Tâm Hướng Phật
Kiến Thức

Công đức chép Kinh thật không thể nghĩ bàn

Nhờ chép kinh mà chuyển hóa được ba nghiệp, thân tâm trở nên an ổn, nhẹ nhàng. Đây cũng là cơ sở cho sự hình thành phước báu, công đức chép kinh.

1. Người mới bắt đầu chép kinh cần biết

Chép kinh là viết lại những lời dạy của Đức Phật Thích Ca đã được ghi chép trong kinh điển sang tập vở trắng. Nhờ việc chép kinh, Phật tử có cơ hội hiểu sâu hơn những lời Thế Tôn đã dạy. Từ đó, chúng ta sống và thực hành theo những lời dạy cao quý ấy.

Chép kinh có ý nghĩa gần giống với tụng kinh. Tuy nhiên khi tụng kinh, do thời gian đọc tụng nhanh chóng, chúng ta có thể lướt qua nhiều ý pháp mà chưa kịp thấu rõ. Trái lại khi chép kinh, Phật tử có thời gian nghiền ngẫm sâu sắc từng lời kinh.

Lễ bái, thuyết giảng, thọ trì, đọc tụng, biên chép kinh Phật đều là những phương pháp hành trì rất quý báu, vì có thể đem nhiều sự lợi ích lớn lao cho con người. Ngày nay, kinh điển Phật giáo đã có nhiều bản dịch ra tiếng Việt, rất dễ dàng cho Phật tử biên chép.

2. Công đức chép Kinh không thể nghĩ bàn

Thời xưa, khi các phương tiện ấn loát còn thô sơ thì chép kinh thành nhiều phiên bản để tụng đọc là hình thức phổ biến. Ngày nay, hình ảnh đẹp đẽ và cổ kính của người ngồi chép kinh không còn nhiều nhưng những người phát tâm ấn tống, cúng dường băng đĩa, kinh sách Phật giáo nhằm truyền trao giáo pháp trí tuệ và từ bi đến với mọi người thì không thiếu. Bởi việc làm này bao hàm những giá trị cao cả, giúp cho mình và người đều hướng thiện, tạo ra phước báu vô lượng.

Truyện Sự tích cứu vật phóng sinh kể rằng: “Vào đời Đường, có một người tên Phan Quả, ở tại kinh đô. Lúc còn trẻ, tính tình hiền lành nhưng khi lớn lên nhờ biết chút ít võ nghệ nên xin được một chân tiểu lại ở tại huyện đường và thường giao du với một số thanh niên đồng lứa rồi nhiễm theo thói ác.

Một ngày kia, trông thấy một con dê lạc đàn đang ăn cỏ và lá cây tại bãi tha ma, Phan Quả cùng bè bạn liền bắt dê đem về nhà. Dọc đường, dê cất tiếng kêu be be, sợ chủ nó nghe được, Quả hoảng quá bèn cắt đứt lưỡi dê rồi tự cho mình có trí hơn người, xử lý công việc một cách gọn gàng, độc đáo.

Sau khi dắt dê về tới nhà, Quả cùng bè bạn giết dê bày tiệc rượu nhậu nhẹt vui vẻ với nhau. Mọi chuyện vẫn bình thường cho đến một năm sau, Phan Quả đột nhiên phát hiện lưỡi mình dần dần teo lại, nói năng ngọng nghịu. Quả biết mình mắc bệnh kỳ quái, mang phải ác tật, liền xin từ chức tiểu lại ở huyện đường.

Quan huyện lệnh Phú Bình bấy giờ là Trịnh Dư Khánh nghi Quả có điều gì dối trá bèn khám nghiệm thì quả thực, lưỡi y teo lại chỉ còn nhỏ xíu như hạt đậu. Quan huyện liền hỏi nguyên nhân, Phan Quả dùng bút kể lại đầu đuôi câu chuyện, biết vậy, quan huyện liền bảo thuộc hạ của mình làm phước, chép kinh Pháp Hoa. Quả phát tâm kính tín, giữ gìn trai giới, siêng năng tu phước, chép kinh. Sau một năm, lưỡi của y dần dần bình phục lại như trước.

Phan Quả thấy thế vui mừng khôn tả, vội vã đến quan huyện trình bày tất cả sự việc và quan huyện cũng vô cùng hoan hỷ liền thăng chức cho Quả…”.

