Mục đích chính yếu và lợi ích cao quý nhất của pháp môn niệm Phật, đó là sau khi kết thúc đời sống hiện tại sẽ được vãng sanh về cõi Cực lạc.
1. Pháp môn niệm Phật là gì?
Pháp môn niệm Phật còn gọi là pháp môn Tịnh độ. Ý nghĩa niệm Phật là đem tâm thanh tịnh mà tưởng nhớ đến danh hiệu, công đức mầu nhiệm và thân tướng trang nghiêm của chư Phật. Niệm là nhớ nghĩ, buộc tâm vào một đối tượng Chánh pháp, không rong ruổi theo niệm trần, thường tỉnh thường giác hiện rõ trước mặt. Niệm Phật là quán tưởng thân tướng hay niệm danh hiệu Phật, danh này bao trùm các công đức, trí tuệ, từ bi… của các Đức Phật. Lấy danh hiệu làm đối tượng niệm, tâm thanh tịnh làm chủ thể niệm, thường trụ vào bản tánh bất sanh bất diệt ấy tất sẽ đạt đến cảnh giới an vui chân thật.
Hành giả an trụ vào câu Phật hiệu hay quán tưởng thân tướng trang nghiêm của Phật với tâm thanh tịnh sẽ tạo thành một năng lực mầu nhiệm, quét sạch mọi vọng tưởng điên đảo, khơi dậy tự tánh Di Đà bên trong mỗi chúng sanh. Từ đây vọng tưởng quyết dứt trừ, cảnh giới an vui thanh tịnh nhiệm mầu sẽ hiển lộ.
Kinh Quán Vô Lượng Thọ dạy: “Chư Phật Như Lai là thân pháp giới vào trong tâm tưởng chúng sanh, cho nên tâm các người nhớ nghĩ Phật thì tâm ấy là ba mươi hai tướng tốt, tám mươi vẻ đẹp, tâm ấy là Phật. Biển chánh biến tri của Phật từ nơi tâm tưởng mà sanh, vì thế các ông phải nhớ nghĩ và quán tưởng sâu sắc thân của Đức Phật kia”.
Lập trường căn bản của tông Tịnh Độ được kiến lập trên nền tảng nhân quả, tức có tạo nhân mới mong hưởng quả. Điều này xác quyết, nếu muốn về sau làm Thánh chúng nơi cảnh giới Cực Lạc thì ngày hôm nay hành giả phải có tư cách của bậc Thánh. Vì vậy, trong cuộc sống hiện tại, cần phải thường xuyên chuyển hóa ba nghiệp thân khẩu ý hướng đến thanh tịnh.
Ví như học trò đi học phải có sự tiến bộ theo thứ lớp, có như vậy mới mong có ngày thành tài đỗ đạt. Người niệm Phật cũng thế, nếu hôm nay cứ sống trong sự buông thả, không chịu nỗ lực tinh tấn tu hành, mà cứ van xin và tin rằng ngày mai Phật sẽ cứu độ; nếu tin như thế thì thật trái với lý nhân quả, chẳng khác nào luận thuyết của ngoại đạo và hoàn toàn không phù hợp với giáo lý nhà Phật.
Như vậy, người niệm Phật muốn vãng sanh Tịnh độ, ngoài năng lực hộ trì và tiếp dẫn của Phật, cần phải tự lực tu tập tức phải có chánh nhân Tịnh độ. Theo kinh Quán Vô Lượng Thọ, hành giả muốn được vãng sanh Tịnh độ phải hội đủ ba điều kiện: “Một là hiếu dưỡng cha mẹ, phụng thờ sư trưởng, giữ lòng từ không sát hại, tu tập mười nghiệp lành. Hai là thọ trì ba pháp quy y, đầy đủ các giới không phạm oai nghi. Ba là phát Bồ đề tâm, tin sâu lý nhân quả, đọc tụng kinh điển Đại thừa, khuyên người khác cùng tu”. Ba điều trên đây gọi là chánh nhân Tịnh độ, có thể tóm thâu vào hai vấn đề chính là phát Bồ đề tâm và nghiêm trì tịnh giới.
