Tâm Hướng Phật
Kiến Thức

Sở dĩ phàm phu rất khó thành Phật là do chẳng buông phân biệt, chấp trước xuống được

Sở dĩ phàm phu rất khó thành Phật, mấu chốt là ở chỗ này: Nói chung là do chẳng buông phân biệt, chấp trước xuống được!

Chư vị pháp sư, chư vị đồng học, xin hãy ngồi xuống. Xin xem Đại Thừa Vô Lượng Thọ Kinh Giải trang thứ mười bốn, hàng thứ ba từ dưới đếm lên. Chúng ta xem từ hàng thứ ba, xem từ câu cuối cùng trong trang trước.

“Thị cố Di Đà Yếu Giải vân: Thử chi pháp môn, toàn tại liễu Tha tức Tự, nhược húy ngôn Tha Phật, tắc thị Tha Kiến vị vong. Nhược thiên trọng Tự Phật, khước thành Ngã Kiến điên đảo” (Vì thế, sách Di Đà Yếu Giải viết: “Pháp môn này chú trọng liễu giải Tha chính là Tự. Nếu kiêng không nói đến Tha Phật, tức là Tha Kiến chưa mất. Nếu khăng khăng coi trọng Tự Phật, sẽ thành Ngã Kiến điên đảo”). Mấy câu này trong sách Yếu Giải của Ngẫu Ích đại sư có ý nghĩa rất sâu. Sở dĩ phàm phu rất khó thành Phật, mấu chốt là ở chỗ này: Nói chung là do chẳng buông phân biệt, chấp trước xuống được! Ở đây nói về phân biệt và chấp trước. Bất luận tu pháp môn nào, do tập khí từ vô lượng kiếp đến nay, chúng ta rất dễ phạm sai lầm. Tổ sư đã giảng về pháp môn này rất hay: “Toàn tại liễu Tha tức Tự”, “liễu” (了) là hiểu rõ, biết Tự và Tha bất nhị, Tha là A Di Đà Phật, Tự là chính mình. A Di Đà Phật và chính mình vốn cùng một Thể, là tự tánh Di Đà. A Di Đà Phật do đâu mà có? Do tự tánh biến. Ta do đâu mà có? Cũng do tự tánh biến; ta và A Di Đà Phật có cùng một tự tánh. Đạo lý này rất sâu, thật sự khế nhập cảnh giới này, khẳng định chuyện này là thật, đó gọi là “chứng đắc”, trong Tông Môn nói: “Minh tâm kiến tánh, kiến tánh thành Phật”. Tha Phật và Tự Phật là một, mười phương tam thế hết thảy chư Phật đều do tự tánh này biến ra, hết thảy chúng sanh trong hư không pháp giới cũng do tự tánh này biến ra. Trong Vọng Tận Hoàn Nguyên Quán, Hiền Thủ quốc sư đã giảng thấu triệt chuyện này, giảng hết sức rõ ràng! Quý vị hiểu chư Phật Như Lai và đông đảo chúng sanh có quan hệ gì với ta, hiểu rõ ràng. Nói theo mặt quan hệ thì là luân lý. Do vậy, tại Trung Quốc, luân lý rất được coi trọng. Từ xưa tới nay, luôn nhấn mạnh luân lý; luân lý là nói tới mối quan hệ giữa con người với nhau. Trong Phật pháp, luân lý được giảng viên mãn nhất. Không chỉ giảng về quan hệ giữa con người với nhau, mà quan hệ giữa con người và tất cả hết thảy động vật, quan hệ với tất cả hết thảy cây cối hoa cỏ, quan hệ với núi, sông, đại địa, mối quan hệ giữa các chiều không gian khác biệt trong hư không và các sinh vật, [những mối quan hệ ấy] đều được [Phật pháp] nêu ra toàn bộ. Có thể nói: Đại Thừa Phật pháp đã giảng luân lý đến rốt ráo viên mãn. Đặc biệt là Đại Phương Quảng Phật Hoa Nghiêm Kinh, chúng ta thấy [các phẩm] Thế Giới Thành Tựu và Hoa Tạng Thế Giới đều giảng về luân lý. Làm thế nào để xử lý thật tốt đẹp những mối quan hệ ấy, đó là đức hạnh. Trong tự tánh vốn có trí huệ và đức tướng, xử lý đều chẳng lìa tự tánh, từ Tánh Đức lưu lộ. Tổ tiên Trung Quốc đã thật sự khai quật được cốt lõi của Tánh Đức, cốt lõi ấy là Hiếu. Vì vậy, đối với văn hóa Trung Hoa, nói tới điểm đặc sắc của Trung Quốc, dùng một chữ Hiếu để nói! Trong Phật pháp, cũng là một chữ Hiếu này! Vì thế, Phật pháp truyền đến Trung Quốc, bèn rất nhanh chóng dung hợp với văn hóa Trung Quốc thành một Thể, căn bản của chúng là một, chẳng hai. Quý vị thấy phần Tịnh Nghiệp Tam Phước trong kinh Quán Vô Lượng Thọ Phật của Tịnh Tông, câu đầu tiên là “hiếu dưỡng phụ mẫu”, câu thứ hai là “phụng sự sư trưởng”. Văn hóa truyền thống của Trung Quốc cũng lấy điều này làm cơ sở, “hiếu thân, tôn sư” (hiếu thảo cha mẹ, tôn trọng thầy). Các tôn giáo và những nền văn hóa khác có [quan niệm này] hay không? Có, nói thật ra thì cốt lõi là một. Do vậy, các tôn giáo trên thế gian có thể đoàn kết, cùng một cốt lõi mà! Chẳng có gì không nói tới hiếu đạo. Những tôn giáo và văn hóa khác chẳng giảng rõ ràng như Phật và Nho, họ nói đến “ái” (lòng yêu thương): Chúa yêu thương người đời, Thượng Đế yêu thương người đời; họ nói đến nhân từ. Trên thực tế, đều là cùng một ý nghĩa, một cốt lõi.

