Cõi Tịnh Độ gồm 4 loại: Phàm thánh đồng cư Tịnh Độ, Phương tiện hữu dư Tịnh Độ, Thật báo trang nghiêm Tịnh Độ, Thường Tịch Quang Tịnh Độ.
Trong hư không bao la rộng lớn có vô số cõi nước, có cõi Tịnh, cõi uế. Chúng sinh có tâm tịnh thì sinh về cõi Tịnh, có tâm uế thì sinh về cõi uế.
Nếu sinh về cõi uế thì nghiệp chướng mỗi ngày một sâu, khó thành tựu pháp lành; còn sinh về cõi Tịnh thì nghiệp chướng mỗi ngày một tiêu trừ, dễ thành tựu pháp lành.
Cõi Tịnh Độ gồm 4 loại: Phàm thánh đồng cư Tịnh Độ, Phương tiện hữu dư Tịnh Độ, Thật báo trang nghiêm Tịnh Độ, Thường Tịch Quang Tịnh Độ.
1. Phương tiện hữu dư Tịnh Độ
Cảnh Tịnh Độ này không phải là cứu cánh rốt ráo, mà chỉ là phương tiện. Đây là cõi Tịnh Độ của hàng Nhị thừa. Các vị này tuy đã dứt được kiến hoặc và tư hoặc trong 3 cõi (Dục giới, Sắc giới và Vô sắc giới), nhưng còn dư lại 2 hoặc, là vô minh hoặc và trần sa hoặc chưa trừ được, nên gọi là “hữu dư“. Đã là “hữu dư” tức là chưa phải hoàn toàn cứu cánh, nên gọi cõi Tịnh Độ này là “Phương Tiện Hữu Dư Tịnh Độ“.
2. Thật báo trang nghiêm Tịnh Độ
Là cõi Thật báo vô chướng ngại là nơi không có hàng nhị thừa, chỉ thuần là bậc pháp thân Bồ tát ở. Những vị nầy phá từng phần vô minh, chứng từng phần pháp tánh, được quả báo chân thật.
Song vì họ chưa đoạn diệt hết vô minh, nên còn nhận vô lậu nghiệp, thọ báo thân pháp tánh và cảnh giới nầy cũng gọi là quả báo độ. Kinh Nhân vương nói: “Ba hiền mười thánh trụ quả báo”, là chỉ cho sự việc trên đây.
Sở dĩ gọi “Thật báo”, vì các đại sĩ ấy do quán thật tướng, phát được chân vô lậu thọ hưởng quả báo chân thật; gọi là “Vô chướng ngại” là bởi chư Bồ tát đây, tu chân không định, sắc cùng tâm không ngăn ngại lẫn nhau. Trong kinh Hoa Nghiêm thuyết minh thế giới Nhân đà la võng, chính là cảnh nầy.
3. Thường Tịch Quang Tịnh Độ
Đây là cảnh giới mà Pháp thân Phật an trụ.”Thường” là không thay đổi, không sanh diệt tức Pháp thân Phật; “Tịch” là xa lìa các phiền não vọng nhiễm tức là đức giải thoát của Phật. “Quang” là chiếu sáng khắp cả 10 phương tức là đức Bát nhã của Phật. Như thế cõi Tịnh Độ này đủ cả 3 đức quý báu của Phật là Thường, Tịch và Quang, cho nên gọi là “Thường Tịch Quang Tịnh Độ“.
Cảnh Tịnh Độ này không có hình sắc mà chỉ là chơn tâm. Vì bản thể chơn tâm, hay tánh viên giác “thường vắng lặng, chiếu soi và thanh tịnh“, nên gọi là “Thường Tịch Quang Tịnh Độ“. Chư Phật khi đã chứng được cảnh giới này rồi, thì thân và độ không hai, song vì căn cứ theo 3 loại Tịnh Độ sau đây mà tạm gọi là có thân, có độ. Chứng đến chỗ này, nếu đứng về thân thì gọi là “Pháp thân“, còn đứng về độ, thì gọi là “Thường Tịch Quang Tịnh Độ“.
Kinh Tịnh danh, về lời sớ, có chép: “Tu chơn hạnh về viên giáo, khi nhơn viên quả mãn, thành bực Diệu Giác (Phật) sẽ ở cõi Thường Tịch Quang Tịnh Độ”.
