Tâm Hướng Phật
Kiến Thức

Ngày vía Đức Phật A Di Đà là ngày nào?

Người tu Tịnh Độ chọn ngày sinh của Vĩnh Minh Thọ Thiền Sư là ngày 17 tháng 11 Âm lịch hàng năm cử hành lễ vía, nhớ lại Đức Phật A Di Đà.

Vì Kinh sách Tịnh Độ tông không ghi rõ ngày đản sinh, xuất gia thành đạo của Phật A Di Đà, nên người tu Tịnh Độ chọn ngày sinh của Vĩnh Minh Thọ Thiền Sư là ngày 17 tháng 11 Âm lịch hàng năm cử hành lễ vía, nhớ lại Đức Phật A Di Đà. Vĩnh Minh Thọ Thiền Sư được xem như là hoá thân của Phật A Di Đà.

1. Ngày vía đức Phật A Di Đà bắt nguồn từ đâu?

Theo lời đức Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật chỉ dạy trong kinh A Di Đà, cách thế giới Ta-Bà của chúng ta 10 muôn ức cõi Phật về hướng Tây rất xa, có một thế giới tên là Cực Lạc, Đức Phật giáo chủ cõi đó là Phật A Di Đà hiện đang thuyết pháp độ sanh

Đức Phật A Di Đà là một ngôi giáo chủ trên cõi Lạc Bang, oai đức không cùng, thệ nguyện rất lớn, mở môn phương tiện, độ kẻ chúng sanh ra khỏi Ta bà đem về Tịnh độ.

Trong các Kinh thì không có nói đến ngày sinh của ngài mà có các câu truyện lưu truyền như sau:

Có một lần, Đức Phật A Di Đà thị hiện vào đời nhà Đường làm một vị Hòa thượng tên là Thiện Đạo Đại Sư, hoằng dương Tịnh Độ, dạy người chuyên niệm Phật cầu hóa sanh về cõi Tây Phương Cực Lạc, và Ngài cũng là vị Tổ thứ II trong Tịnh Độ Tông.

Một lần khác cũng vào đời nhà Đường bên Trung Hoa, Ngài hiện thân làm một vị Đại sư tên là Pháp Chiếu, mở ra “Ngũ Hội Đạo Tràng” độ người về Cực Lạc, sau được suy tôn làm vị Tổ Thứ IV của Tịnh Độ.

Nhưng có lẽ đặc biệt nhất là câu chuyện giáng sinh của đức Phật A Di Đà vào đời nhà Tống, Trung Hoa, Ngài thị hiện làm một vị Hòa thượng khác tên là Vĩnh Minh Thiền sư (904-975) (còn gọi: Diên Thọ thiền sư), tự Trọng Nguyên), suốt thông tông giáo, triệt ngộ Thiền-cơ, nhưng tận lực hoằng dương Tịnh Độ, là vị Tổ thứ VI của Tịnh Độ Tông.

Diên Thọ Đại sư, tự Xung Huyền, người đời Tống, con của họ Vương ở Tiền Đường. Lúc thiếu thời, ngài thích tụng kinh Pháp Hoa, cảm đến quỳ mọp nghe kinh.

Lớn lên, Xung Huyền được Văn Mục Vương tuyển dụng, cho làm quan trông nom về thuế vụ. Nhiều lần ngài lấy tiền công quỹ đến Tây Hồ mua cá trạnh phóng sanh. Việc phát giác ra, bị Pháp ty thẩm định, xử ngài vào tội tử hình. Lúc sắp đem đi chém, Văn Mục Vương bí mật cho người rình xem, nếu thấy ngài nhan sắc thản nhiên, không tỏ về buồn rầu lo sợ, thì phải đem về trình lại. Thấy ngài trước sau vẫn an điềm. Sứ giả trao sắc chỉ cho quan Giám trảm, rồi dẫn về diện kiến vua. Khi Vương hỏi duyên cớ, ngài đáp: “Tôi tự dùng của công, đáng tội chết. Nhưng toàn số tiền đó, tôi dùng mua cứu được muôn ức sanh mạng, thì dù thân này có chết, cũng được vãng sanh về cõi Lạc Bang, vì thế nên tôi không lo sợ”. Văn Mục Vương nghe qua cảm động, ra lịnh tha bổng. Ngài xin xuất gia, Vương bằng lòng.

