Cầu mong con cái là nhu cầu thiết thực của con người. Những người có nguyện vọng cầu con thì nên chép Kinh gì để linh nghiệm?
Chép kinh cầu con có lợi ích gì không, trong thời đại khoa học phát triển ngày nay? Bên cạnh đó, những người có nguyện vọng cầu con nên chép kinh gì? Đó là những thắc mắc được không ít người đặt ra và mong muốn tìm kiếm câu trả lời thỏa đáng.
1. Người mới bắt đầu chép kinh cần biết
Chép kinh là viết lại những lời dạy của Đức Phật Thích Ca đã được ghi chép trong kinh điển sang tập vở trắng. Nhờ việc chép kinh, Phật tử có cơ hội hiểu sâu hơn những lời Thế Tôn đã dạy. Từ đó, chúng ta sống và thực hành theo những lời dạy cao quý ấy.
Chép kinh có ý nghĩa gần giống với tụng kinh. Tuy nhiên khi tụng kinh, do thời gian đọc tụng nhanh chóng, chúng ta có thể lướt qua nhiều ý pháp mà chưa kịp thấu rõ. Trái lại khi chép kinh, Phật tử có thời gian nghiền ngẫm sâu sắc từng lời kinh.
Lễ bái, thuyết giảng, thọ trì, đọc tụng, biên chép kinh Phật đều là những phương pháp hành trì rất quý báu, vì có thể đem nhiều sự lợi ích lớn lao cho con người. Ngày nay, kinh điển Phật giáo đã có nhiều bản dịch ra tiếng Việt, rất dễ dàng cho Phật tử biên chép.
2. Chép kinh gắn với nguyện vọng chính đáng
Cầu mong con cái là nhu cầu thiết thực của con người. Nhiều người lựa chọn việc chép kinh cầu con để mong mỏi đạt được nguyện vọng này. Vậy, cầu con nên chép kinh gì, làm thế nào để thực hành đúng chánh pháp, không cần phải cúng viếng lãng phí?
Trước tiên, chúng ta cần biết chép kinh Phật là tự tay viết lại nội dung quyển kinh sang giấy. Có người chép kinh Phật vì mục đích cầu an hay cầu siêu cho người thân, hồi hướng công đức cho đối tượng cụ thể, cầu nguyện điều gì đó cho bản thân, hoặc sám hối lỗi lầm đã gây ra…
Tất cả những lý do ấy đều chính đáng và đáng trân trọng. Tuy nhiên, giá trị sâu xa của việc chép kinh Phật là ôn nhắc lại lời dạy của Thế Tôn, từ đó đưa vào áp dụng trong đời sống thực tiễn. Do đó, Phật tử khi chép kinh nên chú tâm vào từng lời dạy trong kinh điển để học hỏi và ứng dụng.
Chép kinh mang lại hiệu quả lớn trong việc mở mang trí tuệ. Khi tụng kinh, nếu quyển kinh có quá nhiều nội dung, thì chúng ta có thể khó nhớ đầy đủ. Song, nếu chịu khó bỏ thời gian chép kinh, chúng ta sẽ có dịp đọc kỹ hơn từng câu chữ, từ đó hiểu rõ hơn lời Phật dạy.
3. Chép kinh sao cho đúng chánh pháp
Kinh điển ghi chép, vào thời Đức Phật tại thế, một vị vương tên là Bodhi khánh thành ngôi lâu đài mang tên Kokanada. Khi ấy, ông đã mời Đức Phật và Tăng đoàn đến nhà để cúng dường trai tăng. Ông đã trải tấm vải trắng trước nhà, thỉnh Đức Phật và Tăng đoàn bước lên tấm vải trắng để đi vào nhà.
Tuy nhiên, Đức Thế Tôn đã ba lần từ chối. Bởi, ngài hiểu rằng vương tử Bodhi có tâm nguyện cầu con, nhưng ác nghiệp quá khứ sâu dày nên không thể đạt được mong mỏi này. Tôn giả Ānanda thay lời Phật, bảo vương tử cuộn tấm vải lại, rồi Đức Phật và Tăng đoàn mới đi vào.
