Nếu trong lúc ngồi niệm Phật bị hôn trầm, tốt hơn hết hãy đứng lên lạy Phật. Lạy Phật và kinh hành niệm Phật đối trị hôn trầm rất có hiệu quả.
Bởi vì ngủ là hôn trầm, người nào ngủ nhiều, chứng tỏ người đó còn nhiều hôn trầm. Hôn trầm là lạc vào vô minh. Nhiều vọng tưởng là trạo cử. Không riêng gì trong lúc niệm Phật, nếu làm việc mà hôn trầm hoặc trạo cử đều bị chướng ngại. Trong nhà Phật gọi hai thứ chướng ngại này là hôn trầm, trạo cử.
Trạo cử là tâm xao xuyến, không định, bị nhiều vọng tưởng chi phối. Hôn trầm là u mê, không sáng suốt, ngủ gục.
Bình thường chúng ta không thấy có vọng niệm, khi ngồi yên xuống, vọng niệm nổi lên rất nhiều. Có người cho là do niệm Phật, thưa quý vị, không phải như thế, không phải do niệm Phật mà sanh nhiều vọng niệm. Thực tế trong lúc bình thường, chúng ta đã có rất nhiều vọng niệm rồi, nhưng chúng ta không để ý đến khi ngồi yên lặng xuống niệm Phật, muốn thu nhiếp tâm lại mới phát giác rõ ràng như thế thôi. Với hai loại chướng ngại này Phật có chỉ cho chúng ta phương pháp đối trị.
Thứ nhất: Đối trị vọng tưởng
Nếu vọng tưởng nhiều dùng phương pháp chỉ Tịnh, nghĩa là trụ ở một chỗ hoặc là trụ ở câu danh hiệu Phật hay niệm Phật ở trong tâm cũng được, nếu không niệm thành tiếng có thể lắng nghe người khác niệm, chỉ cần dụng tâm chuyên nhất, vọng niệm tự nhiên tan biến. Tuyệt đối không nên tạo tác thêm vọng niệm, nghĩa là đừng có ý nghĩ miễn cưỡng, dẹp tắt vọng tưởng, nếu không sẽ vọng tưởng tăng thêm vọng tưởng. Do đó vọng tưởng nhiều bao nhiêu cũng mặc kệ, đừng để ý để làm gì, hãy dồn hết tinh thần, ý chí tập trung vào câu danh hiệu Phật hoặc tâm trung vào quán tưởng. Quán tưởng điều gì đây? Tưởng hình Phật, đến tưởng hảo của Phật. Tóm lại, cần phải tập trung tinh thần, ý chí mới có thể tiêu trừ được vọng tưởng. Hầu hết tất cả những nguyên tắc dụng công đều nhằm mục đích tiêu trừ vọng tưởng, hôn trầm, tạp niệm để hồi phục lại bản tánh giác ngộ của mình. Nói chung trong nhà Phật, bất luận sự dụng công nào cũng đều hy vọng đạt được ba mục đích này.
Thứ hai: Phương pháp đối trị hôn trầm
Nếu trong lúc ngồi niệm Phật bị hôn trầm, tốt hơn hết hãy đứng lên lạy Phật. Lạy Phật và kinh hành niệm Phật đối trị hôn trầm rất có hiệu quả. Lạy Phật làm cho tinh thần tỉnh thức, trong lúc lạy Phật, điểm đặc biệt cần lưu ý là lạy Phật để sám hối. Bởi vì nghiệp chướng, tập khí của chúng ta rất là nặng nề, cho nên trong niệm Phật đường nhất là người sơ học, nếu mỗi ngày đạt tiêu chuẩn trên 300 lạy là rất tốt, rất có lợi.
Hoà thượng Tịnh Không khai thị!
Công đức niệm Phật
Kinh Niệm Phật Ba La Mật dạy: “Muốn vãng sanh Cực Lạc chỉ cần xưng danh hiệu Phật là đủ. Vì danh hiệu chính là biểu tượng của Pháp thân, cho nên niệm danh hiệu chính là niệm Pháp thân vậy”.
