Với Phật giáo, tràng hạt là một pháp khí quen thuộc, việc sử dụng tràng hạt dường như đã trở thành nét đặc thù của Tịnh độ tông.
1. Nguồn gốc của tràng hạt
Tràng hạt có nguồn gốc từ Ấn Độ và đã trở thành một vật quan trọng trong đời sống tín ngưỡng của nhiều tôn giáo, đặc biệt là Phật giáo. Cùng với văn hóa của người dân Ấn Độ cổ. Trong Phật giáo, tràng hạt là vật tùy thân của các hành giả giúp họ chú tâm vào trì niệm. Và đi sâu hơn vào các trạng thái của định để làm phát khởi tuệ giác.
Trong Kinh điển Phật giáo, nguồn gốc của tràng hạt và lần chuỗi hạt khi niệm Phật căn cứ vào sự khai thị của Đức Phật đối với vua Ba Lưu Ly. Điều đó dựa theo Kinh Mộc Hoạn Tử. Các tăng sĩ thường mang tràng hạt bên người như một bảo bối, một pháp khí hỗ trợ họ trên con đường tu học Phật pháp.
Tràng hạt có bao nhiêu hạt?
Theo Kinh Mộc Hoạn Tử, tràng hạt gồm 108 hạt. Con số này tượng trưng cho 108 phiền não. Bao gồm 88 kiến hoặc, 10 tư hoặc và 10 triền.
Theo Kinh Đà Ra Ni Tập quyển 2 phẩm Tác Châu Pháp Tướng, tràng hạt có 4 loại: 108 hạt, 54 hạt, 42 hạt, 21 hạt.
Kinh Sổ Châu Công Đức nêu ra 4 loại chuỗi, đó là 108 hạt, 54 hạt, 27 hạt và 14 hạt.
Theo Kinh Kim Cang Đảnh Du Già Niệm Châu thì lấy chuỗi 1.080 hạt làm chuỗi bậc thượng. Chuỗi 108 hạt làm chuỗi tối thắng. Chuỗi 54 hạt làm chuỗi bậc trung. Chuỗi 27 hạt làm chuỗi bậc hạ.
Phẩm Sổ Châu Nghi Tắc trong Kinh Văn Thù Nghi Quỹ cho rằng: Chuỗi bậc thượng là 108 hạt, chuỗi bậc trung là 54 hạt, chuỗi bậc hạ là 27 hạt, chuỗi tối thượng là 1.080 hạt.
Ý nghĩa của số hạt
Căn cứ vào số lượng hạt trong tràng hạt mà ý nghĩa của nó cũng khác nhau:
Chuỗi 108 hạt có ý nghĩa biểu thị cho cầu chứng 108 pháp Tam Muội mà đoạn trừ 108 phiền não.
Chuỗi 54 hạt có ý nghĩa biểu thị cho 54 cấp vị quá trình tu hành của Bồ Tát, bao gồm Thập Tín, Thập Hạnh, Thập Trú, Thập Hồi Hướng, Thập Địa và Tứ Thiện Căn Nhân Địa.
Chuỗi 42 hạt có ý nghĩa biểu thị cho 42 cấp vị quá trình tu hành của Bồ Tát, bao gồm Thập Hạnh, Thập Trú, Thập Địa, Thập Hồi Hướng và Đẳng Giác, Diệu Giác.
Chuỗi 27 hạt có ý nghĩa biểu thị cho 27 cấp vị của Tiểu Thừa tu hành Tứ Hướng Quả, đó là 18 bậc Hữu Học của Tứ Hướng Tam Quả và 9 bậc Vô Học của Đệ Tứ Quả A La Hán.
Chuỗi 21 hạt có ý nghĩa biểu thị cho 21 vị, đó là Thập Địa, Thập Ba La Mật và quả vị Phật.
Chuỗi 14 hạt có ý nghĩa biểu thị cho 14 Pháp Vô Úy của Bồ Tát Quán Thế Âm.
Chuỗi 1.080 hạt có ý nghĩa biểu thị cho 10 cảnh giới, mỗi cảnh giới đều có 108.
Công dụng của tràng hạt
Tràng hạt là một vật dụng phổ biến trong nhiều nền văn hóa trên thế giới. Nó được dùng như một thứ trang sức hoặc như một pháp khí tùy theo đối tượng sử dụng. Trong tôn giáo, tràng hạt được dùng để liên kết và thiết lập trật tự cho các lời cầu nguyện, các bài kinh, các kệ tán, các danh hiệu hoặc những thần chú trong khi hành trì.
