Trạo cử hối quá là gì? Trạo cử có hai mặt, trạo cử nơi Thân và trạo cử nơi Tâm. Hối quá là trạng thái đặc biệt khác của trạo cử thuộc về Tâm.
Trạo cử có hai mặt, trạo cử nơi Thân và trạo cử nơi Tâm. Thân thì không lúc nào ngồi yên một chỗ, cứ lắc lư thay đổi thế ngồi, mắt liếc nhìn qua lại. Hoặc do sự tinh tấn hành trì quá sức chịu đựng khiến cho cơ thể bị rả rời hay đau nhức, dễ đưa đến tình trạng chán nản lười biếng trong việc tu tập.
Trạo cử của Tâm là trạng thái Tâm bị các niệm lăng xăng xẹt vô, xẹt ra, chi phối trong lúc hành Thiền. Tâm này trong kinh gọi là “tâm lang thang” hết suy nghĩ chuyện này sang suy nghĩ chuyện khác như chú khỉ chuyền cành không bao giờ chịu ngồi yên, hoặc là không hài lòng với đề mục tu tập nên phóng tâm ra ngoài tìm những đề mục khác hứa hẹn tốt hơn. Tìm những đề mục khác có nghĩa là hành giả đang bị sự nghi ngờ chi phối.
Hối quá là trạng thái đặc biệt khác của trạo cử thuộc về Tâm. Tâm không yên là bởi lương tâm cắn rứt hối hận những lầm lỗi đã qua. Đó là nghiệp quả của các hành động bất thiện trong quá khứ khiến cho Tâm không được an ổn trong lúc hành Thiền.
Trong Tương Ưng Kinh (Samyutta Nikaya) Đức Phật đưa ra một hình ảnh để minh họa cho trạo cử và hối hận như sau:
Nếu có một bình nước, bị gió quấy động, lao xao, đung đưa và tạo ra các gợn sóng, một người với thị lực bình thường, nhìn vào bình nước, không thể nhận ra và thấy đúng được hình ảnh của khuôn mặt mình. Cũng thế, khi tâm bị ám ảnh bởi trạo cử và hối hận, bị áp đảo bởi trạo cử và hối hận, người ta không thể nào thấy đúng được lối thoát khỏi trạo cử và hối hận đã khởi lên ấy; và như vậy họ cũng không thể hiểu đúng và thấy đúng được sự lợi ích của bản thân, lợi ích của người khác, và lợi ích của cả hai; những pháp họ đã thuộc lòng trước đây còn không đi vào tâm (không còn nhớ được) nói gì đến những pháp không thuộc.
Trong Eka-Nipāta của Tăng Chi Kinh (Anguttara Nikaya) Đức Phật nói:
Này các Tỳ-kheo, Ta không biết một pháp nào khác có sức mạnh như vậy khiến cho trạo cử và hối hận chưa sanh, sanh khởi, hoặc, nếu đã sanh, khiến cho mạnh mẽ và tăng trưởng, như sự bất an của tâm.
Nơi người nào nội tâm phiền não thời trạo cử và hối hận, nếu chưa sanh, sẽ sanh khởi, hoặc, nếu đã sanh, có thể mạnh mẽ và tăng trưởng.‘
Này các Tỳ-kheo, Ta không biết một pháp nào khác có sức mạnh ngăn cản trạo cử hối hận chưa sanh, không cho sanh khởi, hoặc nếu đã sanh khiến cho được đoạn trừ, như sự an tịnh của tâm.
Nơi người nào tâm được an tịnh trạo cử hối hận chưa sanh, không sanh, hoặc nếu đã sanh, được đoạn trừ.
Chú giải Kinh Đại Niệm Xứ (Mahasatipatthana Sutta) nói rằng có sáu pháp dẫn đến sự đoạn trừ của trạo cử và hối hận:
- Tri kiến;
- Đặt câu hỏi;
- Hiểu biết giới luật;
- Thân cận với những bậc niên trưởng và có nhiều kinh ngiệm hơn mình để thực hành những pháp như giới luật;
- Bạn lành;
- Nói chuyện thích hợp.
Giải thích những pháp này chú giải nói như sau: Trạo cử và hối hận biến mất nơi người nào học và ghi nhớ từng chi tiết một, hai, ba, bốn hay năm bộ Nikāya. Đây là cách vượt qua trạo cử và hối hận bằng tri kiến.
Đặt câu hỏi có nghĩa là: hỏi nhiều về những điều thích hợp và không thích hợp, theo sự thực hành của Tăng Đoàn. Nơi người nào thường hỏi như vậy trạo cử và hối hận cũng sẽ biến mất.
Kế đến hai ác pháp (trạo cử và hối hận) này biến mất nơi người nào tinh thông Luật (Vinaya) do áp dụng thực tiễn và am hiểu tính chất Giới Luật của Tăng Đoàn. Đây là cách vượt qua trạo cử và hối hận bằng sự hiểu biết Giới Luật.
