Tâm Hướng Phật
Kiến Thức

Ngũ triền cái là gì? Phật dạy phương pháp đoạn trừ năm triền cái

Ngũ triền cái hay năm triền cái, ngũ cái, là năm chướng ngại trong khi hành thiền bao gồm: Tham dục, sân hận, hôn trầm – thuỵ miên, trạo cử – hối quá và Nghi cái.

1. Ngũ triền cái là gì?

Ngũ triền cái là gì? Ngũ triền cái còn gọi là năm triền cái hay ngũ cái, bao gồm: Tham dục cái, sân hận cái, hôn trầm – thuỵ miên cái, trạo cử – hối quá cái và Nghi cái. Đối với người tu Thiền thì năm triền cái này chính là các ác pháp, tà pháp làm cho hành giả tu Thiền không thể đạt được Tâm yên lặng, định tĩnh, là nền tảng phát huy trí huệ đưa đến Giác ngộ, Giải thoát.

Trong năm pháp này thì tên gọi tuy là giống như hạn hẹp mà nghĩa lý bao gồm ba độc, cũng thâu nhiếp tất cả tám vạn bốn ngàn trần lao. Thứ nhất là tham dục cái, chính là Tham độc. Thứ hai là sân hận cái, chính là Sân độc. Thứ ba là thụy miên cái, chính là Si độc. Còn một loại là trạo hối cái, chính là thâu nhiếp tất cả các phạm vi. Hợp lại làm thành bốn phần phiền não, trong một thì có hai vạn một ngàn, trong bốn hợp lại thì có tám vạn bốn ngàn các phần trần lao.

Vì vậy nếu như có thể loại trừ năm cái này, thì có thể từ bỏ tất cả các pháp bất thiện. Ví như mắc nợ được trừ nợ, bệnh nặng được chữa lành; như người đói khát đến được đất nước giàu có, như ở giữa giặc cướp hung giữ mà tự mình được cứu khỏi an ổn không lo sợ.

Hành giả cũng như vậy, loại trừ năm cái này thì tâm tư được thanh tịnh. Ví như mặt trăng bị 5 sự che lấp, khói – mây- bụi – sương mù – tay của Tu La che chắn, thì không sáng tỏ được; tâm cũng như vậy, kết hợp thí dụ có thể biết.

Đức Phật dạy muốn loại trừ năm triền cái: “Tỷ kheo tự mình quán năm triền cái chưa xả ly, như món nợ, như bệnh hoạn, như ngục tù, như cảnh nô lệ, như con đường sa mạc” để ghê sợ mà viễn ly nó, thì con đường tu Thiền mới được suôn sẻ. Trước hết chúng ta cần tìm hiểu ý nghĩa của mỗi triền cái như thế nào rồi mới áp dụng phương pháp Phật dạy để xa lìa nó.

Tham dục cái

Là sự ham muốn được là tướng nam hay nữ đẹp đẽ, được nghe âm thanh ngọt ngào, mùi hương hấp dẫn, vị ngon của thức ăn nước uống và những cảm giác êm dịu đê mê của thân khi xúc chạm.

Nói chung đó là những mong cầu dục lạc qua năm giác quan như sắc dục, thanh dục, hương dục, tỷ dục, vị dục, xúc dục và những ước muốn không bao giờ biết đủ về mưu cầu tiền bạc, người đẹp, danh thơm tiếng tốt cũng như uy quyền tột đỉnh của ý dục. Ngoài ra tham dục còn được kể đến như lòng khao khát ham muốn hưởng thụ khoái lạc trong những hoạt động tình dục, ăn ngon ngủ kỷ, thích này thích nọ, không muốn chịu đựng những cảm giác đau đớn, phiền muộn mà muốn luôn được sảng khoái dễ chịu trong mọi hoàn cảnh. Đó là những đòi hỏi của bản năng con người.

Người đời thường nói ham muốn càng nhiều thì phiền não càng gia tăng. Điều này thật đúng, nhưng rất tiếc, tuy biết thế nhưng đa số con người vẫn luôn ngụp lặn trong tranh giành được mất hơn thua do tham dục đòi hỏi, rồi than đau, than khổ!