Sau đó, ngài đến quy y với Thúy Nham thiền sư ở Tứ Minh. Kế lại tham học với Thiều Quốc Sư ở Thiên Thai, tỏ ngộ tâm yếu, được Quốc sư ấn khả, ngài từng tu Pháp Hoa Sám ở chùa Quốc Thanh. Trong lúc thiền quán thấy đức Quán Thế Âm Bồ Tát rưới nước cam lồ vào miệng, từ đó được biện tài vô ngại. Do túc nguyện muốn chuyên chủ về Thiền hoặc Tịnh mà chưa quyết định, ngài đến thiền viện của Trí Giả đại sư, làm hai lá thăm: một lá đề Nhất tâm Thiền định, còn lá kia là: Trang nghiêm Tịnh độ. Kế lại chí tâm đảnh lễ Tam Bảo sám hối, cầu xin gia bị. Đến khi rút thăm, luôn bảy lần đều nhằm lá Trang Nghiêm Tịnh Độ. Từ đây ngài nhất ý tu về Tịnh nghiệp.

Năm Kiến Long thứ hai đời Tống. Trung Ý Vương thỉnh ngài trụ trì chùa Vĩnh Minh, tôn hiệu là Trí Giác thiền sư. Ngài ở đây trước sau mười lăm năm, độ được một ngàn bảy trăm vị Tăng. Ngài trứ tác tập “Vạn Thiện đồng quy”, chủ ý khuyến tu các pháp lành qui hướng về Tịnh độ. Đại sư lập công khóa, mỗi ngày đêm hành trì một trăm lẻ tám điều và hai điều đặc biệt trong đó, là tụng một bộ kinh Pháp Hoa, niệm mười muôn câu Phật hiệu. Ban đêm khi ngài qua gộp núi khác niệm Phật, những người ở gần nghe tiếng loa pháp cùng thiên nhạc trầm bổng du dượng. Về kinh Pháp Hoa, trọn đời ngài tụng được một muôn ba ngàn bộ. Đại sư thường truyền giới Bồ Tát, mua chim cá phóng sanh, thí thức cho quỷ thần, tất cả công đức đều hồi hướng về Tịnh độ. Ngài có trứ tác một trăm quyển Tông Cảnh Lục, hội chỉ thú dị đồng của ba tông: Hoa Nghiêm, Pháp Hoa và Duy Thức.

Niên hiệu Khai Bảo thứ tám, ngày 26 tháng 2 vào buổi sáng sớm. Đại sư lên chánh điện đốt hướng lễ Phật. Lễ xong, ngài họp đại chúng lại dặn dò khuyên bảo, rồi ngồi kiết già trên pháp tòa mà thị tịch, thọ được bảy mươi hai tuổi, hạ 42, toàn thân nhập tháp núi Đại Từ.

Về sau, có vị Tăng từ Lâm Xuyên đến, trọn năm kinh hành lễ tháp của Đại sư. Có người hỏi duyên cớ, vị Tăng đáp: Năm trước tôi bị bịnh nặng, thần thức vào cõi u minh, thấy bên tả đại điện có thờ tượng một vị Hòa thượng. Minh Vương đang cung kính lễ bái tượng ấy. Tôi thưa hỏi nguyên do, mới biết đó là tượng Diên Thọ thiền sư ở chùa Vĩnh Minh tại Hàng Châu. Ngài đã vãng sanh về phẩm Thượng thượng nơi cõi cực Lạc. Minh Vương trọng đức nên kính thờ”.