Việc đầu tiên của người niệm Phật là phát Bồ đề tâm. Thế nào là phát Bồ đề tâm? Tức phát tâm trên mong cầu quả vị Phật, dưới nguyện hóa độ các loài chúng sanh. Người tu Phật nếu không phát Bồ đề tâm dẫu có tinh tấn tu trì thực hành các hạnh lành cũng chỉ là nhọc công vô ích. Điều này trong kinh Hoa Nghiêm có dạy: “Quên mất tâm Bồ đề, dẫu tu các hạnh lành, cũng đều là nghiệp ma”. Vì vậy hành giả muốn được vãng sanh thì phải phát tâm Bồ đề, đây là điểm quan trọng không thể thiếu đối với người tu Phật nói chung và Tịnh độ nói riêng.
Thứ hai là nghiêm trì tịnh giới, tức mỗi người tu tùy theo giới luật bản thân đã thọ mà hành trì. Bất kỳ tông phái nào trong đạo Phật cũng không thể ly khai giới luật vì giới là nền tảng nhập đạo, là thọ mạng của Phật pháp. Nếu không có giới thì định tuệ cũng không thể phát sanh. Giới định tuệ đã không phát sanh thì Pháp thân huệ mạng biết nương vào đâu để thành tựu?
Có thể nói Luật tông và Tịnh Độ tông là hai tông phái hỗ tương và bao trùm và không thể tách rời nhau. Hai tông này tóm thâu toàn bộ tám tông khác của Đại thừa, như Đại sư Thái Hư nói: “Luật là nền tảng của tam thừa, Tịnh Độ là mái che chung tam thừa”. Hành giả nghiêm trì giới luật, từ đó câu niệm Phật mới hiển lộ hết công năng mầu nhiệm, như trong kinh Quán Vô Lượng Thọ có dạy: “Một câu niệm Phật có thể tiêu trừ tám mươi vạn ức kiếp sanh tử trọng tội”.
Trên nền tảng của việc phát Bồ đề tâm và nghiêm trì tịnh giới, hành giả phát tâm khát ngưỡng cầu sanh Tịnh độ. Tâm cầu sanh Tịnh độ này phải hội đủ ba đức tính quyết định là tín thâm, nguyện thiết và hạnh chuyên.
Tín là đức tin, là cánh cửa quan trọng để vào đạo, là cội nguồn của mọi công đức. Người tu Phật thiếu đức tin sẽ không thoát ly sanh tử, đạt kết quả an vui giải thoát. Bởi tất cả công đức vô lậu đều nương nơi tín mà lập và do tín mà thành. Hành giả niệm Phật ngoài đức tin trong sạch tuyệt đối với Tam bảo, với sự tìm hiểu bằng kiến chiếu của trí tuệ Bát nhã sáng suốt kiên định không ngờ vực, gia thêm lòng tin kiên cố vào pháp môn niệm Phật. Đức tin này được dựng lập trên ba điểm.
Thứ nhất hành giả tin tưởng Đức Phật Thích Ca là bậc đã thân chứng cảnh giới Tịnh độ, những lời dạy của Ngài về cảnh giới Cực Lạc và khuyên chúng sanh phát nguyện cầu sanh Tây phương là có thật. Hai là tin Đức Phật A Di Đà với bốn mươi tám đại nguyện tiếp độ chúng sanh, nếu ai có tâm mong về thế giới của Ngài thì người ấy sẽ được Phật tiếp độ. Ba là tin vào tự tánh thanh tịnh, vào khả năng giác ngộ sẵn có của mình, nếu hiện đời phát tâm niệm Phật thì mai hậu quyết định sẽ được vãng sanh Tịnh độ.
Trên cơ sở của tín, hành giả cầu sanh Tịnh độ cần phải có đủ yếu tố thứ hai là khẩn thiết phát nguyện. Trong Phát Bồ đề tâm văn của Đại sư Tĩnh Am có dạy: “Cửa chính yếu vào đạo là lấy sự phát tâm làm trước, việc cấp thiết tu hành lấy sự lập nguyện làm đầu, nguyện có lập thì chúng sanh mới độ, tâm có phát thì Phật đạo mới thành”, lời dạy ấy của Tổ sư đã cho chúng ta thấy được tầm quan trọng của sự phát nguyện đối với việc tu hành.
