Phàm là người sau khi đã chết, tại sao không đi thọ sinh ngay mà phải trải qua thời gian giải đoạn thân trung ấm?
Hỏi: Trong đạo Phật, sau khi người nhà chết, trong vòng 49 ngày, gia quyến nên ăn chay, niệm Phật, tạo các phước lành mà hồi hướng cho người mất là ý nghĩa như thế nào?
Ðáp: Nếu vong nhân quả thật đã được vãng sinh, mà trong vòng 49 ngày gia quyến ăn chay niệm Phật, tạo nhiều phước lành (bố thí, phóng sinh, trai tăng…) hồi hướng cho người mất thì có các lợi ích sau:
- Một là người mất tăng cao phẩm vị ở liên trì.
- Gia quyến được phước đức vô lượng.
Nếu vong nhân chưa biết có được vãng sinh hay không thì có nghĩa là họ đang ở giai đoạn thân trung ấm. Do đó thời gian này gia quyến vì họ mà ăn chay niệm Phật, tạo phước lành, thì họ nương nhờ công đức này mà phát tâm cầu sinh Tây phương.
Hỏi: Trung ấm thân nghĩa là sao?
Ðáp: Sau khi người mất, thần thức rời khỏi thể xác, nhưng chưa thọ sinh, giống như người ra khỏi phòng này mà chưa vào phòng khác còn ở thời kỳ trung gian nên gọi là trung ấm. Có những trường hợp sau đây thần thức không phải qua giai đoạn thân trung ấm:
- Một là người đủ tín hạnh nguyện niệm Phật được vãng sinh.
- Người cực thiện được sinh ngay về cõi trời.
- Người cực ác liền đọa vào địa ngục vô gián.
Ðối với người bình thường không làm ác không làm thiện, thì phải trải qua thân trung ấm, giai đoạn thân trung ấm, thời gian lâu hay chậm tùy theo nghiệp lực của mỗi người, nhưng chậm nhất có thể là 49 ngày.
Hỏi: Phàm là người sau khi đã chết, tại sao không đi thọ sinh ngay, mà phải trải qua thời gian thân trung ấm?
Ðáp: Nguyên nhân là vì các nghiệp thiện ác nhiều đời cho đến nay chưa quyết định dứt khoát, do tâm thức của người mất lúc nghĩ thiện, lúc nghĩ ác, cứ thay nhau sinh rồi diệt, diệt rồi sinh, nghiệp ác, nghiệp thiện thay đổi không ngừng.
Nếu nghiệp thiện nhiều, thì trong tâm họ phát hiện ra cảnh giới trời, người, A tu la, cảnh thiện cũng có ba phẩm: Thượng phẩm thiện (trời), trung phẩm thiện (người), hạ phẩm thiện (A tu la). Tâm thức người mất cũng tùy theo các phẩm thiện trên mà thọ sinh.
Nếu người mất nghiệp và ác nghiệp nhiều thì cũng tùy theo ba phẩm ác sau: thượng phẩm ác (địa ngục), trung phẩm ác (ngạ quỷ), hạ phẩm ác (súc sinh) mà thọ sinh không giống nhau.
Vì vậy, gia quyến đã biết được như vậy rồi, thì trong vòng 49 ngày nên ăn chay niệm Phật, tạo công đức cho người mất, khiến cho họ nương nhờ vào công đức vô lượng này mà tội chướng được tiêu trừ, tăng trưởng thiện phước, được vãng sinh Tây phương, hoặc được siêu thăng cõi trời, hoặc trở lại làm người.
Nếu gia quyến bằng ngược lại không phát tâm ăn chay niệm Phật, tu tạo phước lành, lại chuyên sát sinh, tà dâm, mở tiệc ăn nhậu, đàn ca hát xướng, đồng thời tạo vô lượng các ác nghiệp khác thì dầu cho bổn nguyện của người quá vãng dù là thiện thì cũng mất đi. Nếu vốn là ác nghiệp thì càng chồng chất thêm, khi ác nghiệp càng gia tăng thì nhất định rơi vào các đường ác tức là địa ngục, vĩnh kiếp chịu vô lượng thống khổ vậy.
Hỏi: Nếu gặp hoàn cảnh gia quyến nghèo khổ mà phải ăn chay niệm Phật làm phước trong vòng 49 ngày thì quá khó khăn. Phải giải quyết như thế nào đây?
Ðáp: Niệm Phật là công đức vô cùng lớn. Nếu gặp hành cảnh gia quyến khó khăn, thì không cần thỉnh các vị Tăng Ni, chỉ cần cả nhà ăn chay niệm Phật là đủ rồi. Thời gian niệm Phật mỗi ngày nên quy định sáng tối hai lần, sau khi niệm thì hồi hướng cho vong linh.
Phương pháp niệm Phật độ người mất, tùy theo kinh tế gia đình nên đơn giản, không làm chướng ngại cho cuộc sống mà công đức lại lớn, gia đình lại được phước đối với người mất thì hưởng lợi ích vô cùng. Kẻ mất người còn đều được lợi ích không thể nghĩ bàn.