Tâm Hướng Phật
Kiến Thức

Triền phược có nghĩa là gì? Bát triền tam phược gồm những gì?

Triền là quấn quanh, Phược là gì? Phược là trói chặt, giống như đem dây thừng buộc quanh, trói chặt quý vị, quý vị chẳng thể cựa quậy được!

“Giải chư triền phược”, Triền là quấn quanh, Phược là gì? Phược là trói chặt, giống như đem dây thừng buộc quanh, trói chặt quý vị, quý vị chẳng thể cựa quậy được! Đây là hình dung từ.

“Y Cảnh Hưng sư ý” (theo ý của ngài Cảnh Hưng), Cảnh Hưng là một vị pháp sư Nhật Bản, Ngài nói “triền phược” chính là “bát triền, tam phược” như trong kinh Phật đã dạy. Chúng ta coi xem chính mình có tám thứ ấy hay không? Tám sợi dây thừng trói chặt quý vị, quý vị chẳng cựa quậy được!

Ở đây, cụ Niệm Tổ có ghi một chú thích nhỏ: “Dư chư gia đa vị thập triền tứ phược” (các nhà chú giải khác phần nhiều nói là mười triền, bốn phược), cụ dùng thuyết “tám triền, ba phược” của pháp sư Cảnh Hưng. “Mười triền, bốn phược” có thể tra trong Phật Học Từ Điển.

Điều thứ nhất trong tám triền là Vô Tàm. Chúng ta có Tàm (thẹn) hay không? Hai chữ Tàm và Quý là Thiện Tâm Sở, Vô Tàm và Vô Quý là phiền não.

Tàm là gì? Người Hoa thường nói người ấy có lương tâm, làm chuyện sai quấy, lương tâm cắn rứt, trong tâm cảm thấy rất khó chịu, đó là có Tàm. Kẻ Vô Tàm thì sao? Làm đủ mọi chuyện xấu, chẳng cảm thấy đã làm chuyện sai quấy. Người bình thường chúng ta thường nói kẻ ấy vô lương tâm, kẻ ấy thiếu lương tri nên gọi là Vô Tàm.

Quý là gì? Quý là sợ người khác chỉ trích. Chúng ta làm chuyện ác, người khác phê bình, chúng ta cảm thấy rất kinh sợ. Vì sợ đại chúng trong xã hội phê bình, nên chẳng dám làm chuyện xấu, đó là Quý Tâm Sở, tức là sợ bị dư luận chê trách. Nếu chúng ta làm chuyện xấu, chẳng sợ người khác dị nghị, chẳng màng kẻ khác phê bình, đó là Vô Quý.

Quý vị thấy kẻ làm chuyện ác, chẳng bị lương tâm cắn rứt, mà cũng chẳng sợ kẻ khác phê bình thì kẻ ấy chuyện xấu gì cũng dám làm. Đặt hai điều này vào vị trí thứ nhất và thứ hai, có Tàm và Quý sẽ chẳng dám làm chuyện xấu. Nếu hiểu nhân quả, ta vừa dấy ác niệm, thiên địa, quỷ thần sẽ phê phán ta, ngay cả ý niệm bất thiện kẻ ấy cũng chẳng dám dấy lên. Quý vị thấy hai Tâm Sở này đã sanh ra sức mạnh lớn lắm.

Thứ ba là Tật Đố (ganh ghét). Chúng ta phải lắng lòng suy nghĩ, chúng ta có tâm ganh ghét hay không? Thấy kẻ khác tốt đẹp, chúng ta có cảm xúc gì? Nếu cảm thấy người ấy vượt trội ta, tâm ta bực bội, ta cũng muốn trội hơn kẻ ấy, hoặc là càng làm quá lố hơn một chút là bôi nhọ những ưu điểm của kẻ ấy, phá hoại chuyện tốt của kẻ đó, những điều này đều phát xuất từ thói ganh ghét.

Chướng ngại chuyện tốt của người khác, chúng ta có ý niệm ấy hay không? Dẫu phiền não của chúng ta nhẹ hơn một chút, nhưng trong tâm chẳng thoải mái, chẳng làm chuyện phá hoại người khác, nhưng vẫn là có tâm ganh ghét.