Tâm nguyện cầu sanh Tây phương theo Thiên Thai Trí Giả đại sư gồm hai điều là yểm ly và hân nguyện. Tâm yểm ly là tâm chán lìa. Hành giả phải luôn quán niệm sắc thân này vốn là hư vọng, chỉ là tổ hợp của năm uẩn chứa đựng khổ đau và bất tịnh. Phiền não cuộc đời luôn cấu xé tâm can, như những mũi tên độc đâm vào da thịt. Nhờ thường xuyên quán sát như thế, hành giả sẽ sanh tâm nhàm chán, đối với thân xác và mọi thú vui dục lạc ở đời sẽ không sanh tâm đắm nhiễm. Tâm chán bỏ thế giới Ta Bà càng lớn thì chí nguyện cầu sanh càng mạnh. Người niệm Phật trước sau chỉ có một ước nguyện duy nhất là mong cầu sớm thoát khỏi lao tù Ta Bà hiện tại, nguyện thác sanh về Cực Lạc ngày mai chính là hân nguyện. Tâm tha thiết cầu sanh đó chẳng khác nào như kẻ tha phương trông ngóng cố hương, người xa cha mẹ mong ngày đoàn tụ, như trong Di Đà sớ sao có dạy: “Trông về Cực lạc như nhớ cố hương, ngưỡng mến Đức Từ Tôn như cha mẹ”.
Tín nguyện đã đầy đủ nhưng thiếu phần hạnh, người tu Tịnh độ cũng khó thành tựu, vì vậy cần phải chú trọng vấn đề hành trì. Đại sư Ngẫu Ích từng dạy: “Được vãng sanh đều do ở tín và nguyện; phẩm vị cao hay thấp là bởi ở chỗ hành trì có cạn hoặc sâu”. Ngoài việc tu tạo phước đức, trí tuệ và giữ gìn giới luật làm trợ hạnh vãng sanh, hành giả phải thực hành chánh hạnh. Chánh hạnh ở đây là phát tâm thanh tịnh thường trì Thánh hiệu Phật. Theo pháp môn Tịnh độ thì việc niệm Phật bao gồm bốn môn then chốt là Thật tướng niệm Phật, Quán tưởng niệm Phật, Quán tượng niệm Phật và Trì danh niệm Phật.
Thật tướng niệm Phật là thể nhập vào Đệ nhất nghĩa đế, niệm tánh Phật bản lai của mình. Bản thể xưa nay vốn thanh tịnh vắng lặng, không bị phiền não cấu nhiễm. Hành giả trụ tâm vào tánh Phật bản lai đó, khiến tâm không vọng động, không chạy theo niệm trần, tâm lần hồi trong sáng thể nhập vào cảnh giới nhất tâm.
Quán tưởng niệm Phật là hành giả quán tưởng chánh báo và y báo trang nghiêm của Đức Phật A Di Đà và thế giới Cực Lạc, cho đến khi mở mắt hay nhắm mắt cũng đều thấy cảnh giới Cực Lạc rõ ràng.
Quán tượng niệm Phật là người tu luôn nhiếp tâm vào hình tượng của Phật A Di Đà, cho đến khi có đối trước hay không đối trước tôn tượng Ngài, hình tướng oai nghiêm của Phật A Di Đà vẫn hiện ra trước mắt.
Sau cùng là Trì danh niệm Phật, đó là niệm thầm hay niệm ra tiếng bốn chữ A Di Đà Phật hay sáu chữ Nam mô A Di Đà Phật. Hành giả niệm Phật với tâm tha thiết chí thành không xen lẫn tạp niệm, chỉ chú tâm vào danh hiệu Phật, lần hồi sẽ đi vào cảnh giới nhất tâm. So với ba môn trước thì pháp Trì danh niệm Phật có phần giản dị dễ tu và dễ thành tựu. Đây quả thật là phương tiện thù thắng trong các phương tiện, là đường tắt tu hành trong mọi đường tắt.
Vấn đề quan trọng của pháp niệm Phật là trong khi niệm phải giữ tâm thanh tịnh, bởi tâm thanh tịnh là nhân tố quyết định cho việc thành tựu cảnh giới nhất tâm. Muốn đạt được điều này, theo Tổ sư Ấn Quang: “Khi hành giả đề khởi câu Phật hiệu, tai phải nghe rõ ràng từng chữ, tâm phải trụ vào câu Phật hiệu, không chạy theo vọng trần và nhiếp tâm liên tục, hành giả sẽ tiến sâu vào cảnh giới chánh định”. Chánh định hay nhất tâm sẽ làm cơ sở cho tuệ giác bùng phát, theo Đại sư Liễu Nhất: “Khi tâm chuyên chú vào câu Phật hiệu, quên cả thân tâm ngoại cảnh, tuyệt cả không gian thời gian, đến lúc vọng hoặc tiêu tan, tâm thể bừng sáng, hành giả có thể chứng được niệm Phật tam muội”.