Chép kinh là một hình thức công phu. Muốn chép kinh trước phải đọc, ghi nhớ rồi sau đó mới nắn nót lời kinh. Chữ kinh phải ngay thẳng, chân phương và rõ ràng. Muốn được vậy, người chép kinh phải toàn tâm toàn ý với công việc. Chính nhờ quá trình tập trung đó nên ý kinh bùng vỡ, người chép kinh ngộ ra những thâm ý mà so với khi đọc tụng hàng ngày khó có thể nhận ra. Đồng thời nhờ chép kinh mà chuyển hóa được ba nghiệp, thân tâm trở nên an ổn, nhẹ nhàng. Đây cũng là cơ sở cho sự hình thành phước báu, công đức chép kinh.

Trong cuộc đời của mỗi con người, có lẽ không ai tránh khỏi những sai phạm, lỡ lầm. Có những sai phạm dẫn đến quả báo hiện tiền và có những lầm lỗi đang kết trái đắng ở tương lai. Tất nhiên, đạo lý ở đời thì “nhân nào quả ấy” và muốn cải thiện những điều xấu ác đã làm chỉ còn cách là tích cực làm thêm những điều lành. Chép kinh, in kinh là một trong những điều lành ấy.

Chuyện của Phan Quả là một điển hình. Vì theo bạn xấu mà tạo nghiệp ác nên bị quả báo hiện tiền. Nhờ gặp bậc thiện tri thức chỉ cho cách tu tập sám hối bằng cách biên chép kinh Pháp Hoa mà bạt được nghiệp chướng bệnh tật nan y lại còn được thăng chức. Cho nên, những ai đủ phước duyên ấn tống kinh pháp thì nên thực hành và nhất là nên “hạ thủ công phu” tự tay biên chép một bộ kinh nào đó để làm kỷ niệm trong đời và cũng để cảm nhận sự chuyển hóa nhiệm mầu của công đức chép kinh.

Nhờ chép 3 dòng Kinh chết xuống âm phủ được Diêm Vương tha mạng

Trương Chí Đạt, người quận Thiên Thủy, viết chữ rất khéo, nhưng thích đạo Lão, không tin Phật pháp. Một hôm, ông đến chơi nhà bạn, thấy đang chép kinh Đại Bát Nhã, lại ngỡ là kinh đạo tiên, hỏi: Anh viết kinh Lão Tử đó phải không?

Người bạn đùa cợt đáp: Phải.

Chí Đạt mừng rỡ, lại giành bút chép vừa được ba hàng, biết chẳng phải kinh đạo tiên, giận dỗi đứng dậy bỏ ra về.

Qua ba năm, Chí Đạt bị bệnh rồi chết, trải qua một đêm bỗng sống lại rơi lệ thương khóc. Hôm sau, ông liền đến nhà bạn cũ, vừa mừng vừa cảm, sám hối tạ lỗi rằng: Anh thật là bậc đại thiện tri thức, khiến cho tôi được sống lâu, được phước cõi trời, mà tôi mê lầm không biết, ngày trước lại nổi giận với anh !

Người bạn kinh lạ hỏi: Tại sao anh lại nói lời ấy?

Chí Đạt đáp: Tôi chết xuống âm ty, vua Diêm La trông thấy quở rằng: “Ngươi là kẻ ngu si, chỉ tin tà kiến, không biết Phật pháp!”. Nói xong, Diêm Vương tra sổ bộ, đọc kể tội ác hơn hai mươi trang giấy. Chỉ còn nửa trang, Diêm vương bỗng chăm chú nhìn xem rồi mỉm cười bảo: “Ngươi có công đức lớn, là đã đến nhà bạn thân chép được ba hàng kinh Đại Bát Nhã, nay ân xá cho ngươi trở về nhân gian, hãy cố gắng thọ trì kinh ấy”.

Thuật xong, ông nói tiếp: Nhờ anh mà tôi được hoàn sinh, biết đường lối tu tập chân chính, đó chẳng phải là ân lớn sao?

Hàn huyên giây lát, Chí Đạt liền trở về nhà, xuất tiền mua giấy bút, rồi từ đó ở yên nơi thư phòng, chép được tám bộ kinh Đại Bát Nhã. Chép xong, ông thiết lễ trang nghiêm để cúng dường lên mười phương Chư Phật.

