Tâm Hướng Phật
Kiến Thức

Những bộ Kinh Phật thường đọc tụng, người tại gia nên biết

Dưới đây là những bộ Kinh Phật cơ bản thường được đọc tụng và quan trọng của Phật giáo, là người Phật tử bạn nên biết.

Kinh Phật là một bộ phận rất quan trọng trong giáo lý nhà Phật mà mỗi người Phật tử cần phải nắm rõ. Tùy vào từng trường hợp, hoàn cảnh mà chúng ta sẽ có những bài kinh sao cho phù hợp nhất.

Những bài kinh Phật thường tụng là:

  1. Kinh A Di Ðà
  2. Kinh Phổ Môn
  3. Kinh Dược Sư
  4. Kinh Thủy Sám
  5. Kinh Ðịa Tạng
  6. Kinh Báo Ân
  7. Lương Hoàng Sám
  8. Kinh Pháp Hoa

Còn những tập kinh dài khác một phần vừa dài, một phần nghĩa lý thâm sâu nên ít người tụng đến.

1. Kinh A Di Đà

Kinh này Phật giảng cho Ông Xá Lợi Phất và những vị khác tại nước Xá Vệ, nơi vườn Kỳ Thọ Cấp Cô Độc. Phật ca ngợi cảnh Tây Phương do Đức Phật A Di Đà làm giáo chủ, ai muốn sanh về cõi nước này thì nên phát nguyện, khi đã sanh về cõi này rồi thì không còn thối chuyển, người nào được sanh về cõi này, thấy mình ở trong hoa sen nở ra, mình ngồi ở trong hoa sen đó. Nếu có ai niệm danh hiệu Đức A Di Đà tu 1 đến 7 ngày, tâm không bị lọan động, khi chết sẽ có Phật A Di Đà, Đức Quán Thế Âm, Đức Đại Thế Chí hiện ra cho thấy, nếu trong lúc chết mà tâm không tán loạn thì được sanh về cõi Phật A Di Đà, nơi đây hết sức sung sướng nên còn có tên là cõi Cực Lạc, vỉ khi chưa thành Phật, Đức A Di Đà có 48 lời nguyện, khi nào Ngài thành Phật, cõi đó phải được như ngài nguyện vậy.

Pháp môn Tịnh Độ chỉ niệm Nam Mô A Di Đà Phật khi đi, đứng, nằm, ngồi để cầu sau khi chết, được sanh về cõi cực lạc. Khi tụng Kinh cho người chết, để cầu cho người chết được sinh lên cõi cao hơn, gọi là cầu siêu, tức là cầu cho sanh về cõi Cực Lạc và cũng để nhắc nhở lời Phật dạy cho những người khác, muốn sanh về cõi cực lạc phải niệm sáu chữ: ” Nam Mô A Di Đà Phật!”.

Đọc tụng Kinh tại: Kinh A Di Đà PDF trọn bộ cho bạn đọc tụng – HT Thích Trí Tịnh dịch

2. Kinh Phổ Môn

Đây chỉ là phẩm thứ 25, một trong 28 phẩm của Kinh Diệu Pháp Liên Hoa. Phẩm này do Bồ Tát Vô Tận Ý hỏi Phật về Bồ Tát Quán Thế Âm, Phật chỉ rõ Ngài là vị Bồ Tát hay quán sát thế gian, nghe ai kêu cầu, Ngài liền đến cứu giúp, ban cho sự không sợ hãi, Ngài hiện ra khắp nơi, biến hiện thành ra như mọi người để tùy trường hợp mà cứu giúp. Ai muốn nhờ đến sự cứu giúp của Ngài thì hãy niệm danh hiệu của Ngài như: “Nam Mô Quán Thế Âm Bồ Tát” hay “Nam Mô Đại Từ Đại Bi Linh cảm cứu khổ, cứu nạn Quán Thế Âm Bồ Tát.”

Gặp những khi hoạn nạn, bệnh tật người ta thường hay tụng kinh Phổ Môn để cầu Đức Quán Thế Âm cứu giúp cho được an lành, tai qua nạn khỏi nên gọi là Cầu An.

