Nhiều vị học Phật, vì ưa chuộng huyền lý cao siêu nhưng họ đâu biết Tịnh Độ là cửa mầu thâm diệu đi sâu vào Phật tánh, là con thuyền chí bảo để mau thoát khỏi luân hồi.
Nhiều vị học Phật, vì ưa chuộng huyền lý cao siêu, cho môn Niệm Phật là của ông già bà cả, hạng căn cơ thấp kém. Nhưng họ đâu biết Tịnh Độ là cửa mầu thâm diệu đi sâu vào Phật tánh, là con thuyền chí bảo để mau thoát khỏi luân hồi. Cho nên có những bậc thượng căn vì chưa nhận thức Tịnh Độ, mà mãi bị trầm trệ trong nẻo mê tân. Và có kẻ căn tánh chỉ tầm thường, nhưng do tu Tịnh Độ mà sớm bước lên đường giải thoát. Xin thuật ra đây đôi chuyện để chư học giả so sánh.
Đời Đường bên Trung Hoa, nơi chùa Hương Sơn đất Lạc Dương có sư Thích Giám Không. Sư nguyên tục tánh thọ Tề, người ở Ngô Quận.
Thuở còn nhỏ ông nghèo khổ, tuy học hành siêng năng nhưng ít ghi nhớ. Lớn lên, ưa làm thi văn song chỉ tầm thường. Ông hay đi lại vùng Ngô, Sở yết kiến hàng hầu bá, nhưng không được sự giúp đỡ bao nhiêu. Khi có tiền đầy xâu thì sanh đau yếu, tiền hết bịnh mới lành.
Đầu niên hiệu Nguyên Hòa, ông dạo chơi xứ Tiền Đường, gặp năm mất mùa, nghĩ đến chùa Thiên Trúc để cầu thực. Nhưng vừa đi tới phía tây Cô Sơn Tự, ông đói quá không thể tiến bước nổi, liền lại ngồi bên bờ suối tuyết, rơi lệ ngâm vài câu bi phẫn. Thoạt có vị Phạn tăng theo dòng suối đến ngồi nhìn ông mĩm cười hỏi: “Pháp sư đã nếm đủ hương vị lữ du chưa?” Ông đáp: “Hương vị lữ du có thể gọi đã nếm đủ, nhưng bỉ nhơn tục danh là Quân Phòng, đã từng làm pháp sư đâu?”
Phạn tăng nói: “Ông không nhớ lúc giảng kinh Pháp Hoa ở chùa Đông Đức hay sao?” – Đáp: “Tôi từ khi sanh thân đến nay đã bốn mươi lăm tuổi, hằng bàng hoàng nơi vùng Ngô, Sở, chưa từng để bước đến kinh đô, đâu lại có chuyện giảng kinh ở miền Lạc Trung như thế?”
Phạn tăng bảo: “Chắc ông bị lửa đói thiêu đốt, nên quên cả việc xưa rồi!” Nói xong, liền lần trong đãy lấy ra một quả táo lớn ướt bằng nắm tay, trao cho và bảo: “Quả táo này sản xuất ở nước của ta, bậc thượng trí ăn vào biết rõ việc quá khứ vị lai; người hạ căn cũng có thể nhớ được chuyện kiếp trước.” Ông tiếp lấy quả táo ăn xong, vóc nước suối uống, thoạt mờ mệt muốn ngủ, liền tựa đầu, gối vào đá mà nằm. Giây phút tỉnh dậy, nhớ tiền thân làm pháp sư giảng kinh, cùng những bạn đồng tu, rõ rệt như việc ngày hôm qua, nhân rơi lệ hỏi rằng: “Chấn Hòa Thượng bây giờ ở đâu?”
Phạn tăng đáp: “Công chuyên tinh chưa tới mức, nên chuyển sanh làm vị tăng ở đất Tây Thục, nay cũng đã dứt được vọng duyên.” Lại hỏi: “Thần thượng nhơn và Ngộ pháp sư hiện thời ra sao?” – Đáp: “Thần thượng nhơn túc duyên trả chưa xong. Còn Ngộ pháp sư bởi đứng trước tượng đá chùa Hương Sơn phát nguyện giỡn: ‘Nếu kiếp này tu không chứng đạo, thân sau nguyện là bậc quý thần,’ nên hiện đã sanh làm đại tướng. Trong năm người bạn vân thủy khi xưa, duy ta được giải thoát, ba vị kia thì như thế, riêng ngươi còn đói khổ nơi đây!”