Theo truyện ký, vào thời Ngô Việt Vương, tại Hàng Châu có Hòa thượng Hành Tu, trụ trì chùa Pháp Tướng. Ngài vốn con nhà họ Trần ở Tuyền Nam, sanh ra có tướng lạ, hai tai dài chấm tới vai, đến bảy tuổi vẫn không nói. Một hôm có người đùa hỏi, ngài bỗng ứng tiếng đáp: “Nếu không gặp bậc tác gia, nói cho lắm chỉ xô phá lầu khói mà thôi!”.

Sau ngài xuất gia ở chùa Ngõa Quan tại Kim Lăng, tham phỏng với Tuyết Phong thiền sư, ngộ được tâm ấn. Từ đó mãnh thú gặp ngài đều thuần thục, từng nổi tiếng là ông Tăng có nhiều sự phi thường, linh dị. Có một Đại đức hỏi: “Thế nào ý nghĩa của đôi tai dài?” Ngài không đáp, chỉ kéo dài hai tai mà biểu thị. Lại hỏi: “Chót núi phương Nam có khó đến chăng”?”. Ngài đáp: “Chỉ tại chưa từng đi đến”. Hỏi: “Sau khi đến rồi như thế nào?. Đáp: “Một mình nằm nghỉ đỉnh non cao”.

Ngô Việt Vương nhân khi đến chùa lễ Phật, có hỏi ngài Vĩnh Minh: “Bạch tôn đức! Thời nay có bậc chân Tăng nào khác chăng?” Đại sư đáp: “Có Hòa thượng Hành Tu, đôi tai dài, chính là Phật Định Quang ứng thân đấy!”. Vương tìm đến ngài Hành Tu cung kính đảnh lễ, tôn xưng là Định Quang Như lai ra đời. Ngài bảo: “Vĩnh Minh Đại sư thật khéo nhiều lời. Ông ta cũng chính là Phật A Di Đà ứng thân đó”. Nói xong, ngồi yên mà hóa. Ngô Việt Vương vội vã trở về chùa Vĩnh Minh định gạn hỏi hết, thì Đại sư cũng đã thị tịch.

Do đó, người đương thời truyền nhau: Vĩnh Minh đại sư là Phật A Di Đà ứng hóa nên hàng Tăng tục mới lấy ngày sanh nhật của Đại sư ngày 17 tháng 11 Âm lịch để làm lễ vía (kỷ niệm) cúng dường kính mừng Đức Phật A-Di-Đà thị hiện giáng sinh.

Đại sư là Tổ thứ ba của tông Pháp Nhãn, đồng thời cũng được tôn xưng là Tổ thứ sáu của tông Tịnh độ.

Đọc thêm: 48 lời đại nguyện của Đức Phật A Di Đà

2. Ngày vía Đức Phật A Di Đà là ngày nào?

Vì Kinh sách Tịnh Độ tông không ghi rõ ngày đản sinh, xuất gia thành đạo của Phật A Di Đà, nên người tu Tịnh Độ chọn ngày sinh của Vĩnh Minh Thọ Thiền Sư là ngày 17 tháng 11 Âm lịch hàng năm cử hành lễ vía, nhớ lại Đức Phật A Di Đà. Vĩnh Minh Thọ Thiền Sư được xem như là hoá thân của Phật A Di Đà.

Ngày vía Đức Phật A Di Đà là ngày nào?

3. Danh hiệu của Đức Phật A Di Đà

Phạn ngữ Buddha (Bụt đa), ta thường gọi là Phật, nghĩa là đấng giác ngộ (Giác giả): nơi đây, sự “tự giác”, “giác tha” và công hạnh giác ngộ đã cứu cánh viên mãn.

Nói cho rõ hơn, tức là bậc đã giác ngộ ngã chấp chứng lý nhơn không, dứt sạch kiến tư phiền não, giải thoát phần đoạn sanh tử; khác hẳn với phàm phu ngoại đạo còn tà kiến mê chấp ngã nhơn, khởi phiền não tạo nghiệp mãi trôi chìm trong biển khổ sanh tử.