4. Phàm thánh đồng cư Tịnh Độ
Phàm thánh đồng cư Tịnh Độ là như cõi Cực Lạc, tuy y báo chánh báo nơi đây trang nghiêm mầu nhiệm, không có bốn ác thú, song gọi là “Phàm thánh đồng cư Tịnh Độ”, vì chúng sanh về cõi nầy không phải đều là bậc đắc đạo.
Như trong kinh nói: ”Hạng người phạm tội nặng, khi lâm chung chí tâm sám hối và niệm Phật, đều được vãng sanh”. Do đó nên biết nơi cõi nầy chúng sanh còn hoặc nhiễm cũng có thể được ở. Thế giới Cực Lạc có hai hạng thánh cư và bởi y báo chánh báo sạch sẽ trang nghiêm, nên gọi là Tịnh Độ.
Để nói rộng thêm, tuy gọi Tịnh Độ nhưng thật ra trong ấy có nhiều hạng hơn kém không đồng. Như thế giới Diệu Hỉ tuy là Tịnh Độ, song còn có nam nữ và núi Tu Di.
Dưới đây nói sơ lược về cõi Tây Phương Cực Lạc của Đức Phật A Di Đà, đại khái gồm có hai mươi thứ thù thắng:
- Vàng ròng làm đất, bảy báu làm ao. Mạng lưới, hàng cây, lan can, lầu các đều do bảy loại báu làm thành.
- Trong cõi nước không có nỗi khổ của địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh.
- Chúng sinh được sinh về đều hóa sinh từ hoa sen trong ao bảy báu.
- Thân thể sắc vàng, đầy đủ ba mươi hai tướng hảo.
- Nơi thân có ánh sáng che át cả mặt trời, mặt trăng.
- Sống lâu vô lượng, mãi mãi không có nỗi khổ của già, bệnh, chết.
- Y phục và thức ăn tùy ý tự nhiên hóa hiện.
- Tận mắt thấy Phật, nghe thuyết Diệu pháp.
- Cùng các bậc Thượng thiện nhân chung ở một nơi.
- Không có lời nói dâm dục và nữ sắc
- Không có hận thù đối nghịch.
- Không có ma quân, ngoại đạo.
- Không có hàng Nhị thừa, nếu có thì đều hồi tâm hướng về Đại thừa.
- Gió thổi, nước reo, chim hót đều tuyên Diệu pháp.
- Trăm ngàn Thiên nhạc ngày đêm thường tấu vang.
- Thần thông đầy đủ.
- Hay đến khắp thế giới trong mười phương cúng dường tất cả chư Phật chỉ trong thời gian một bữa ăn.
- Chư Phật hộ niệm.
- Vừa sinh về cõi nước kia liền vào bậc Bất thối chuyển.
- Chỉ trong một đời được thành Phật.
Thế giới ấy có rất nhiều sự thù thắng, lợi ích như thế, cho nên chúng sinh cần phải có tâm cầu sinh về cõi nước ấy.
Người muốn cầu vãng sinh cõi nước Cực Lạc, chẳng phải do làm những việc lành khác mà được, chỉ cần chuyên tâm trì niệm danh hiệu Phật A-di-đà thì được vãng sinh. Tại sao? Vì do sức đại nguyện của đức Phật ấy.
Thuở xưa, trong lúc còn tu đạo Bồ-tát, đức Phật A-di-đà đã phát bốn mươi tám đại nguyện để độ tất cả chúng sinh. Trong những lời phát nguyện ấy có một lời nguyện như vầy: “Nếu có chúng sinh muốn sinh về cõi nước Tôi, xưng danh hiệu Tôi cho đến mười niệm. Nếu không được vãng sinh Tôi nguyện không ở ngôi Chánh Giác”.
Do lời nguyện sâu rộng này, nên chúng sinh chỉ cần chuyên tâm trì niệm danh hiệu Phật nhất tâm không loạn, thì liền được vãng sinh. Người ấy lúc lâm chung, Phật A-di-đà phóng ánh sáng lớn cùng với chư Thánh chúng đến trước người ấy, đưa tay tiếp dẫn. Chỉ trong thời gian khảy móng tay là đã vãng sinh về cõi kia, ở trong hoa sen tươi đẹp. Khi hoa nở, người ấy được thấy Phật và được nghe Phật nói nhiều loại giáo pháp vi diệu. Nghe rồi, người ấy liền chứng ngộ được “lý không sinh không diệt”, từ đó thẳng tiến tu hành đến khi thành Phật.
Tâm Hướng Phật/TH!