Ông thương khóc nói: “Tôi kiếp trước hơn bốn mươi năm, ngày chỉ ăn một bữa, thân duy đắp một y, việc phù tục quyết dứt căn nguyên, cớ sao còn kém phước để đến nỗi hôm nay phải ra người đói khổ?”
Phạn tăng đáp: “Khi xưa ông ngồi trên pháp tòa hay nói nhiều việc dị đoan, khiến cho thính chúng sanh lòng nghi hoặc, lại giới hạnh còn có chỗ kém khuyết, nên phải bị báo ứng như hôm nay.” Nói đoạn, lấy trong bát ra một chiếc gương hai bề đều trong suốt, bảo rằng: “Việc đã qua ta không làm sao hơn được, nhưng ông muốn biết số phận sang hèn thọ yểu về tương lai, cho đến việc đạo pháp hưng suy, nên nhìn vào sẽ rõ.” Ông tiếp lấy gương xem hồi lâu rồi giao lại tạ rằng: “Sự báo ứng, lẽ vinh khô, nhờ ơn đức của Ngài, nay đã biết được.” Phạn tăng cầm gương cất vào bát, nắm tay ông cùng đi, độ mười bước liền biến mất.
Đêm ấy ông vào chùa Linh Ẩn xin xuất gia, hiệu là Giám Không, sau khi thọ giới Cụ Túc liền đi du phương tu hành, sự khổ tiết, cao hạnh ai cũng khen ngợi. Về sau Giám Không thiền sư gặp ông Liễu Sính ở chùa Thiên Trúc, tự trần thuật tiền nhân và bảo: “Tôi sống được bảy mươi bảy, tăng lạp ba mươi hai, nay chỉ còn chín năm nữa là thọ số mãn. Sau khi tôi tịch, Phật pháp còn được như ngày hôm nay chăng?” Sính nghe nói lạ, gạn hỏi. Sư không đáp, chỉ đòi bút viết mấy hàng nơi vách bắc lầu Tàng Kinh như sau: “Hưng hạt cát, suy cát sông Hằng. Thỏ đã bị lưới, chó vồ săn. Trâu cọp giao tranh sừng với răng. Ánh hoa đàm vẫn sáng nghìn năm.” Đây là lời tiên tri của sư. Câu trước nói về đạo pháp sẽ suy. Câu thứ hai chỉ cho sự phá đạo rất tàn khốc. Câu thứ ba ghi rõ thời gian hủy pháp ở vào năm Ất Sửu tiếp qua Bính Dần. Câu sau cùng nói: Tuy nhiên Phật pháp vẫn còn, ánh đạo không bị hủy diệt. Lời sấm trên ứng vào việc phá Phật pháp của Đường Võ Tôn. Ông vua này đã ra lịnh hủy hoại bốn mươi bảy ngàn ngôi chùa, ép buộc hơn hai mươi vạn bảy ngàn tăng ni hoàn tục. (Trích Cao Tăng truyện, thiên Cãm Thông, tập 3).
Đời Nguyên bên Trung Hoa, vào năm Canh Ngọ niên hiệu Chí Thuận ở vùng Triết Tây bị thất mùa liên tiếp. Trong thành Hàng Châu, dân chúng đói chết nằm ngổn ngang đầy đường. Mỗi buổi sáng, quan phòng chánh mướn người khiên tử thi chở đem bỏ xuống hang núi, sau tháp Thái Hòa. Trong số tử thi có thây một bà lão hơn mười hôm không hôi thúi, ngày nào cũng tự trồi lên nằm trên các thây chết khác. Chúng lấy làm lạ, vòng giây kéo đem lên, soát trong người thấy có túi vải đựng ba bức đồ niệm công cứ A Di Đà Phật. Việc này truyền đến quan Hữu Tư, Ngài cho mua quan quách tẩn liệm và đem ra thiêu hóa. Khi củi đốt lên, trong khói lửa hiện ra tượng Phật, Bồ Tát, ánh sáng rực rỡ. Do nhân duyên đó, rất nhiều người phát tâm niệm Phật. (Trích Sơn Am Tạp Lục).