Kinh Phổ Môn chủ yếu được tụng vào các dịp cầu an, cầu bệnh, cầu tai qua nạn khỏi, cầu gia đạo bình an, cầu quốc thái dân an, cầu mưa hòa gió thuận, hay tụng vào những dịp khánh hỷ, lễ an vị Phật, lễ khai trương, lễ khởi công, lễ khánh thành, lễ tân gia, lễ sinh nhật, lễ đáo tuế, lễ cầu thọ, lễ chúc thọ …

Đọc tụng Kinh tại: Kinh Phổ Môn hay Quán Thế Âm Bồ Tát Phổ Môn Phẩm PDF

3. Kinh Dược Sư

Bằng thiên nhãn thông, Đức Phật nói rằng cách đây hơn mười căn dà sa có một cõi nước tên là Tịnh Lưu Ly, nơi đó Đức Phật Dược Sư Lưu Ly Quang Như Lai là giáo chủ. “Căn dà sa” nghĩa là hằng hà sa (cát sông Hằng), ngụ ý nói rằng cõi Phật này xa vô tận.

Tên gọi vị Phật là: Dược Sư Lưu Ly Quang Như Lai, nghĩa là vị Phật này lấy hiệu là thầy thuốc để thể hiện lòng thương xót bằng từ tâm của vị Phật đến chúng sanh còn đau khổ, luôn lấy pháp dược để cứu mọi khổ đau của chúng sanh đang gánh chịu trong sự luân hồi. Như câu mà người ta thường nói:

“ Tâm từ trải khắp muôn phương
Tâm bi trải khắp mười phương chan hòa.
Tình người nở một đóa hoa
Từ bi vô ngã chan hòa tình thương”

Để đạt đến quả vị Như Lai, các vị Phật phải hành Bồ Tát đạo, đặt lợi ích chúng sanh làm sự nghiệp, dùng tâm từ bi đứng đầu. Cho nên, vị nào hành Bồ Tát đạo luôn phải phải phát nguyện, chẳng hạn như: Đức Phật A Di Đà phát 48 lời nguyện, Quan Thế Âm Bồ Tát phát 12 đại nguyện, Đức Địa Tạng phát thệ nguyện: Địa ngục vị không thệ bất thành Phật, chúng sanh độ tận phương chứng Bồ Đề.

Lời nguyện chính là lý tưởng, là mong muốn, là ước ao đạt được của vị Bồ Tát đó. Với Đức Phật Dược Sư, Ngài đã phát 12 lời nguyện và đã dùng rất nhiều phương tiện để độ chúng sanh. Trong những lời nguyện đó luôn nghĩ đến lợi ích cho chúng sanh thoát khổ, được ấm no, tốt đẹp thân tướng.

Tuy nhiên, đa phần những người đọc kinh Dược Sư sẽ hoài nghi về những điều được ghi lại trong kinh bởi họ cầu nguyện không được như ý muốn như lời nguyện của Đức Phật, cũng như thấy một vài điểm mâu thuẫn từ lời nguyện ấy. Vì thế nên hiểu trọn vẹn chúng ta sẽ không còn hoài nghi.

Đọc tụng Kinh tại: Kinh Dược Sư PDF để bạn tụng đọc – HT Thích Trí Quảng

4. Kinh Thủy Sám

Kinh này có ý nghĩa dùng sức sám hối, cũng ví như lấy nước rửa sạch mọi dơ bẩn. Kinh này sở dĩ được trước thuật ra là do ngài Ngộ Ðạt Quốc Sư khi được nhà vua trao cho chiếc sập đàn hương, lại đối xử vô cùng trọng vọng, ngài Ngộ Ðạt khởi lên một chút vọng tâm nên liền gặp tai nạn, đầu gối thốt nhiên mọc lên cái nhọt (mụt) như hình mặt người. Sau nhờ có sư Tri Huyền chỉ cho biết cách lấy nước nơi một giếng khơi trong chốn am thiền lau rửa, cái nhọt mặt người liền bật ra tiếng kể lại chuyện oan khuất từ mười kiếp trước vẫn hằng theo dỏi để mong báo oán, nay vì ông Ngộ Ðạt khởi lên dục vọng mà có nhịp trả oán, nhưng nay ngài Tri Huyền đã chỉ dạy dùng nước giếng Tam Muội mà rửa thì không dám mang lòng oán hận nữa.

