Môn Tịnh Độ, đặc biệt với pháp Trì Danh niệm Phật, là đường lối dễ tu, điều này ai cũng có thể biết. Nhưng “dễ tu” lại có nhiều nghĩa, việc này vị tất mọi người đã am tường.
Tiết 59. Niệm Phật, Phương Pháp Dễ Tu
Môn Tịnh Độ, đặc biệt với pháp Trì Danh, là đường lối dễ tu, điều này ai cũng có thể biết. Nhưng “dễ tu” lại có nhiều nghĩa, việc này vị tất mọi người đã am tường.
Bởi tu các pháp môn khác, nếu từ Giáo mà đi vào, thì kinh điển mênh mang, nghĩa lý vô cùng sâu sắc. Trước tiên người học Phật phải lãnh hội nghĩa căn bản, rồi từ đó lần lượt ngộ giải những nghĩa sai biệt. Sau đó lại phải dung thông các đạo lý, rút lấy chỗ tinh hoa, và chọn lựa vạch mở đường lối tu tập để trọn đời noi theo. Sự kiện này nếu chẳng phí vài mươi năm công phu khổ nhọc, tất không thể hoàn thành. Nếu từ Luật mà đi vào, thì phải xuất gia, mà giới tướng rộng nhiều, hành giả cần phải rành rẽ về danh, chủng, tánh, tướng của các loại giới pháp. Lại phải có trí huệ để thông hiểu thế nào là nghĩa cùng ngữ, để áp dụng các điểm khai giá, trì, phạm tùy theo xứ sở thời cơ. Cho nên học kinh chưa phải là khó, học luật mà biết quyền biến khéo léo để không rời luật cũng không bị luật buộc ràng mới là khó. Hiểu rành xong về luật, lại phải có tinh thần nhẫn nại, có nghị lực chịu kham khổ, mới đi đến chỗ thành công. Nếu từ Thiền mà đi vào, như túc huệ chưa gieo, căn khí chẳng hợp, muốn đem cơ yếu kém để mong cầu pháp cao mầu, tất sự chia ánh sáng truyền đăng cũng tuyệt phần hy vọng. Cho nên ông Tạ Linh Vận, một danh sĩ học Phật khi xưa đã bảo: “Tu Thiền để thành Phật, phải là hàng huệ nghiệp văn nhơn.” Lời này vẫn không phải sai lầm hoặc quá đáng.
Riêng về pháp Trì Danh của môn Tịnh Độ, khi đã phát lòng tín nguyện, dù căn cơ nào cũng có thể niệm Phật tu hành. Lại các pháp môn khác duy cậy nhờ tự lực, môn Tịnh Độ đã dùng hết tự lực, còn được thêm phần tha lực. Sức tha lực tức nguyện lực tiếp dẫn của Phật A Di Đà vô cùng lớn mạnh, dù người chưa sạch nghiệp hoặc, cho đến kẻ tạo nghiệp ác quá nặng biết hồi tâm niệm Phật, cũng được đón rước về Tây Phương. Cổ nhơn đã từng so sánh: “Tu các môn khác khó khăn vất vả như con kiến bò lên non cao. Niệm Phật vãng sanh mau chóng dễ dàng như đi thuyền theo nước xuôi gió thuận.” Lời này thật rất xác đáng. Hơn nữa, khi sanh về Cực Lạc rồi, sống trong cảnh đẹp mầu an thuận, thường gần gũi với Phật Bồ Tát, dù tu pháp môn nào cũng đều mau thành tựu, như lăn khúc gỗ tròn từ trên non cao xuống, thế vẫn tiến mãi không tạm dừng.
Tóm lược qua các điều trên, sự dễ tu của môn Tịnh Độ gồm có ba điểm: một là dễ thật hành, hai là dễ vãng sanh, ba là dễ thành Phật. Do sự dễ dàng đó mà kết quả tu chứng xưa nay về môn Tịnh Độ như ngọc chạm vàng khua tiếng vang thảnh thót, sen cười cúc mỉm mấy phẩm tươi thơm. Trong ấy lịch trình từ phàm phu cho đến khi thành Phật cũng có giai cấp mà cũng không giai cấp. Vì khi được vãng sanh tức đã thoát khỏi sống chết luân hồi, và niệm Phật tức là thành Phật. Như con tằm, nhộng, và bướm vẫn không thể chia phân, nói bướm nguyên là tằm, hay tằm là bướm cũng chẳng xa chi mấy.
