Tâm Hướng Phật
Kinh Tạng Bắc Truyền

Kinh Ánh Sáng Hoàng Kim PDF – HT Thích Trí Quang dịch

Kinh Ánh Sáng Hoàng Kim hay Kim Quang Minh Tối Thắng Vương kinh do HT Trí Quang dịch, dưới đây là nội dung kinh để quý vị tụng đọc.

Kinh Ánh Sáng Hoàng Kim (Kinh Kim Quang Minh) là một kinh điển Phật giáo của phái Bắc Tông. Kinh Ánh Sáng Hoàng Kim là bộ kinh phổ biến và được mệnh danh là bản kinh Hộ Quốc ở các nước Phật giáo theo truyền thống Đại Thừa như Trung Hoa, Triều Tiên, Việt Nam và đặc biệt là Nhật Bản.

Giới thiệu về Kinh Ánh Sáng Hoàng Kim

Toàn bộ Phật giáo, bất kể nguyên thỉ, bộ phái hay đại thừa, đều rất trọng cái thân loài người. Nói tu theo Phật giáo là nói do cái thân người và do ý thức nơi thân ấy. Kinh này, trước hết, cũng là như vậy.

Không cần lặp lại, Phật tử thì ai cũng biết thân người dễ tu chứng, nhân loại là nơi Phật thị hiện thân Phật. Vì ở đây không quá khổ quá sướng, ở đây tư duy và hành động sắc bén, quả cảm. Nhưng kinh này còn nói rõ chính nơi cái thân ngũ uẩn mà phát hiện pháp thân và thực hiện pháp thân ấy.

Rõ ràng hơn nữa, kinh này nói “thân này thì bản thân, yếu tố, đối cảnh, đối tượng, kết quả, tất cả toàn là dựa vào chân như, và nó thật khó mà nghĩ bàn. Thân này là cỗ xe vĩ đại, là thể tánh Như lai, là bào thai Như lai” (phẩm 3). Câu đầu đoạn văn này phải giải thích. Bản thân thì thân này là thắng thân (cái thân đặc thù, hơn hết), làm cái dụng cụ chứa đựng Phật pháp. Yếu tố là thắng thiện (điều thiện đặc thù, hơn hết) đời trước làm nhân tố có ra thân này. Đối cảnh là trí tuệ và phước đức mà thân này vin lấy. Đối tượng là đối tượng tối thượng và tối hậu mà thân này nhắm đến, hoạt động theo, đó là đại bồ đề. Kết quả là sự đại giải thoát hội nhập chân như. Bản thân là dị thục quả, yếu tố là tăng thượng quả, đối cảnh là đẳng lưu quả, đối tượng là sĩ dụng quả, kết quả là ly hệ quả. Trọn vẹn kinh này, hay bất cứ kinh nào, nằm gọn như vậy trong cái thân này.

Dựa vào thân ấy mà kinh này nói về diệu pháp sám hối. Sám hối là chủ đề của kinh này. Sám hối là vì một, bản thể là bất diệt và hai, ác nghiệp vốn Không.

Bản thể bất diệt nghĩa là bản thể không sinh diệt, vốn và vẫn trong sáng. Bản thể ấy là chân như. Do vậy mà phải sám hối và có thể sám hối được. Tựa như trăng vốn và vẫn sáng, nên mây mù phải được, và có thể được, xua tan đi.

Bản thể ấy thực hiện là Phật. Nên Phật thì bất diệt, thọ lượng bất tận. Niết bàn chỉ là sự thị hiện vì cần phải thị hiện như vậy. Nhưng Phật bất diệt không phải chỉ là pháp thân bất diệt. Có 2 trường hợp nữa. Một, cái nhân thọ lượng bất diệt (bất sát và dữ thực) Phật rất viên mãn, nên báo thân của Phật là bất diệt. Phật thường ở Linh sơn, kinh Pháp hoa và kinh này đều nói minh bạch như vậy. Hai, Phật ở ngay cạnh ta. Ta không thấy được vì cái thấy của ta thấy sống thấy chết. Cái thấy ấy không thể thấy được cái không sống chết là Phật. Phật là thực tướng hiện tiền. Ác nghiệp diệt trừ thì đương xứ tiện thị, bản lai như thị.

