Tâm Hướng Phật
Kiến Thức

Những lợi ích khi trì tụng chú Đại Bi không thể nghĩ bàn

Đọc tụng chú Đại Bi, hiểu được ý nghĩa và công đức trì chú Đại Bi Tâm Đà La Ni để được hưởng vô vàn lợi ích, giải trừ ác nghiệp, tiêu tan giải nạn.

Chú Đại Bi có lẽ là bài trì chú mà hầu hết các Phật tử đều biết đến, các chùa cũng thường trì tụng chú trong các thời kinh.

1. Thực chất Chú Đại Bi là gì mà linh ứng đến vậy?

Chú Đại Bi (còn gọi là Đại Bi Tâm Đà La Ni) là bài kinh, câu thần chú Phật giáo Đại thừa căn bản minh chứng công đức của Đức Phật Quán Thế Âm (hay Quan Thế Âm Bồ Tát). Đây là thần chú quảng đại viên mãn, cứu khổ cứu nạn, cứu nhân độ thế, tiễu trừ tai ách.

Kinh Đại Bi chú gồm 84 câu, 415 chữ, rất phổ biến ngày nay và được dịch ra nhiều thứ tiếng khác nhau và khi tụng được trì niệm ở nhiều biến khác nhau. Vậy biến là gì?

– Chú Đại Bi 5 biến, 7 biến, 9 biến, 21 biến là gì?

“Biến” trong khái niệm này chính là 1 lần niệm hết bài chú.

Như vậy, kinh Đại Bi chú có 84 câu, mỗi lần niệm hết 84 câu này thì được gọi là 1 biến. Nếu trì niệm bài chú lặp lại 5 lần gọi là 5 biến, lặp lại 7 lần là 7 biến… tức cứ lặp đi lặp lại bao nhiêu lần thì được coi là bấy nhiêu biến.

2. Nguồn gốc của Đại Bi Chú

Ai cũng biết sự kỳ diệu của thần chú này, nhưng nguồn gốc kinh Đại Bi không phải ai cũng nắm rõ. Đây là Thần chú được rút ra từ Kinh Thiên Thủ Thiên Nhãn Quán Thế Âm Bồ Tát Quảng Đại Viên Mãn Vô Ngại Đại Bi Tâm Đà Ra Ni.

Các tên gọi khác thường gặp:

  • Thiên Thủ Thiên Nhãn Quán Thế Âm Đại Bi Tâm Đà La Ni
  • Thiên Thủ Thiên Nhãn Quán Tự Tại Bồ Tát Quảng Đại Viên Mãn Vô Ngại Đại Bi Tâm Đà La Ni
  • Quảng Đại Viên Mãn Vô Ngại Đại Bi Tâm Đà La Ni
  • Thanh Cảnh Đà La Ni
  • Quảng Đại Viên Mãn; Vô Ngại Đại Bi Đà-Ra-Ni; Cứu Khổ Đà-Ra-Ni; Diên-Thọ Đà-Ra-Ni; Diệt-Ác-Thú Đà-Ra-Ni; Phá Ác-Nghiệp-Chướng Đà-Ra-Ni; Mãn-Nguyện Đà-Ra-Ni; Tùy-Tâm Tự-Tại Đà-Ra-Ni; Tốc Siêu Thượng Địa Đà-Ra-Ni.

Thần chú này do chính Đức Phật Thích Ca thuyết giảng trong một pháp hội trước mặt đông đủ các vị Bồ Tát, Thinh văn, Thánh chúng, Trời, Thần, Thiên, Long, các Đại thánh tăng như Ma-Ha Ca-Diếp, A-Nan… cùng câu hội.

Trong pháp hội này, Quan Thế Âm Bồ Tát vì tâm đại bi đối với chúng sinh, muốn cho chúng sinh được thành tựu tất cả các thiện căn, được tiêu tan tất cả sự sợ hãi, được mau đầy đủ tất cả những chỗ mong cầu mà nói ra Thần Chú này.

Kinh điển thuật lại câu chuyện nguồn gốc có Thần chú này giữa Quán Thế Âm Bồ Tát (Avalokitesvara) và chư Phật: Trong kinh ngài Quán Thế Âm Bồ Tát bạch Phật rằng:

“Bạch đức Thế Tôn, con có Đại Bi Tâm Đà Ra Ni, nay xin nói ra, vì muốn cho chúng sanh được an vui, được trừ tất cả bệnh tật, được sống lâu, được giàu có, được diệt tất cả nghiệp ác, được xa lìa chướng nạn, được thành tựu tất cả thiện căn, được tiêu tan tất cả sự sợ hãi, được mau đầy đủ tất cả những chỗ mong cầu. Cúi xin Thế Tôn từ bi doãn hứa.” Rồi sau đó đọc thần chú lên.