Và là bậc đã giác ngộ pháp chấp chứng lý pháp không, phá sạch vô minh, thoát hẳn khổ biến dịch; khác với A-la-hán cùng Duyên Giác còn chấp lấy pháp, bị vô minh che mờ bản chơn, mãi mắc trong vòng biến dịch khổ. Mà cũng khác với hàng Bồ Tát, vì Bồ Tát dầu chứng lý mà chưa viên, dầu phá mê mà chưa tận, còn Phật thời đã cùng tận viên mãn.

Cứ theo các nghĩa trên, Đức Phật nên gọi là đấng Vô thượng (đối với Bồ Tát) Chánh đẳng (đối với Nhị thừa) Chánh giác (đối với phàm phu tà ngoại). Đây chính là danh từ A Nậu Đa La Tam Miệu Tam Phật Đà mà các Kinh luôn nói đến. Và còn cần phải hội ý nghĩa của mười hiệu: Như Lai, Ứng Cúng, Chánh Biến Tri, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Điều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhơn Sư, Phật Thế Tôn. Như thế mới hiểu rõ hạnh đức và trí huệ của Đức Phật.

Lòng kính ngưỡng với Đức Phật là điều quan trọng phải có nơi người niệm Phật. Muốn có lòng kính ngưỡng chơn chánh phải nhận chơn điểm cao thượng của Phật. Vậy độc giả cần nên tham cứu cho tinh tường.

Các danh từ trên là đức hiệu chung của chư Phật. Giờ đây chúng ta luận đến biệt hiệu của Đức Từ Phụ. Phạn ngữ Amita. Ta đọc trại A Di Đà, nghĩa là Vô Lượng.

Trong Kinh Di Đà, Đức Bổn Sư từng vì đại chúng mà định nghĩa hồng danh của Đức Từ Phụ : “Này Xá Lợi Phất ! Đức Phật đó vì sao hiệu là A Di Đà ? Này Xá Lợi Phất ! Đức Phật đó quang minh vô lượng, chiếu suốt mười phương không bị chướng ngại, nên hiệu là A Di Đà. Đức Phật đó và nhân dân trong nước của Ngài, thọ mạng vô lượng vô biên a-tăng-kỳ kiếp, nên gọi là A Di Đà”.

Vì quang minh vô lượng và thọ mạng vô lượng nên trong các Kinh gọi Đức Từ Phụ A Di Đà Phật là Vô Lượng Quang Phật (Kinh Hoa Nghiêm v.v…) mà cũng có nơi gọi là Vô Lượng Thọ Phật (Kinh Vô Lượng Thọ v.v…).

Trong Kinh “Phật Thuyết Vô Lượng Thọ”, Đức Bổn Sư bảo ngài A Nan: Đức Phật A Di Đà có oai thần quang minh tối tôn đệ nhứt, quang minh của chư Phật không sánh kịp, vì thế nên Đức Phật A Di Đà có 12 hiệu riêng:

  1. Vô Lượng Quang Như Lai
  2. Vô Biên Quang Như Lai
  3. Vô Ngại Quang Như Lai
  4. Vô Đối Quang Như Lai
  5. Diệm Vương Quang Như Lai
  6. Thanh Tịnh Quang Như Lai
  7. Hoan Hỷ Quang Như Lai
  8. Trí Huệ Quang Như Lai
  9. Nan Tư Quang Như Lai
  10. Bất Đoạn Quang Như Lai
  11. Vô Xứng Quang Như Lai
  12. Siêu Nhật Nguyệt Quang Như Lai
4. Ý nghĩa của danh hiệu A Di Đà Phật

1. ​Danh hiệu A Di Đà Phật bao hàm tất cả tánh tướng; lý sự; nhân quả tận hư không biến pháp giới, cho nên gọi là vạn đức hồng danh.

2. ​A DI ĐÀ PHẬT là tiếng Phạn, ý nghĩa là vô lượng trí; vô lượng giác.