Bồ Tát chẳng có, Bồ Tát thấy điều tốt đẹp của người khác, tâm sanh hoan hỷ. Tu gì? Tu tùy hỷ công đức, người khác làm chuyện tốt, ta bèn tận tâm tận lực giúp kẻ ấy, khiến cho chuyện tốt của người ấy càng được làm tốt đẹp hơn, đó là Bồ Tát. Tuyệt đối chẳng chướng ngại kẻ khác, chướng ngại kẻ khác là ác nghiệp, đều là đọa tam đồ.
Quý vị tùy hỷ công đức, người ấy có công đức to nhiều, người tùy hỷ đạt được công đức to như người ấy. Chẳng có năng lực tùy hỷ bằng cách đóng góp công sức, bèn hoan hỷ tán thán, đến khắp nơi tuyên dương kẻ ấy thì cũng là tùy hỷ, công đức cũng giống hệt. Khi không có sức giúp đỡ quý vị, tôi dùng ngôn ngữ, dùng văn tự để tuyên dương công đức của quý vị, đó cũng là tùy hỷ.

Quý vị thấy đó, là phước hay là họa đều thuộc trong một niệm. Chỉ có kẻ mê hoặc mới ganh ghét, chướng ngại; người thông minh có trí huệ chẳng làm chuyện ngu xuẩn ấy. Gặp người khác làm chuyện tốt, đó là cơ hội của chính mình đã đến, chúng ta có cơ hội để chính mình tích lũy công đức.

Người ấy cầm đầu, đứng đầu, chúng ta theo sau giúp đỡ người ấy, thành tựu như nhau, chẳng tăng, chẳng giảm. Trong mười đại nguyện vương của Phổ Hiền Bồ Tát có nguyện “tùy hỷ công đức” là nguyện thứ năm, tiếp ngay theo nguyện “sám trừ nghiệp chướng” là “tùy hỷ công đức”, phải học hiểu điều này.

Thứ tư là Xan (keo kiệt). Xan và Tham thường gộp chung, Tham là tham cầu, Xan là gì? Chính mình có, nhưng chẳng bỏ ra được để giúp đỡ người khác, tâm lượng rất nhỏ, chỉ cầu tự lợi, chẳng biết lợi tha. Như vậy thì có thể giữ gìn sự phú quý của chính mình hay không? Thưa cùng chư vị, chẳng thể! Quyết định chẳng giữ được, mà còn khiến cho sự phú quý của chính mình bị hao tổn trên một mức độ to lớn!

Phú quý do đâu mà có? Phú quý do tâm lượng rộng rãi mà có! Cổ ngạn ngữ Trung Quốc đã nói rất hay: “Lượng to, phước lớn”. Lượng nhỏ nhen, phước chẳng lớn, chẳng thể nào có đại phước báo. Lượng to lớn, chịu thí xả, thấy người khác gặp khó khăn, tự mình toàn tâm toàn lực giúp đỡ, đó là đại phước báo. Giúp người khác nhưng chính mình còn giấu nghề, đó chính là xan tham, bị tổn phước, chẳng phải là tu phước. Nhất định phải giống như Bồ Tát toàn tâm toàn lực thực hiện, phước báo lớn lao.

Đức Phật dạy tài phú do đâu mà có? Từ tài bố thí mà có; thông minh và trí huệ do đâu mà có? Từ pháp bố thí mà có, khỏe mạnh, sống lâu do đâu mà có? Do vô úy bố thí mà có. Thật sự làm, dốc hết tánh mạng thực hiện, càng làm càng thù thắng.

Có người nói tôi tuổi tác đã cao ngần ấy vẫn còn giảng kinh! Làm chuyện giảng kinh này, ba thứ bố thí trọn đủ. Thân thể, tinh thần, thể lực là nội tài bố thí, được của cải. Tu hành, giáo học là pháp bố thí, tăng trưởng thông minh, trí huệ. Người nghe kinh hiểu rõ, thông suốt, y giáo phụng hành, bèn lìa khổ được vui, đó là ta đã vô úy bố thí, quả báo là khỏe mạnh, sống lâu.

Chẳng giảng kinh thì thọ mạng bèn hết, chẳng khởi tác dụng. Càng giảng càng có tinh thần, càng giảng tuổi thọ càng dài, đạo lý là như vậy đó. Quý vị đồng ý xả, thọ mạng bèn dài. Chẳng chịu xả, thọ mạng ngắn ngủi, chuyện là như vậy đó. Hiểu rõ ràng, hiểu minh bạch rồi thì tu học và giảng kinh sung sướng hơn bất cứ gì khác. Khỏe mạnh, trường thọ, vĩnh viễn chẳng bị già suy, luôn vừa phải. Thật sự suy lão là chẳng thể cử động.