Do đó, đạo Phật không phải là tôn giáo cầu xin “ước gì được nấy” mà mỗi cá nhân phải có ý thức trách nhiệm về các nghiệp của chính mình. Phật tử không cần quá đặt nặng vấn đề cầu con nên chép kinh gì, thay vào đó cần nỗ lực thực tập đúng chánh pháp.
Giá trị nhất của việc chép kinh là chuyển hóa bản thân. Sau những lời dạy cao quý mà mình biên chép, chúng ta nên thành tâm phát nguyện trừ bỏ các việc xấu, thực hiện nhiều việc lành, mang đến an lạc cho đời. Như vậy việc chép kinh càng tăng thêm ý nghĩa.
4. Cầu con nên chép kinh gì?
Ngày xưa khi kinh sách còn quý hiếm, việc phát tâm chép kinh công đức vô lượng. Tuy nhiên, để chép kinh Phật đúng pháp vô cùng khó và cầu kỳ mới tránh được cái lỗi khinh nhờn. Nếu Phật tử muốn chép kinh cầu con, chúng ta hãy giữ thân tâm thanh tịnh trước rồi hẵng đặt bút. Phật tử có thể chép Kinh Địa Tạng, Kinh Quán Âm (Phổ Môn Phẩm),… để cầu con.
Với tấm lòng từ bi hướng về chúng sanh, mỗi cá nhân sẽ tự tìm được lối đi hạnh phúc cho mình. Hãy chép kinh cầu con đúng chánh pháp, đừng cúng bái một cách lãng phí mà vô ích!
Khi có tâm thành, hồng ân Tam Bảo, chư Phật – Pháp – Tăng mười phương ba đời, chư Thiên, hiền thánh… sẽ gia hộ cho chúng ta đạt thành sở nguyện.
Bên cạnh đó, Phật tử cần tinh tấn sám hỗi các nghiệp tội trong quá khứ, đồng thời tích cực làm các việc lành để giúp đỡ chúng sanh. Bố thí, cúng dường, trì giới, thiền định… là các phương thức tu tập bổ trợ, góp phần giúp thân tâm an lạc, trí tuệ mở mang, công đức tăng trưởng.
Phật tử khi biên chép Kinh, chúng ta cần giữ ba nghiệp thanh tịnh: tay viết, miệng đọc, đầu suy nghĩ. Như vậy, chúng ta sẽ có được sự tập trung vào lời kinh để chiêm nghiệm một cách sâu sắc.
- Chép chậm, từ từ, không nên nôn nóng, không mong chép nhanh cho xong.
- Cố gắng nắn nót chữ cho đẹp, khi chép đến tên danh hiệu Phật Bồ Tát thì cần phải viết hoa,….
- Khi chép phải đặt lòng tôn kính Kinh ở một mức độ cao nhất, thiêng liêng nhất.
- Thêm vào đó, cần phải thể hiện lòng biết ơn Chư Tổ đã có công lao biên soạn và kết tập kinh điển, cũng như giữ gìn lưu truyền, để ngày hôm nay, những thế hệ sau mới có kinh để học, để tu.
- Khi chép cần mặc quần áo trang nghiêm, chọn nơi để ngồi chép phải yên tĩnh, vị trí thoáng mát, sạch sẽ.
- Không những bản thân chép, mà cũng nên tạo cơ hội, giới thiệu, khuyến khích cho người khác như bạn bè, hàng xóm, con cháu trong gia đình,…. để họ cũng có cơ hội được chép, giúp họ gieo phước lành, kết duyên với Tam Bảo.
5. Công đức chép Kinh không thể nghĩ bàn
Thời xưa, khi các phương tiện ấn loát còn thô sơ thì chép kinh thành nhiều phiên bản để tụng đọc là hình thức phổ biến. Ngày nay, hình ảnh đẹp đẽ và cổ kính của người ngồi chép kinh không còn nhiều nhưng những người phát tâm ấn tống, cúng dường băng đĩa, kinh sách Phật giáo nhằm truyền trao giáo pháp trí tuệ và từ bi đến với mọi người thì không thiếu. Bởi việc làm này bao hàm những giá trị cao cả, giúp cho mình và người đều hướng thiện, tạo ra phước báu vô lượng.