Bồ Tát thuyết chú xong, cõi đất sáu phen biến động, trời mưa hoa báu rơi xuống rải rác, mười phương chư Phật thảy đều vui mừng, thiên ma ngoại đạo sợ dựng lông tóc. Tất cả chúng sinh đều được quả chứng.

Vui mừng trước sự kì diệu của Đại Bi chú, Ngài bèn phát đại nguyện: “Nếu trong đời vị lai, con có thể làm lợi ích an vui cho tất cả chúng sanh với thần chú này, thì xin khiến cho thân con liền sanh ra ngàn mắt ngàn tay”. Lập tức, Ngài thành tựu ý nguyện.

Từ đó, hình ảnh của vị Bồ Tát Quán Thế Âm ngàn tay ngàn mắt trở thành một biểu tượng cho khả năng siêu tuyệt của một vị Bồ Tát mang sứ mệnh vào đời cứu khổ ban vui cho tất cả chúng sanh.

Ngàn tay, ngàn mắt nói lên cái khả năng biến hóa tự tại, cái dụng tướng vô biên của thần lực Từ bi và Trí huệ tỏa khắp của Bồ Tát Quán Thế Âm.

Ngàn mắt để có thể chiếu soi vào tất cả mọi cảnh giới khổ đau của nhân loại và ngàn tay để cứu vớt, nâng đỡ, như Đức Phật giải thích với Ngài A Nan ở trong kinh, “tiêu biểu cho hạnh tùy thuận các sự mong cầu của chúng sanh”.

3. Những lợi ích khi trì tụng Chú Đại Bi

Theo kinh Thiên Thủ Thiên Nhãn Quán Thế Âm Bồ Tát Quảng Đại Viên Mãn Vô Ngại Đại Bi Tâm Đà La Ni, do ngài Già Phạm Đạt Ma dịch (thời Đường), toàn bài chú này có 84 câu, người trì tụng thần chú Đại Bi sẽ được 15 điều lành, không bị 15 thứ hoạnh tử bức hại.

Được 15 điều lành

1. Sinh ra thường được gặp vua hiền, 2. Thường sinh vào nước an ổn, 3. Thường gặp vận may, 4. Thường gặp được bạn tốt, 5. Sáu căn đầy đủ, 6. Tâm đạo thuần thục, 7. Không phạm giới cấm, 8. Bà con hòa thuận thương yêu, 9. Của cải thức ăn thường được sung túc, 10. Thường được người khác cung kính, giúp đỡ, 11. Có của báu không bị cướp đoạt, 12. Cầu gì đều được toại ý, 13. Long, Thiên, thiện thần thường theo hộ vệ, 14. Được gặp Phật nghe pháp, 15. Nghe Chánh pháp ngộ được nghĩa thâm sâu.

Không bị 15 thứ hoạnh tử

1. Chết vì đói khát khốn khổ, 2. Chết vì bị gông cùm, giam cầm đánh đập, 3. Chết vì oan gia báo thù, 4. Chết vì chiến trận, 5. Chết vì bị ác thú hổ, lang sói làm hại, 6.Chết vì rắn độc, bò cạp, 7. Chết trôi, chết cháy, 8. Chết vì bị thuốc độc, 9. Chết vì trùng độc làm hại, 10. Chết vì điên loạn mất trí, 11. Chết vì té từ cây cao hoặc rớt xuống vực thẳm, 12. Chết vì người ác trù ếm, 13. Chết vì tà thần, ác quỷ làm hại, 14. Chết vì bệnh nặng bức bách, 15. Chết vì tự tử.

Ngoài ra, theo kinh Thiên Nhãn Thiên Tý Quán Thế Âm Bồ Tát Đà La Ni Thần Chú (quyển thượng), trì tụng chú này 108 biến, tất cả phiền não tội chướng đều được tiêu trừ, thân khẩu ý thanh tịnh. Thần chú Đại Bi được các tông phái Phật giáo trì niệm rất phổ biến và thịnh hành.

Tuy nhiên, thần chú này được các nhà Phật học dịch khác nhau về tên kinh cũng như chương cú. Đơn cử như bản dịch chú Đại Bi của ngài Bồ Đề Lưu Chi có 94 câu, bản dịch của ngài Kim Cương Trí có 113 câu, bản dịch của ngài Bất Không có 82 câu…

Muốn trì chú này thì phải phát Bồ đề tâm, kính giữ trai giới, tâm luôn bình đẳng với mọi loài và phải trì tụng liên tục.