Nếu quý vị nghĩ “hãy keo kiệt một chút, ta đã lớn tuổi, hãy giảng ít đi một chút để thân thể nghỉ ngơi nhiều hơn”, càng nghỉ ngơi càng già khọm, càng nghỉ ngơi càng đổ bệnh ra, đạo lý là như vậy đó! Ngày nào chẳng giảng nữa, chẳng giảng bèn vãng sanh, đến thế giới Cực Lạc, cũng chẳng thể chịu khổ sở vì tuổi già ở đây một ngày nào. Già rất khổ, chẳng phải chịu cái tội ấy! Hễ không giảng bèn đi ngay sang thế giới Cực Lạc. Chư Phật, Bồ Tát ứng hóa trong thế gian này, nêu gương cho chúng ta.

Thứ năm là Ác Tác, phạm vi ở đây vô cùng rộng rãi, tất cả hết thảy hành vi bất thiện đều được bao gồm trong điều này. Trong cuộc sống, công việc, đãi người, tiếp vật, hễ trái phạm những gì đã nói trong Đệ Tử Quy, trái nghịch những gì Cảm Ứng Thiên và Thập Thiện Nghiệp Đạo đã nói thì đều gọi là Ác Tác, do trái nghịch tánh đức.

Thứ sáu là Thụy Miên. Chẳng thể nào không ngủ, nhưng chớ nên tham ngủ. Thông thường ngủ nghỉ, ngủ rất ngon thì chừng sáu giờ là đủ rồi, khi tỉnh giấc phải làm việc. Công việc của người học Phật là khi tỉnh giấc bèn rửa ráy, thay quần áo sạch sẽ, tụng kinh, niệm Phật, lạy Phật, hoặc là đọc kinh. Từ tuổi trung niên trở lên, lạy Phật rất trọng yếu. Lạy Phật là vận động, làm chuyện vận động này chẳng lãng phí thời gian, tương ứng với niệm Phật. Kinh hành cũng là một loại vận động tốt, thích hợp cho người lớn tuổi. Kinh hành, niệm Phật, “ức Phật, niệm Phật, hiện tiền đương lai, tất định kiến Phật” (nhớ Phật, niệm Phật, hiện tại, tương lai, nhất định thấy Phật). Chớ nên ngủ quá nhiều. Ngủ quá nhiều là lãng phí thời gian quý báu của chính mình, nhất định phải phấn chấn tinh thần.

Thứ bảy là Điệu Cử (Trạo Cử). Nay chúng ta gọi Điệu Cử là tánh khí bộp chộp, tâm chẳng định được, vọng niệm quá nhiều. Đặc biệt là muốn tĩnh lặng, ta tĩnh tọa mấy phút, vừa tĩnh tọa, vọng tưởng quá nhiều, trạng huống ấy được gọi là Điệu Cử, trở ngại rất lớn cho sự tu học. Tâm chẳng đặt tại đó, học gì cũng đều khó khăn.

Điều thứ tám là Hôn Trầm, trái ngược với Điệu Cử. Điệu Cử là tâm tình bộp chộp, xáo động. Hôn Trầm là ngủ gà ngủ gật, tinh thần uể oải. Quý vị bảo người ấy niệm Phật, niệm được mấy phút đã ngủ mất. Trong Phật Thất chúng ta thường thấy, người hôn trầm có khi nhiễu Phật, chân vẫn bước nhiễu Phật mà đã ngủ gục, ngáy o o luôn, chẳng phải là niệm Phật mà là ngáy khò khò!

Tám thứ này là phiền não, quấn trói quý vị, khiến cho công phu của quý vị chẳng đắc lực, khiến quý vị tu học chẳng thể thành tựu. Đó là Bát Triền.

Tam Phược là gì? Chính là Tam Độc phiền não, tham, sân, si. Trong có tham, sân, si, ngoài có tám hiện tượng ấy, người như vậy làm ác rất dễ dàng, hành thiện hết sức khó khăn.