Tiết 60. Từ Tán Tâm Sẽ Đi Đến Định Tâm
Miệng niệm Phật, tâm tưởng Phật, hoặc trụ nơi câu niệm Phật, gọi là Định Tâm Niệm Phật. Miệng niệm Phật, tâm không nhớ Phật mà suy nghĩ mông lung việc khác, đó là Tán Tâm Niệm Phật. Tán tâm mà niệm, hiệu lực so với định tâm yếu kém rất nhiều. Vì lẽ ấy, từ xưa đến nay các bậc thiện tri thức đều khuyên người cố gắng định tâm trì niệm, đừng để tán tâm. Cho nên tán tâm niệm Phật không đủ làm gương mẫu.
Tuy nhiên, mỗi tác động bên ngoài đều liên quan đến tiềm thức, tức là thức thứ tám ở bên trong. Nếu tán tâm niệm Phật hoàn toàn không công hiệu, thì sáu chữ hồng danh kia từ đâu phát hiện? Đã có sáu chữ hiện thành, tất phải có hai chuyển lực: một là do chủng tử, từ tiềm thức phát hiện ra ngoài. Hai là sức tác động từ ngoài lại huân tập trở vào bên trong. Cho nên chẳng thể nói tán tâm niệm Phật hoàn toàn không công hiệu, bất quá so với định tâm nó yếu kém hơn nhiều mà thôi. Lối niệm tán tâm từ xưa đến nay không được đề xướng, nhưng hàm ý và công dụng của nó cũng không thể phủ nhận. Vì thế cổ nhơn có lưu một bài kệ rằng:
Di Đà sáu chữ pháp trung vương,
Tạo niệm phân vân chớ ngại màng!
Muôn dặm phù vân che ánh nhật.
Nhơn hoàn khắp xứ ửng dương quang.
Bài kệ này suy ra có điều xác đáng. Bởi hạt giống niệm Phật nơi thức thứ tám khi thành thục, tất dẫn phát thức thứ sáu khiến cho sanh khởi tịnh niệm. Rồi từ thức thứ sáu lại cổ động ra năm thức trước để thành hiện hành. Nhưng vì lúc chủng tử niệm Phật trải qua thức thứ sáu, bởi trần nhiễm của chúng sanh sâu dày, nên bị các niệm khác lấn cướp, tuy có lọt khỏi vòng vây song ảnh hưởng còn lại chẳng bao nhiêu. Ví như ánh mặt trời tuy rực rỡ, nhưng vì bị nhiều lớp mây che, nên khi lọt xuống nhân gian, chỉ còn vẻ ửng sáng. Nhưng ánh sáng thừa ấy sở dĩ có, cũng do công năng ảnh hưởng của mặt trời. Biết được lẽ này, người tu Tịnh Độ đừng quá ngại màng đến tạp tưởng phân vân, chỉ liên tiếp niệm hết câu này sang đến câu khác, chánh niệm còn được bao nhiêu hay bấy nhiêu. Niệm như thế một lúc lâu, tự nhiên ngựa ý sẽ quay về tào, vượn lòng lần lần vào động. Niệm một lúc lâu nữa, thì chánh niệm hiển lộ rõ ràng, không cần gạn bỏ điều nhiếp, mà tự nhiên thành tựu. Hiểu được lẽ này thì chỉ quí niệm nhiều, đừng ngại tán tâm. Như nước tuy bợn đục, lóng mãi tất sẽ thành trong. Người tuy tạp niệm nhiều, niệm Phật lâu tất sẽ thành chánh niệm. Nên biết cổ đức khi đi đứng nằm ngồi và tất cả hành động đều niệm Phật. Nếu các vị ấy hoàn toàn dùng định tâm mà niệm, thì lúc đi đường tất phải vấp chạm, hoặc khi tả kinh hay làm việc cũng không thể thành công. Cho nên người xưa cũng có lúc phải phân tâm mà niệm, nhưng vẫn không rời câu niệm Phật, bởi dù có tán tâm vẫn không mất phần ảnh hưởng.