Đọc thêm: Nghi thức trì tụng Chú Đại Bi đúng pháp đơn giản tại nhà

4. Uy lực của chú Đại Bi

Có một thanh niên tên Tiểu Phí, sau khi tôi khuyên y dứt tuyệt đồ mặn, ăn chay trường, tập tĩnh tọa rồi, thì chưa đầy mấy ngày y đã đạt được một số năng lực vi diệu. Một hôm y đến nhà tôi chất vấn:

– Ngài nói tụng Chú Đại Bi uy cảm thiên địa hả? Nhưng hằng ngày, sáng nào tôi cũng đều tụng mười biến Chú Đại Bi, song chẳng thấy hiện tướng lành gì ráo, chỉ thấy quỷ thần qua đường ngó tôi nửa mắt mà thôi, việc này là sao vậy?

Lúc đó Quả Đạt (con trai tôi) 15 tuổi cũng đang ở đó. Thế là tôi bảo cả hai:

– Bây giờ tôi tụng Chú Đại Bi, Tiểu Phí thì lo nhìn cảm ứng trên trời, còn Quả Đạt thì theo dõi cảm ứng nơi địa ngục nhé! Căn dặn xong tôi liền ngồi khoanh chân, gõ mỏ chuông (lúc đó tôi còn rất chấp tướng, thực ra chẳng cần vậy) và bắt đầu tụng Chú Đại Bi. Tôi tụng chưa được mấy câu, thì chợt nghe tiếng Tiểu Phí khóc nức nở bên tai. Sau khi tụng xong, tôi hỏi y:

– Vì sao mà khóc vậy?

Y đáp:

– Ngài vừa gõ chuông, thì tôi thấy có rất nhiều Thiên nhân, quỷ thần tụ hội, ngài vừa đọc chú lên thì có rất nhiều thiên chúng đồng quỳ xuống chắp tay nghe, có lúc họ đứng chắp tay nghe, còn có hai con rồng đang bay cũng đáp xuống, nằm trên đất lắng nghe. Ngài tụng xong rồi thì tất cả đều hành lễ mà đi, tôi chấn động quá nên bật khóc.

Quả đạt thì kể trong lúc tôi tụng chú, nơi địa ngục liền đình chỉ tất cả hình phạt trị tội. Toàn bộ kẻ thọ hình đều quỳ tại đó chắp tay hướng lên nghe Chú Đại Bi. Tụng chú xong, thì nơi địa ngục bắt đầu hành hình lại, nhưng mức độ giảm đi, người thọ hình chịu thống khổ cũng nhẹ hơn.

Nghe họ kể tự nhiên tâm tư tôi cao hứng, thế là tôi bảo Tiểu Phí:

– Giữ giới chẳng phải chỉ là không sát sinh, không ăn thịt mà còn phải:Không làm các điều ác, siêng làm các điều lành, thành thật sám hối các tội nghiệp đã tạo trong quá khứ nữa.

Hễ bạn càng tinh tấn sửa tật tánh mình, thì âm thanh tụng chú biến chuyển càng vang xa và chúng sinh đến nghe kinh càng đông! Tụng kinh là như vậy đó! Tụng chú là nương sức mạnh của chú làm tiêu tội nghiệp, quỷ thần Thiên nhân nghe rồi lập tức cũng tiêu định nghiệp của họ.

Tụng kinh ắt có thể khiến chúng sinh hiểu đạo lý, biết sai hối lỗi, vĩnh viễn dứt vô minh. Người tu hành chân chính tụng kinh, sẽ khiến Thiên nhân nghe được tăng thọ, quỷ thần sớm ra khỏi ác đạo chuyển sinh vào cõi lành. Hễ ai không làm các điều ác, luôn làm các điều lành, thì khi tụng kinh trì chú sẽ chiêu cảm vô lượng công đức.

Nếu người tham sân si nặng hoặc không giữ giới mà tụng kinh trì chú thì chưa thể đạt được những cảm ứng vi diệu đến mức đó. (Xong dù sao cũng tốt hơn là không tụng)

Lúc đó tôi mới trì giới, thời gian bỏ mặn ăn chay chưa được lâu, cho nên chỉ tụ tập được nhiều thiên nhân, quỷ thần đến nghe chú. Nếu như tôi tu hành tốt, ắt sẽ có vô lượng chúng sinh đến nghe kinh, thọ ích. Hơn nữa trong lúc tụng kinh chú, tâm phải định tĩnh chuyên nhất, nếu không sẽ khó đạt kết quả tuyệt đối. (Tác giả: Quả Khanh, Dịch: Hạnh Đoan)

5. Ý nghĩa khi nghe tụng thần chú Đại Bi

Nếu chúng sanh nào, trong một ngày đêm tụng năm biến chú, sẽ diệt trừ được tội nặng trong trăm ngàn muôn ức kiếp sanh tử.