Có thể thật sự giác ngộ chẳng dễ dàng! Sau khi giác ngộ, những tri kiến ấy chẳng còn, sẽ không còn nói Tha Phật hay Tự Phật, chẳng còn ý niệm ấy nữa! Có ý niệm ấy chẳng phải là đối lập hay sao? Có Tự, sẽ có Tha. Vì vậy, Ngẫu Ích đại sư nói: “Nếu kỵ húy Tha Phật, chưa quên Tha Kiến”. Nếu thiên trọng Tự Phật, đó là Ngã Kiến điên đảo, chưa quên Ngã Kiến. Tự và Tha đối lập sẽ biến thành hai pháp, chẳng phải là Phật pháp. Giống như Huệ Năng đại sư ở chùa Quang Hiếu, [chùa này hiện thời] là Quang Hiếu Tự [1], gặp gỡ pháp sư Ấn Tông lần đầu tiên, pháp sư Ấn Tông thỉnh giáo Tổ: “Khi Ngài ở Hoàng Mai, Ngũ Tổ lão nhân gia giảng Thiền Định và giải thoát như thế nào?” Huệ Năng đại sư giải thích, giảng giải Thiền Định và giải thoát, giải thoát có nghĩa là Niết Bàn, Huệ Năng đại sư nói: “Thiền Định và giải thoát là hai pháp, hai pháp chẳng phải là Phật pháp, Phật pháp là pháp bất nhị”. Nên giải thích câu nói này của đại sư như thế nào? Chúng ta có thấu hiểu hay chăng? Pháp sư Ấn Tông còn thấy hai pháp, tức là vẫn còn có phân biệt, chấp trước; Huệ Năng đại sư đã dung hội cả hai thành một Thể. Không chỉ Thiền Định và giải thoát là một, không hai, mà hết thảy các pháp đều là một. Pháp thế gian và Phật pháp cũng là một. Giác ngộ thì gọi là xuất thế pháp, hay Phật pháp; chưa giác ngộ thì gọi là thế gian pháp. Đúng là một, không hai. Sau khi giác ngộ, chẳng tìm được hai; vì vậy, nhập Bất Nhị môn, vì sao? Phân biệt, chấp trước, ngay cả khởi tâm động niệm đều không có, lấy đâu ra hai pháp? Mấy câu này giảng về pháp môn Bất Nhị; nói theo cách bây giờ, đây là triết học cao cấp trong kinh Phật. Chúng ta nghe xong có thể hiểu thì “nghe hiểu” chính là lãnh hội lời giảng của cổ đức. Nghe không hiểu là chưa lãnh hội. Lãnh hội được thì tốt lắm, chưa lãnh hội cũng chẳng sao, cứ thật thà niệm Phật là được rồi. Vâng lời, thật sự thật thà vâng lời, quý vị thật sự tu, chắc chắn có thể thành tựu, đấy là bí quyết. Chúng ta học đoạn này tới đây.