Đến đây, xin thuật một câu chuyện. Lúc nọ, có người đến hỏi một thượng tọa: “Thưa thật với thầy, tôi niệm Phật đã hơn mười năm nay mà vọng niệm vẫn còn nhiều, không biết cách chi trừ diệt. Tôi có đi nhiều nơi cầu hỏi phương pháp với những bậc đã tu trước mình. Vị này đưa kinh nghiệm này, vị kia dạy cách khác, có một đại đức lại khuyên tôi nên nín hơi niệm luôn hai mươi mốt câu rồi nuốt một cái. Tôi đã áp dụng qua đủ mọi phương thức, nhưng chỉ định tâm được lúc đầu, rồi sau có lẽ vì lờn quen nên vọng niệm trở lại như cũ. Không biết thầy có phương pháp nào hữu hiệu để dạy tôi chăng?”
Vị thượng tọa đáp: “Điểm thất bại đó do ông không bền lòng, mà cứ thay đổi đường lối. Nên biết phàm phu chúng ta từ vô lượng kiếp đến nay gây tạo nghiệp nhiễm vọng quá nhiều đâu thể nhứt thời mà thanh tịnh được! Chỗ cốt yếu là phải dụng tâm cho bền lâu. Tôi xin đưa ra đây hai thí dụ: Ví như một bình nước hôi nhơ dẫy đầy, ông đem nước thơm sạch đổ vào. Vì nước dơ đã đầy, nước sạch tất phải dội ra ngoài, song ít nhứt nó cũng lưu lại trong bình một vài giọt. Nếu ông cứ bền tâm đổ vào mãi, ngày kia bình nước hôi sẽ hóa ra nước sạch thơm. Lại ví như ông đau bịnh dạ dày, uống thuốc chi cũng đều ói mửa ra. Ông cứ bền lòng dùng ngay thuốc trị bịnh dạ dày mà uống, đừng thay đổi thuốc chi khác. Mỗi phen uống tuy có bị ói mửa, nhưng chất thuốc cũng lưu lại ít nhiều, lần lần bệnh của ông sẽ dứt. Bệnh phiền não vọng tưởng của chúng sanh cũng thế, dùng thuốc niệm Phật điều trị tự nhiên là thích đáng, nếu thay đổi mãi làm sao thành công? Như có người dùng phèn lóng nước, nó chưa kịp trong, lại nóng nảy vội quậy lên đổ muối vào, đổ muối chưa kịp trong, lại quậy lên đổ vôi bột vào. Cứ thay đổi mãi như thế, làm sao nước trong cho được? Thế nên vấn đề dứt vọng niệm, không phải do nơi thay đổi nhiều phương pháp, mà ở nơi lựa một phương pháp thích hợp rồi thật hành cho bền lâu là thành tựu.” Vị ấy nghe xong gật đầu cho là hữu lý.
Như đã nói, muốn được định tâm, điểm căn bản là phải dụng công cho bền lâu. Tuy nhiên nếu sợ niệm lực tán loạn, cần có phương tiện để tâm dễ yên tịnh, thì nên áp dụng pháp Thập Niệm Ký Số đã trình bày ở trước. Phép này do dùng hết tâm lực ghi nhớ từ một đến mười câu, nên dễ vào tịnh định. Nếu tâm còn rối loạn và không thể dùng phép Thập Niệm Ký Số, thì trong mỗi câu niệm chỉ cần chú tâm ghi giữ cho chắc một chữ “A”. Khi chữ A còn thì mấy chữ khác đều còn, nếu mê mờ để cho nó mất, tất năm chữ kia cũng mất. Lại chữ A cũng chính là chữ căn bản, và là mẹ của tất cả chữ. Chú tâm vừa niệm vừa ghi chắc chữ A, lâu lâu tự nhiên tâm và cảnh đều tiêu tan dung hợp thành một khối, lượng rộng lớn dường hư không, Phật và mình cũng đều mất. Lúc bấy giờ đương nhiên chữ A cũng không còn. Nhưng lúc trước nó mất là do bởi tâm xao động rối loạn, lúc này nó không còn chính thuộc về trạng thái dung hóa của thường định. Đây là hiện tượng tâm cảnh đều không, điểm sơ khởi để đi vào Niệm Phật Tam Muội.
