Phật dạy chúng ta “bất phú hà tì”. Chính mình tạo tác lỗi lầm không nên che giấu, mà phải phát lồ sám hối, “tôi làm sai rồi!”, có dũng khí nói ra cho người khác nghe.
10 loại tâm nghịch sanh tử luân hồi: 4- Bất phú hà tì, 5- Đoạn tương tục tâm
Thứ tư, Phật dạy chúng ta “bất phú hà tì”. Chính mình tạo tác lỗi lầm không nên che giấu, mà phải phát lồ sám hối, “tôi làm sai rồi!”, có dũng khí nói ra cho người khác nghe. Người khác biết rồi trách cứ bạn vài câu, mắng bạn vài tiếng thì tội này của bạn đã báo hết, cho nên gọi là “trọng tội nhẹ báo”. Tốt rồi, tội trả hết, tốt quá! Làm việc thiện thì đừng để người khác biết, vì để người khác biết, người này tán thán bạn vài câu, người kia tán thán bạn vài câu, bạn đã hưởng hết rồi, thiện không còn thì thiệt thòi này sẽ rất lớn. Cho nên, thánh nhân thế xuất thế gian dạy chúng ta phải tích âm đức. Thế nào gọi là âm đức? Âm là không để cho người khác biết, chúng ta đoạn ác tu thiện, tích công bồi đức không nên để người khác biết, không nên để người tán thán. Địa vị của chính chúng ta càng thấp càng tốt, làm công đức có tốt hơn cũng như là không hề có làm việc gì, chính mình cung kính khiêm hạ đối với tất cả mọi người, vậy thì tốt, công đức mà chính chúng ta tích được có thể bảo toàn. Bảo toàn công đức thì tương lai quả báo sẽ lớn, sẽ thù thắng. Người thông minh nhất, người có trí tuệ nhất thì đem phước báo cả đời của họ tu được hưởng vào lúc nào? Vào lúc lâm chung. Lúc lâm chung hưởng phước gì? Không có bệnh khổ, đó là đại phước báo. Lâm chung không bị bệnh, lâm chung rõ ràng tường tận, thông suốt thấu đáo, có thể đứng mà ra đi, có thể ngồi mà ra đi, biết được chính mình đi đến nơi nào. Nơi đi đến thù thắng nhất là Thế giới Cực Lạc. Sau khi nghiệp báo của cái thân này đã trả hết, thì đến Thế giới Tây Phương Cực Lạc. Đến Thế giới Cực Lạc chính là làm Phật. Việc này ở trong mười pháp giới là chọn lựa tối cao. Chọn lựa làm Phật, không chọn lựa sanh thiên, đương nhiên cũng sẽ không chọn lựa đời sau đến nhân gian để hưởng phú quý, vì phú quý là giả. Chúng ta xem lịch sử ra sẽ thấy những hoàng đế, tướng quân trải qua nhiều thời đại, khi còn ở đời thì oanh oanh liệt liệt nhưng không quá một đời, ngày nay ở đâu vậy? Đều chôn vào lòng đất. Họ có gì để đời đâu? Nếu bạn thấy tường tận chân tướng sự thật này thì công danh phú quý của thế gian bạn liền buông bỏ, không ý nghĩa gì. Hưởng những phước báo này của thế gian có rất nhiều khổ báo. Từ xưa đến nay có vị quốc vương nào không khổ chứ? Có vị nào cả đời làm vua có thể vừa lòng mãn ý? Không có người nào! Tuy hưởng phước nhưng trong lòng cũng lo lắng bất an, không thể có một đời an tâm thư thích. Cho nên, lỗi lầm không nên che giấu, càng không thể đùn đẩy cho người khác, phải phát lộ sám hối (lộ chính là hoàn toàn phơi bày ra hết, một chút che giấu cũng không có).
Thứ năm, Phật dạy chúng ta “đoạn tương tục tâm”, chính là đoạn cái tâm liên tục tạo tác tội nghiệp này. Chúng ta sáu căn tiếp xúc với cảnh giới bên ngoài, thuận với ý của chính mình thì lòng tham liền khởi lên, phiền não liền khởi lên, không thuận với ý của mình thì tâm sân hận liền khởi lên. Tâm này khởi lên không nên sợ, thực tế mà nói khởi lên là bình thường, bởi vì chúng ta là phàm phu. Nếu như sáu căn của bạn tiếp xúc cảnh giới mà bạn không khởi tâm không động niệm thì bạn đã là Phật, là Bồ Tát, bạn không phải phàm phu. Người phàm phu ở ngay trong cảnh duyên này nhất định khởi tâm động niệm, cho nên người xưa nói “không sợ niệm khởi, chỉ sợ giác chậm”. Phàm phu khởi tâm động niệm là hiện tượng tất nhiên, thế nhưng then chốt là ở chỗ nào vậy? Then chốt là không nên để cho nó liên tục, ý niệm này vừa khởi lên, lập tức đè ý niệm này xuống, làm cho nó chuyển biến, đó gọi là tu hành, đó gọi là công phu. Người niệm Phật chúng ta chỉ dùng một câu A Di Đà Phật. Ở trong thuận cảnh lòng tham khởi lên thì niệm “A Di Đà Phật”, làm cho tâm này lập tức thay đổi, quyết không để lòng tham thêm lớn, quyết không để lòng tham tiếp nối. Khi ở trong nghịch duyên, nghịch cảnh, tâm sân hận phiền não khởi lên thì lập tức dùng câu “A Di Đà Phật” đè nó xuống, nhất định không để sân hận đố kỵ tăng thêm, nhất định không để sân hận đố kỵ tiếp nối. Chúng ta niệm Phật như vậy gọi là biết niệm, niệm Phật như vậy gọi là công phu. Mỗi ngày bạn thấy mình không tệ, một ngày niệm hai vạn danh Phật hiệu, ba vạn danh Phật hiệu, niệm xong Phật hiệu vẫn cứ mắng người, vẫn cứ sân si, vẫn cứ khởi hỉ nộ ái lạc thì hết rồi, cái gì cũng hết, một ngày niệm mười vạn câu cũng không còn, người xưa thường nói “đau mồm rát họng chỉ uổng công”. Vì sao vậy? Phật hiệu của họ có niệm được nhiều hơn nhưng không thể khởi tác dụng, vì họ không hàng phục được phiền não, không đè phiền não xuống được. Công phu chân thật có lực thì mỗi ngày Phật hiệu không nhất định phải niệm nhiều đến như vậy, mà then chốt nhất là gì? Bạn phải có thể phục được phiền não, đè phiền não xuống, đây gọi là công phu. Một ngày bạn không niệm Phật thì không hề gì, vừa động niệm thì A Di Đà Phật là được rồi. Khi không động niệm thì không có A Di Đà Phật, vừa khởi tâm động niệm thì lập tức niệm A Di Đà Phật, đó gọi là giác được nhanh, là chân thật giác ngộ. Vĩnh viễn giữ gìn tâm địa của chính mình thanh tịnh-bình đẳng-giác, vậy thì đúng.
Trích trong:
PHẬT THUYẾT ĐẠI THỪA VÔ LƯỢNG THỌ
TRANG NGHIÊM THANH TỊNH BÌNH ĐẲNG GIÁC KINH
Người giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không
Tập 18