Chúng ta xem đoạn kế tiếp, tức đoạn thứ tư: “Đinh, ám hợp diệu đạo, xảo nhập vô sanh” (thứ tư, thầm hợp đạo mầu, khéo nhập vô sanh). Đây là nói pháp môn Trì Danh Niệm Phật này tương ứng với minh tâm kiến tánh, tuy còn chưa đạt đến trình độ ấy, nhưng có cùng một phương hướng, một mục tiêu, chắc chắn tốt đẹp, đó là “ám hợp diệu đạo”. “Xảo nhập vô sanh”: Vô sanh là kiến tánh, thật sự thấy hết thảy các pháp chẳng sanh diệt, sanh diệt chẳng hai. Pháp môn này là phương tiện thiện xảo khiến cho chúng ta cũng có thể khế nhập [vô sanh]. Xin xem kinh văn trong trang mười lăm, hàng thứ nhất. “Phù vô niệm dữ vô sanh, viễn phi phàm phu chi sở năng” (vô niệm và vô sanh vượt xa ngoài khả năng của phàm phu). Vô niệm là vô sanh, chúng ta phải thấu hiểu ý nghĩa ở đây: Có sanh thì sẽ có niệm! Chúng ta chưa phải thuộc cảnh giới này, mà cũng chưa nhập cảnh giới này, nhưng người đã học Hoàn Nguyên Quán sẽ hiểu vũ trụ xuất hiện như thế nào? Vạn vật xuất hiện như thế nào? Do ý niệm mà có, ý niệm vừa khởi, chúng (vạn vật và vũ trụ) bèn hiện tiền; ý niệm chẳng có, ngay lập tức, chúng cũng chẳng còn! Di Lặc Bồ Tát nói ý niệm sanh diệt vô cùng nhanh, trong một giây có bao nhiêu niệm? Có một ngàn hai trăm tám mươi triệu, có nhiều niệm dường ấy. Ngài nói: Do niệm niệm tiếp nối, nên dường như có sanh; nếu ý niệm “có một niệm” này đã đoạn, cảnh giới vô sanh sẽ hiện tiền. Vô sanh là gì? Vô sanh là Thường Tịch Quang, trong ấy chẳng có hiện tượng sanh diệt, chẳng sanh, chẳng diệt. Huệ Năng đại sư đã thấy, quý vị thấy trong bài báo cáo gồm năm câu của Ngài, câu thứ hai là: “Hà kỳ tự tánh, bổn vô sanh diệt” (nào ngờ tự tánh vốn chẳng sanh diệt). Ngài đã thấy, chứng đắc, Ngũ Tổ mới truyền y bát cho Ngài, chẳng truyền cho Thần Tú, vì Thần Tú có sanh diệt: “Thân thị Bồ Đề thụ, tâm như minh kính đài” (thân như cội Bồ Đề, tâm như đài gương sáng), có sanh, có diệt, còn người ta (Huệ Năng) thật sự thấy vô sanh. Vì vậy, cảnh giới không giống nhau.

