, ở trong bụi nhưng không bị lấm bụi, bụi vô minh, bụi tham ái cũng không thể nào làm lu mờ phẩm hạnh và chí nguyện cao cả của người tu.
8. Điều giác ngộ thứ tám
Chánh văn:
Đệ bát giác tri:
Sanh tử xí nhiên.
Khổ não vô lượng,
Phát đại thừa tâm,
Phổ tế nhất thiết,
Nguyện đại chúng sanh,
Thọ vô lượng khổ,
Linh chư chúng sanh,
Tất cánh đại lạc.
Dịch:
Điều giác ngộ thứ tám: “Sinh tử luôn thiêu đốt, khổ não thật vô biên, nên phát tâm Bồ đề, tu hành cầu Thánh đạo, cứu độ khắp tất cả, nguyện thay thế chúng sinh, gánh chịu vô lượng khổ, khiến cho tất cả loài, đều được đại an lạc.”
Giảng giải:
Từ xưa đến nay, hai chữ “sinh tử” đã khiến cho bao nhiêu người, kể cả người trí kẻ ngu, người giàu sang kẻ nghèo hèn phải khổ tâm vì nó. Kẻ ngu sợ hãi trốn tránh, người giàu dùng tiền để mua sự sống. Nhưng người có trí lại tìm cách đối diện và trăn trở làm sao để giải quyết được sinh tử; vì còn sinh tử, chúng ta còn mãi trôi lăn trong lục đạo luân hồi. Có thể, sinh tử khiến chúng ta cứ mãi ra vào trong bào thai đầy tanh hôi, máu mủ, nhơ nhớp của người mẹ, có khi nằm trong bào thai của con chó, con lợn,….Vì sinh tử làm đảo lộn luân thường đạo lý: cha lấy con, chị lấy em; cầm dao giết con vật đã ăn nhưng không ngờ lại giết cha mẹ, thân quyến của ta trong nhiều đời nhiều kiếp. Bởi vậy, sinh tử như một ngọn lửa đang cháy lên hừng hực thiêu đốt chúng sinh vậy.
Muốn chấm dứt sinh tử bi thống, Đức Phật dạy về con đường tu đạo, thực hành giáo pháp, phát tâm bồ đề rộng lớn làm lợi ích cho muôn loài chúng sinh. Chỉ có con đường này, mới thật sự đưa chúng ta đến bến bờ giải thoát tối thượng.
Tám điều nói trên đây, chư Phật và Bồ Tát, đã tự mình giác ngộ, và tinh tấn hành đạo, tu từ bi trí tuệ, nương theo thuyền Pháp thân, đến nơi bờ Niết bàn, rồi trở lại sinh tử, độ thoát các chúng sinh, cũng đem tám điều này, chỉ dạy cho tất cả, khiến mọi loài chúng sinh, biết được sinh tử khổ, xa lìa năm món dục, tu tâm theo Thánh đạo.
Nếu người đệ tử Phật, tư duy tám điều này, sẽ ở trong mỗi niệm, diệt được vô lượng tội, thẳng tiến đến Bồ đề, mau thành tựu Chính giác, dứt hẳn đường sinh tử, thường an trú tịnh lạc.
Nguồn: Chùa Ba Vàng giảng giải!
Tâm Hướng Phật/TH!
Mời quý bạn đọc thêm Bát Đại Nhân Giác Kinh – Đại Sư Tịnh Vân tại file PDF dưới đây.
[pvfw-link viewer_id=”2244″ text=”Bát Đại Nhân Giác Kinh – Đại Sư Tịnh Vân” class=”pdf-viewer-link-single” target=”_blank” default_zoom=”auto” pagemode=”none”]