Người tu hành là người tỉnh ngộ muốn thoát ra khỏi cuộc sống dằn vặt bởi những ham muốn đó. Tu hành pháp môn nào cũng phải biết tri túc thiểu dục, nhất là tu Thiền lại càng phải đoạn trừ tham dục thì Tâm mới an ổn. Nếu còn khởi niệm ham muốn cái này, ham muốn cái kia thì sẽ khiến Tâm lúc nào cũng lăng xăng dao động không đạt được mục đích an tịnh.

Như luận Trí Độ nói: “Thuật Bà Già vì nghĩ đến Vương Nữ, tâm dục bên trong bùng phát hãy còn có thể đốt cháy thân hình, lan dài đến miếu thờ trời, huống hồ phát sanh dục vọng hiểm ác, hừng hực mà không cháy ư? Các thiện pháp nếu như tâm đắm vào dục vọng thì không biết do đâu mà đến gần đạo. Cho nên Luận có kệ rằng:

Người tám quý tiến vào trong đạo
Ôm bình bát nhiếp phục chúng sanh
Tại sao phóng túng theo dục trần,
Chìm đắm vào tình chấp năm dục?
Đã từ bỏ năm thứ dục lạc,
Bỏ đi mà không quay lại nhìn,
Tại sao vẫn mong muốn đạt được,
Như người ngu tự ăn đồ bỏ.
Các dục cầu mong thì khổ sở,
Có được thì thêm nhiều sợ hãi,
Mất đi thì sanh nhiều phiền muộn,
Tất cả không nơi nào vui được.
Các tai họa như vậy chấm dứt,
Tại sao có thể từ bỏ,
Được phước thiện thiền định yên vui,
Thì không bị mọi điều lừa dối”.

Sân hận cái

Sân hận cái nghĩa là Tâm tức giận đối với những hoàn cảnh không vừa ý hay do người khác làm trái ý mình. Người sân hận là người mang tâm trạng muốn chống đối, trừng phạt, gây gổ hay tàn phá.

Sân hận là trạng thái tiêu cực tiềm ẩn trong mỗi con người, nó sẽ bộc phát khi gặp điều kiện thích hợp tác động. Cảnh báo sự độc hại của sân hận, Đức Phật cho biết tham, sân, si là tam độc, nó có khả năng phá hoại tâm hồn và thể xác con người không chỉ đời này mà còn nhiều đời sau.

Trong kinh còn cho rằng sân hận tàn khốc và nguy hiểm hơn lửa dữ, nó như là giặc cướp, như là rắn độc, một niệm sân hận dễ dàng đốt cháy cả rừng công đức, cho nên phải tìm đủ mọi cách để ngăn chận loại trừ nó.

Sân hận có nhiều trạng thái, mức độ biểu hiện khác nhau ví dụ như: Chán ghét, buồn phiền, bực tức, giận hờn, nổi nóng, oán hận, căm thù. Sân hận biểu lộ qua hành vi nét mặt, lời nói và trong ý nghĩ.

Biểu lộ bằng thái độ như nhăn mặt, nhíu mày, trợn mắt, nghiến răng. Biểu lộ bằng lời nói như la hét, quát tháo, chửi bới. Biểu lộ qua cử chỉ hành động như quăng ném đồ đạc, đánh đập, hành hạ, đâm chém, giết người…

Có khi nỗi sân hận oán thù không biểu hiện ra ngoài mà giữ kín trong lòng theo kiểu “sống để dạ chết mang theo” đồng nghĩa “đây là mối thù truyền kiếp” từ đời này qua đời khác. Sân hận khiến người ta tạo nghiệp xấu qua lời nói, ý nghĩ và hành động. Nó là nguyên nhân bất thiện đưa tới quả luân hồi sinh tử.

Đối với người tu Thiền, sân hận là sự chán ghét vào chính đối tượng thiền quán trong lúc tọa Thiền. Nó khiến hành giả dễ dàng bỏ rơi đề mục đang tu tập, chuyển tâm qua những mục tiêu khác.