Cũng vì thế mà trong kinh kể ra những điều mà chúng sanh thường hay mắc phải gây thành tội lỗi, lại nói rõ cả những tội nào phải chịu báo nào. Cách thức làm thế nào để tránh tội…do đó mới đặt tên là Thủy Sám nghĩa là việc sám tội cũng như nước rửa hết mọi nhơ bẩn vậy.

Khi tụng kinh này phải nên thành tâm hối lỗi, tất cả những gì đã phạm thề quyết từ nay chừa bỏ, điều thiện gắng làm, điều ác tránh xa. Như thế là tiêu diệt tội khiên của mình và do chỗ tâm mình thanh tịnh như nước trong suốt có năng lực rửa tội cả cho người khác nữa. Bởi ai nghe kinh mà cũng hối lỗi tức nhiên đều trở về nẻo thiện và làm việc thiện tức là tránh hết ác nghiệp đó vậy.

Đọc tụng Kinh tại: Kinh Từ Bi Thủy Sám Pháp PDF trọn bộ – Thích Huyền Dung

5. Kinh Ðịa Tạng

Tông chỉ tu hành của Kinh Địa Tạng Bồ Tát Bổn Nguyện được thể hiện qua tám chữ: Hiếu đạo, Độ sanh, Bạt khổ, Báo ân.

Tựa đề của Kinh Địa Tạng là “U minh Giáo chủ Bổn Tôn Địa Tạng Bồ tát Ma ha tát”. Có nghĩa là đấng giáo chủ cõi U minh là Bổn Tôn Địa Tạng Bồ tát. Một Ngài Bồ tát tên Địa Tạng, Ngài cầm trong tay phải một cây tích trượng và tay trái một hạt minh châu. Ngài xuống địa ngục làm giáo chủ, dùng tích trượng đập phá cửa địa ngục để cứu vớt chúng sinh, nếu chúng sinh chí thành niệm danh hiệu của Ngài. Tuy nhiên, đó có phải là ý nghĩa thực sự?

“Bổn” là Bổn tâm. “Tôn” là tôn quý, “Địa” là tâm địa, “Tạng” là Như Lai tạng. Chỉ có Bổn tâm mới là tôn quý nhất, đó là kho Như Lai tạng tâm địa; chỉ có Bổn tâm mới làm chủ được cõi U minh, tức làm chủ cõi địa ngục tham, sân, si của chính mình.

Địa ngục chính là địa ngục tham, sân, si. Chúng sinh khổ là do tham, sân, si đầy dẫy trong tâm, phiền não khởi phát. Muốn phá được cửa địa ngục này cần phải là Bổn Tôn Địa Tạng của chính mình vậy. Quan trọng là bản thân nhận ra được bản tính Như Lai trong tâm, thì mình mới có thể đập phá được địa ngục tham, sân, si và cứu giúp chúng sinh muôn loài.

Nếu ta hiểu Ngài Địa Tạng là một vị Bồ tát có hình tướng rõ ràng, và có một cõi địa ngục thật sự, thì chúng ta sẽ ỷ lại vào tha lực, rồi vô tình gạt bỏ quy luật nhân quả. Nếu thật sự có một Ngài Bồ tát đủ khả năng đập phá cửa địa ngục, thì chúng ta khỏi cần tụng kinh, tọa thiền hay tinh tấn tu học, chỉ cần một lòng cầu Ngài Bồ tát, chờ đến lúc chết sẽ có Ngài đến cứu.

Như vậy thì tinh thần ỷ lại, dựa dẫm, mong chờ sự cứu rỗi của Ngài Bồ tát càng tăng lên. Quy luật Nhân Quả cũng không có ý nghĩa. Điều đó dẫn đến sự ra đời của Đức Phật cũng là vô nghĩa. Vậy tại sao chúng ta phải nỗ lực tu hành? Nếu chúng ta không dứt trừ các nghiệp ác nơi thân, khẩu, ý, thì có vị Bồ tát nào cứu vớt mình được? Chúng ta tu là tu tâm của chúng ta, nếu thanh tịnh cũng là thanh tịnh chân tâm; khi giác ngộ là giác ngộ tự tâm. Ngoài tâm sẽ không có cái gì cả.