Với Phật giáo, tràng hạt là một pháp khí quen thuộc, việc sử dụng tràng hạt dường như đã trở thành nét đặc thù của Tịnh độ tông. Theo lịch sử truyền thừa của Tịnh độ tông, người chế ra tràng hạt để niệm danh hiệu Phật chính là ngài Đạo Xước (562-645), người được tôn là tổ thứ 2 của Tịnh độ tông Trung Quốc. Còn với Phật giáo Nam tông, từ lâu tràng hạt cũng đã dần dần trở thành một vật tùy thân ngoài 8 vật (3 y, kim chỉ, bình bát, dây lưng, dao cạo và túi lọc nước) đã được Phật chế định.Không phải ai niệm Phật cũng lần tràng hạt. Điều này, còn tùy theo căn tính và thói quen của mỗi người.
Tuy nhiên, đối với những tín đồ, Phật tử tu theo Tịnh Độ tông, thì nên lần chuỗi để tiện bề đếm số đúng như lời mình đã phát nguyện. Bởi vì đối với những người sơ cơ, nhiều nghiệp chướng, tâm chưa thuần nhất, còn đầy vọng tưởng tạp loạn, thì việc dùng tràng hạt khi niệm Phật để dễ định tâm hơn. Hơn nữa, người tu tịnh nghiệp, thì tam nghiệp (thân, khẩu, ý) cần phải giữ thanh tịnh. Tay lần chuỗi thuộc về thân nghiệp, miệng niệm Phật thuộc về khẩu nghiệp, ý chuyên chú vào câu hiệu Phật không rời ra, thuộc về ý nghiệp. Kinh Phật dậy: “Tam nghiệp hằng thanh tịnh, đồng Phật vãng Tây phương”, nghĩa là ba nghiệp đều thanh tịnh thì cùng Phật vãng sinh về Tây phương cực lạc. Như vậy, tay lần chuỗi cũng là mục đích để ghi nhớ mỗi một hạt chuỗi là niệm một câu hiệu Phật, đồng thời cũng là cách ghi nhớ số, để không nhầm lẫn vậy.
Công dụng của chuỗi hạt chỉ là một phương tiện như muôn ngàn phương tiện khác. Người ta dùng nó để niệm Phật. Nhờ lần chuỗi ghi số câu mà tâm ít tán loạn hơn. Tuy nhiên, điểm căn bản để diệt trừ phiền não, chính là ở nơi cái tâm. Người niệm Phật, tay lần chuỗi mà tâm lăng xăng, tán loạn, luôn nghĩ tà vạy, thì dù miệng có niệm Phật, tay lần tràng hạt, cũng không thể nào có kết quả định tâm được.
2. Vì sao khi niệm Phật trì chú nên dùng tràng hạt?
Kinh hiệu lượng sổ châu công đức
Thích Tâm Châu dịch
Bấy giờ Ngài Văn-Thù Sư-Lỵ (Manjusri) Pháp-Vương-Tử, Bồ-Tát Ma-Ha-Tát, vì muốn đem lợi ích cho mọi loài hữu tình, nên Ngài lấy tâm đại-bi bảo đại chúng rằng:
-Các ông nên nghe cho khéo, nay tôi sẽ vì các ông diễn-thuyết về vấn đề “so-lường công đức thụ-trì việc lần tràng hạt (sổ châu) được lợi ích khác nhau thế nào? Và, nếu có ai tụng niệm những thần chú cùng danh-hiệu Phật thời thế nào?”
Vì muốn lợi mình và giúp người, cầu mong mọi pháp chóng được thành-tựu, hiệu-nghiệm, phương pháp lần tràng ấy cần phải như thế này, nên gắng thụ-trì: Nếu ai dùng sắt làm tràng hạt, lần, tụng một lượt được phúc gấp năm lần niệm không. Nếu ai dùng đồng đỏ làm tràng hạt, lần, tụng một lượt, được phúc gấp mười lần niệm không.
Nếu ai dùng chân-châu, san-hô… làm tràng hạt, lần, tụng một lượt, được phúc gấp trăm lần niệm không. Nếu ai dùng hạt cây tra (mộc-hoạn-tử) làm tràng, lần, tụng một lượt, được phúc gấp nghìn lần niệm không. (Nếu cầu sinh sang những cõi thanh tịnh của chư Phật cùng muốn sinh lên Thiên cung, nên thụ-trì cỗ tràng này).