Cảnh giới ấy chẳng phải là cảnh giới phàm phu, mà là cảnh giới của ai? Trong giáo pháp Đại Thừa thường nói: “Viên Giáo Bát Địa Bồ Tát, ly nhất thiết tâm ý thức phân biệt, thỉ danh chân đắc Vô Sanh Pháp Nhẫn” (Bậc Bát Địa Bồ Tát trong Viên Giáo, lìa hết thảy tâm ý thức, phân biệt, mới thật sự được gọi là đắc Vô Sanh Pháp Nhẫn). “Vô sanh” là Vô Sanh Pháp Nhẫn, Vô Sanh Pháp Nhẫn là gì? Nhẫn là tán thành. Quý vị đã thấy, cũng chẳng có chút hoài nghi nào, quý vị chứng nhận điều ấy. Do vậy, “nhẫn” (忍) có nghĩa là tán thành, khẳng định. Đức Phật giảng pháp Vô Sanh “hết thảy các pháp chẳng sanh, hết thảy các pháp chẳng diệt”, người ấy tiếp nhận, khẳng định. Chúng ta nghe câu này, nhất định sẽ nói: “Thưa Thích Ca Mâu Ni Phật! Con thấy đời người có sanh, lão, bệnh, tử, thấy hoa nở, hoa tàn, lẽ nào chẳng có sanh diệt?” Chúng ta không hiểu! Thật vậy! Thật sự chẳng có sanh diệt! Đối với kiến thức thông thường này, muốn hơi hiểu rõ một chút, hãy đọc bộ Hoàn Nguyên Quán, trong ấy đã giảng rất rõ ràng, chúng ta chưa thể chứng thực, nhưng Bát Địa Bồ Tát đã thấy. Đọc kinh Hoa Nghiêm, chúng ta thấy Sơ Trụ Bồ Tát thuộc Viên Giáo phá vô minh, chứng Pháp Thân, Ngài đã thấy vô niệm, vô sanh, thoát ly mười pháp giới. Thưa quý vị, mười pháp giới có sanh, có diệt. Mười pháp giới do đâu mà có? Do A Lại Da biến hiện. Những điều các khoa học gia hiện thời nói rất giống với ba tế tướng của A Lại Da. Các khoa học gia nói: Trong vũ trụ, chỉ có ba thứ, trừ ba thứ ấy ra, thứ gì cũng đều không có. Ba thứ ấy là gì? Thứ nhất là năng lượng, thứ hai là vật chất, thứ ba là thông tin. Đức Phật giảng ba tế tướng của A Lại Da, thứ nhất là Nghiệp Tướng, [thứ hai là] Chuyển Tướng, [thứ ba là] Cảnh Giới Tướng. Nghiệp Tướng là năng lượng, Chuyển Tướng là thông tin, Cảnh Giới Tướng là vật chất. Chúng ta cũng chẳng thể không bội phục các nhà khoa học, họ cũng phát hiện, nhưng chẳng nói rõ ràng như đức Phật. Đức Phật nói ba hiện tượng này do đâu mà có? Họ (các nhà khoa học) không biết ba hiện tượng này lại biến hiện ra vũ trụ, biến hiện ra vạn vật, biến hiện ra con người chúng ta như thế nào, các khoa học gia chẳng nói được! Khoa học cận đại có thể phát hiện ba thứ này, há phải dễ dàng!

Sơ Trụ Bồ Tát buông khởi tâm động niệm xuống, chẳng khởi tâm, chẳng động niệm, đương nhiên chẳng có phân biệt, chấp trước. Sau khi khởi tâm động niệm mới có phân biệt, sau khi phân biệt mới có chấp trước. Những thứ này thảy đều buông xuống, sẽ sanh vào cõi Thật Báo Trang Nghiêm, chưa đến được Thường Tịch Quang, có thể nói là “chứng Thường Tịch Quang, nhưng chưa khế nhập”. Vì sao? Còn tập khí vô minh chưa đoạn. Bốn mươi mốt địa vị Pháp Thân đại sĩ có tập khí vô minh dày hay mỏng khác nhau; [nếu] toàn bộ tập khí đã đoạn hết, cõi Thật Báo Trang Nghiêm cũng chẳng còn. Họ đến nơi đâu? Tới cõi Thường Tịch Quang. Trong Thường Tịch Quang, không có hiện tượng vật chất, hiện tượng tinh thần cũng chẳng có, đúng là cảnh giới chẳng thể nghĩ bàn, quý vị không có cách nào tưởng tượng, mà cũng chẳng diễn tả được. Nó thật sự tồn tại, vĩnh hằng tồn tại, chẳng sanh, chẳng diệt. Có khởi tác dụng hay không? Khởi tác dụng! Chúng sanh có cảm, nó bèn ứng; sự cảm ứng đạo giao này cũng rất khó tưởng tượng. Thuở trẻ, chúng tôi học Phật pháp, thầy cũng chẳng giảng rõ ràng chuyện này, đối với chuyện này, chúng tôi luôn hoài nghi. Nỗi hoài nghi ấy chẳng có vấn đề, trong Phật pháp gọi [nỗi hoài nghi ấy] là “nghi tình”, thường nghi, chưa thể đoạn. Huân tập kinh giáo Đại Thừa một thời gian dài, tôi mới dần dần lãnh ngộ. Sự lãnh ngộ ấy là ngộ, là giải ngộ, chưa phải chứng ngộ. Giải ngộ, chẳng hoài nghi nữa! Có lý, đạo lý cũng đã hiểu. Có Lý đương nhiên có Sự, có Sự đương nhiên có Lý. Từ Sự mà hiểu rõ Lý, từ Lý cũng liễu giải Sự. Vì sao chưa thể chứng đắc? Chưa buông khởi tâm động niệm xuống được! Phân biệt, chấp trước nhẹ hơn người bình thường, vì sao người bình thường ngay cả giải ngộ cũng gặp khó khăn dường ấy? Do phân biệt, chấp trước quá nặng, điều này chướng ngại ngộ môn của quý vị, chưa thể chứng ngộ. Quý vị thấy giải ngộ còn bị chướng ngại, huống hồ chứng ngộ!