Tiết 61. Mười Phương Tịnh Độ Và Đâu Suất Tịnh Độ
Trong mười phương quốc độ, có vô số cõi Phật mầu đẹp tinh sạch trang nghiêm, chẳng hạn như thế giới Tịnh Lưu Ly trong Kinh Dược Sư, thế giới Chúng Hương và Diệu Hỷ trong Kinh Duy Ma Cật. Nhưng tại sao ta không niệm danh hiệu chư Phật để cầu sanh về các Tịnh Độ ở mười phương, lại chỉ phát nguyện sanh về Cực Lạc? – Trong ấy có ba nguyên do:
1. Do sự giới thiệu khuyên dạy của đức Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni, bảo nên cầu sanh về cõi Cực Lạc. Theo lời cổ đức, thì ngoài sự kiện cõi Cực Lạc có nhiều duyên nhiệm mầu thích hợp cho việc nhiếp hóa căn cơ ở các cõi Uế Độ, đức Bổn Sư không muốn thuyết minh nhiều về những Tịnh Độ khác, sợ e chúng sanh khởi niệm so sánh phân vân, tâm không qui nhứt. Do việc đủ duyên nhiệm mầu để nhiếp hóa, mà không những riêng ở tại cõi Ta Bà, các chúng sanh ở vô số thế giới trong mười phương đều cầu về Cực Lạc.
2. Do đức A Di Đà Thế Tôn có 48 lời thệ rộng lớn trang nghiêm cõi Tịnh Độ, nguyện tiếp dẫn từ bậc Bồ Tát, cho đến hàng phàm phu nhiều tội ác.
3. Do vì chúng sanh ở cõi này có nhân duyên lớn với Phật A Di Đà và Bồ Tát Quán Thế Âm ở cõi Cực Lạc. Điều minh chứng là khi các Phật tử gặp nhau đều chào mừng bằng câu A Di Đà Phật và lúc bị tai nạn thường niệm danh hiệu đức Quán Thế Âm.
Bởi những lẽ trên, mà cõi Cực Lạc có những điểm ưu thắng để cầu sanh hơn các Tịnh Độ ở mười phương.
– Về Đâu Suất Tịnh Độ, Phương Luân cư sĩ, một vị uyên bác về Phật học đã trình bày ý kiến của ông như sau:
Tại thế giới này, về phương trên có cung trời Đâu Suất nội viện, do đức Di Lặc Bồ Tát làm chủ. Nơi ấy cũng tốt đẹp trang nghiêm, đức Di Lặc hằng thuyết pháp, chư thượng thiện câu hội tu hành, nên gọi là Đâu Suất Tịnh Độ. Trong Kinh Di Lặc Thượng Sanh và Hạ Sanh, đức Thích Tôn cũng giới thiệu quốc độ ấy rất tinh tường và khuyên nên cầu sanh. Sở dĩ có sự giới thiệu đó, bởi bản ý đức Thích Tôn muốn cho hành giả trước theo Di Lặc Bồ Tát học tập, tương lai lại theo ngài hạ sanh mà được đắc quả trong ba hội Long Hoa. Điều này chính do đức Bổn Sư khuyến tán, nhân đó người tu Phật cũng có nhiều vị cầu về Đâu Suất Tịnh Độ. Hơn nữa, Di Lặc Bồ Tát từng nói luận Du Già Sư Địa, Ngài là thỉ tổ của tông Duy Thức. Thế nên người tu về Duy Thức Tông phần nhiều đều có tâm nguyện cầu sanh Đâu Suất, cho chỗ tu hành tiến đến mức cao thâm. Đối với việc này, người cầu sanh Cực Lạc chỉ có tán thán đức Thích Tôn lòng từ bi vô lượng, khéo mở nhiều phương tiện độ sanh. Lại cũng tán dương những vị cầu về Đâu Suất tâm háo học không chán mỏi, ý nguyện trở xuống cõi trược để hóa độ rất tinh thành. Nhưng Đâu Suất nội viện chưa là cảnh tối thắng, và chẳng phải chỗ thành đạt chắc chắn cho những kẻ căn cơ trung, hạ. Bởi trong ấy có ba sự kiện:
1. Đâu Suất nội viện về y báo chẳng trang nghiêm rộng lớn nhiệm mầu bằng Cực Lạc. Về chánh báo lại cũng kém hơn, vì ở Tây Phương hiện có đức Phật A Di Đà đang thuyết pháp, vô lượng bậc Nhứt Sanh Bổ Xứ Bồ Tát giúp thêm phần khuyến tấn dắt dìu. Vả lại ở Cực Lạc dân chúng thọ mạng vô biên, là chỗ nương về tốt đẹp an ổn nhứt.