Chúng ta biết kẻ có Bát Triền Tam Phược trong tương lai sẽ đến nơi đâu? Chắc chắn là tam đồ, đời sau chẳng có phần trong cõi trời người, đừng mong về thế giới Cực Lạc. Vì thế, các đồng học niệm Phật chúng ta, có lòng tin chân thật, nguyện thiết tha, phải thường xét coi chính mình có tám hiện tượng ấy hay không? Nếu có, phải thống thiết sửa lỗi trước, phải nghiêm túc nỗ lực tinh tấn, đặc biệt là phải hóa giải Tam Độc và Ngũ Độc như chúng tôi đã nói.

“Tịnh Ảnh Sớ viết: Diệc khả nhất thiết chư phiền não kết, thông danh Triền Phược, Bồ Tát giáo nhân đoạn ly, danh Giải” (Tịnh Ảnh Sớ giảng: “Cũng có thể nói là hết thảy các phiền não kết đều gọi là Triền Phược, Bồ Tát dạy người ta đoạn lìa chúng, đó là Giải”), tức là hóa giải triền phược.

Tịnh Ảnh Sớ là chú giải kinh Vô Lượng Thọ, trong ấy cũng nói rất hay, phạm vi to lớn. “Giải chư triền phược”, phạm vi của triền phược hết sức rộng lớn. “Nhất thiết chư phiền não kết”, Kết cũng là tên gọi khác của phiền não.

Trong kinh Đại Thừa, đức Phật dạy có tám vạn bốn ngàn phiền não, quy nạp thành một trăm lẻ tám phiền não. Kinh Phật thường nói điều này, phiền não gồm một trăm lẻ tám thứ. Nói thật ra, trong mỗi thứ đều là vô lượng vô biên, không chỉ là tám vạn bốn ngàn.

Trong Tứ Hoằng Thệ Nguyện có nói: “Phiền não vô tận thệ nguyện đoạn”. Đức Phật dạy đại chúng, một trăm lẻ tám vẫn là quá nhiều, khi giáo học vẫn chẳng thuận tiện, nên lại quy nạp một trăm lẻ tám thành hai mươi sáu cho dễ nói. Thông thường, đối với những người sơ học đều nói là hai mươi sáu. Hai mươi sáu phiền não gồm sáu căn bản phiền não và hai mươi tùy phiền não. Trong tùy phiền não lại có Trung Tùy, Đại Tùy, và Tiểu Tùy. Hai điều Vô Tàm và Vô Quý là Trung Tùy, Đại Tùy tám điều, Tiểu Tùy mười điều, dễ giảng giải!

Sáu căn bản phiền não là năm điều tham, sân, si, mạn, nghi, thêm vào sau đó là ác kiến. Ác kiến là năm thứ Kiến Hoặc, quy nạp chúng lại bèn gọi là ác kiến. Nói cách khác, sáu căn bản phiền não thường được gọi là Kiến Tư phiền não. Kiến phiền não là ác kiến, Tư phiền não là tham, sân, si, mạn, nghi. Tư là tư tưởng, quý vị nghĩ sai. Kiến là quý vị thấy sai, cách nhìn và cách nghĩ của quý vị đối với hết thảy các pháp trong vũ trụ đã sai, cho nên rắc rối mới nẩy sanh.

Đức Phật đã nêu ra những sai lầm ấy, khiến cho chúng ta giác ngộ, hiểu rõ, bèn buông những sai lầm ấy xuống, chánh tri chánh kiến hiện tiền, chánh tri chánh kiến là “tri kiến của Phật”. Chúng ta là phàm phu, chính mình nhất định phải tự biết rõ mình thì mới có thể học thứ này, thứ nọ. Phải khiêm hư, chớ nên có mảy may cuồng vọng, phải thật thà, phải nghe lời. Trong hoàn cảnh hiện tiền, chúng ta mong thành tựu trong một đời, đầu tiên là phải vun bồi vững vàng ba căn cội, nhất định phải biết điều này.