Tu hành Phật pháp chẳng có chi khác, buông xuống, triệt để buông xuống! Bố Đại hòa thượng đã biểu thị pháp đến nơi đến chốn. [Ngài sống] vào đời Tống, cùng một thời với Nhạc Phi, Bố Đại hòa thượng là Di Lặc Bồ Tát, người Hoa gọi Ngài là Hoan Hỷ Phật. Đây là một nhân vật truyền kỳ, nhưng trong Cao Tăng Truyện có truyện ký của Ngài. Trong truyện ký, chẳng ghi tên họ của Ngài vì không ai biết, [Ngài là] người xứ nào cũng không biết. Ngài xuất hiện tại Phụng Hóa, tỉnh Chiết Giang. Nơi Ngài trụ là chùa Tuyết Đậu, ngôi chùa này hiện thời là đạo tràng của Di Lặc Bồ Tát, Ngài trụ tại nơi đó. Mập mạp, luôn tươi cười, hằng ngày ra ngoài hóa duyên, bất luận người ta cho thứ gì đều nhét vào túi vải. Có một lần, trên đường, gặp mấy người thưa hỏi lão nhân gia: “Phật pháp là gì?” Ngài bỏ cái túi vải xuống đất, buông thõng hai tay, thể hiện tư thế như vậy, chẳng nói một câu nào! Người ta nhìn ra: “Đó là buông xuống, sau khi buông xuống sẽ làm như thế nào?” Ngài khoác túi vải lên lưng bỏ đi, chẳng đoái hoài đến ai. Ngài đã thật sự trả lời, thật sự giảng rõ ràng. Phật pháp là gì? Buông xuống là Phật pháp. Quý vị thấy: Trong giáo pháp Đại Thừa, buông chấp trước xuống bèn chứng A La Hán, buông phân biệt xuống là Bồ Tát; buông khởi tâm động niệm xuống, quý vị bèn thành Phật. Từ đầu đến cuối đều dạy quý vị buông xuống, buông xuống tới mức chẳng còn gì hết. Ngay cả sự buông xuống ấy cũng buông luôn, quý vị sẽ thành Phật.

Sau khi thành Phật thì sao? Nâng lên! Buông xuống được, sẽ nâng lên được! Nâng lên là gì vậy? “Nâng lên” là phổ độ chúng sanh. Nói theo từ ngữ hiện thời, “độ” là giúp đỡ, giúp sức, góp tay. Chúng sanh có khổ nạn, quý vị giúp họ. Chúng sanh đang mê hoặc, chưa giác ngộ, quý vị giúp họ giác ngộ. Dùng phương pháp gì? Giảng kinh, giáo học. Quý vị thấy Thích Ca Mâu Ni Phật dùng phương pháp này, chúng ta đều thấy “thân hành, ngôn giáo”: những gì Ngài đã nói, Ngài đều thật sự làm được. Thân hành, ngôn giáo, giảng kinh, thuyết pháp, Thích Ca Mâu Ni Phật suốt đời làm chuyện như vậy. Ba mươi tuổi khai ngộ, khai ngộ rồi bắt đầu dạy học, bảy mươi chín tuổi viên tịch, giảng kinh, dạy học suốt bốn mươi chín năm, những điều Ngài đã nói Ngài đều làm được toàn bộ, chẳng có điều nào không làm! Ngài dạy chúng ta như dạy trẻ vỡ lòng, Thập Thiện Nghiệp Đạo, Ngài làm được, chẳng sát sanh, không trộm cắp, chẳng tà dâm, chẳng nói dối, chẳng nói đôi chiều, chẳng nói thêu dệt, chẳng ác khẩu, chẳng tham, chẳng sân, chẳng si, thật sự làm được, làm thanh tịnh. Tam Quy là buông xuống “mê, tà, nhiễm”, nương theo “giác, chánh, tịnh”, đó là Tam Quy, Ngài làm được. Ngũ Giới Ngài làm được. Kinh giáo dạy chúng ta buông chấp trước xuống, Ngài làm được. Buông phân biệt xuống, Ngài cũng làm được. Buông khởi tâm động niệm xuống, Ngài làm được. Sau đấy, bảo quý vị: Chỉ cần quý vị thật sự chịu buông xuống, trong tự tánh có sẵn vô lượng trí huệ; vô lượng công đức và vô lượng tướng hảo thảy đều trọn đủ trong tự tánh. Trong kinh Hoa Nghiêm, đức Thế Tôn dạy: “Hết thảy chúng sanh đều có trí huệ và đức tướng của Như Lai”, thật đấy, chẳng giả đâu! Huệ Năng đại sư khai ngộ, nói: “Hà kỳ tự tánh, bổn tự cụ túc” (Nào ngờ tự tánh vốn tự trọn đủ), có cùng ý nghĩa như kinh Hoa Nghiêm đã nói.