Địa ngục chính là tham, sân, si, phiền não của chúng sinh. Địa ngục cũng chính là cảnh giới của ba nghiệp ác, từ thân khẩu ý phát sinh ra. Địa ngục là sự tối tăm ám chướng, là sự mê muội trong tâm thức của mỗi người. Đó chính là địa ngục tự tâm.

Phật nói kinh Địa Tạng là muốn cảnh tỉnh tất cả chúng ta dẹp bỏ tham sân si nơi tự tâm, tu tập ba nghiệp lành nơi tâm mình, rồi dứt nghiệp cũng nơi tự tâm và giải trừ vô minh tăm tối cũng nơi tự tâm. Cuối cùng trở về với Bổn Tôn Địa Tạng của chính mình. Đó là nội dung cốt yếu của toàn bộ kinh Địa Tạng.

Về phần chính văn trong Kinh Địa Tạng, khi đọc kỹ và hiểu theo nghĩa lý sâu mầu của Kinh, ta sẽ thấy nhiều điều hết sức mới mẻ, mầu nhiệm. Khi hiểu rõ ý kinh, sự trì tụng mới đầy đủ ý nghĩa, đời tu của chúng ta mới đúng theo quỹ đạo tu hành; nếu không, chúng ta có thể rơi vào đường tà, vào mê tín, thì uổng một đời làm đệ tử của Đức Phật. Chúng ta là đệ tử Phật, tắm mình trong ánh hào quang của Phật, hào quang ấy là trí tuệ Phật tâm sẵn đủ của chính mình.

Đọc tụng Kinh tại: Kinh Địa Tạng Bồ Tát Bổn Nguyện trọn bộ cho bạn đọc tụng

6. Kinh Báo Ân

Tức là kinh Ðại báo Phụ Mẫu trọng ân, Phật thuyết đến công đức sanh thành dưỡng dục của các bậc cha mẹ, và dạy cho con cháu là phải có bổn phận đền đáp công ơn sao cho xứng đáng.

Kinh này thường tụng vào các ngày giỗ chạp, hoặc có việc hiếu. Ngươi tụng phải thề nguyện từ nay về sau ăn ở cho phải đạo đối với cha mẹ, đối với các bậc tôn trưởng. Người trong gia đình nghe kinh là phải giữ gìn: trên ra trên, dưới ra dưới, một nhà hiếu thuận, thế cũng là báo ân đó vậy.

Đọc tụng Kinh tại: Kinh Đại Báo Phụ Mẫu Trọng Ân PDF – HT Huyền Tôn dịch

7. Kinh Lương Hoàng Sám

Toàn bộ kinh này là những lời sám nguyện giải trừ mọi điều tội lỗi. Còn gọi là kinh Ðại Sám. Nội dung kinh này khá dài, nguyên nhân trước thuật kinh này là vì vua Lương Vũ Ðế xưa không tin Phật pháp, chỉ tin ngoại đạo. Thuở còn hàn vi, có vợ là Hy-thị, nhân sự ghen tuông mà tự trầm mình dưới giếng. Ðến khi Lương Vũ Ðế lên ngôi vua thì Hy-thị hóa làm con rắng mãng xà quấy rối cung vi.

Thỉnh khắp các hàng Thuật sĩ đến chú nguyện mà không công hiệu. Sau có Tề Công Trưởng Lão dạy làm đàn tràng sám nguyện cầu rửa tội khiên ác độc nên nhờ đó Hy-thị hiện thân tạ ơn là đã thác sinh. Từ đấy Lương Vũ Ðế mới tin theo Phật pháp, ví vậy mà tập Kinh Sám Nguyện này đặt tên là Lương Hoàng.

Cũng vì tụng kinh này rũ sạch được mọi tội lỗi nên nay thường tụng trong việc báo hiếu cha mẹ hoặc ngày giỗ chạp gia tiên.