Năm được tám mươi ba tuổi, Chí Đạt không bệnh mà mãn phần. Trước khi chết, ông bảo người nhà rằng: Ta thấy nơi thân mình hiện ra đôi cánh, toàn là văn kinh Đại Bát Nhã. Có một ngàn Đức Phật đến rước ta vãng sinh về Tịnh độ. Nói xong, ngồi chắp tay yên ổn qua đời.

3. Cách chép kinh cho người mới bắt đầu

Trong thực tập chép kinh cho người mới bắt đầu, việc lựa chọn kinh điển là vấn đề cần được quan tâm. Chúng ta nên lựa chọn những kinh điển gần gũi với mình. Đó có thể là những kinh điển mà mình thường xuyên trì tụng tại nhà, tại các đạo tràng, hoặc theo truyền thống của hệ phái mà mình đang tu học.

Khi chép kinh, Phật tử cần giữ sự thanh tịnh thân tâm. Chúng ta đọc kỹ và viết kỹ từng chữ, thực hiện một cách chậm rãi tránh sai sót. Đồng thời, chúng ta cũng nên suy nghĩ về những lời dạy này và cố gắng ghi nhớ trong khả năng có thể. Vì có ghi nhớ, chúng ta mới dễ dàng đưa vào hành động trong thực tế.

Giá trị nhất của việc chép kinh vẫn là chuyển hóa bản thân. Nhờ chép kinh mà Phật tử có cơ hội để nương theo giáo pháp để học hỏi, tu tập, hành trì… Do vậy, sau những lời dạy cao quý mà mình biên chép, chúng ta nên thành tâm phát nguyện trừ bỏ các việc xấu, thực hiện nhiều việc lành, mang đến an lạc cho đời.

Tuy nhiên, chỉ chép kinh thôi thì chưa đủ. Phật tử cần giữ gìn năm giới cấm để vun bồi thiện nghiệp: không sát sanh, không trộm cắp, không tà dâm, không nói dối, không uống rượu. Đồng thời, chúng ta tích cực làm các việc lành như bố thí, cúng dường, trì giới, thiền định…

Khi biên chép, chúng ta cần giữ ba nghiệp thanh tịnh: tay viết, miệng đọc, đầu suy nghĩ. Như vậy, chúng ta sẽ có được sự tập trung vào lời kinh để chiêm nghiệm một cách sâu sắc.

  1. Chép chậm, từ từ, không nên nôn nóng, không mong chép nhanh cho xong.
  2. Cố gắng nắn nót chữ cho đẹp, khi chép đến tên danh hiệu Phật Bồ Tát thì cần phải viết hoa,….
  3. Khi chép phải đặt lòng tôn kính Kinh ở một mức độ cao nhất, thiêng liêng nhất.
  4. Thêm vào đó, cần phải thể hiện lòng biết ơn Chư Tổ đã có công lao biên soạn và kết tập kinh điển, cũng như giữ gìn lưu truyền, để ngày hôm nay, những thế hệ sau mới có kinh để học, để tu.
  5. Khi chép cần mặc quần áo trang nghiêm, chọn nơi để ngồi chép phải yên tĩnh, vị trí thoáng mát, sạch sẽ.
  6. Không những bản thân chép, mà cũng nên tạo cơ hội, giới thiệu, khuyến khích cho người khác như bạn bè, hàng xóm, con cháu trong gia đình,…. để họ cũng có cơ hội được chép, giúp họ gieo phước lành, kết duyên với Tam Bảo.

Tâm Hướng Phật/St!

Bài viết cùng chuyên mục

Đừng biến Phật thành Ma, hãy biết phân biệt Chánh Tà

Định Tuệ

Thế nào gọi là ác, thế nào gọi là thiện?

Định Tuệ

Người mê mà tỏ ngộ gần mãi cảnh uế trược thời tất sẽ mê lại

Định Tuệ

Ý nghĩa phóng sinh, tích cực hay tiêu cực?

Định Tuệ

Đời sau được thân người, xác suất nghe được Phật Pháp rất thấp

Định Tuệ

Tứ ma là gì? Bốn thứ ma làm chướng ngại người tu hành

Định Tuệ

Thiền định Ba la mật là gì? Sự chú tâm siêu nhiên

Định Tuệ

Là những đệ tử nhà Phật, không nên ăn trứng

Định Tuệ

Cách đối trị các bệnh dễ gặp khi niệm Phật

Định Tuệ

Viết Bình Luận