Qua những điểm khái quát về ba yếu tố tín, nguyện, hạnh của pháp môn niệm Phật, chúng ta thấy pháp môn này có phần đơn giản, dễ thực hành mà kết quả lại cao tuyệt. Pháp môn này là thuyền từ ra khỏi Ta bà, là cửa mầu để vào Phật đạo (Xuất Ta bà chi bảo phiệt, thành Phật đạo chi huyền môn). Sự dễ tu dễ chứng so với các pháp môn khác được các bậc cổ đức đánh giá: “Tu các pháp môn khác, như con kiến bò dọc theo ống tre, hành trì môn Tịnh độ như con kiến đục thủng ống tre ra ngoài”.
Vì tính cách khế lý khế cơ ấy mà từ trước đến nay không biết bao nhiêu người niệm Phật được kết quả vãng sanh. Sự mầu nhiệm đó trong Tịnh độ thánh hiền lục đã ghi lại rõ ràng. Pháp môn này lại bao quát trên từ các bậc Đẳng giác Bồ tát, các bậc đại đức cao tăng, dưới cho đến những kẻ cùng hung cực ác, thậm chí đến những loài súc sanh cũng nhờ trì niệm danh hiệu Phật A Di Đà mà được thoát ly thân cầm thú, sanh về cảnh giới Tịnh độ.
2. Lợi ích của pháp môn niệm Phật
Trong nhiều pháp môn tu thì đây có thể nói là một pháp môn dễ hành trì và hành giả có thể cảm nhận được sự lợi ích từ pháp tu của mình ngay trong hiện tại cũng như trong tương lai. Trong kinh Niệm Phật Ba-la-mật, Bồ tát Quán Thế Âm đã xác quyết rằng: “Pháp Niệm Phật tam muội là pháp thành Phật, là pháp chứng Vô thượng giác, là pháp thâm nhập cảnh giới bất tư nghì của chư Phật, là pháp mở bày tỏ ngộ tri kiến Như Lai, là pháp cứu độ tất cả mọi chúng sanh, là pháp siêu việt trên hết thảy hý luận cùng thiên kiến của nhị thừa”.
Trong xã hội hiện tại, theo như trong kinh điển gọi là thời mạt pháp, có rất nhiều chướng duyên, con người phần nhiều thường hay giãi đãi, hay thối thất chí nguyện hướng thiện và hướng thượng của mình, cho nên có thể nói rằng tu tập pháp môn Niệm Phật là phù hợp hơn cả. Như Thiền sư Thiên Như đã dạy: “Ðời mạt pháp về sau, các kinh sách đều bị tiêu mất hết, chỉ còn lưu lại bốn chữ A Di Ðà Phật để cứu độ chúng sinh mà thôi”. Qua đó cho chúng ta thấy pháp môn Niệm Phật có vai trò quan trọng và có sức ảnh hưởng sâu rộng đến mức nào. Sở dĩ pháp môn Niệm Phật có được sức ảnh hưởng lớn như vậy là vì nó đem lại nhiều lợi ích cho hành giả ngay trong giờ phút hiện tại và cả trong tương lai.
Trước hết, người niệm Phật sẽ có được sự an lạc, hạnh phúc ngay trong giờ phút hiện tại. Ngay trong lúc chúng ta chuyên tâm trì niệm Hồng danh Đức Phật Di Đà, tâm không còn chạy theo những ý niệm bất thiện, những tư tưởng loạn động, không còn bị những tâm niệm tham lam, sân hận và si mê quấy nhiễu. Tâm của chúng ta ví như một căn phòng, và trì niệm Hồng danh Đức Phật là thắp lên trong căn phòng tâm thức của chúng ta một ngọn đèn, khi ánh đèn sáng tỏ đã được thắp lên thì bóng tối trong gian phòng ấy sẽ tự nhiên bị đẩy lùi, bị tiêu mất. Hơn nữa, khi ta niệm Phật thì tâm trí không còn nhớ nghĩ đến những điều xấu xa, miệng và thân không tạo ra nghiệp ác. Một giờ niệm Phật, là một giờ không tạo nghiệp bất thiện; một ngày chuyên niệm Phật, thì trong ngày đó chúng ta tránh được các nghiệp ác. Không tạo các nghiệp ác cũng đồng nghĩa là tâm không bị giày vò bởi những lo âu, phiền muộn, do vậy mà chúng ta cảm thấy hạnh phúc, an vui.