3. ​A DI ĐÀ PHẬT cũng xưng là Vô Lượng Thọ Phật; Vô Lượng Quang Phật, thật ra Quang và Thọ chỉ là một phần trong vô lượng, không thể diễn đạt hoàn toàn ý nghĩa của câu Phật hiệu này.

4. ​Nghĩa lý của danh hiệu này vô cùng sâu rộng, nếu không hiểu được nghĩa lý bao hàm trong danh hiệu, thì không đạt được hiệu quả mong muốn.

5. ​Niệm A DI ĐÀ PHẬT là niệm chân tâm của chính mình, và niệm bổn danh đức tánh của chính mình.

6. ​Dùng danh hiệu A DI ĐÀ PHẬT để đánh thức tự tánh của chúng ta.

7. ​Dùng danh hiệu A DI ĐÀ PHẬT để phá mê khai ngộ, tìm lại bản tánh chân như.

8. ​Niệm niệm giác mà không mê, chánh mà không tà, tịnh mà không nhiễm, tức là tự tánh Di Đà.

9. ​Niệm “A DI ĐÀ PHẬT”, trong một đời sẽ thành tựu viên mãn Phật quả, cho nên nói rằng công đức danh hiệu không thể nghĩ bàn.

10. ​Công việc hàng ngày vẫn làm, nhưng trong tâm luôn giữ câu A DI ĐÀ PHẬT.

11. ​Không hiểu về thường thức Phật học cũng không sao, niệm câu A DI ĐÀ PHẬT vẫn được vãng sanh.

12. ​Đối với thân tình và oan gia trái chủ đều phải xem đạm bạc, nhất tâm chuyên niệm A DI ĐÀ PHẬT mới được vãng sanh.

13. ​Trong tâm chỉ có A DI ĐÀ PHẬT, không có ý niệm gì khác sẽ được tự tại vãng sanh.

14. ​Lúc lâm chung chỉ khi thấy A DI ĐÀ PHẬT thì mới đi theo Ngài.

15. ​Tâm nguyện ngôn hành cùng A DI ĐÀ PHẬT tương ứng, nhất định sẽ thành Phật.

16. ​Tất cả pháp từ tâm tưởng sanh, có bệnh không nghĩ về bệnh, mà nghĩ đến A DI ĐÀ PHẬT thì bệnh sẽ hết ngay.

17. ​Người nghiệp chướng sâu dày, chỉ có câu Phật hiệu “A DI ĐÀ PHẬT” này mới có thể cứu được.

18. ​Cảnh duyên hiện tiền, niệm câu A DI ĐÀ PHẬT thì việc gì cũng đều được giải quyết.

19. ​Dùng tịnh nghiệp của chúng ta để cảm ứng nguyện lực từ bi của A DI ĐÀ PHẬT.

20. ​Người niệm Phật phải đồng tâm đồng nguyện; đồng đức đồng hạnh với A DI ĐÀ PHẬT.

21. ​A DI ĐÀ PHẬT là danh hiệu của tất cả chư Phật, trì câu Phật hiệu này giống như trì danh hiệu của tất cả chư Phật, sẽ được tất cả chư Phật hộ niệm.

22. ​Niệm câu A DI ĐÀ PHẬT này, sẽ cảm động đến tận hư không biến pháp giới tất cả chư Phật Như Lai, và được toàn thể thần hộ pháp gia hộ.

23. ​Trong Kinh A Di Đà có nói đến chư Phật, tức là A DI ĐÀ PHẬT.

24. ​Chánh niệm là A DI ĐÀ PHẬT.

25. ​Niệm A DI ĐÀ PHẬT là thiện trong thiện; phước trong phước.

26. ​Chúng ta niệm “A DI ĐÀ PHẬT” là nhắc nhở chính mình, từ sáng đến tối, đối người đối sự đối vật, nhất định phải giác ngộ, không mê hoặc điên đảo, không tự tư tự lợi.