Pháp sư Tịnh Không nói: “A Di Đà Phật là bổn danh (tên chung, tên gốc) của tất cả pháp giới chư Phật. Danh hiệu của từng vị trong tất cả pháp giới chư Phật là biệt hiệu của các ngài. A Di Đà Phật là bổn danh của các ngài cho nên gọi là Pháp giới tạng thân.
Tuyết Hư Lão Nhân nói: “Một câu Nam mô A Di Đà Phật là Pháp Giới tạng thân, bao gồm cả thập phương tam thế chư Phật. Một câu Nam mô A Di Đà Phật bao trùm cả mười hai loại bộ kinh điển trong tam tạng, tức là chữ A đã bao gồm toàn bộ giáo pháp của tam tạng.
Sáu chữ hồng danh là vua của các chú. Sáu chữ “Nam mô A Di Đà Phật” là chữ bí mật, chẳng phiên dịch. Cả sáu chữ đều chẳng phải là tiếng Trung Hoa. Pháp này cao tột, thù thắng hơn trì tụng bất cứ chú ngữ nào khác”.
Tổ thứ chín Ngẫu Ích đại sư nói: “A Di Đà Phật là một danh hiệu lớn lao, gồm có vạn công đức. Niệm danh hiệu ấy để vời công đức thì công đức nào cũng phải đến hết”.
Trong Quán Kinh Sớ, Tổ Thiện Đạo đại sư nói: “Niệm Phật một câu diệt tám mươi ức kiếp trọng tội sanh tử và được tám mươi ức kiếp vi diệu công đức”.
Kinh Niệm Phật Ba La Mật nói: “Nếu có chúng sanh nào chí thành xưng niệm danh hiệu Nam mô A Di Đà Phật thì uy lực bất khả tư nghì của danh hiệu khiến cho tâm thể thanh tịnh mà chúng sanh ấy không hề hay biết”. Hiện tượng thanh tịnh hóa này, theo Duy Thức Học giải thích như sau: Khi ta niệm Phật, chủng tử vô lậu của danh hiệu Phật huân tập vào tạng thức, nó sẽ chuyển hóa những chủng tử hữu lậu, gọi là bạch tịnh hóa. Huân tập càng nhiều chủng tử vô lậu, sức chuyển hóa (bạch tịnh hóa) càng mạnh, đến giai đoạn nào đó, bạch tịnh hóa hoàn toàn thì không còn chủng tử hữu lậu, mà chỉ có chủng tử vô lậu. Lúc đó tạng thức trở thành bạch tịnh thức, cũng gọi là vô cấu thức (Thức thứ chín). Sau đó chuyển thành Đại viên cảnh trí.
Do vậy, hành giả cần nỗ lực tinh tấn công phu ngày càng đắc lực hơn. Hễ chủng tử vô lậu (danh hiệu Phật) tăng trưởng một phần thì chủng tử hữu lậu (phiền não, tham, sân, si, mạn, nghi, tà kiến,…) giảm một phần; chủng tử vô lậu tăng trưởng mười phần thì chủng tử hữu lậu giảm mười phần v.v… Nhờ vào tiến trình bạch tịnh hóa nói trên, người đạt được Bất Niệm Tự Niệm cảm thấy an lạc, mát mẻ, vui vẻ, hạnh phúc không tài nào diễn tả được, nên nói: Uống nước nóng lạnh tự biết. Vọng niệm ngày càng ít hơn, thỉnh thoảng nếu có cũng bị uy lực của danh hiệu Phật, và sức chuyển hóa chủng tử chặn đứng, hủy diệt ngay khi vừa móng khởi. Nếu hành giả tiến sâu hơn, đạt niệm Phật thành một khối thì vọng niệm thô sẽ không móng khởi được nữa, tâm dần dần thanh tịnh hơn, định lực càng tăng trưởng, cái “Ngã” teo bé dần, trí tuệ ngày càng tỏ rạng hơn v.v…
Kinh Nguyệt Đăng Tam Muội nói: “Tất cả chư Phật trong mười phương ba đời (quá khứ, hiện tại và vị lai) đều học pháp niệm Phật, mau chóng chứng đắc đạo giác ngộ giải thoát”. Thế nên biết, chư Phật trong ba đời đều do niệm Phật được thành Phật.