Hơn nữa, khi lòng của chúng ta được an tĩnh thì tâm trí thường sáng suốt, minh mẫn. Nhờ vậy mà chúng ta phát huy được khả năng sáng tạo của mình đồng thời có thể đưa ra được những giải pháp đúng đắn, phù hợp để giải quyết những vấn đề khó khăn trong đời thường cũng như trong công việc. Vả lại, khi tu tập pháp môn Niệm Phật, chúng ta tưởng nhớ đến Đức Phật, đến những công hạnh của Ngài, quán chiếu về những phẩm tính cao quý của Ngài, những thứ đó sẽ dần dần thẩm thấu vào trong tâm thức, từ từ chuyển hóa những ý nghĩ, hành động và lời nói của chúng ta theo chiều hướng thiện lành. Nhờ vậy mà thân tâm được thanh lọc dần dần, và những phẩm hạnh cao quý được trưởng dưỡng ở trong ta. Hay nói cách khác, tu tập pháp môn Niệm Phật sẽ giúp chúng ta hoàn thiện bản thân mình, xây dựng cho mình một nhân cách đạo đức tốt, có được một cuộc sống hiền lương, thánh thiện.
Bên cạnh đó, tu tập pháp môn Niệm Phật sẽ làm vơi đi tâm sầu muộn. Trong những lúc buồn phiền, đau khổ, trong khi gặp nghịch cảnh như: lúc tử biệt sinh ly, lúc con cái hư hỏng, nhà cửa tiêu tan, kinh tế suy thoái, vợ chồng bất hòa, bạn bè phụ bạc, v.v… nếu chúng ta niệm Phật thì những điều buồn phiền, đau khổ ấy sẽ dần dần vơi đi. Vì khi niệm Phật, chúng ta không còn nhớ nghĩ đến những điều đau buồn ấy nữa. Hơn nữa, khi niệm Phật như thế, chúng ta tưởng nhớ đến đức hạnh của Ngài, những giáo lý Ngài đã dạy như là Vô thường, Tứ đế, Nhân quả,… thì sẽ có một cách nhìn nhận mới đối với những khổ đau, phiền muộn của chúng ta. Nhờ vậy mà ta không còn bị chi phối nhiều bởi những khổ đau, phiền muộn ấy nữa.
Không những thế, niệm Phật còn là một phương pháp an tâm rất hiệu quả. Những lúc bị lo âu, hồi hộp và bất an, để trấn an bản thân thì chúng ta nên niệm Phật, đưa tâm của mình về với câu Phật hiệu, nhờ vào sự nhất tâm trì niệm của bản thân cộng với sự gia trì của chư Phật, chúng ta dễ dàng tìm lại được sự an tĩnh. Đây là một điều lợi ích rất thiết thực của pháp môn Niệm Phật. Dù là ai đi nữa, nếu biết dùng câu Phật hiệu để tìm lại sự an tĩnh của tâm hồn thì đều dễ dàng đạt được kết quả như ý muốn. Cũng chính vì lợi ích này mà đôi khi có những em nhỏ đã đến với đạo Phật, biết đến câu Phật hiệu một cách rất dễ thương, rất hồn nhiên. Các em nhỏ thường hay sợ ma, nhất là đi vào những đoạn đường tối tăm một mình vào ban đêm. Thế nhưng vì hoàn cảnh, vì công việc mà buộc các em phải đi qua con đường đó chứ không còn con đường nào khác. Trong trường hợp như thế, có những ông bà, cha mẹ đã chỉ dạy các em niệm Phật. Họ bảo rằng, những lúc sợ ma, những lúc cảm thấy lo âu thì con nên niệm Phật, Đức Phật sẽ che chở cho con, gia hộ cho con thoát khỏi mọi hiểm nguy. Hoặc là lúc các em đi thi, các em cũng thường bị hồi hộp, bất an, để giúp con mình giữ được bình tĩnh, có những bậc phụ huynh đã dạy cho các em niệm Phật để lấy lại bình tĩnh, để được chư Phật gia hộ. Với niềm tin rất mộc mạc, dễ thương như thế, các em đó đã niệm Phật, để tìm lại sự an ổn cho tâm hồn. Như vậy, câu Phật hiệu đã trở thành một phương tiện hữu hiệu dẫn dắt các em vào đạo, hướng các em đến với con đường chân thiện mỹ.
