Khi chúng ta đảnh lễ tượng Phật, ta phải tập trung tư tưởng vào Đức Phật và trừ đi những ngọn lửa si mê trong tâm. Ta phải có sự thành kính và chân thật.
Bất kỳ một bức tượng Phật nào dù làm bằng đá, bằng gỗ, hay kim loại, hay một bức họa nào dù bằng vải hay bằng giấy, ta cũng đều phải tôn kính hình tượng của Đức Phật trong đó. Có thể có người hỏi rằng: Tại sao ta lại phải tôn kính các hình tượng của Đức Phật?
Trước hết, điều quan trọng phải nhận thức là, chúng ta đều phải kính trọng các hình tượng. Ví dụ, các công dân trong nước đều phải kính trọng lá quốc kỳ của họ, mặc dù lá quốc kỳ đó chỉ là một miếng vải. Tại sao ta lại phải kính trọng một miếng vải? Tuy rằng lá quốc kỳ chỉ là một miếng vải, nhưng nó biểu hiện cho điều gì hơn như thế. Nó là biểu tượng của quốc gia, là niềm hãnh diện của chúng ta với đất nước. Những người theo đạo Thiên Chúa tôn kính cây thánh giá. Tuy nhiên, cây thánh giá chỉ là một vật làm bằng gỗ hay kim loại. Như vậy có phải là những người theo Thiên Chúa Giáo không nên tôn kính thánh giá đó chăng? Sự tôn kính những biểu tượng hoặc hình tượng tuyệt đối không có gì là sai cả, miễn là chúng ta hiểu được những biểu tượng hay hình tượng này tượng trưng cho cái gì.
Một miếng vải có thể được may thành một cái mũ để đội trên đầu. Cũng miếng vải đó có thể được làm thành một đôi dép để đi trên chân. Một miếng vải tự nó cũng chỉ là miếng vải, nhưng ta nhìn nó một cách khác sau khi nó đã có hình dạng của một sản phẩm nào đó. Ta thường giữ một tấm giấy có in hình cha mẹ trong một nơi nào đó an toàn. Cũng miếng giấy đó nếu có nét nghệch ngoạc viết lên thì có thể bị ném ngay không chút thương tiếc. Cũng vậy, một tấm kim loại được đúc thành tượng Phật phải được để ở một nơi sạch sẽ, thích hợp. Cũng tấm kim loại đó, nếu được đúc thành một món đồ chơi, có thể bị đá văng hay ném lung tung không một chút ngần ngại. Một bức tượng Phật có thể làm bằng gỗ, bằng đá, hay kim loại, nhưng trong tâm ta bức tượng ấy biểu hiện cho sự giác ngộ viên mãn của Đức Phật. Khi chúng ta đảnh lễ những hình tượng thiêng liêng của Đức Phật, ta không đảnh lễ những tấm gỗ, đá hoặc kim loại làm nên những bức tượng này, mà chính là ta đảnh lễ Đức Phật.
Điều trọng yếu là chúng ta phải biết vì sao chúng ta làm một việc gì đó. Khi chúng ta đảnh lễ tượng Phật, ta phải tập trung tư tưởng vào Đức Phật và trừ đi những ngọn lửa si mê trong tâm. Ta phải có sự thành kính và chân thật. Khi chúng ta thờ kính hình tượng Phật theo đúng cách, bất kỳ hình ảnh nào của Phật cũng có thể làm cho lòng tin của ta được tăng thêm và cho trái tim ta rung động. Một ngạn ngữ Trung Hoa nói rằng, “Khi có sự thành tâm và tập trung nhất mực, ngay cả đá hay vàng cũng phải nứt ra,” ngụ ý là, nếu chúng ta lễ Phật với lòng thành kính, ta sẽ cảm thấy sự hiện diện của Đức Phật.
Thật sự ra, đạo Phật là một tôn giáo đánh giá ý chí của con người cao hơn những truyền thống đã định sẵn, và dạy chúng ta không nên chấp vào hình tượng, dù là thiêng liêng hay không. Một công án đặc biệt trong Thiền Tông đã chỉ ra điều này như sau:
Có lần, thiền sư Đan Hà Thiên Nhiên đi du phương đến ở tại một ngôi chùa. Mùa đông năm ấy thật khắc nghiệt lạ thường. Để sưởi ấm, Đan Hà lên bàn thờ, lấy bức tượng Phật bằng gỗ đem đốt. Sư chủ thấy vậy vội vàng chạy đến, hét lên: “Sao ông dám đem tượng Phật ra đốt?”
Đan Hà không chút ngại ngùng, trả lời: “Tôi không dùng tượng Phật như khúc gỗ. Tôi chỉ muốn tìm xem có xá lợi Phật trong đó không.”
Sư chủ bảo: “Vô lý! Làm sao ông tìm thấy xá lợi Phật trong khúc gỗ được?”
Đan Hà: “Nếu đây là khúc gỗ, sao ông không dùng nó để sưởi?”
Sư chủ nghe câu này, tất cả kiến chấp đều tan vỡ.
Đan Hà đúng là một đệ tử chân chính của Phật, vì ông đã hiểu được tinh yếu của giáo pháp. Ông biết rằng, tâm, Phật, và chúng sanh là một và như nhau. Khi chưa giác ngộ, ta phải tôn kính những hình tượng thiêng liêng. Khi giác ngộ rồi, ta biết rằng Phật không tìm thấy được nơi những hình tượng thiêng liêng, mà ở ngay trong chúng ta.
Trước khi hoàng đế Xuan của triều nhà Hán lên ngôi, ông là một chú tiểu ở trong chùa. Có lần, ông bắt gặp thiền sư Hoàng Bá Hy Vận trong chánh điện đang lễ Phật. Bắt chước thiền sư, thiếu niên, cũng là vị hoàng đế sau này, nói rằng: “Ông thường bảo là, “Đừng lo tìm cầu Phật, đừng lo tìm cầu Pháp, đừng lo tìm cầu Tăng, thế thì việc gì ông phải lễ lậy Phật?”
Đó là, khi đứng sau lưng vị thiền sư, cậu bé chợt nhớ lại một trong những câu ngài hay nói rồi lập lại những lời ấy một cách vô thức: “Đừng chấp nơi Phật, đừng chấp nơi Pháp, đừng chấp nơi Tăng. Thế thì việc gì phải lễ lậy Phật?”
Khi thiền sư nghe vậy, ông liền quay lại tát vào mặt chú tiểu, quát lên: “Đừng chấp nơi Phật, đừng chấp nơi Pháp, đừng chấp nơi Tăng. Nhưng với ngươi thì phải như vậy!”
Những người không hiểu được ý nghĩa đàng sau sự lễ lậy các hình tượng thiêng liêng thường cho chuyện đó là đáng nực cười. Họ không nhận ra rằng, khi lạy Phật là tâm ta đã cảm ứng với tâm Phật.
Đại sư Tinh Vân | Diệu Huyền dịch!