Thân cận với những bậc niên trưởng và có nhiều kinh nghiệm hơn mình …; tức là đi đến tham kiến và đàm luận với các bậc trưởng lão giới đức trong Tăng Đoàn. Nhờ những cuộc viếng thăm như vậy trạo cử và hối hận sẽ biến mất.
Bạn lành: thân cận với các bậc thông thạo về Luật giống như Tôn-giả Ưubali (Upāli), tinh thông giới luật đệ nhất trong Tăng Đoàn của Đức Phật. Bằng sự thân cận này trạo cử và hối hận sẽ biến mất.
Nói chuyện thích hợp trong trường hợp này đặc biệt muốn nói đến những vấn đề thực hành giới luật nhờ đó hành giả đi đến chỗ hiểu biết được điều gì thích hợp và điều gì là không thích hợp để làm. Bằng cách này trạo cử và hối hận sẽ biến mất.
Do đó, luận mới nói sáu pháp này dẫn đến sự đoạn trừ của trạo cử và hối hận, song cần hiểu rằng trạo cử bị trục xuất bằng sáu pháp này cuối cùng chỉ không sanh khởi trong tương lai nhờ chứng Alahán Thánh Đạo, và hối hận trục xuất bởi sáu pháp này cuối cùng chỉ chấm dứt không còn sanh khởi trong tương lai nhờ chứng Bất Lai Thánh Đạo mà thôi.
Trạo cử là một vấn đề lớn đối với nhiều hành giả, đặc biệt những người từ các đô thị hay thành phố lớn tới. Tâm của họ thực sự lan man và không thể tập trung thậm chí trong một hoặc hai phút được. Đây là do thói quen của họ, tâm họ chẳng khác nào một con khỉ, hết nhảy sang bên này lại nhảy sang bên kia. Tuy nhiên, dù họ cứ suy nghĩ và suy nghĩ hoài như thế trong cả một trăm năm thì họ cũng sẽ không tiến bộ. Như vậy, nếu họ thực sự muốn có sự tiến bộ trong việc hành thiền họ phải chế ngự và lắng tâm của họ xuống. Không có cách nào khác cả. Họ phải để qua một bên mọi ý nghĩ miên man dù là lớn hay nhỏ, và chỉ làm độc một việc: tập trung trên đề mục thiền của mình.
Trong Meghiya Sutta Đức Phật nói rằng một vị Tỳ-kheo nên tu tập niệm hơi thở để cắt đứt những tư duy lan man. Niệm hơi thở cắt đứt những tư duy lan man như thế nào? Tôi sẽ đưa ra đây một ví dụ để minh hoạ cho quý vị biết.
Giả sử có một con trâu hoang bị một người huấn luyện trâu bắt. Khi người huấn luyện trâu muốn thuần hoá con trâu này, ông sẽ đóng một cây cọc chắc chắn và dùng một sợi dây bền chắc để cột con trâu vào cái cọc đó. Thoạt tiên con trâu sẽ rất là bất kham và nhảy hết bên này sang bên kia. Tuy nhiên, do bị cột chặt vào cây cọc bằng một sợi dây bền chắc nó không thể nào chạy thoát được. Nó chỉ có thể xoay vòng vòng quanh cây cọc. Sau một thời gian, do mệt và biết rằng có cố gắng chạy thoát cũng vô ích, nó sẽ lặng yên nằm xuống bên cây cọc. Và như vậy nó đã được thuần hoá.
Ở đây con trâu hoang giống như cái tâm bất an, không tu tập. Cây cọc giống như hơi thở vô và hơi thở ra. Và sợi dây bền chắc cũng như chánh niệm. Mặc dù tâm lúc đầu bất kham, nhưng sau một thời gian nó sẽ ổn định trên hơi thở nếu nó bị cột chặt liên tục vào hơi thở bằng chánh niệm.
Như vậy, nếu tâm hành giả có bản chất bất an thì nên thực hành niệm hơi thở một cách liên tục trong mọi oai nghi. Nếu quý vị thực hành như vậy với lòng kính trọng lớn đối với Pháp (Dhamma), không bao lâu tâm của quý vị chắc chắn sẽ trở nên yên lắng và tập trung. Đây không chỉ là nói suông. Từ kinh nghiệm giảng dạy của tôi, rất nhiều hành giả, từng có lần không thể nào dừng lại được cái dòng suy nghĩ bất trị của mình, đã thành công trong việc đắc thiền (Jhāna—bậc thiền) nhờ thực hành niệm hơi thở. Và quý vị nên có niềm tin nơi chính bản thân mình rằng quý vị cũng có thể làm được như vậy nữa.
Tâm Hướng Phật/TH!