Khi quý vị buông xuống, Tánh Đức trong tự tánh hiện tiền, bất luận quý vị học hay chẳng học, đúng là sáu căn vừa tiếp xúc bèn triệt để hiểu rõ, đó là bản năng (năng lực sẵn có). Tổ tiên Trung Quốc đã hiểu [điều này], nhưng nói quá đơn giản, cho nên người đời sau quá nửa hiểu cong vẹo, hiểu sai lầm. Tổ tiên chỉ nói một câu: Bổn tánh vốn lành. Câu đầu tiên trong Tam Tự Kinh là: “Nhân chi sơ, tánh bổn thiện” (Con người thoạt đầu tánh vốn lành). Chúng ta thấy những chữ này, ngay lập tức dựa trên văn tự để suy đoán ý nghĩa, ngỡ thiện là gì? Thiện là thiện trong thiện ác. Chẳng phải vậy! Đó chẳng phải là thiện trong “thiện, ác”, chúng ta đã hiểu lầm mất rồi! Làm thế nào để hiểu “thiện” [trong câu nói đầu tiên của Tam Tự Kinh] chẳng phải là thiện trong thiện ác? Hãy dùng đạo lý được giảng trong kinh Phật để đọc lời lẽ của tổ tiên. Do vậy, ông Thang Ân Tỷ (Arnold J. Toynbee) nói rất hay! “Người Trung Quốc tâm lượng rất lớn, dung nạp văn hóa Ấn Độ, đó là dung nạp văn hóa ngoại lai, Phật giáo Ấn Độ đã làm phong phú văn hóa bản địa của Trung Quốc”. Chúng ta nói “thiện” ở đây chẳng phải là thiện trong “thiện, ác”, điều này đã làm phong phú văn hóa bản địa của Trung Hoa. “Thiện” ở đây là tự tánh, chẳng phải là thiện trong thiện ác; có thiện và ác sẽ chưa phải là thiện, vì sao? Có phân biệt, chấp trước. Thiện ở đây là gì? Là tự tánh như trong kinh Phật đã nói, pháp môn Bất Nhị mới gọi là “thiện”. Nhị là bất thiện; thiện ác là nhị pháp, đối lập, chẳng thiện. Thiện thật sự chẳng có đối lập. Nhà Phật nói Tánh, Tướng, Lý, Sự, nhân, quả là một, không hai, lúc đó mới là thiện, ý nghĩa này cũng rất sâu, Đại Thừa Phật pháp mới viên dung. Có phải là ý nghĩa này hay chăng? Đúng vậy, vì tự tánh viên dung hết thảy các pháp, tuyệt đối chẳng hiểu sai ý nghĩa.

Trích trong:
Tịnh Độ Đại Kinh Giải Diễn Nghĩa Tập 15
Chủ giảng: Lão pháp sư Tịnh Không
Địa điểm: Hương Cảng Phật Đà Giáo Dục Hiệp Hội
Chuyển ngữ: Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa
Giảo chánh: Đức Phong và Huệ Trang

Bài viết cùng chuyên mục

Lược đàm về Sân phiền não – Phương pháp đối trị Sân

Định Tuệ

Pháp môn Niệm Phật hợp với trình độ căn cơ chúng sanh đời nay

Định Tuệ

Vì sao bình thường chúng ta cần phải niệm Phật?

Định Tuệ

Linh Văn Của Trời Đất Cứu Thế Giới – Hòa Thượng Tuyên Hóa

Định Tuệ

Gặp người ăn xin có nên bố thí hay không?

Định Tuệ

Tâm là nguyên nhân tạo tội, là gốc thành Phật

Định Tuệ

Thích Ca Mâu Ni Phật do niệm A Di Đà Phật mà thành Phật

Định Tuệ

Giải đáp mười điều nghi vấn về cõi Tịnh độ phần 1

Định Tuệ

Điều quan trọng nhất trong nền giáo dục của nhà Phật là phải dạy người nhận thức tự tánh

Định Tuệ

Viết Bình Luận