Nếu chúng sanh nào xâm tổn tài vật, thức ăn uống của thường trụ sẽ mang tội rất nặng, do nghiệp ác ngăn che, giả sử ngàn đức Phật ra đời cũng không được sám hối, dù có sám hối cũng không trừ diệt. Nếu đã phạm tội ấy, cần phải đối 10 phương đạo sư sám hối, mới có thể tiêu trừ. Nay do tụng trì chú Đại Bi liền được trừ diệt. Tại sao thế? Bởi khi tụng chú Đại Bi tâm đà ra ni, 10 phương đạo sư đều đến vì làm chứng minh, nên tất cả tội chướng thảy đều tiêu diệt.

Chúng sanh nào tụng chú này, tất cả tội thập ác ngũ nghịch, báng pháp, phá người, phá giới, phạm trai, hủy hoại chùa tháp, trộm của tăng kỳ, làm nhơ phạm hạnh, bao nhiêu tội ác nghiệp nặng như thế đều được tiêu hết, duy trừ một việc: kẻ tụng đối với chú còn sanh lòng nghi. Nếu có sanh tâm ấy, thì tội nhỏ nghiệp nhẹ cũng không được tiêu, huống chi tội nặng?

Hàng trời, người nào thường thọ trì tâm chú này như tắm gội trong sông, hồ, biển cả, nếu những chúng sanh ở trong đó được nước tắm gội của người này dính vào thân thì bao nhiêu nghiệp nặng tội ác thảy đều tiêu diệt, liền được siêu sinh về tha phương Tịnh Độ, hóa sanh nơi hoa sen, không còn thọ thân thai, noãn, thấp nữa. Các chúng sanh ấy chỉ nhờ chút ảnh hưởng mà còn được như thế, huống chi là chính người trì tụng?

Và, như người tụng chú đi nơi đường, có ngọn gió thổi qua mình, nếu những chúng sanh ở sau được ngọn gió của kẻ ấy lướt qua y phục thì tất cả nghiệp ác, chướng nặng thảy đều tiêu diệt, không còn đọa vào tam đồ, thường sanh ở trước chư Phật, cho nên, phải biết quả báo phước đức của người trì tụng chú thật không thể nghĩ bàn!

Lại nữa, người trì tụng đà ra ni này, khi thốt ra lời nói chi, hoặc thiện hoặc ác, tất cả thiên ma ngoại đạo, thiên, long, quỷ thần đều nghe thành tiếng pháp âm thanh tịnh, đối với người ấy khởi lòng cung kính, tôn trọng như Phật.

Người nào trì tụng đà ra ni này nên biết người ấy chính là tạng Phật thân, vì 99 ức hằng hà sa chư Phật đều yêu quý. Nên biết người ấy chính là tạng quang minh, vì ánh sáng của tất cả Như Lai đều chiếu đến nơi mình. Nên biết người ấy chính là tạng từ bi, vì thường dùng đà ra ni cứu độ chúng sanh. Nên biết người ấy chính là tạng diệu pháp, vì nhiếp hết tất cả các môn các môn đà ra ni. Nên biết người ấy chính là tạng thiền định vì trăm ngàn tam muội thảy đều hiện tiền. Nên biết người ấy chính là tạng hư không, vì hằng dùng không huệ quán sát chúng sanh. Nên biết người ấy chính là tạng vô úy vì thiên, long, thiện thần thường theo hộ trì. Nên biết người ấy chính là tạng diệu ngữ vì tiếng đà ra ni trong miệng tuôn ra bất tuyệt. Nên biết người ấy chính là tạng thường trụ vì tam tai, ác kiếp không thể làm hại. Nên biết người ấy chính là tạng giải thoát vì thiên ma ngoại đạo không thể bức hại. Nên biết người ấy chính là tạng dược vương vì thường dùng đà ra ni trị bịnh chúng sanh. Nên biết người ấy chính là tạng thần thông vì được tự tại dạo chơi nơi 10 phương cõi Phật. Công đức người ấy khen ngợi không thể cùng. (Tác giả: Tâm Minh!)

Tâm Hướng Phật!

Bài viết cùng chuyên mục

Tịnh Độ Đại Kinh Giải Diễn Nghĩa tập 4 – Pháp Sư Tịnh Không

Định Tuệ

5 điều quan trọng mà người niệm Phật cần nên làm

Định Tuệ

Đại Sư Liên Trì phổ khuyến Giới sát Phóng sanh

Định Tuệ

7 câu hỏi tìm hiểu về pháp môn Tịnh độ thầy Thích Giác Khang

Định Tuệ

Nghe Chú Đại Bi có tác dụng gì? Ý nghĩa của Chú Đại Bi là gì?

Định Tuệ

Niệm Phật như thế nào?

Định Tuệ

Tụng Chú Dược Sư có tác dụng gì?

Định Tuệ

Như thế nào gọi là Vãng sanh?

Định Tuệ

Đọc Kinh nghe Pháp có ý nghĩa và lợi ích gì hay không?

Định Tuệ