Nếu ai dùng hạt sen làm tràng hạt, lần, tụng một lượt, được phúc gấp vạn lần niệm không. Nếu ai dùng hạt Nhân-đà-la-khư-soa ( làm tràng hạt, lần, tụng một lượt, được phúc gấp trăm vạn lần niệm không. Nếu ai dùng hạt ô-lô-đà-la-khư-soa (9) làm tràng hạt, lần, tụng một lượt được phúc gấp nghìn vạn lần niệm không.
Nếu ai dùng hạt thủy tinh làm tràng hạt, lần, tụng một lượt, được phúc gấp vạn vạn lần niệm không.
Nếu ai dùng hạt bồ đề làm tràng hạt, hoặc dùng để lần, niệm, hoặc chỉ cầm tay, lần, tụng một lượt, phúc ấy vô lượng, không sao tính kể và khó thể so-lường được.
Các thiện-nam! Cỗ tràng bằng hạt Bồ-đề ấy, nếu có người tay tuy cầm tràng, chẳng hay y pháp niệm, tụng danh hiệu Phật cùng thần-chú, song, thường đem theo mình, khi đi, khi ở, khi ngồi, khi nằm, dầu nói thế nào, người ấy do mang giữ hạt Bồ-đề, được phúc cũng như là niệm danh hiệu Phật và tụng thần chú không khác; nghĩa là được phúc vô-lượng.
Tràng cầm phải đủ một trăm tám hạt. Như khó tìm đủ được, hoặc làm năm mươi tư hạt hay hai mươi bảy hạt, mười bốn hạt cũng đều dùng được. Đó là pháp-nhân sai khác của tràng hạt.
Các thiện-nam! Vì nhân-duyên gì nay tôi chỉ tán-thán việc dùng hạt Bồ-đề được lợi-ích tối-thắng? – Các ông nghe cho khéo, tôi vì các ông nói lại nhân trước của việc này:
Xưa kia có đức Phật ra đời và thành ngôi Đẳng-chính-giác ở dưới gốc cây Bồ-đề. Bấy giờ có một người ngoại-đạo mê-tín tà-kiến, hủy-báng Tam-bảo song, người ấy có một người con trai thình lình bị loài Phi-nhân (Quỷ-thần) đánh chết, người ngoại-đạo ấy tự niệm rằng:
“Ta nay tà thịnh, chửa biết chư Phật có thần-lực gì: Như-Lai đã thành ngôi Đẳng-chính-giác ở dưới gốc cây này, nếu nơi Phật ngồi là Thánh-thụ, thời phải có sự cảm ứng?”
Nghĩ rồi, liền đem thây người con trai chết ấy để nằm dưới gốc cây Bồ-đề và nói như thế này: “Cây Phật ngồi nếu quả là Thánh-thụ thời con tôi quyết-định được sống lại.”
Suốt trong bảy ngày người ấy tụng niệm danh hiệu Phật, con họ được sống lại thực. Sau đó, người ngoại-đạo ấy tán-thán rằng: “Thần-lực chư Phật, tôi chưa từng thấy; cây Phật thành đạo, hiện sự lạ lùng, uy-đức rất lớn, khó thể nghĩ, bàn.”
Và, từ đấy những người ngoại-đạo đều bỏ tà quy chính, phát tâm Bồ-đề. Mọi người đều tin và biết uy-lực của Phật không thể nghĩ, bàn được nên đều gọi là cây Duyên-mệnh. Bởi nhân-duyên ấy, cây này có hai tên (Bồ-đề và Duyên-mệnh) các ông nên biết. Và, vì thế tôi mới vì các ông chỉ bảo cho những chỗ cốt yếu về vấn đề này.
Ngài Văn-Thù nói những lời ấy rồi, Đức Phật liền dạy rằng: Quý hóa thay, quý hóa thay ông Văn-Thù Sư-Lỵ Pháp-vương-tử! Như lời ông nói, thực không có gì khác cả.
Hết thảy đại chúng được nghe sự so-lường về công-đức thụ-trì tràng hạt này, ai nấy đều hoan-hỷ, tín thụ phụng hành.
Tâm Hướng Phật/St!