Như trong luận Trí Độ, Thích Đề Bà Na dùng kệ thưa hỏi Đức Phật rằng:

Vật gì giết chết sự an ổn,
Vật gì giết chết sự vô ưu,
Vật gì là gốc của độc hại,
Nuốt mất tất cả các điều thiện?

Đức Phật thuyết kệ trả lời rằng:

Giết chết sân hận thì an ổn,
Giết chết sân hận thì vô ưu,
Sân hận là gốc của độc hại,
Sân hận diệt đi mọi điều thiện”.

Biết như vậy rồi nên tu Từ Ba, lấy Nhẫn Nhục trừ diệt khiến cho tâm thanh tịnh, quán xét âm thanh trống rỗng không thật thì không nên dấy lên sân hận. Vì vậy luận Trí Độ nói: “Bồ tát biết các pháp bất sanh bất diệt, tánh ấy đều rỗng không. Nếu như người sân hận mắng nhiếc, hoặc đánh hoặc giết, thì giống như mộng ảo như huyễn hóa”. Quán xét âm thanh vốn không có, chỉ là tiếng gió thuận theo duyên mà có, đâu cần phải đáng sân hận? Do đó Luận nói: “Như lúc người sắp nói thì gió trong miệng gọi là Ưu Đà Na, vào lại đến rốn, chạm đến rốn phát ra tiếng vang, lúc tiếng vang phát ra tiếp xúc với bảy chỗ mà dấy lên, thì gọi là ngôn ngữ. Như kệ nói:

Hơi gió gọi là Ưu Đà Na,
Chạm đến rốn mà phát lên trên,
Hơi gió này tiếp xúc bảy chỗ,
Đỉnh đầu và lợi răng cùng môi,
Lưỡi yết hầu cho đến phần ngực,
Trong này ngôn ngữ phát sanh ra,
Người ngu si không hiểu như vậy,
Mê muội chấp trước nổi sân si”.

Còn trong Kinh Ưu Bà Tắc nói: “Người có trí, nếu gặp mắng chửi tệ hại nên dấy lên nghĩ rằng: Chữ mắng chửi này không cùng lúc phát sinh, chữ đầu phát sinh thì chữ sau chưa có, chữ sau sanh rồi thì chữ đầu lại diệt đi. Nếu không cùng lúc thì thế nào là mắng, dứt khoát là tiếng gió thì tại sao mình sân hận”? Vì vậy trong luận Trí Độ nói: “Bồ tát quán xét chúng sanh, tuy rằng trăm ngàn kiếp mắng chửi mà không sanh tâm sân hận, nếu trăm ngàn kiếp ca ngợi thì cũng không vui sướng, bởi vì biết rõ âm thanh sanh biệt như mộng ảo như tiếng vang”.

Hôn trầm – thụy miên cái

Là sự mệt mỏi của Thân và sự dã dượi của Tâm. Là trạng thái nặng nề uể oải của cơ thể và sự mơ màng của tâm thức. Trạng thái đầu tiên khi hành giả toạ Thiền là đánh mất Chánh niệm, phóng tâm lang thang ra khỏi chủ đề, sau đó rơi vào trạng thái vô ký nửa mê nửa tỉnh. Đây là trạng thái Tâm không ngủ mà cũng không thức gọi là hôn trầm.

Tu Thiền là rèn luyện Tâm. Khi Thân uể oải, Tâm ngầy ngật thì ta không có nghị lực để làm bất cứ chuyện gì. Không có nghị lực sẽ đưa đến hôn trầm. Hôn trầm làm cho niệm Biết mất đi sự rõ ràng, tiến tới sự rời rạc, yếu ớt và biến mất. Từ đó đưa đến thụy miên là ngủ gục trong lúc toạ thiền mà ta không hay biết.

