Khi niệm Phật hay tu tập, tôi hay khởi những vọng niệm rất thô tục, như muốn phỉ báng Phật. Có cách nào dẹp bỏ những vọng tưởng đó không?
Hỏi: Cho tôi xin hỏi một vấn đề, đó là khi tôi niệm Phật, hay tu tập, tôi hay khởi những vọng niệm rất thô tục, như muốn phỉ báng Phật. Danh hiệu Phật nhưng lại bị những vọng tưởng đó khởi lên thành những từ ngữ “nhạy cảm”. Xin hỏi có cách nào giúp tôi dẹp bỏ những vọng tưởng đó không?
(Quang Tử) Đáp:
Bạn thân mến, những người mới tu tập thường gặp vấn đề này, trong tâm tự dưng khởi lên những ý nghĩ phỉ báng Phật, những hình ảnh, âm thanh hoặc câu từ dâm dục xen lẫn câu niệm Phật như muốn bôi nhọ Phật, càng muốn dứt trừ chúng, thì chúng lại càng bùng phát mạnh hơn. Điều này dẫn đến tâm lí lo sợ, khiến những người mới tu không dám tu tập nữa.
Thực ra, những ý nghĩ phỉ báng đó là do các loại ma chướng bên ngoài tác động vào. Chúng không muốn cho ai tu tập mà được giải thoát, nên tác động vào tâm những người đang tu, tạo ra các vọng tưởng phỉ báng Phật bằng đủ loại cách thức khác nhau để người ta nản mà bỏ tu tập. Đồng thời đây cũng là do nghiệp chướng từ quá khứ của bản thân.
Nếu vì lo sợ mà bỏ dở việc tu tập, ấy là ma đã thành công phá hủy một sự nghiệp tu hành đang chớm nở, nên nhất định thế nào cũng không được bỏ dở công phu tu tập. Vậy làm như thế nào để chấm dứt tình trạng này? Hãy phớt lờ nó đi!
Hãy tự nhủ rằng, những ý nghĩ phỉ báng đó là của ma chướng cài vào, chẳng phải của mình, và mặc kệ chúng. Vì càng chú ý nhiều, càng cuống cuồng tìm cách dập tắt, thì những ý nghĩ, những vọng tưởng phỉ báng đó lại càng khởi lên nhiều. Phớt lờ chúng đi, không thèm quan tâm, chúng lại nhanh chóng tan biến.
Rất nhiều người đã dựa theo cách trên để vượt qua ma chướng này. Bạn hãy kiên trì áp dụng một thời gian, vì cũng không nhanh chóng mà hết ngay được. Chúc bạn thành công!
Làm thế nào để điều phục vọng tưởng khi niệm Phật?
Bệnh vọng tưởng là bệnh chung của người tu. Dù chúng ta tu bất cứ pháp môn nào, tham thiền, niệm Phật, tụng kinh, trì chú… ít nhiều gì cũng đều có vọng tưởng dấy khởi. Nếu như bặt dứt hết bệnh vọng tưởng, thì đã thành Thánh nhân rồi. Được thế, thì còn nói tu hay không tu làm chi nữa. Vì còn vọng tưởng, nên chúng ta mới tu.
Mục đích của sự tu hành là chúng ta muốn dẹp trừ hết vọng tưởng. Vì chính nó là đầu mối dẫn chúng ta đi tạo nghiệp thọ khổ. Nhưng muốn diệt trừ nó, không phải là chuyện dễ dàng. Nhất là đối với những người sơ cơ mới bước chân vào đạo tập tu.
Khi ứng dụng tu, thì vọng tưởng tạp loạn dấy khởi lên rất mạnh. Đó là do những thứ tập khí nhiều đời cũng như hiện đời mà chúng ta đã huân tập. Nếu là người tu lâu, hành trì miên mật, thì lũ vọng tưởng phiền não sẽ giảm bớt và yếu đi nhiều.
Tuy nhiên, Phật tử nên nhớ, bệnh vọng tưởng dấy khởi mạnh hay yếu, tương tục hay gián đoạn, thô hay tế, tất cả còn tùy theo sức huân tu hằng ngày của mỗi người.
Lần tràng hạt trong khi ngồi niệm Phật (mỗi câu Phật hiệu lần một hạt) là phương tiện để nhiếp tâm chánh niệm nhằm hướng đến thành tựu nhất tâm.
Lần tràng hạt cũng là cách để hành giả nhận biết rõ về số lượng (cũng như thời lượng) niệm Phật mà vị ấy đã phát nguyện trì niệm như 10 chuỗi, 20 chuỗi… chẳng hạn.
Do đó, trong các thời niệm Phật nói chung, lần tràng hạt hay không đều được, tùy mỗi người. Riêng lúc chuẩn bị đi ngủ thì có thể niệm Phật mà không cần lần chuỗi hạt, niệm được chừng nào thì niệm, cốt duy trì tâm an tịnh và nhẹ nhàng để đi vào giấc ngủ an lành.
Đối với những hành giả sơ cơ, sức huân tu còn yếu thì “vọng tưởng nhiều, suy nghĩ lung tung” trong khi niệm Phật là việc rất bình thường. Đoạn trừ và điều phục vọng tưởng chỉ là cách nói, thực tế thì hành giả không phải đoạn trừ hay điều phục gì cả mà chỉ cần ghi nhận thật rõ tâm mình, tâm có vọng tưởng hay không đều biết rõ, rồi chú tâm vào trì niệm Phật hiệu (Nam mô A Di Đà Phật).
Điều cần lưu ý là không ngại vọng tưởng nhiều (vì nó nhiều như vậy từ rất lâu rồi), chỉ ngại không kiên trì chú tâm vào Phật hiệu mà thôi. Nếu trong thời khóa niệm Phật lỡ có thất niệm (vọng tưởng hay hôn trầm) một thời gian, khi phát hiện ra liền đưa tâm trở về an trú nơi Phật hiệu.
Căn bản của công phu niệm Phật là cứ liên tục đưa tâm trở về với Phật hiệu, trú tâm với đề mục Phật hiệu cho đến khi đạt được nhất tâm. Chính sự tinh tấn, bền bỉ niệm Phật như thế, lâu ngày chánh niệm sẽ mạnh dần lên và vọng tưởng yếu dần đi cho đến lúc an tịnh hoàn toàn.
Khi niệm Phật, Phật tử nên nhớ là phải nhiếp tâm vào câu hiệu Phật. Miệng niệm tai nghe âm thanh rõ ràng. Tâm luôn theo dõi từng lời, từng chữ của câu hiệu Phật. Khi đang niệm, bỗng tạp niệm xen vào, Phật tử đừng sợ chỉ cần biết nó một cách nhẹ nhàng, thì nó sẽ lặng xuống. Bấy giờ Phật tử cứ tiếp tục niệm Phật.
Điều quan yếu của pháp môn niệm Phật là phải tâm niệm. Miệng niệm tai nghe không chưa đủ mà phải chú tâm niệm. Niệm như thế lâu ngày, vọng tưởng sẽ giảm bớt dần và đến khi nào tâm được thuần thục, thì Phật tử sẽ dần đạt được nhứt tâm bất loạn.
Đọc thêm: Vọng tưởng, vọng niệm là gì? Làm sao để trị vọng tưởng?