2. Đức Di Lặc không có bản nguyện tiếp dẫn như Phật A Di Đà sanh về Đâu Suất hoàn toàn nhờ tự lực, sợ e khi lâm chung bịnh khổ hôn mê, không nắm vững kết quả.
3. Đâu Suất nội viện rất khó vãng sanh. Như khi xưa Huyền Giác đại sư giới hạnh trang nghiêm, tham thiền ngộ đạo, thông suốt tam tạng đến chỗ sâu mầu. Khi lâm chung Ngài hội hàng đệ tử lại, làm kệ phó chúc xong, bỗng ngửa mặt lên hư không nói: “Lạ này, ta đã phát nguyện sanh về Đâu Suất nội viện, sao nay lại làm vị thiên chủ ở cung trời Dạ Ma?” Đệ tử thưa hỏi, Ngài bảo: “Chẳng phải việc các ngươi hiểu được.” Giây lát lại nói: “Trên trời tân khách thật đông nhiều!” Nói xong liền tịch.
Lại sau khi Phật diệt độ chín trăm năm, ở xứ Thiên Trúc có ba vị Bồ Tát huynh đệ với nhau, là Vô Trước, Thế Thân và Sư Tử Giác, tu môn Nhật Quang Định đồng phát nguyện sanh Đâu Suất nội viện. Ba người cùng ước hẹn, ai sanh lên trước phải xuống báo tin cho hay. Sau Sư Tử Giác mãn phần trước, trải qua ba năm tuyệt vô âm tín. Kế đó ngài Thế Thân viên tịch rồi cũng bặt tin luôn. Hai năm sau vào một buổi chiều tối, ngài Vô Trước đang ngồi giảng kinh, bỗng thấy giữa hư không ánh sáng chói lòa, một vị thiên tử áo mão trang nghiêm hiện xuống, tự xưng mình là Thế Thân, bảo đã được sanh lên Đâu Suất nội viện. Ngài Vô Trước hỏi: “Tại sao đến bây giờ mới cho hay?” Thế Thân đáp: “Em vừa sanh lên, được đức Di Lặc xoa đảnh thuyết pháp, nghe pháp xong đi nhiễu ba vòng rồi xuống đây liền. Bởi thời gian tại Đâu Suất một ngày đêm, ở dưới này đến bốn trăm năm, nên thành ra làm cho anh nhọc lòng chờ đợi.” Vô Trước lại hỏi: “Còn Sư Tử Giác ở đâu?” – Đáp: “Trong khi em đi nhiễu, nhìn ra thấy Sư Tử Giác lạc vào ngoại viện, đang say mê theo thiên nhạc.”
Như ngài Huyền Giác là bậc cao tăng, ngài Sư Tử Giác là hàng Bồ Tát, mà một vị chỉ lên đến cung trời thứ ba, một vị tuy lên được cung trời thứ tư, nhưng lại lạc vào ngoại viện, bị cảnh ngũ dục thắng diệu làm mê. Những bậc cao minh như thế mà còn không đạt được kết quả sanh về Đâu Suất Tịnh Độ, thì kẻ căn cơ dung thường, tất chưa dễ chiếm phần hy vọng. Nhớ lại khi xưa Bạch Lạc Thiên từng đề thi rằng:
Có người đi biển lại thần châu
Nói thấy cung viên hải đảo mầu
Thật đẹp, tiên đồng tay trỏ bảo:
Sẽ chờ Bạch Lạc bước lên lầu.
Đã mến không môn, chẳng học tiên
Chuyện ni e cũng việc hư truyền
Bồng Lai chẳng phải nơi ta ở
Về chỉ về cung Đâu Suất Thiên.
Bạch Lạc Thiên trước học tiên cầu về Bồng Lai, sau lại bỏ tiên học Phật cầu về Đâu Suất. Đến lúc tuổi già, ông lại niệm Phật cầu sanh về Cực Lạc. Đây có thể gọi là càng suy gẫm lựa chọn, càng đi đến chỗ tinh vi vậy.
Trích: Niệm Phật Thập Yếu – Tịnh Độ, Môn Giải Thoát Đặc Biệt!