27. ​Niệm A DI ĐÀ PHẬT được tăng trưởng phước huệ; gặp hung hóa kiết; gặp dữ hóa lành; sự việc như ý.

28. ​Tin tưởng mình là A DI ĐÀ PHẬT, nhất định sẽ thành Phật.

29. ​Tin tưởng mình nhất định sẽ đến thế giới Cực Lạc, thì chắc chắn sẽ đến được.

30. ​Dùng một niệm A DI ĐÀ PHẬT để ngưng tất cả vọng niệm.

31. ​Khi ý niệm vừa khởi, thì dùng câu “A DI ĐÀ PHẬT” tiêu trừ ý niệm đó, đây gọi là biết dụng công phu.

32. ​Khi ý niệm vừa khởi, thì dùng câu “A DI ĐÀ PHẬT” san bằng trong tâm những hỷ nộ ái lạc, đây gọi là thật dụng công phu, đây gọi là biết niệm Phật.

33. ​Từ sáng đến tối, trong tâm luôn có A DI ĐÀ PHẬT, không có ý niệm nào khác, gọi là công phu thành phiến.

34. ​Từ sáng đến tối, dùng ý niệm “A DI ĐÀ PHẬT” này, giữ gìn tâm mình thanh tịnh, gọi là giác ngộ.

35. ​Dùng câu “A DI ĐÀ PHẬT” này san bằng tập khí phiền não của mình, gọi là “Đới nghiệp vãng sanh”.

36. ​Một câu A DI ĐÀ PHẬT , tương ứng cùng Tam Học (Giới Định Huệ), Tam Huệ (Văn Tư Tu), Tam Tư Lương (Tín Nguyện Hành), gọi là nhất tâm xưng niệm.

37. ​Trong lúc nguy nan, có thể đặc biệt cầu khẩn A DI ĐÀ PHẬT đến tiếp dẫn.

38. ​Có hai hạng người thật sự muốn buông bỏ Kinh giáo mà lão thật niệm Phật: một là hạng người triệt để giác ngộ, hai là hạng người thiện căn rất sâu dày.

39. ​Trong tâm mỗi niệm chỉ có A DI ĐÀ PHẬT, người này là người ở cõi thế giới Cực Lạc.

40. ​A DI ĐÀ PHẬT là vô thượng trân bảo, thế gian và xuất thế gian tất cả chư pháp đều không sánh bằng.

41. ​Triển khai câu “A DI ĐÀ PHẬT”, là Tam Tạng mười hai phần giáo, đây là tâm điểm giáo pháp của Đức Thế Tôn.

42. ​Tất cả Kinh do Phật Thích Ca Mâu Ni giảng trong bốn mươi chín năm, đều ở trong câu Phật hiệu này.

43. ​Đức Thế Tôn một đời giảng dạy, chủ yếu chính là câu “A DI ĐÀ PHẬT”.

44. ​Đức Thế Tôn và thập phương tam thế chư Phật (chư Phật ba đời quá khứ, hiện tại, vị lai {tương lai}), đều xưng tán A DI ĐÀ PHẬT là “quang trung cực tôn, Phật trung chi vương” (“quang trung cực tôn, Phật trung chi vương”: quang minh tôn quý nhất, là vua trong các vị Phật).

45. ​Người thật sự tin tưởng pháp môn Tịnh độ, một câu Phật hiệu là đầy đủ rồi.

46. ​Bổn nguyện của Phật Thích Ca Mâu Ni là muốn chúng ta niệm A DI ĐÀ PHẬT , cầu sanh Tịnh độ.

47. ​“NAM MÔ A DI ĐÀ PHẬT” là tiếng Phạn, nghĩa là quy y vô lượng giác.

48. ​Tự tánh của mỗi người đều là vô lượng giác, nếu bạn hồi phục được vô lượng giác, thì bạn chính là A DI ĐÀ PHẬT.