Trong quá khứ, người thuộc một thế kỷ trước, bất luận là tại gia học Phật hay xuất gia học Phật, mỗi cá nhân đều vun bồi tốt đẹp ba căn cội ấy, nên họ có thành tựu. Người tu hành hiện thời vì sao chẳng thành tựu? Chư vị chỉ cần lắng lòng tỉnh táo quan sát, trong tâm sẽ hiểu rõ. Chúng ta nói xem: Người tu Tịnh Độ tại gia hay xuất gia, khi lâm chung, chúng ta tiễn họ đi vãng sanh, có mấy người đầu óc tỉnh táo, tinh thần rất sáng suốt? Lúc ra đi, bảo mọi người: “Tôi thấy Phật đến tiếp dẫn tôi, tôi theo Phật ra đi”, đó là thật sự vãng sanh, chẳng giả chút nào! Nếu khi mất mà hôn mê, như vậy là chẳng nhất định vãng sanh. Nhưng người đưa đi vãng sanh trợ niệm đông đảo, có thể giúp người ấy chẳng đọa ác đạo, chúng ta có thể tin điều này, có thể khẳng định, người ấy có thật sự sanh vào thế giới Cực Lạc hay không? Chẳng chắc ăn! Nếu mắc phải chứng lú lẫn của người già (Alzheimer’s disease) thì chẳng có cách nào, trợ niệm vô hiệu! Mắc chứng si ngốc của người già, mơ hồ, điên đảo ra đi, nghiệp chướng sâu nặng, lúc lâm chung nghiệp chướng hiện tiền, chẳng thể vãng sanh. Người ra đi như vậy sẽ vẫn luân hồi trong lục đạo y như cũ, quý vị nói xem: Chuyện này có phiền phức hay không? Chúng ta là người thật tu, thật hành, phải chú trọng đề phòng chuyện này!

Chúng ta làm thế nào để tỉnh táo, sáng suốt trong lúc lâm chung? Dùng phương pháp gì? Đoạn ác, tu thiện, tích lũy công đức. Phải thực hiện năm chữ “nhân, nghĩa, lễ, trí, tín” do cổ nhân Trung Quốc đã nói. Chẳng làm được năm chữ ấy, lúc quý vị ra đi sẽ bị chướng ngại. Người thiếu nhân ái, thiếu từ bi, chẳng có lòng nhân ái sẽ mắc bệnh gan, bệnh ở gan. Nếu là kẻ bất nghĩa, thiếu đạo nghĩa, sẽ bị bệnh phổi. Kẻ thiếu lễ bị bệnh tim. Kẻ thiếu trí bị bệnh thận. Kẻ thiếu chữ tín, bệnh tại tỳ vị. Các chứng bệnh đều có nguyên nhân đối ứng. Có thể hành trọn nhân, nghĩa, lễ, trí, tín sẽ chẳng có bệnh.

Nhân, nghĩa, lễ, trí, tín và Ngũ Giới trong Phật pháp hoàn toàn giống nhau. Nhân là chẳng sát sanh, Nghĩa là chẳng trộm cắp, Lễ là chẳng tà hạnh, Trí là chẳng uống rượu, Tín là chẳng nói dối, hoàn toàn tương ứng với năm giới, quý vị đều có thể làm được, quyết định chẳng vi phạm, trong đời này, quý vị chẳng mắc bệnh.

“Siêng tu Giới, Định, Huệ, dứt diệt tham, sân, si”, bản thân chúng ta mới có thể bảo đảm chính mình khi lâm chung chẳng hồ đồ, như vậy thì chắc chắn sẽ vãng sanh. Vãng sanh là trong một niệm cuối cùng. Một niệm cuối cùng là A Di Đà Phật, chẳng phải là điều gì khác. Do vậy, lúc bình thời phải buông xuống, khi lâm chung, quý vị mới chẳng có tạp niệm, mới chẳng nghĩ cái này, tưởng cái kia, đặc biệt là danh, sắc, tài, ăn uống, ngủ nghỉ cũng đều bỏ, khi lâm chung sạch làu, chẳng có ô nhiễm. Đã biết hết thảy phiền não thì phải xa lìa, phải tận hết sức xa lìa, càng xa càng hay, vì sao? Đó là triền phược, trói buộc chúng ta ở nơi đây, khiến cho chúng ta chẳng lìa khỏi lục đạo luân hồi, quý vị nói có phiền phức lắm hay không? Bồ Tát dạy chúng ta đoạn sạch, dạy chúng ta rời khỏi, đó là Giải, tức là cởi gỡ những trói buộc!

“Thượng nhị cú, biểu hội trung chư Bồ Tát dĩ thông chư pháp tánh, đạt chúng sanh tướng, cụ Căn Bản Trí cập Sai Biệt Trí” (hai câu trên biểu thị các vị Bồ Tát trong hội do thông suốt tánh của các pháp, thấu đạt tướng chúng sanh, trọn đủ Căn Bản Trí và Sai Biệt Trí). “Thông chư pháp tánh” là Căn Bản Trí, “đạt chúng sanh tướng” là Sai Biệt Trí, tức là không gì chẳng biết.