Đọc tụng Kinh tại: Kinh Lương Hoàng Sám trọn bộ PDF cho bạn đọc tụng

8. Kinh Pháp Hoa

Đức Phật nói: ‘’Nếu có người nghe được Kinh Pháp Hoa, mà tùy hỉ cung kính thọ trì, nên biết người đó là bậc bất thối chuyển, phải biết người đó đã phát tâm Bồ Tát, đã được ba bất thối chuyển.

Nếu có ai tin nhận thọ trì Kinh Pháp Hoa đại thừa nầy, thì người đó trong quá khứ đã từng thấy vô lượng chư Phật, và hay cung kính cúng dường, trồng xuống hạt giống căn lành. Nếu có người tin đạo lý Kinh Pháp Hoa, thì giống như thấy Phật.’’

Vào đời Đường, đại sư Trí Giả tông Thiên Thai đọc tụng Kinh Pháp Hoa ‘’Phẩm Dược Vương Bồ Tát Bổn Sự‘’ đến chỗ Bồ Tát Dược Vương đốt thân cúng Phật, ‘’Là chân tinh tấn, gọi là chân pháp cúng dường Như Lai.’’ Lúc đó, đại sư Trí Giả bèn nhập định, nhìn thấy hội Pháp Hoa ở núi Linh Thứu vẫn chưa tan, từ đó đắc được Đà La Ni Pháp Hoa tam muội, khai mở vô lượng vô biên trí huệ, cho nên Phật nói tin nhận thọ trì được Kinh Pháp Hoa, tức là thấy được Phật, cũng thấy được tôn giả Xá Lợi Phất, và tất cả Tỳ Kheo Tăng, và còn thấy tất cả các đại Bồ Tát trong hội Pháp Hoa.

Do đó, Kinh nầy chỉ có thể nói với những người có trí huệ Bát Nhã. Nếu những người kiến thức nông cạn, người ngu si, người tánh tình nóng nảy, mà nghe được Kinh Pháp Hoa, thì sẽ nổi trận lôi đình, mê hoặc chẳng hiểu. Tất cả hàng Thanh Văn nghe bốn Diệu đế mà khai ngộ, và Bích Chi Phật, tu mười hai nhân duyên mà khai ngộ, chẳng đủ sức hoằng dương Kinh Diệu Pháp Liên Hoa.

Ông là đại trí Xá Lợi Phất, mà đối với Kinh Pháp Hoa còn phải suy gẫm mới tin nhận, huống gì những vị Thanh Văn khác ? Bao nhiêu vị Thanh Văn khác, do nghe Phật nói Kinh Pháp Hoa, chẳng minh bạch đạo lý bên trong, cũng tin nhận. Tuy họ tin nhận, nhưng chẳng phải trí huệ vốn có của họ sinh ra, mà vì tùy thuận Phật nói, cho nên tin nhận diệu lý Kinh nầy, từ từ trí huệ tự nhiên cũng sẽ sinh ra. -“Lược giảng Cố Hòa Thượng Tuyên Hóa”!

Đọc tụng Kinh tại: Kinh Pháp Hoa hay Diệu Pháp Liên Hoa Kinh trọn bộ PDF

Tâm Hướng Phật/Th!

Bài viết cùng chuyên mục

Khi Kinh Lăng Nghiêm bị diệt, thiên ma ngoại đạo sẽ lộng hành

Định Tuệ

Phật Thích Ca giảng kinh thuyết pháp 49 năm, kinh nào là bậc nhất?

Định Tuệ

Đối đáp giữa Lục Tổ Huệ Năng và Huyền Giác Thiền Sư

Định Tuệ

Phật đạo vô thượng thệ nguyện thành giảng giải ý nghĩa

Định Tuệ

Thần chú Phổ triệu thỉnh chân ngôn và Giải oán kết chân ngôn

Định Tuệ

Niệm A Di Đà Phật là pháp sám hối, cầu tiêu tai diệt tội hiệu quả nhất

Định Tuệ

Bài Sám Đại Nguyện Địa Tạng Vương Bồ Tát

Định Tuệ

Vì sao việc cúng chay trong vòng 49 ngày là rất quan trọng?

Định Tuệ

23 cách tạo phước đức và công đức vô lượng

Định Tuệ

Viết Bình Luận