Tâm Hướng Phật
Kiến Thức

Thân người khó được, Phật pháp khó gặp

Trong cuộc đời này, thân người là điều mong manh dễ mất nhất, mà Phật pháp là điều khó được nghe biết đến nhất.

(Khi Chánh pháp mất đi, phải trải qua hơn 8.806.000 năm, Bồ Tát Di-lặc từ cung trời Đâu-suất hạ sanh, thế gian mới lại có Phật. Bốn tiểu kiếp từ thứ 11 đến thứ 14 đều không có Phật <1 tiểu kiếp là 16.800.000 năm>. Đến tiểu kiếp thứ 15, sau khi đức Phật Sư Tử xuất thế, lại có các vị Phật nối nhau thành đạo, gồm cả thảy 993 vị, có thể xem là giai đoạn Phật pháp hưng thịnh nhất. Nhưng rồi 4 tiểu kiếp từ thứ 16 đến thứ 19 lại không có Phật. Mãi đến tiểu kiếp thứ 20, sau khi đức Phật Lâu-chí xuất thế, vừa đủ số 1.000 vị Phật thì thế giới Ta-bà này cũng hoại diệt mất…)

Cho dù sẵn có món ngon vật lạ, nếu không nếm vào cũng không thể biết được vị ngon. Cho dù sẵn có đạo lý nhiệm mầu, nếu không học hỏi tu tập cũng không thể biết được chỗ vi diệu uyên áo. Trong cuộc đời này, thân người là điều mong manh dễ mất nhất(¹), mà Phật pháp là điều khó được nghe biết đến nhất(²). Nếu như đức Như Lai không xuất thế độ sinh, rộng truyền Phật pháp, ắt hẳn cả hai cõi trời, người vẫn còn mãi mãi chìm trong đêm dài vô minh tăm tối.

Chẳng riêng gì những người thô thiển, kiến thức hẹp hòi, đến như các nhà Nho học rộng nghe nhiều thì chỗ thấy biết cũng còn giới hạn, không thể sánh với Phật pháp. Như ngẩng đầu quan sát trời cao, người đời thường nghĩ chỉ có một thế giới này với mặt trời, mặt trăng, mà không biết rằng còn có vô số cõi thế giới khác nữa. Hoặc cho rằng con người đầu tiên được sinh ra từ thời Bàn Cổ, nhưng thật không biết là trong vô số kiếp từ trước đến nay, mỗi chúng ta đều đã trải qua không biết bao nhiêu đời sống. Hoặc cho rằng các vị Thiên đế, Thiên tiên là những bậc cao quý nhất, không ai sánh bằng, nhưng thật không biết rằng họ cũng chỉ là phàm phu chưa thoát khỏi luân hồi trong sáu nẻo(³). Hoặc cho rằng sau khi chết thì thân thể hư hoại, hồn phách tiêu tán, nhưng thật không biết rằng mỗi chúng ta đều sẵn có một điểm linh quang, dù trải qua bao nhiêu kiếp sống cũng chưa từng mất đi sự sáng suốt, làm sao có thể hoại diệt?

Lại cho rằng cha mẹ hoặc người thân khi đã qua đời thì không còn làm gì được nữa, nhưng không biết rằng một khi học được pháp Phật vi diệu này rồi thì dù có trải qua muôn ngàn kiếp sống cũng đều tự biết cách tu tập, thường gieo nhân lành, gặt quả tốt.

Hoặc như khi thấy người hiền lương gặp điều trắc trở, kẻ xấu ác được như ý muốn, liền cho rằng lẽ trời chẳng đáng tin theo, nhưng thật không biết rằng hết thảy đều do nghiệp nhân từ đời trước chiêu cảm, dù mảy may cũng không sai lệch.

Thật vĩ đại thay, Giáo pháp kinh điển của Như Lai! Quả thật là con thuyền từ bi đưa muôn người vượt qua bể khổ, là ngọn đuốc quý báu trên con đường tối tăm u ám, là bầu sữa mẹ lúc sơ sinh, là lúa gạo trong năm mất mùa đói kém. Vì thế, khi Tôn giả A-nan kết tập Kinh điển, Phạm vương, Đế Thích đều cầm lọng che hầu, bốn vị Đại thiên vương đích thân quỳ nâng bốn chân tòa báu. Sách vở của thế gian thật không thể đem ra so sánh, dù chỉ trong muôn một. Cho nên, việc in ấn lưu hành Kinh sách quả thật là điều không thể không làm.