“Thiện nam tử, tất cả các pháp sinh từ yếu tố tương quan; Như lai đã nói sự thể này sinh thì sự thể khác diệt, vì yếu tố khác biệt với nhau, nên sám hối sinh thì nghiệp chướng diệt. Do vậy, ác pháp đã có thì diệt trừ vì sự sám hối, nên nghiệp chướng không còn sót lại; thiện pháp chưa sinh thì phát sinh vì sự sám hối, nên nghiệp chướng không thể sinh nữa. Lý do là vì, thiện nam tử, tất cả các pháp toàn là Không; Như lai đã nói không ngã nhân chúng sinh thọ giả, không sinh không diệt, không cả hành pháp sám hối. Thiện nam tử, tất cả các pháp toàn dựa vào căn bản chân như, nên cũng không thể diễn tả — vì căn bản chân như thì siêu việt tất cả trạng thái sinh diệt. Thiện nam hay thiện nữ nào hội nhập diệu lý như vậy mà kính tin, thì thế là không chúng sinh mà có căn bản — Chính vì ý nghĩa này mà nói đến sự sám hối, diệt trừ nghiệp chướng” (phẩm 5). Chưa kinh luận nào có văn ý đơn giản mà rõ ràng như đoạn văn này, nói về sự sám hối, về Không trong sự sám hối. Cái Không ấy vừa là siêu việt, vừa là biện chứng, lại vừa là tích cực. Cái Không tích cực là “vì Không mà các pháp được thành tựu”, nên kinh này nói 10 địa độ, nói “mãn nguyện vì Không”.” HT Thích Trí Quang!”

 

Nghi thức sám hối đơn giản trước khi tụng kinh

Một

Nếu không phải ăn chay trường thì nên chọn ngày ăn chay. Phải đánh răng, súc miệng, tắm rửa, thay đồ sạch. Chưng hoa quả nếu có, thắp hương đèn. Rồi đứng nghiêm chỉnh, chắp tay, lắng lòng trong nửa phút, đọc chú tịnh pháp giới Án lam sa ha 7 lần, chú tịnh tam nghiệp Án sa phạ bà phạ, thuật đà sa phạ, đạt ma sa phạ, bà phạ thuật độ hám cũng 7 lần, rồi quì xuống, đọc lời cúng hương:

Nguyện hương vân này
khắp cả pháp giới,
hiến cúng chư Phật
hiến cúng Phật pháp
hiến cúng Bồ tát
Độc giác Thanh văn,
duyên khởi ánh sáng
thi thố việc Phật:
xông cho chúng sinh
phát tâm bồ đề,
viễn ly vọng nghiệp
viên thành Phật đạo.

Xá 1 xá rồi tác bạch lời cầu nguyện: Hôm nay con tên XX, pháp danh XX, nguyện vì bản thân, vì thân nhân, vì mọi người, vì chúng sinh, mà trì tụng kinh Ánh sáng hoàng kim. Trước khi trì tụng, con xin sám hối y như kinh dạy. Chú ý: vì thân nhân và vì mọi người là nói chung. Khi vì ai đích thị thì phải nói tên ra.

Hai

Trước hết kính lạy Tam bảo: Nhất tâm đảnh lễ giáo chủ kinh Ánh sáng hoàng kim là đức Bổn sư Thích ca mâu ni thế tôn, cùng với hết thảy Phật bảo (1 lạy). Nhất tâm đảnh lễ kinh Ánh sáng hoàng kim cùng với hết thảy Pháp bảo (1 lạy). Nhất tâm đảnh lễ liệt vị Bồ tát Độc giác Thanh văn trong pháp hội Ánh sáng hoàng kim, cùng với hết thảy Tăng bảo (1 lạy).

Rồi quì xuống đọc 3 lần lời sám hối sau đây: Kính lạy đức Thích ca mâu ni, bậc Như lai, Ứng cúng, Chánh biến tri, là đấng Thế tôn của con. Xin đức Thế tôn từ bi nhiếp thọ cho con, chứng minh cho con sám hối ác nghiệp. Vì hoặc chướng và vì báo chướng, con đã tạo ra bao nhiêu nghiệp chướng. Thân làm, miệng nói, ý nghĩ, toàn là phi chánh pháp. Ngày nay con xin sám hối tất cả, nguyện cắt đứt sự liên tục của ác nghiệp. Ngưỡng nguyện Thế tôn da trì cho con vượt qua mọi nghịch cảnh, thắng được mọi thói quen, chí hướng thượng không thoái lui, tâm tu hành không suy giảm, trừ sạch nghiệp chướng, thể hội pháp thân. Con lại xin thay cho cha mẹ thân nhân, thay cho đa sinh phụ mẫu, thay cho mọi người, thay cho chúng sinh, mà sám hối như vậy. Ngưỡng mong Thế tôn, bậc Như lai, Ứng cúng, Chánh biến tri, từ bi da trì cho sự sám hối của con được thành tựu.