Tu công đức gì cũng không bằng niệm A DI ĐÀ PHẬT.

Thật sự hôm nay bạn có in một ức (một trăm triệu – theo như cách dùng của người nói tiếng Hoa hiện nay) bộ Kinh Đại Tạng để bố thí cúng dường cũng không bằng niệm câu A DI ĐÀ PHẬT này. Bạn hoàn toàn không biết rằng, một câu A Di Đà Phật bao gồm hết tất cả giáo pháp tuyên dương của thập phương tam thế (mười phương ba đời) nhất thiết chư Phật biến pháp giới hư không giới, bạn tìm đâu được pháp môn này? Không niệm A Di Đà Phật bạn niệm gì đây?

Bạn có lòng tốt thành tựu cho một số người nhưng chính mình đọa lạc. Người thật sự niệm Phật vãng sanh rồi, bạn đã trồng thiện căn, nhưng chính bạn không được thành tựu. Bạn cần phải hiểu cái đạo lý này, phải suy tính rõ ràng. Đừng để sau này chính mình đọa vào địa ngục lại oán trời trách người, cho rằng tôi làm nhiều việc tốt trong Phật môn như vậy, vì sao lại phải đọa địa ngục? Tạo nghiệp địa ngục thì phải đọa địa ngục.

Có nhiều người bề ngoài thì buông xả, nhưng trong tâm thì không; khi khởi tâm động niệm không nghĩ đến Phật, Bồ Tát; mà nghĩ đến những người, sự, vật do trong tâm họ ưa thích, ý nghĩ đầu tiên thì nghĩ điều này, không nghĩ đến A Di Đà Phật, vì vậy rõ ràng là không nương tựa được. Niệm cuối cùng đó sẽ quyết định bạn về đâu, cho nên giả thì phải buông bỏ, thật thì phải nắm lấy. Câu A Di Đà Phật là thật, bạn phải nắm lấy, giả thì buông xả hết, không thể làm cái giả nữa.

Sám trừ nghiệp chướng là cần thiết, là phàm phu ai lại không tạo nghiệp? Tạo nghiệp thì mỗi ngày phải sám hối. Người niệm Phật dùng cách nào để sám hối? Niệm A Di Đà Phật chính là sám hối, cái ý nghĩa này rất thâm sâu. Một câu A Di Đà Phật tức là sám hối nghiệp chướng. Trong tâm ta chỉ có A Di Đà Phật, chính trong một câu A Di Đà Phật này, nghiệp chướng; phiền não và tập khí của chúng ta đều hóa giải hết.

Nếu câu A Di Đà Phật này của chúng ta vẫn còn tạp nhiễm, vậy là dù có sám hối thì nghiệp chướng vẫn còn không thể hết được.

Ngày đêm chỉ có A Di Đà Phật, ngoài ra đều không có gì, ngay cả nghiệp chướng và phiền não cũng không còn.

Đại Lão Hoà Thượng Thượng Tịnh Hạ Không khai thị!

Tâm Hướng Phật/TH!

Bài viết cùng chuyên mục

Làm thế nào để biết người chết có được vãng sanh hay không?

Định Tuệ

Điều quan trọng nhất trong nền giáo dục của nhà Phật là phải dạy người nhận thức tự tánh

Định Tuệ

Lý giải về hiện tượng đồng bóng, Đồng cô bóng cậu

Định Tuệ

Chúng ta niệm Phật A Di Đà, Phật A Di Đà cũng niệm chúng ta

Định Tuệ

23 cách tạo phước đức và công đức vô lượng

Định Tuệ

Vọng tưởng, vọng niệm là gì? Làm sao để trị vọng tưởng?

Định Tuệ

Trì Chú Lăng Nghiêm quan trọng nhất là phải nghiêm trì giới luật

Định Tuệ

Niệm Phật là nhân, thành Phật là quả

Định Tuệ

Không tu thập thiện nghiệp tất cả phước tu được không chân thật

Định Tuệ

Viết Bình Luận