Đức Thế Tôn trước khi thành đạo, trong vô số kiếp đã vì cầu Phật pháp mà sẵn sàng xả bỏ thân mạng, có lúc chỉ cầu một câu kinh, một bài kệ mà bỏ cả ngôi vua, hoặc xa lìa vợ con, không việc gì không làm. Cho nên, pháp môn của Phật như cam-lộ quý báu, không phải lúc nào cũng sẵn có trong đời. Người đời không hiểu sự quý báu như thế, thường xem nhẹ Kinh Phật, đâu biết rằng đến vài ba ngàn năm sau nữa, dù muốn cầu được một câu, một chữ trong Kinh điển cũng không thể được.

Trong kinh Pháp diệt tận(⁴) có dạy rằng: Khi Chánh pháp sắp mất đi, màu áo cà-sa của tỳ-kheo còn tự nhiên hóa trắng, huống hồ Ba tạng(⁵) Kinh văn giáo điển(⁶). Rồi từ khi Chánh pháp mất đi, phải trải qua hơn 8.806.000 năm(⁷), Bồ Tát Di-lặc từ cung trời Đâu-suất hạ sanh, thế gian mới lại có Phật(⁸) Bốn tiểu kiếp từ thứ 11 đến thứ 14 đều không có Phật(⁹) Đến tiểu kiếp thứ 15, sau khi đức Phật Sư Tử xuất thế, lại có các vị Phật nối nhau thành đạo, gồm cả thảy 993 vị, có thể xem là giai đoạn Phật pháp hưng thịnh nhất. Nhưng rồi 4 tiểu kiếp từ thứ 16 đến thứ 19 lại không có Phật. Mãi đến tiểu kiếp thứ 20, sau khi đức Phật Lâu-chí(⁹) xuất thế, vừa đủ số 1.000 vị Phật thì thế giới Ta-bà này cũng hoại diệt mất. Từ đó, lại trải qua 60 tiểu kiếp(¹⁰) rồi mới có Đức Phật Nhật Quang ra đời(¹¹).

Pháp Phật thật khó gặp như thế, nay ta may mắn sinh ra vào thời gian còn có pháp Phật lưu truyền, lẽ nào lại như người vào núi châu báu mà trở về tay không(¹²)? Người ở châu Bắc-câu-lô, tuổi thọ trung bình đến hơn nghìn tuổi, nghĩ tưởng đến y phục liền tự nhiên có được y phục, nghĩ tưởng đến thức ăn liền tự nhiên có được thức ăn, mắt không thấy cảnh đau buồn, tai không nghe tiếng tranh đoạt, so với các đời Đường, Ngu, Tam đại(¹³) thật vượt hơn gấp trăm ngàn lần. Theo như thế tục mà nói thì đời sống nơi ấy quả là hưng thịnh phi thường, nhưng theo Phật pháp lại xếp vào một trong Tám nan xứ(¹⁴), vì người cõi ấy chỉ hưởng phước si mê(¹⁵), không tin Tam bảo, không biết đến Giáo pháp xuất thế(¹⁶).

Pháp Phật quý báu như thế, nên khi tôi đọc đến câu “buộc tăng hoàn tục, đốt hết kinh Phật” của Hàn Dũ(¹⁷) thật không sao kiềm chế được lòng thương xót cho kẻ si mê ấy!

*Chú thích

(¹): Đức Phật dạy: “Mạng người còn mất chỉ trong hơi thở.” Người đời thường không lưu tâm, đến khi cái chết cận kề mới sinh lòng hối tiếc. Thậm chí thở ra không hẹn lúc thở vào, làm sao có thể lơ là chểnh mảng, lúc còn tu tập được lại không gắng sức tu?

(²): Trong Kinh điển thường dùng ví dụ con rùa mù để nói đến sự khó khăn của người gặp được Phật pháp. Ví như trong biển cả có con rùa mù, cứ 100 năm mới nổi lên mặt biển một lần, lại có một khúc cây bộng trôi đi qua lại trong biển ấy, cứ 100 năm mới trôi ngang chỗ con rùa mù một lần. Cơ hội của mỗi chúng ta được làm người và được nghe biết, tin nhận Phật pháp cũng khó khăn như con rùa kia có thể gặp được thân cây bộng để chui vào.