Đứng dậy lạy Phật:

Kính lạy đức Thích ca mâu ni như lai,
Kính lạy đức Bất động như lai ở hướng đông,
Kính lạy đức Bảo tràng như lai ở hướng nam,
Kính lạy đức A di đà như lai ở hướng tây,
Kính lạy đức Thiên cổ âm như lai ở hướng bắc,
Kính lạy đức Quảng chúng đức như lai ở hướng trên,
Kính lạy đức Minh đức như lai ở hướng dưới,
Kính lạy đức Bảo tạng như lai,
Kính lạy đức Phổ quang như lai,
Kính lạy đức Phổ minh như lai,
Kính lạy đức Hương tích vương như lai,
Kính lạy đức Liên hoa thắng như lai,
Kính lạy đức Bình đẳng kiến như lai,
Kính lạy đức Bảo kế như lai,
Kính lạy đức Bảo thượng như lai,
Kính lạy đức Bảo quang như lai,
Kính lạy đức Vô cấu quang minh như lai,
Kính lạy đức Biện tài trang nghiêm tư duy như lai,
Kính lạy đức Tịnh nguyệt quang xưng tướng vương như lai,
Kính lạy đức Hoa nghiêm quang như lai,
Kính lạy đức Quang minh vương như lai,
Kính lạy đức Thiện quang vô cấu xưng vương như lai.
Kính lạy đức Quan sát vô úy tự tại vương như lai,
Kính lạy đức Vô úy danh xưng như lai,
Kính lạy đức Tối thắng vương như lai,
Kính lạy hết thảy các đức Như lai,
Kính lạy đức Quan tự tại đại bồ tát,
Kính lạy đức Địa tạng đại bồ tát,
Kính lạy đức Hư không tạng đại bồ tát,
Kính lạy đức Diệu cát tường đại bồ tát,
Kính lạy đức Kim cang thủ đại bồ tát
Kính lạy đức Phổ hiền đại bồ tát,
Kính lạy đức Vô tận ý đại bồ tát,
Kính lạy đức Đại thế chí đại bồ tát,
Kính lạy đức Từ thị đại bồ tát,
Kính lạy đức Thiện tuệ đại bồ tát,
Kính lạy tất cả các vị Bồ tát, Độc giác, Thanh văn.

Ba

Ngồi xuống tụng kinh Ánh sáng hoàng kinh. Tụng theo cuốn hay tụng theo phẩm. Mỗi lần tụng đều mở đầu bằng nghi thức này, cho đến hết bộ. Nếu muốn mỗi ngày tụng 1 lần, tụng thường xuyên, thì có thể chỉ tụng phẩm Diệt trừ nghiệp chướng (cuốn 3 phẩm 5). Khi tụng cũng mở đầu bằng nghi thức này. Bắt đầu tụng thì niệm 3 lần Nam mô Bổn sư Thích ca mâu ni thế tôn.

Bốn

Tụng kinh rồi trì minh chú Kim thắng: Nam mô, rát na, tra da da, tát da tha, kun tê, kun tê, ku sá tê, ku sá lê, ku sá lê, ích chi li, mi ti li, soa ha. Chú ý: tra da da, chữ tra đọc theo vần Pháp văn (tr-a). Trì minh chú này 7 lần, 21 lần, 49 lần, hay hơn nữa tùy ý.

Năm

Rồi hồi hướng: Nguyện đem công đức này, hướng về khắp tất cả, đệ tử và chúng sinh, đều trọn thành Phật đạo. Và tam tự qui: Tự qui y Phật, xin nguyện chúng sinh, thể theo đạo cả, phát lòng vô thượng. Tự qui y Pháp, xin nguyện chúng sinh, thâm nhập kinh tạng, trí tuệ như biển. Tự qui y Tăng, xin nguyện chúng sinh, thống lý đại chúng, hết thảy không ngại.

Mời quý bạn đọc tụng trọn bộ Kinh Ánh Sáng Hoàng Kim – Hòa Thượng Thích Trí Quang dịch tại file PDF dưới đây.

[pvfw-embed viewer_id=”3817″ width=”100%” height=”600″ iframe_title=”Tâm Hướng Phật” zoom=”auto” pagemode=”none”]

Bài viết cùng chuyên mục

Phật Thuyết Đương Lai Biến Kinh – Như Hòa dịch

Định Tuệ

Kinh Đại Phương Tiện Phật Báo Ân – Thích Chính Tiến PDF

Định Tuệ

Kinh Đại Thừa Đại Tập Địa Tạng Thập Luân PDF

Định Tuệ

Kinh Niệm Phật Ba La Mật PDF – HT Thích Thiền Tâm dịch

Định Tuệ

Kinh Phổ Môn hay Quán Thế Âm Bồ Tát Phổ Môn Phẩm PDF

Định Tuệ

Phật Thuyết Kinh cha mẹ ân trọng khó báo đáp

Định Tuệ

Kinh Đại Bi Tâm Đà Ra Ni PDF – Dịch giả Thích Thiền Tâm

Định Tuệ

Kinh Thiện Ác Nhân Quả PDF – HT Thích Trung Quán dịch

Định Tuệ

Kinh Phân Biệt Bố Thí – HT Thích Chánh Lạc dịch PDF

Định Tuệ

Viết Bình Luận