Vì thế, Ngài “năng vị chúng sanh phá ma kiến võng, linh ly tà nghiệp” (có thể vì chúng sanh phá lưới ma, khiến cho họ lìa tà nghiệp), “nghiệp” là sự nghiệp, là tạo tác. Sự nghiệp bất thiện quyết định chẳng làm. Ở trong thế giới này, khởi tâm động niệm, ngôn ngữ, tạo tác, hết thảy sự nghiệp đều tạo lợi ích cho người khác, đều có chỗ tốt đẹp, quý vị thực hiện bèn chẳng thiệt thòi, chớ nên không biết điều này. Con người sống trên thế gian rất ngắn ngủi, một trăm năm, đối với người trẻ tuổi mà nói thì dường như rất dài, nhưng với lứa tuổi tôi, sẽ thấy một trăm năm như một cái khảy ngón tay, trôi qua rất nhanh, có ý nghĩa gì đâu? Đến tuổi già mới thật sự hiểu mạng người khổ sở, ngắn ngủi. Chẳng sợ khổ là vì nguyên nhân nào? Thời gian khổ sở ngắn ngủi, chẳng dài, ta phải cắn chặt răng vượt qua thời gian ít ỏi này, quyết định chẳng tạo ác nghiệp, đáng giá lắm!

Đời sau sanh về Tây Phương Cực Lạc thế giới, thời gian lâu dài. Sanh sang Tây Phương Cực Lạc thế giới, dẫu là hạ hạ phẩm vãng sanh trong cõi Phàm Thánh Đồng Cư, thậm chí vãng sanh trong biên địa của Tây Phương Cực Lạc thế giới, vẫn chúc mừng quý vị, quý vị được vô lượng thọ, đã lìa hết thảy khổ. Tây Phương Cực Lạc thế giới chẳng có khổ, nên gọi là Cực Lạc. Quý vị thành Phật ở bên ấy, rất nhanh chóng chứng đắc Phật quả rốt ráo. Sau khi thành Phật, quý vị giống như các vị đại Bồ Tát: “Có thể vì các hữu tình, tháo gỡ các trói buộc, khiến họ lìa phiền não”. Giúp đỡ chúng sanh hóa giải triền phược. Đó chính là giáo học, quý vị giảng thấu triệt, minh bạch tánh – tướng, lý – sự, nhân – quả của vạn pháp trong vũ trụ. Chúng sanh sau khi nghe xong, giác ngộ, hễ giác ngộ bèn quay đầu, xa lìa triền phược, và cũng vĩnh viễn lìa phiền não. Lìa khỏi phiền não, trí huệ hiện tiền, phiền não nhẹ nhàng, trí huệ tăng trưởng, trí huệ hướng dẫn người ấy, kẻ ấy chẳng làm ác, chẳng đi vào ngõ rẽ, đảm bảo chính mình dũng mãnh, tinh tấn trên con đường thành Phật, vãng sanh bất thoái thành Phật ngay trong một đời.

Trích: Tịnh Độ Đại Kinh Giải Diễn Nghĩa – Hòa Thượng Tịnh Không!
Xin hãy thường niệm A Di Đà Phật!

Bài viết cùng chuyên mục

Thần linh Thổ Địa là ai? Chuyện về Thần linh Thổ Địa

Định Tuệ

Niệm Phật một câu tuy đơn giản nhưng không phải dễ dàng

Định Tuệ

Nhất tâm niệm Phật để mau chóng về An Dưỡng Cực Lạc Quốc

Định Tuệ

Chữ Tức trong đạo Phật

Định Tuệ

Hữu vi và Vô vi theo quan điểm Phật giáo

Định Tuệ

Tỳ Kheo có nghĩa là gì? Năm đặc tính của Tỳ-kheo

Định Tuệ

Pháp thập niệm ký số, niệm lâu dần sẽ được nhất tâm bất loạn

Định Tuệ

Chướng ngại lưu thông Phật Pháp, quả báo là A Tỳ địa ngục

Định Tuệ

Vô minh trong đạo Phật có nghĩa là gì? Vô minh từ đâu mà sinh ra?

Định Tuệ

Viết Bình Luận