Xem sự tích trên, ta thấy như ngài Giám Không kiếp trước từng làm giảng chủ; phù tục đã dứt căn nguyên, tu trì cũng nhiều tinh khổ, nhưng vì chưa chứng quả lại còn chút tì vết, nên phải chuyển thân làm kẻ sĩ đói khát khốn cùng. Kiếp xưa năm bạn đồng tu, chỉ một mình Phạn tăng được giải thoát.
Ngoài ngài Giám Không lại còn sự tích cao tăng Viên Quán, do chưa sạch nghiệp, nên không thoát khỏi bào thai của nàng Vương Thị. Truyện Tỳ Khưu Pháp Vân từng làm đại pháp sư, nhân vì tham lợi dưỡng, sẻn Phật pháp, nên bị đọa làm thân trâu. Truyện ngài Hải Ấn cũng thuộc hàng danh tăng, vì thọ người cúng dường, phải chuyển sanh làm con gái cho nhà thí chủ. Truyện ngài Mạt Sơn lai lịch phi phàm, nhưng bởi túc nghiệp từ vô lượng kiếp phát hiện, nên luân hồi làm kẻ ngu khờ, ghét người tu niệm. Truyện ngài Đoạn Nghĩa Nhai tham thiền đã được khai ngộ, kiếp sau chuyển sanh làm tăng, được người lễ bái cúng dường, tham hưởng phước mà quên đường giải thoát. Truyện đệ tử của ngài Tuyệt Học Thành Công, thiền định đã tỏ suốt nguồn tâm, bởi chưa đắc đạo nên thân sau làm ông sư thông minh, động tâm xa hoa kiêu mạn, rồi từ đó không nghiệp ác gì chẳng làm. Truyện một ni cô tụng kinh Pháp Hoa ba mươi năm, vì tâm còn chưa dứt niệm sắc thinh, nên kiếp sau đọa làm thân ca kỹ, tiếng thanh sắc đẹp nơi miệng thường bay ra mùi thơm hoa sen. Truyện vị cao tăng non Nhạn Đăng, bởi chưa chứng đạo, kiếp sau là Tần Cối, do tiền căn đã có công tu niệm nên thông minh đỗ cao làm quan đến ngôi cực phẩm, song vì mê quyền quí, tạo điều gian ác để nhiều kiếp đọa tam đồ.
Xem truyện tích xưa, còn biết bao trường hợp như thế nữa! Qua các gương trên, ta thấy nếu tự lực tu hành, khi chưa được nghiệp sạch tình không, lúc tái sanh tất phải mê muội, mười người đã rớt hết tám chín. Còn như bà lão niệm Phật, tuy dốt đạo lý, chẳng hiểu chút chi về tông về giáo, nhưng nhờ thành tâm niệm Di Đà mà sau khi chết diễn ra nhiều điều kỳ lạ, đã chứng minh bà lão vãng sanh về Cực Lạc không còn nghi ngờ. Cho nên tham thiền, tụng kinh cùng tu các môn khác là những điều quí báu nên làm, và đáng khuyến khích. Nhưng giữa thời mạt pháp này, cần phải tu thêm môn Niệm Phật, rồi đem tất cả công đức ấy hồi hướng về Tây Phương, mới bảo đảm khỏi luân hồi mê đọa. Nếu không lấy Tịnh Độ làm nơi quy hướng, thì công đức tu các môn khác chỉ gây căn lành phước báo, và nhân duyên đắc độ về sau mà thôi. Như thế, e cho khi chuyển sanh hôn mê tạo nghiệp phải bị trầm trệ lâu trong cảnh khổ luân hồi. Mấy ai thông minh như Ngộ Đạt quốc sư, mười kiếp làm cao tăng tu thiền định, kiếp sau rốt mới mười bốn tuổi đã giảng suốt Kinh Niết Bàn. Nhưng vì một niệm đam mê trước tòa trầm hương nên bị túc báo ghẻ mặt người, sau trở lại niệm Phật mới được vãng sanh giải thoát. Những vị ỷ mình cao minh, ngoài miệng nói suốt lý huyền, chỉ trọng tự lực khinh thường niệm Phật, cũng nên xem gương trên mà để tâm suy nghĩ.
Trích: Niệm Phật Thập Yếu!