(³): Sáu nẻo, hay sáu đường, hay lục đạo, chỉ cho sáu cảnh giới mà tất cả chúng sinh do nghiệp lực nên đều phải lưu chuyển trong đó. Sáu nẻo bao gồm: cõi trời, cõi người, cõi a-tu-la, cõi địa ngục, cõi ngạ quỷ và cõi súc sanh.

(⁵): Ba tạng (Tam tạng): chỉ Kinh tạng (những kinh điển do Phật hoặc đệ tử Phật thuyết dạy), Luật tạng (những giới luật do đức Phật chế định) và Luận tạng (những luận giảng do đức Phật, chư vị Tổ sư, Luận sư… giảng rộng các vấn đề được đề cập trong Kinh điển.)

(⁶): Kinh Lăng Nghiêm sẽ mất trước nhất, Kinh Di-đà sẽ mất sau cùng. (Chú giải của soạn giả)

(⁸): Đức Phật Di-lặc là vị Phật thứ năm trong kiếp Hiền.

(⁹): Tuổi thọ con người một lần tăng một lần giảm là một tiểu kiếp, mỗi tiểu kiếp có 16.800.000 năm. (Chú giải của soạn giả)

(⁹): Tức Bồ Tát Vi Đà. (Chú giải của soạn giả)

(¹⁰): Bao gồm 20 tiểu kiếp của giai đoạn thế giới Ta-bà này hoại diệt, 20 tiểu kiếp của giai đoạn thế giới rỗng không, và 20 tiểu kiếp của giai đoạn hình thành thế giới tương lai thuộc kiếp Tinh Tú. (Chú giải của soạn giả) Như vậy là trọn vẹn 4 giai đoạn của mỗi một thế giới, gồm thành, trụ, hoại và không. Mỗi giai đoạn là 20 tiểu kiếp. Thế giới Ta-bà của chúng ta hiện đang trong giai đoạn trụ, nên tiếp tới sẽ là các giai đoạn hoại và không. Sau đó mới đến giai đoạn hình thành một thế giới mới, cũng kéo dài 20 tiểu kiếp.

(¹¹): Đức Phật này là vị Phật đầu tiên của kiếp Tinh Tú. (Chú giải của soạn giả)

(¹⁴): Tám nan xứ (Bát nan): chỉ tám hoàn cảnh khiến cho chúng sinh rất khó tu tập Phật pháp, bao gồm: (1) địa ngục, (2) ngạ quỷ, (3) súc sinh, (4) sinh vào châu Bắc Câu-lô (tức châu Uất-đan-việt), (5) sinh lên cõi trời Trường thọ, (6) sinh làm người đui mù, câm điếc, (7) sinh làm người thế trí biện thông, và (sinh ra trước hoặc sau khi Phật xuất thế. Có nơi gọi là Tám nạn.

(¹⁵): Do đời trước chỉ làm việc phước đức một cách si mê, thiếu trí tuệ. (Chú giải của soạn giả)

(¹⁶) Bồ Tát Vi Đà không cảm hóa được người ở châu này, nên chỉ thấy nói đến ba châu cảm ứng (Chú giải của soạn giả) Ba châu bao gồm Nam Thiệm bộ châu, Tây Ngưu hóa châu và Đông Thắng thần châu.

An Sĩ Toàn Thư – Khuyên người tin sâu nhân quả, quyển Hạ
Tâm Hướng Phật/St!

Bài viết cùng chuyên mục

Gia trì lực của Quán Thế Âm Bồ Tát

Định Tuệ

Tam khổ là gì? Cái gì làm cho ta đau khổ nhiều nhất?

Định Tuệ

Tu hành là làm những việc mà không ai chịu làm

Định Tuệ

Dùng đức hạnh hóa giải oán thù

Định Tuệ

Thiền là gì? Là khi tâm lặng, tinh thần tươi sáng, trí tuệ phát huy

Định Tuệ

Thế gian này loại người nào có phước báo lớn nhất?

Định Tuệ

Niệm Phật phải dự bị lúc lâm chung

Định Tuệ

Thần Chú là gì? Công đức, lợi ích của người đọc tụng thần chú

Định Tuệ

Tuần tự và trạng thái khi bốn đại phân ly

Định Tuệ

Viết Bình Luận