Như trong luận Trí Độ nói: “Bồ tát chỉ dạy nhắc nhủ đệ tử về chuyện ngủ say sưa, thuyết kệ rằng:

Các ông đừng ôm thây chết mà nằm ngủ,
Các loại bất tịnh giả danh là con người,
Như gặp bệnh nặng hay mũi tên đâm thân,
Những nỗi đau khổ quy tụ sao đáng ngủ?
Như người bị trói chặt dẫn đi giết chết,
Tai họa sắp đến lẽ nào có thể ngủ?
Giặc phiền não không diệt tai họa chưa trừ,
Như cùng rắn độc trú ngụ chung một nhà,
Cũng như lâm trận giữa gươm dao sáng lòe,
Lúc bấy giờ làm sao mà có thể ngủ?
Ngủ là tối tăm không trông thấy được gì,
Ngày ngày lừa dối giành ánh sáng con người,
Vì ngủ che tâm không trông thấy điều gì,
Mất mát lớn như vậy sao có thể ngủ?”

Trạo cử – hối quá cái

Trạo cử có hai mặt, trạo cử nơi Thân và trạo cử nơi Tâm. Thân thì không lúc nào ngồi yên một chỗ, cứ lắc lư thay đổi thế ngồi, mắt liếc nhìn qua lại. Hoặc do sự tinh tấn hành trì quá sức chịu đựng khiến cho cơ thể bị rả rời hay đau nhức, dễ đưa đến tình trạng chán nản lười biếng trong việc tu tập.

Trạo cử của Tâm là trạng thái Tâm bị các niệm lăng xăng xẹt vô, xẹt ra, chi phối trong lúc hành Thiền. Tâm này trong kinh gọi là “tâm lang thang” hết suy nghĩ chuyện này sang suy nghĩ chuyện khác như chú khỉ chuyền cành không bao giờ chịu ngồi yên, hoặc là không hài lòng với đề mục tu tập nên phóng tâm ra ngoài tìm những đề mục khác hứa hẹn tốt hơn. Tìm những đề mục khác có nghĩa là hành giả đang bị sự nghi ngờ chi phối.

Hối quá là trạng thái đặc biệt khác của trạo cử thuộc về Tâm. Tâm không yên là bởi lương tâm cắn rứt hối hận những lầm lỗi đã qua. Đó là nghiệp quả của các hành động bất thiện trong quá khứ khiến cho Tâm không được an ổn trong lúc hành Thiền.

Nghi ngờ cái

Trạng thái Tâm luôn do dự, không nhất quyết nhận ra điều nào thực sự đúng và điều nào thực sự sai, nghĩa là trong Tâm còn nhiều thắc mắc về khả năng tu tập của chính mình, hoặc nghi ngờ pháp học pháp hành không biết có đúng không? Có khi nghi ngờ khả năng chứng đắc của Thầy mình, hay chưa chắc chắn tin vào Tam Bảo.

Nghi ngờ cũng có thể xem như là một trạng thái khác của trạo cử, khi trong đầu có quá nhiều kiến thức, nhiều khái niệm do đó Tâm rơi vào trạng thái lưỡng lự, không quyết định. Vì thế, những câu hỏi, những thắc mắc trong lúc tọa Thiền cần phải được giải quyết một cách rõ ràng thấu đáo trước khi thực hành.

Khi quyết định chọn tu Thiền, hành giả phải có niềm tin vững chắc, hiểu rõ phương pháp kỹ thuật hành Thiền, hiểu rõ đề mục tu tập và hiểu rõ mục đích tu tập này đi về đâu.

2. Cách đối trị ngũ triền cái

Năm triền cái đó là Tham dục cái, sân hận cái, hôn trầm – thuỵ miên cái, trạo cử – hối quá cái và Nghi cái. Vậy muốn tiêu diệt, đối trị chúng, hành giả phải làm như thế nào, dùng phương pháp gì?

Đức Phật dạy: “Không có một pháp nào làm cho tham dục chưa sinh khởi không sinh khởi, tham dục đã sinh khởi được đoạn trừ bằng pháp bất tịnh tướng. Này các Tỳ-kheo, như lý tác ý về bất tịnh tướng, sẽ làm cho tham dục chưa sinh khởi không sinh khởi, tham dục đã sinh khởi sẽ được đoạn trừ”.