Truyện Sự tích cứu vật phóng sinh kể rằng: “Vào đời Đường, có một người tên Phan Quả, ở tại kinh đô. Lúc còn trẻ, tính tình hiền lành nhưng khi lớn lên nhờ biết chút ít võ nghệ nên xin được một chân tiểu lại ở tại huyện đường và thường giao du với một số thanh niên đồng lứa rồi nhiễm theo thói ác.
Một ngày kia, trông thấy một con dê lạc đàn đang ăn cỏ và lá cây tại bãi tha ma, Phan Quả cùng bè bạn liền bắt dê đem về nhà. Dọc đường, dê cất tiếng kêu be be, sợ chủ nó nghe được, Quả hoảng quá bèn cắt đứt lưỡi dê rồi tự cho mình có trí hơn người, xử lý công việc một cách gọn gàng, độc đáo.
Sau khi dắt dê về tới nhà, Quả cùng bè bạn giết dê bày tiệc rượu nhậu nhẹt vui vẻ với nhau. Mọi chuyện vẫn bình thường cho đến một năm sau, Phan Quả đột nhiên phát hiện lưỡi mình dần dần teo lại, nói năng ngọng nghịu. Quả biết mình mắc bệnh kỳ quái, mang phải ác tật, liền xin từ chức tiểu lại ở huyện đường.
Quan huyện lệnh Phú Bình bấy giờ là Trịnh Dư Khánh nghi Quả có điều gì dối trá bèn khám nghiệm thì quả thực, lưỡi y teo lại chỉ còn nhỏ xíu như hạt đậu. Quan huyện liền hỏi nguyên nhân, Phan Quả dùng bút kể lại đầu đuôi câu chuyện, biết vậy, quan huyện liền bảo thuộc hạ của mình làm phước, chép kinh Pháp Hoa. Quả phát tâm kính tín, giữ gìn trai giới, siêng năng tu phước, chép kinh. Sau một năm, lưỡi của y dần dần bình phục lại như trước.
Phan Quả thấy thế vui mừng khôn tả, vội vã đến quan huyện trình bày tất cả sự việc và quan huyện cũng vô cùng hoan hỷ liền thăng chức cho Quả…”.
Chép kinh là một hình thức công phu. Muốn chép kinh trước phải đọc, ghi nhớ rồi sau đó mới nắn nót lời kinh. Chữ kinh phải ngay thẳng, chân phương và rõ ràng. Muốn được vậy, người chép kinh phải toàn tâm toàn ý với công việc. Chính nhờ quá trình tập trung đó nên ý kinh bùng vỡ, người chép kinh ngộ ra những thâm ý mà so với khi đọc tụng hàng ngày khó có thể nhận ra. Đồng thời nhờ chép kinh mà chuyển hóa được ba nghiệp, thân tâm trở nên an ổn, nhẹ nhàng. Đây cũng là cơ sở cho sự hình thành phước báu, công đức chép kinh.
Trong cuộc đời của mỗi con người, có lẽ không ai tránh khỏi những sai phạm, lỡ lầm. Có những sai phạm dẫn đến quả báo hiện tiền và có những lầm lỗi đang kết trái đắng ở tương lai. Tất nhiên, đạo lý ở đời thì “nhân nào quả ấy” và muốn cải thiện những điều xấu ác đã làm chỉ còn cách là tích cực làm thêm những điều lành. Chép kinh, in kinh là một trong những điều lành ấy.
Chuyện của Phan Quả là một điển hình. Vì theo bạn xấu mà tạo nghiệp ác nên bị quả báo hiện tiền. Nhờ gặp bậc thiện tri thức chỉ cho cách tu tập sám hối bằng cách biên chép kinh Pháp Hoa mà bạt được nghiệp chướng bệnh tật nan y lại còn được thăng chức. Cho nên, những ai đủ phước duyên ấn tống kinh pháp thì nên thực hành và nhất là nên “hạ thủ công phu” tự tay biên chép một bộ kinh nào đó để làm kỷ niệm trong đời và cũng để cảm nhận sự chuyển hóa nhiệm mầu của công đức chép kinh.
Tâm Hướng Phật/St!