Cùng với những ích lợi trên, tu tập pháp môn Tịnh độ còn giúp cho hành giả có được sự bình tĩnh trước những chướng duyên trong cuộc sống, và nhất là có được sự an định trong giờ phút lâm chung. Cận tử nghiệp đóng vai trò rất quan trọng trong sự tái sinh, sau khi kết thúc sinh mạng trong hiện tại. Người thiếu tu tập thì tâm thường rất hoảng loạn trong giờ hấp hối, khi đối mặt với tử thần, vì họ không biết mình sẽ đi đâu, về đâu, họ không nỡ dứt bỏ trần duyên, không đành từ bỏ những người thân yêu của mình, lại bị sự đau đớn, dày vò của thể xác nữa. Sự hoảng loạn và bám víu ấy sẽ khiến cho họ phải bị thác sinh vào những cảnh giới không mấy tốt đẹp. Nếu là người đã từng chuyên tâm tu tập pháp môn Niệm Phật, đã từng niệm Phật với niềm tin sâu sắc, với tâm nguyện chí thành, và với sự thực tập chuyên nhất thì trong giờ hấp hối lòng họ không hề nao núng, không chút hoảng loạn, vì họ hiểu rõ tính giả tạm của cuộc sống và tin chắc rằng họ sẽ được Đức Phật Di Đà phóng quang tiếp dẫn về thế giới Cực lạc.
Câu Phật hiệu còn là điểm tựa tinh thần vững chắc nhất cho những người có niềm tin vào Tam bảo, niềm tin vào tha lực gia hộ và che chở của Đức Phật A Di Đà khi họ rơi vào hoàn cảnh tuyệt vọng, không còn biết trông cậy, tin tưởng vào ai, không còn làm chủ được tình huống khi lực bất tòng tâm. Chẳng hạn như khi người thân của mình đang lâm trọng bệnh, chưa biết sống chết thế nào, khi họ phải đối mặt với tử thần. Trong những lúc ấy thì câu Phật hiệu là một liều thuốc vô giá đối với họ. Đặc biệt vào những lúc như thế thì mọi người thường niệm Phật vô cùng tha thiết và chí thành. Chính vì vậy mà chẳng những bản thân người niệm Phật được an tâm mà người thân của họ cũng được Phật lực gia hộ.
Còn có một điều lợi ích nữa của sự tu tập pháp môn Niệm Phật, đây cũng là mục đích chính yếu và lợi ích cao quý nhất của pháp môn này, đó là người tu pháp môn Niệm Phật đúng cách sau khi kết thúc đời sống hiện tại sẽ được vãng sanh về cõi Cực lạc. Vãng sanh Cực lạc thì chúng ta không còn phiền não, không bị bệnh tật, già yếu, lại còn được hưởng những niềm phúc lạc vô biên, và còn có điều kiện tốt, môi trường và hoàn cảnh tốt, bạn tốt để tu hành, chứng đạt quả vị giải thoát, giác ngộ, để rồi từ đó có đủ năng lực giáo hóa chúng sanh trong khắp mười phương.
Pháp môn Niệm Phật có những lợi ích thiết thực và cao đẹp như thế, cho nên Đại sư Ưu Đàm đã viết bài thơ để khuyến tấn mọi người rằng:
Đống xương sanh tử dường non cả,
Giọt lệ chia ly nước biển đầy!
Thế giới ngày kia rồi cũng hoại,
Đời người khoảnh khắc chớ mê say.
Cái thân nam nữ ngàn phen đổi,
Mà kiếp sừng lông vạn lúc thay.
Muốn khỏi luân hồi nhiều khổ hận,
Phải tu Tịnh độ gấp khi này.
Tâm Hướng Phật/Th!