Thật vậy, nhờ pháp quán bất tịnh tướng, hành giả sẽ khởi lên được tâm ly tham dục do thấy được tướng bất tịnh. Ví dụ như quan sát về ba mươi hai thể trược của thân, các tướng hư hoại tan rã của tử thi, từ đó, tâm tham dục được ngăn chặn và đoạn trừ.

Đối với sân hận cũng vậy, Phật dạy: “Không có một pháp nào làm cho sân hận chưa sinh khởi không sinh khởi, sân hận đã sinh khởi được đoạn trừ như từ tâm giải thoát…”. Nghĩa là hành giả cần tu tập tâm từ để đoạn trừ sân hận, giống như người mẹ thương đứa con nhỏ của mình. “Lấy tình của mẹ thương con, mà thương kẻ khác oán hờn sẽ tan”. Dùng tâm từ để dập tắt sân hận, như giọt nước cam lồ dập tắt ngọn lửa sân.

Và để đối trừ với hôn trầm, đức Phật dạy: “Không có một pháp nào làm cho hôn trầm chưa sinh khởi không sinh khởi, hôn trầm đã sinh khởi được đoạn trừ như là pháp tinh cần giới, tinh tấn giới, dõng mãnh giới…”.

Khi hành thiền mà hành giả rơi vào hôn trầm thụy miên, cần phải khởi tâm tinh cần, tinh tấn, dõng mãnh để chiến thắng cơn hôn trầm; tìm mọi cách để vượt qua và dập tắt nó bằng sức dõng mãnh của hành giả. Với tâm tinh tấn, tinh cần thì thụy miên, hôn trầm không còn là trở ngại nữa.

Để đối trị lại triền cái trạo hối, Phật dạy “tâm tịnh chỉ”, là pháp giúp cho trạo hối chưa sinh khởi không sinh khởi, và trạo hối đã sinh khởi sẽ được đoạn trừ. Tâm được tịnh chỉ sẽ ở yên một chỗ, không phóng ra bên ngoài; thân không lăng xăng, tâm không buông lung mà luôn an định.

Cuối cùng, để đối trị với nghi hoặc, Phật dạy pháp như lý tác ý. Nhờ như lý tác ý, nghi chưa sinh sẽ không sinh, nghi đã sinh sẽ được đoạn trừ. Do như lý tác ý sẽ nhìn nhận đúng về các pháp, giúp hành giả có cái nhìn đúng, không còn nghi ngờ. Từ đó, tu tập thăng tiến và an lạc hơn.

Tóm lại, vừa rồi đã trình bày sơ lược về năm triền cái. Hành giả thấy rõ sự nguy hại của chúng, và cách đối trị, loại bỏ chúng ra khỏi tâm. Từ đó, hành giả có được an lạc trong quá trình tu tập, giác ngộ giải thoát. Có phương pháp đối trị và với tâm dõng mãnh, nhất định sẽ đạt được kết quả viên mãn.

Tâm Hướng Phật/TH!

Bài viết cùng chuyên mục

Phổ Hiền Bồ Tát là ai? Phổ Hiền Bồ Tát tượng trưng cho điều gì?

Định Tuệ

Tội trộm cắp đồ vật của Tam Bảo còn nặng hơn tội giết cha mẹ

Định Tuệ

Muốn học tốt oan nghiệt tìm, muốn thành Phật trước gặp ma

Định Tuệ

Kỳ tích vãng sanh: Bông hồng hóa đá

Định Tuệ

Bố thí người bần khổ được phước báu như cúng dường Chư Phật

Định Tuệ

Làm sao để biết được lúc nào người thân mới rời khỏi ác đạo?

Định Tuệ

Phước báo hữu lậu nhất định không hưởng thụ

Định Tuệ

Kẻ Ngũ Nghịch Thập Ác lâm chung niệm Phật mười niệm cũng sanh về Cực Lạc

Định Tuệ

Như thế nào gọi là duyên thành thục?

Định Tuệ

Viết Bình Luận