Tại sao có người can thiệp được vào cuộc đời của người khác? Vì nhân quả không phải chỉ gói gọn trong một con người, mà liên quan chằng chịt.
Khi một người tu hành chân chính mà bị nạn, tức là bị nghiệp cũ đến, thì chư Phật, chư Bồ tát, chư Thiên đều có trách nhiệm cứu giúp. Tuy các vị có trách nhiệm cứu giúp chúng sinh nhưng các vị vẫn căn cứ trên đạo hạnh của người tu này.
Nếu các vị nhìn thấy tâm của người này hiểu đạo đúng, thì nhân quả là trong tương lai người này sẽ làm được rất nhiều công đức lớn, có thể hóa độ làm lợi ích cho chúng sinh.
Cho dù ngay bây giờ, người này chưa đạt được điều gì nhưng chư vị nhìn vào cái tâm của người này và biết rằng một con người khiêm tốn như thế, từ bi như thế, thông minh như thế, quyết tâm như thế, thì chắc rằng con người này về sau sẽ làm được rất nhiều điều thiện cho cuộc đời này.
Do đó, các vị giúp để tạm thời chặn cái nghiệp cũ không cho người này bị nạn, để người này có cơ hội tu tập và làm phước, thì dần dần người này sẽ bù lại cái nghiệp của ngày xưa.
Điều này giống như trường hợp vay tiền ngân hàng, họ xem xét khả năng chi trả của người vay, phương thức làm ăn có hiệu quả, để có thể hoàn trả lại vốn vay và lãi suất cho ngân hàng, chứ không phải là tiền ai nấy xài.
Trong trường hợp này, chúng ta đã mượn tiền của người khác, của ngân hàng. Mà muốn mượn được, thì chúng ta phải có đủ khả năng chi trả, phải chứng minh được cách làm ăn hiệu quả.
Còn chúng ta thì vay phước của chư Bồ tát vậy. Chư vị cũng đánh giá khả năng tu tập của chúng ta rồi cho mượn phước, chứ thực sự ngay lúc đó thì chúng ta chưa đủ phước. Đó gọi là vay mượn phước, là biện pháp can thiệp.
Nếu đạo hạnh của một người đã có tích lũy, thì khi nghiệp nặng ập đến sẽ được chư Phật, chư Bồ tát giúp đỡ ngăn chặn lại không cho nghiệp đánh vào họ, để giúp họ bình yên tu tập, vì biết người này sẽ làm được nhiều công đức lớn cho Phật pháp, cho chúng sinh.
Sau khi cầu nguyện, chúng ta vượt qua được tai nạn, thì hãy nhớ rằng nếu một năm sau đó, chúng ta có làm được công đức rất lớn, thì sẽ không thấy được quả báo lành vì phải trả cho cái nạn năm trước đã vay phước của Bồ tát. Điều này rất hợp lý, rất công bằng.
Chúng ta nhờ vào việc vay tiền ngân hàng để hiểu được chuyện vay mượn phước từ Chư vị Bồ tát, đó là lý do hóa giải nghiệp mà đôi khi chúng ta chưa hiểu rõ.
Trích trong sách Luận giảng Kinh Kim Cang bài Kim Cang Màu Nhiệm trang 411-412-413!